"Giảm thuế theo cam kết FTA tác động không lớn tới ngân sách"

Số thu ngân sách từ hoạt động xuất nhập khẩu đang tăng dần theo từng năm mặc dù Việt Nam vẫn đang thực hiện cam kết giảm thuế nhập khẩu tại các hiệp định thương mại tự do (FTA) đã ký.
Với những hiệp định mới được hoàn thành, theo lãnh đạo Bộ Tài chính, việc dẫn tới giảm thu ngân sách là không lớn.

Đưa ra thống kê cụ thể hơn trong buổi họp báo tổ chức chiều nay (3/6) tại Hà Nội, ông Hà Duy Tùng, Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ Tài chính khẳng định, tỷ trọng thu ngân sách từ hoạt động xuất nhập khẩu trên tổng thu trong những năm qua có giảm nhưng về giá trị tuyệt đối là tăng.

Ông Tùng đưa ra ví dụ về số thu từ xuất nhập khẩu năm 2009 là khoảng 144.000 tỷ đồng, tới năm 2011, con số này lên 181.000 tỷ đồng và một năm sau là 217.000 tỷ đồng.

Theo ông, việc giảm thuế theo những cam kết tại các hiệp đinh thương mại tự do thực tế phải được nhìn nhận từ nhiều chiều.

"Giảm thuế nhập khẩu thì các hàng hóa nhập khẩu về có thể nhiều hơn và giúp tăng thu. Ngoài ra, thuế giảm nhưng tạo ra nhiều hoạt động kinh doanh trong nước thì ngân sách có thể thu những khoản khác như thuế thu nhập doanh nghiệp," lãnh đạo Vụ Hợp tác quốc tế nói.

Không tỏ ra lo lắng cho nguồn thu ngân sách nhưng đại diện Bộ Tài chính thừa nhận, một trong những thách thức thời gian tới là năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp vẫn ở mức thấp.

Đánh giá của ngành tài chính cũng thẳng thắn chỉ ra, một số ngành công nghiệp có thể mạnh hiện tại của Việt Nam như điện tử, dệt may, da giày, lắp ráp ôtô, xe máy thực tế vẫn chưa có ngành công nghiệp phụ trợ thực sự phát triển.

"Quá trình hội nhập kinh tế sâu rộng cũng là nguyên nhân làm bộc lộ rõ hơn những điểm yếu cố hữu của nền kinh tế nước ta, thể hiện rõ nhất ở chất lượng tăng trưởng giảm sút," đánh giá của ngành tài chính

Qua đó, lãnh đạo Bộ Tài chính cho biết, trong thời gian tới, để hỗ trợ doanh nghiệp, phía cơ quan Nhà nước sẽ rà soát lại quy hoạch phát triển ngành, vùng và tiến hành tham vấn cộng đồng doanh nghiệp để hoàn thiện khuôn khổ pháp lý theo hướng minh bạch, ổn định.

Đề cập riêng tới hàng rào kỹ thuật với hàng nhập khẩu, ông Hà Duy Tùng khẳng định đây là kinh nghiệm đã được nhiều phát triển hiệu quả trong quá trình hội nhập.

"Đây là trách nhiệm của nhiều bộ, ngành và chúng ta đang nghiên cứu xây dựng hoàn thiện," đại diện Bộ Tài chính nói./.

Trước đó, ngày 4/5 tại Hà Nội, Việt Nam và Hàn Quốc đã chính thức ký kết hiệp định Thương mại tự do song phương Việt Nam - Hàn Quốc (VKFTA). Theo hiệp định, Hàn Quốc cam kết dành cho Việt Nam ưu đãi xóa bỏ thuế quan và mở hạn ngạch đối với các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam như thủy sản (tôm, cua, cá đông lạnh, đóng hộp), nông sản, hoa quả nhiệt đới, và hàng công nghiệp như dệt, may, sản phẩm cơ khí,…

Tới ngày 29/5, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng và Thủ tướng các nước thành viên Liên minh Kinh tế Á-Âu bao gồm Nga, Armenia, Belarus, Kazakhstan và Kyrgyzstan đã ký chính thức hiệp định thương mại tự do.

Hiện nay Việt Nam đang đàm phán 4 hiệp định thương mại tự do gồm: Hiệp định Việt Nam - EU, Việt Nam - Bốn nước Bắc Âu (EFTA), Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) và Hiệp định Đối tác Chiến lược Xuyên Thái Bình Dương (TPP).