9 tháng, quản lý thị trường xử lý 19.489 vụ vi phạm quyền sở hữu trí tuệ

9 tháng đầu năm 2016, lực lượng quản lý thị trường đã tiến hành kiểm tra 29.403 vụ, phát hiện và xử lý 19.489 vụ vi phạm về hàng giả, kém chất lượng, vi phạm quyền sở hữu trí tuệ với số tiền xử phạt t

Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Nguyễn Trọng Tín cho biết, trong năm 2016, tình trạng vi phạm về hàng giả, hàng kém chất lượng và xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ tiếp tục là vấn đề gây bức xúc trong dư luận xã hội, tác động tiêu cực tới đời sống nhân dân; môi trường - môi sinh; sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, ảnh hưởng xấu tới thị trường và môi trường đầu tư trong nước. Nạn hàng giả, hàng kém chất lượng vẫn diễn biến phức tạp và xuất hiện những xu hướng mới, tinh vi hơn chuyên nghiệp hơn và mang yếu tố nước ngoài nhiều hơn.

Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Ban Chỉ đạo 389 quốc gia và Bộ Công Thương, Cục Quản lý thị trường đã triển khai nhiều chương trình, kế hoạch kiểm tra, kiểm soát thị trường tập trung vào các chuyên đề nổi cộm, gây nhiều bức xúc cho người dân và doanh nghiệp, cụ thể như: mũ bảo hiểm, điện tử, điện gia dụng, hàng hóa giả mạo và gian lận xuất xứ, xăng dầu, phụ tùng xe gắn máy, mỳ chính, bánh kẹo, xe đạp điện, thực phẩm chức năng, thương mại điện tử, phân bón, gas,...

Thống kê của Cục Quản lý thị trường cho thấy, trong 9 tháng đầu năm 2016, lực lượng quản lý thị trường đã tiến hành kiểm tra 29.403 vụ; phát hiện, xử lý 19.489 vụ vi phạm về hàng giả, kém chất lượng, vi phạm quyền sở hữu trí tuệ; với tổng giá trị hàng vi phạm trên 540 tỷ đồng; xử phát vi phạm hành chính số tiền trên 58 tỷ đồng. Trong đó, có 2.288 vụ giả về chất lượng; 1.534 vụ giả mạo về nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý, bao bì; 316 vụ xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ; 350 vụ vi phạm tem nhãn, bao bì hàng hóa; 22.850 vụ vi phạm nhãn hàng hóa.

Song song với việc xử phạt, lực lượng quản lý thị trường cũng tổ chức nhiều chương trình, hoạt động truyền thông, nâng cao nhận thức, như: hội thảo, hội nghị, tập huấn, triển lãm hàng thật - hàng giả, phát hành sổ tay, tổ chức ký cam kết, chương trình truyền thông chuyên đề về công tác chống hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ. Đồng thời tiếp tục phối hợp với các tổ chức, đối tác triển khai các chương trình hội thảo, tập huấn, truyền thông trong lĩnh vực phòng chống hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.