Ấn tượng tốt đẹp từ một chuyến đi

Sau Lễ Tổng kết và trao giải cuộc thi “Nét đẹp Người Thợ Điện Việt Nam”, Công đoàn Điện lực Việt Nam đã tổ chức để những người dự Lễ đi tham quan một số di tích và danh thắng ở ba tỉnh: Tuyên Quang, T

Điểm đến đầu tiên của đoàn là Khu di tích lịch sử Tân Trào (thuộc huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang). Tân Trào là khu di tích lịch sử của cách mạng Việt Nam thời kỳ Cách mạng tháng Tám, được xếp hạng trong số 23 di tích quốc gia đặc biệt. Đây là thủ đô lâm thời của khu giải phóng. Đoàn tham quan Lán Nà Lừa, nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh ở và làm việc từ tháng 6/1945 đến cuối tháng 8/1945. Tại đây, ngày 4/6/1945 Chủ tịch Hồ Chí Minh đã triệu tập Hội nghị cán bộ để củng cố căn cứ địa Cách mạng, thành lập khu giải phóng, chuẩn bị Hội nghị toàn quốc của Đảng và Quốc dân Đại hội. Đoàn thăm quan và chụp hình lưu niệm cạnh Cây đa Tân Trào lịch sử (nơi đây ngày 16/8/1945 Việt Nam giải phóng quân đã làm lễ xuất quân, đồng chí Võ Nguyên Giáp đọc bản quân lệnh số 1 và ngay sau đó hành quân về giải phóng Hà Nội). Đoàn tham quan Đình Tân Trào (được xây dựng theo kiểu nhà sàn, cột gỗ, mái lợp lá cọ, sàn lát ván, là nơi đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng và hội họp, sinh hoạt văn hoá của dân làng). Tại ngôi đình lịch sử này, ngày 16/8/1945 Quốc dân Đại hội đã tổ chức họp để quyết định lệnh tổng khởi nghĩa, thông qua 10 chính sách lớn của Việt Minh, quyết định quốc kỳ, quốc ca, bầu ra Chính phủ lâm thời do Hồ Chí Minh làm Chủ tịch…

Rời Tuyên Quang, đoàn đến thăm Di tích lịch sử an toàn khu Định Hoá (di tích quốc gia đặc biệt) thuộc tỉnh Thái Nguyên, là địa bàn giáp ranh giữa các tỉnh Thái Nguyên, Tuyên Quang và Bắc Kạn, là Thủ đô kháng chiến của cả nước. Đây là nơi ở, làm việc và hoạt động của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Trung ương Đảng, Chính phủ trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp (1946 -1954). Biết bao tên núi, tên rừng, tên suối, tên đèo, tên làng bản gắn với những năm tháng chiến khu của Bác Hồ, các đồng chí lãnh đạo Trung ương, Chính phủ, Mặt trận, Quân đội… đã trở thành địa danh lịch sử, sống mãi trong tâm hồn những người con đất Việt. Đoàn đến thăm địa điểm Bác ở và làm việc tại đồi Tỉn Keo (1948 - 1954) thuộc xã Phú Đình, huyện Định Hóa. Tại đây, Bác cùng Bộ Chính trị họp thông qua kế hoạch tác chiến - tấn công chiến lược Ðông Xuân 1953- 1954 làm nên chiến thắng Ðiện Biên Phủ lẫy lừng, kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến trường kỳ, gian khổ của dân tộc. Nhiều sắc lệnh quan trọng của Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà được ký ban hành tại đây. Đoàn đến thăm và dâng hương tại Nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh toạ giữa đồi cao trên đỉnh đèo De lộng gió. Bàn thờ Bác trang trọng, uy nghi, sáng đẹp như lời bức đại tự “Hồ Chí Minh - mặt trời sáng mãi”. Mỗi nơi đoàn đến thăm đều được hướng dẫn viên giới thiệu tận tình và sinh động. Mọi người có dịp mắt thấy, tai nghe về những di tích lịch sử gắn liền với một thời hào hùng của dân tộc.

Đoàn chụp ảnh lưu niệm cạnh cây đa Tân Trào thuộc Khu di tích lịch sử Tân Trào.

Rời Thái Nguyên, đoàn tiếp tục đến tham quan danh thắng hồ Ba Bể (nằm trong Vườn Quốc gia Ba Bể, thuộc xã Nam Mẫu, huyện Ba Bể, tỉnh Bắc Kạn). Hồ Ba Bể là một vùng karst duy nhất có kiến tạo đặc biệt, có cảnh đẹp tự nhiên và thẩm mỹ đặc biệt, tiêu biểu cho quá trình phát triển và tiến hoá lâu dài và phức tạp của địa chất, địa mạo. Không những nằm trong top 20 hồ nước ngọt lớn nhất thế giới, từ năm 2004, hồ còn được công nhận là vườn di sản ASEAN. Toạ lạc giữa một vùng núi đá vôi rộng lớn, hồ Ba Bể mang vẻ đẹp hoang sơ và thơ mộng với không khí mát lành. Không chỉ thu hút du khách ở vẻ đẹp của một hồ giữa lưng chừng núi cùng hệ thống phức hợp ao, động thác, Ba Bể còn thu hút du khách với nhiều loài thực vật, động vật, loài cá quý hiếm. Dưới ánh mặt trời rực rỡ, nơi đây là bức tranh thủy mặc hữu tình với mặt hồ bao la in đậm bóng núi mây trời. Di chuyển trên những chiếc thuyền máy, đoàn lần lượt đến thăm những danh thắng như: đền An Mạ, ao Tiên, thác Đầu Đẳng, đảo Bà Goá… gắn liền với những huyền thoại. Buổi tối đoàn giao lưu cùng với đội văn nghệ thôn Pác Ngòi (xã Nam Mẫu, huyện Ba Bể). Bên bếp lửa trại bập bùng, các bên lần lượt thể hiện những bài hát, điệu múa, đọc thơ làm sôi động cả một vùng. Buổi giao lưu văn nghệ thật nồng ấm, tình cảm gắn kết giữa mọi người trong đoàn cũng như với những người dân địa phương…

Chuyến đi đã để lại cho mỗi người những ấn tượng thật tốt đẹp. Nhiều người trong đoàn lần đầu tiên được đến thăm Khu di tích lịch sử Tân Trào, Di tích lịch sử an toàn khu Định Hoá, đặc biệt là đúng vào dịp kỷ niệm Cách mạng tháng 8 và Quốc khánh mồng 2/9. Chuyến đi là dịp rất tốt giúp mọi người giao lưu, học hỏi để làm tốt hơn công tác truyền thông của đơn vị, của ngành Điện. Qua chuyến đi này, mỗi người tự thấy cần cố gắng nhiều hơn nữa, làm tốt công tác truyền thông hơn nữa, không phụ lòng quan tâm, ưu ái mà lãnh đạo Công đoàn Điện lực Việt Nam đã dành cho mình.
Nguyễn Xuân Tư