Anh có thể tiến hành cuộc trưng cầu ý dân lần thứ hai về Brexit

Anh có thể tiến hành cuộc trưng cầu ý dân lần thứ hai về việc rời khỏi Liên minh châu Âu (EU), còn gọi là Brexit, nếu các nghị sĩ quốc hội bác bỏ kế hoạch Brexit của Thủ tướng Theresa May.

Thư ký tài chính thuộc Bộ Tài chính Anh, ông Mel Stride ngày 19/9 cho biết Anh có thể tiến hành cuộc trưng cầu ý dân lần thứ hai về việc rời khỏi Liên minh châu Âu (EU), còn gọi là Brexit, nếu các nghị sĩ quốc hội bác bỏ kế hoạch Brexit của Thủ tướng Theresa May.

Cuộc trưng cầu ý dân lần đầu tiên năm 2016 đã quyết định việc Anh rời khỏi EU, song dư luận ở "xứ sở sương mù" vẫn chia rẽ khi chỉ còn chưa đầy 7 tháng nữa là tới thời điểm Brexit chính thức diễn ra: tháng 3/2019. Thủ tướng May hiện đang nỗ lực để nhận được sự ủng hộ trong nước và EU về kế hoạch "ly hôn" mới.

Bà bác bỏ ý định tổ chức trưng cầu ý dân lần thứ hai về việc này, song chính phủ đã đồng ý để các nghị sĩ bỏ phiếu về việc có đồng ý với bất kỳ thỏa thuận nào mà bà May có thể đàm phán với Brussels hay không.

Bộ trưởng Stride cho biết: "Những người thuộc cánh hữu của đảng (lực lượng ủng hộ Brexit) sẽ rất quan tâm đến chuyện gì xảy ra nếu không đạt thỏa thuận, có thể họ sẽ rơi vào tình huống mà chúng ta phải bỏ phiếu trưng cầu lần thứ hai và rất có thể kết thúc là không ai phải rời EU cả".

Trong một báo cáo (của chính những người soạn thảo điều khoản hiệp ước EU mà Anh dùng để rời khỏi khối), chiến dịch "Lá phiếu của người dân" cho biết quốc hội có một loạt cơ hội để khuyến khích hoặc bắt buộc chính phủ tổ chức một cuộc trưng cầu ý dân mới.

Chiến dịch trên dẫn các dữ liệu thăm dò của YouGov cho thấy có nhiều người ủng hộ tiến hành trưng cầu ý dân lần hai hơn những người phản đối. Hầu hết các cuộc thăm dò dư luận cho thấy một sự thay đổi rõ rệt so với cuộc bỏ phiếu ủng hộ Brexit trước đây.

Báo cáo trên vạch ra 6 kịch bản, trong đó quốc hội có thể đối đầu với chính phủ - từ các thủ tục kỹ thuật có thể biến một cuộc bỏ phiếu đã định tại quốc hội nhằm ủng hộ thỏa thuận của thủ tướng thành một cuộc kêu gọi tiến hành trưng cầu ý dân, cho đến sự sụp đổ của chính phủ của bà May và một cuộc bầu cử mới.

Thực tế là bà May hiện không nắm trong tay đa số ở quốc hội nên khó có thể chiến thắng trước các nghị sĩ còn hoài nghi ngay trong nội bộ đảng của bà.

Theo kế hoạch, tại cuộc gặp không chính thức của Hội đồng châu Âu ở thành phố Salzburg (Áo) trong các ngày 19-20/9, Thủ tướng May sẽ đàm phán trực tiếp với các nhà lãnh đạo châu Âu về một thỏa thuận Brexit không tách rời Bắc Ireland khỏi phần còn lại của Vương quốc Anh.

Tại cuộc gặp được cho là sẽ mở đường cho nỗ lực kết thúc các cuộc đàm phán Brexit này, bà May dự kiến sẽ đưa ra một thỏa thuận mang tính thỏa hiệp cho việc Anh rời "mái nhà chung".

Theo Bnews