“Anh Hai” của người lao động Nhựa Bình Minh

Gần như cả cuộc đời gắn bó với Công ty CP Nhựa Bình Minh, vị Chủ tịch Công đoàn Nguyễn Văn Thân vẫn được anh em công nhân thân mật gọi là “Anh Hai”.

 

Và “Anh Hai” của người lao động Nhựa Bình Minh là người duy nhất của ngành Công Thương vừa được nhận vinh dự là Chủ tịch Công đoàn tham gia Lễ tôn vinh cán bộ công đoàn cơ sở tiêu biểu toàn quốc ngày 27/7 tới đây do Tổng LĐLĐ Việt Nam tổ chức tại Hà Nội.

 Phát hiện nhỏ từ bếp ăn

 Nụ cười cởi mở, chân thành, giọng nói hào sảng, tác phong nhanh nhẹn, gần gũi với người lao động là những nét phác thảo chính về anh. Thật tình cờ ngày tôi đến Công ty làm việc lại là ngày sinh nhật của anh. Các phòng ban, đơn vị và cả các cá nhân đến chúc mừng, tíu tít vây quanh anh. Họ gọi anh là “Anh Hai” thay vì gọi “anh Thân”, thân mật và ấm áp. Nụ cười hiền của anh với mọi người như trong một gia đình – gia đình Nhựa Bình Minh, mà anh gọi đó là “Văn hóa Bình Minh”.

Với anh, văn hóa không phải là cái gì ghê gớm, mà rất đỗi bình thường. Nó chỉ là sự quan tâm, chia sẻ, không thờ ơ với những điều nhỏ, chẳng hạn như sinh nhật, ốm đau, gia đình tứ thân, phụ mẫu. Chỉ với một ví dụ nho nhỏ tại bếp ăn của Công ty. Cũng bình thường như bao bếp ăn của các doanh nghiệp khác, song có một ngày anh chợt phát hiện ra, giờ ăn cũng là giờ nghỉ rất quí giá của anh chị em công nhân. Vì thế, anh cho lắp thêm hệ thống âm thanh, phát những bản nhạc không lời êm dịu, nhẹ nhàng. Mọi người được ăn uống trong không gian thư thái, góp một phần nhỏ lấy lại sức lực để chuẩn bị cho buổi làm việc tiếp theo, ai cũng cảm thấy hài lòng. Anh rất tâm đắc với việc xây dựng văn hóa doanh nghiệp, “Bởi một gia đình không có văn hóa không thể phát triển được, còn một Công ty càng cần xây dựng văn hóa để phát triển bền vững”. Vì thế, dù ở cương vị nào, anh cũng đều vun đắp, xây dựng nét văn hóa của đơn vị mình, biết chia sẻ và cảm thông, biết phấn đấu vươn lên nhưng cũng luôn biết vì tập thể, vì cộng đồng.

Làm Công đoàn như làm dâu trăm họ, chân thành nhưng phải khéo léo mới có thể phối hợp với lãnh đạo doanh nghiệp và người lao động vào chung một con thuyền, cùng chèo cật lực để về đích sớm, có phúc cùng hưởng, có họa cùng chịu. Anh Hai là người như thế. Để Công đoàn có tiếng nói với chuyên môn, được người lao động quí mến, thì người Chủ tịch Công đoàn phải gương mẫu trong cả công việc lẫn đời thường. Trong vai trò của một Phó phòng Kinh doanh, anh luôn nhiệt tình với khách hàng, gìn giữ hình ảnh thương hiệu Nhựa Bình Minh. Còn trong vai trò của Chủ tịch Công đoàn, anh lại luôn kiên trì, nhường nhịn, thấy khó không nản. Trong đàm phán, dù với lãnh đạo hay với người lao động, anh đều lắng nghe, nếu lần này chưa được, anh nhường, chờ thời cơ khác phù hợp hơn sẽ tiếp tục. Vì thế, anh được lãnh đạo tin tưởng, còn người lao động yêu quí anh như người anh Hai trong gia đình, việc vui cũng như buồn đều tìm anh chia sẻ.

 Luôn nghĩ “hộ” người lao động

Chính thức lên làm Chủ tịch Công đoàn từ năm 2007, khi tuổi đã cao, ban đầu anh thấy e ngại vì sợ mình không còn sức trẻ để gánh vác công việc chăm lo cuộc sống tinh thần cho hơn 720 lao động trong toàn hệ thống Công ty và các đơn vị thành viên. Nhưng được lãnh đạo và anh em tin tưởng, động viên, anh nhận nhiệm vụ và đã luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ đó.

Anh kể về một kỷ niệm mà anh không bao giờ quên bởi một kết thúc có hậu, nhưng quan trọng đó cũng là bài học trong công tác quản lý. Đó là thời điểm Công ty thay đổi giờ vào ca 1 đang từ 7h sáng lên 6h sáng. Mục tiêu là để chị em ca 2 hết ca lúc 10h, không quá muộn, sợ nhà xa. Mới nghe rất có lý. Nhưng khi Chủ tịch Công đoàn vừa xuống xưởng làm việc, tất cả chị em đổ xô ra, anh ơi đề nghị anh xem lại, Công ty làm việc 6h, con em 6h30 nhà trẻ mới nhận, chồng 7h ra ca. Trong khoảng thời gian đó chúng em để con ở đâu? Nhìn chị em bức xúc, trăn trở, anh cảm thấy rất áy náy. Sau đó, anh về có ý kiến lại với lãnh đạo, Ban lãnh đạo cũng nhận thấy ngay được khó khăn của người lao động. Lãnh đạo quyết định cho chị em lại trở về làm việc từ 7h. Hôm sau, khi anh xuống xưởng, tất cả chị em chạy ùa ra “Anh ơi, cho chúng em hôn anh mỗi người một cái”, tiếng cười rộn ràng trong xưởng máy. “Chỉ nghe vậy là thấy vui rồi” – anh cười sảng khoái nhớ lại.

Trong suốt giai đoạn từ năm 2007 đến nay, trên cương vị là Chủ tịch Công đoàn anh luôn tâm niệm làm gì cũng vì người lao động, việc có lợi cho người lao động thì làm. Từ việc phối hợp chặt chẽ với chuyên môn tổ chức các phong trào thi đua sáng kiến cải tiến, tiết kiệm, nâng cao năng suất lao động… đến việc chăm lo cho cuộc sống người lao động bằng những hành động cụ thể, thiết thực như cho người lao động vay tiền (không tính lãi) để đổi xe, sửa nhà, mua máy tính… Riêng năm 2013, Công ty đã xét cho 88 trường hợp được vay tổng cộng 856 triệu đồng. Tết nguyên đán, Công đoàn tặng quà cho CBCNV mỗi suất trị giá 600 ngàn đồng và anh cũng trực tiếp chỉ đạo mua quà rất sớm để anh chị em có thể gửi về quê biếu gia đình, tránh sát ngày Tết lại cập rập. Hay khi Công ty bán cổ phiếu ưu đãi cho công nhân viên mới, nhiều người không có tiền để mua cổ phiếu, anh lại cùng lãnh đạo Công ty thực hiện việc bảo lãnh vay tiền ngân hàng cho công nhân mua cổ phiếu rồi trừ dần vào lương. Nhiều người nhờ vậy mà giữ được cổ phần, khi giá tăng bán đi sửa lại nhà cửa và mua xe cộ. Quan điểm của anh là, Công ty đã làm tốt công tác từ thiện xã hội với cộng đồng, thì những người còn khó khăn trong chính Công ty phải được giúp đỡ trước, bởi họ có làm việc ngày đêm hết mình, thì Công ty mới có khoản phúc lợi để làm từ thiện.

Nhà trọ công nhân đẹp như khách sạn

Nhưng có lẽ, công trình ghi dấu ấn của anh nhiều nhất phải kể đến là khu nhà Tập thể cho công nhân. Năm 2010, từ mảnh đất 320 mét vuông nằm gần Nhà máy 2 của Công ty tại KCN Sóng Thần (Bình Dương), Công ty đã cho xây dựng một tòa nhà 3 tầng (16 phòng) hỗ trợ nơi ở cho trên 60 công nhân (với mức phí người độc thân 180.000 đồng/tháng, hộ gia đình 850.000 đồng/tháng). Từ lúc lo hồ sơ xin sổ đỏ, rồi di dời cột điện Viễn thông trên đất lùi ra phía ngoài, anh cùng lãnh đạo Công ty kiên trì thuyết phục, đền bù với cơ quan liên quan di dời và hoàn thành tòa nhà trong vòng 8 tháng. Ngày khánh thành, Tổng Giám đốc Công ty ông Lê Quang Doanh đã đánh giá cao vai trò của Chủ tịch Công đoàn Nguyễn Văn Thân trong sự kiện này.

 Một “hậu phương” đồng điệu

 Anh Hai chia sẻ, làm Công đoàn nếu không đam mê, không nhiệt huyết thì không thể làm được. Không phải ai cũng thích làm Công đoàn vì “Quyền rơm, vạ đá”. Vợ chồng đánh nhau cũng đến nhờ Công đoàn hòa giải. Ma chay, hiếu hỉ, cái gì cũng đến tay. Thế nên, làm Công đoàn thì phải chấp nhận bận mọn. Anh là người gốc Bắc, cũng thấm thía câu “Việc nhà thì nhác, việc chú bác thì siêng”, chuyện nhà mình, xây nhà thì toàn để vợ lo, còn mình thì say sưa đi gánh vác việc xây nhà cho công nhân. Nhưng không vì vậy mà vợ anh trách anh, bởi cũng đã có thời gian chị làm công tác Công đoàn, chị hiểu và rất thông cảm, chia sẻ với công việc của anh. Chị cũng tự hào vì anh được mọi người yêu quí, nể phục. Bản thân anh cũng rất quí trọng gia đình, ngoài thời gian cho công việc anh dành trọn thời gian bên vợ con và cháu, một gia đình hạnh phúc đã tiếp sức cho anh gánh vác thêm những công việc ngoài xã hội.

Không chỉ vậy, ở cái tuổi đã xế chiều, nhưng nhiệt huyết trong anh không hề giảm. Vẫn năng động, hoạt bát trong công việc chung. Và anh đang ấp ủ một dự định lớn hơn, khi Nhà máy tại Long An đi vào hoạt động, anh sẽ tiếp tục dự án phân đất xây nhà cho CBCNV tại đây. Anh bảo, CBCNV làm ở Bình Minh chục năm trở lên là có thể có nhà riêng rồi. Quan trọng là định hướng, sau đó mình sẽ triển khai để anh em phải tiết kiệm mà thực hiện mục tiêu. Công ty sẽ mua cả miếng đất lớn rồi chia lô bán lại cho anh em, cho trả dần trong 5 năm. Với mức lương của Bình Minh hiện tại thì việc này sẽ nằm trong tầm tay của CBCNV. Mà có “An cư” mới “Lạc nghiệp”.

Với tất cả lòng nhiệt tình trong công tác công đoàn, “Anh Hai” Nguyễn Văn Thân xứng đáng được vinh danh là Chủ tịch Công đoàn cơ sở tiêu biểu, đại diện cho ngành Công Thương tham dự lễ tôn vinh Chủ tịch Công đoàn cơ sở tiêu biểu toàn quốc năm 2014. Chúc cho những dự định của anh sẽ thành hiện thực, để người lao động Bình Minh luôn tự hào về người “Anh Hai” nhiệt tình và đầy đam mê của mình.

 

Hồ Nga