APEC 2017 - Cơ hội và thách thức cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ ở Việt Nam

ThS. NGUYỄN KHÁNH LY (Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội)

TÓM TẮT:

Trong cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam, các doanh nghiệp vừa và nhỏ là loại hình chiếm đa số, đóng vai trò quan trọng trong việc mang lại nguồn thu cho xã hội, huy động các nguồn lực xã hội,… Tham gia APEC là điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp vừa và nhỏ tại Việt Nam phát triển như chia sẻ kinh nghiệm, thu hút dòng vốn đầu tư… Tuy mang lại nhiều cơ hội lớn nhưng các doanh nghiệp cũng đối mặt với không ít khó khăn.

Từ khóa: Diễn đàn hợp tác Châu Á - Thái Bình Dương, APEC, cơ hội, thách thức, doanh nghiệp vừa và nhỏ, Việt Nam.

I. Tổng quan về APEC

Diễn đàn Hợp tác kinh tế Châu Á - Thái Bình Dương (Asia - Pacific Economic Cooperation, gọi tắt là APEC) được thành lập từ tháng 11/1989 nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tự do hóa, thuận lợi hóa thương mại và đầu tư. Từ 12 thành viên sáng lập, hiện nay, APEC đã có 21 thành viên, đại diện 39% dân số thế giới, 57% GDP và 47% thương mại toàn cầu (2014). Để thực hiện các mục tiêu hoạt động, APEC đã xây dựng cộng đồng Châu Á - Thái Bình Dương năng động, gắn kết thông qua thúc đẩy tự do hóa thương mại và đầu tư. Liên kết khu vực, hợp tác kinh tế - kỹ thuật, hợp tác bảo đảm an ninh con người và tạo môi trường kinh doanh thuận lợi và bền vững.

Là diễn đàn hợp tác kinh tế, hội tụ các nền kinh tế đa dạng về điều kiện địa lý, lịch sử và văn hóa, chính trị - xã hội và đặc biệt có sự chênh lệch rất lớn về trình độ phát triển, APEC hoạt động theo các nguyên tắc cơ bản, đó là: Nguyên tắc cùng có lợi; Nguyên tắc đồng thuận; Nguyên tắc tự nguyện và APEC là diễn đàn mở.

Ngày 15/11/1998, Việt Nam chính thức trở thành thành viên của APEC, đánh dấu bước ngoặt quan trọng trong chính sách đối ngoại, đa phương hóa, đa dạng hóa và hội nhập kinh tế. Năm 2017, Việt Nam lần thứ hai vinh dự đăng cai APEC lần thứ 25, góp phần nâng cao vị thế quốc tế. Sau gần 20 năm gia nhập APEC, Việt Nam đã thể hiện việc tham gia tích cực vào quá trình hội nhập kinh tế khu vực. APEC đã mang lại cho nền kinh tế thành viên nói chung và Việt Nam nói riêng nhiều cơ hội phát triển, song cũng đặt ra không ít thách thức đối với các doanh nghiệp trong nước, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ tại Việt Nam.

II. Cơ hội và thách thức cho khối doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam trong APEC 2017

1. Cơ hội

Trong cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam, các doanh nghiệp vừa và nhỏ là loại hình chiếm đa số, chủ yếu trong nền kinh tế. Theo đó, loại hình doanh nghiệp này đóng vai trò quan trọng trong việc mang lại nguồn thu nhập cho người lao động, huy động các nguồn lực xã hội, giải quyết vấn đề việc làm cho người lao động cũng như đóng góp hơn 40% GDP… Tham gia APEC là điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp vừa và nhỏ tại Việt Nam phát triển hơn nữa.

Thứ nhất, cơ hội trước mắt dành cho khối doanh nghiệp vừa và nhỏ là vừa tìm kiếm hợp tác, vừa đẩy mạnh xuất khẩu vào thị trường trong và ngoài khu vực.

Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan cho thấy, trị giá xuất khẩu hàng hóa của các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trong kỳ 2 tháng 04/2017 đạt gần 6,99 tỷ USD, tăng 22,9% tương ứng tăng hơn1,3 tỷ USD so với kỳ 1 tháng 04/2017; qua đó, nâng tổng kim ngạch xuất khẩu trong 4 tháng/2017 của nhóm các doanh nghiệp này lên gần 43,96 tỷ USD, tăng 18% so với cùng kỳ năm 2016, chiếm 70,8% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước.

Biểu đồ 1: Kim ngạch xuất khẩu 10 nhóm hàng lớn nhất trong 4 tháng/2017 so với 4 tháng/2016

Nguồn: Tổng cục Hải quanTrị giá nhập khẩu hàng hóa của các doanh nghiệp FDI trong kỳ 2 tháng 4/2017 đạt hơn 5,62 tỷ USD, tăng 441 triệu USD (tương ứng tăng 8,5%) so với kỳ 1 tháng 04/2017, qua đó nâng tổng kim ngạch nhập khẩu của nhóm các doanh nghiệp này trong 4 tháng/2017 đạt hơn 38,69 tỷ USD, tăng 26,4% tương ứng tăng gần 8,07 tỷ USD so với 4 tháng/2016.

Biểu đồ 2: Kim ngạch nhập khẩu 10 nhóm hàng lớn nhất 4 tháng/2017 so với 4 tháng/2016

Nguồn: Tổng cục Hải quanThứ hai, việc tham gia hợp tác APEC đã mở ra nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong tiếp cận thị trường rộng lớn của các nền kinh tế thành viên, được hưởng môi trường đầu tư, kinh doanh, thu hút các dòng vốn đầu tư trực tiếp dồi dào và ổn định, tìm kiếm các nhà đầu tư chiến lược. (Xem biểu đồ 3)

Biểu đồ 3: Quan hệ thương mại, đầu tư, viện trợ phát triển chính thức của Việt Nam với các nền kinh tế thành viên APEC

                              


Nguồn: Bộ Kế hoạch và Đầu tư

Trong khuôn khổ của Hội nghị APEC 2017 có các hoạt động tương tác rất lớn giữa cộng đồng doanh nghiệp với các nhà lãnh đạo APEC, như: Hội nghị không chính thức của các quan chức cao cấp (ISOM) tại thủ đô Hà Nội; Hội nghị các quan chức cao cấp lần thứ nhất (SOM 1) tại thành phố Nha Trang; Hội nghị các quan chức cao cấp lần thứ hai (SOM 2) tại thủ đô Hà Nội; Hội nghị các quan chức cao cấp lần thứ ba (SOM 3) tại thành phố Hồ Chí Minh; Hội nghị Bộ trưởng Doanh nghiệp nhỏ và vừa APEC (SMEMM) tại thành phố Hồ Chính Minh, Đối thoại chính sách cao cấp về phụ nữa và kinh tế tại thành phố Huế; Hội nghị Bộ trưởng Tài chính (FMM) tại thành phố Hội An và Tuần lễ cấp cao APEC lần thứ 25 tại thành phố Đà Nẵng là sự kiện lớn nhất với các hội nghị quan chức cao cấp, cấp Bộ trưởng và cấp cao… Đặc biệt, với Tuần lễ cấp cao APEC lần thứ 25 sẽ có khoảng hơn 10.000 đại biểu quốc tế, trong đó có lãnh đạo của 21 nền kinh tế thành viên, hàng nghìn doanh nghiệp hàng đầu khu vực và trên thế giới cũng như đại diện các cơ quan truyền thông lớn của quốc tế. Thông qua các hội nghị này, khối doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam có thể kiến nghị về cải thiện môi trường kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi cho thương mại, tiếp tục mở cửa và hội nhập, kết nối với bên ngoài cũng chính là cơ hội để kết nối từ bên trong, chia sẻ, hợp tác, học hỏi. Đây là cơ hội để các doanh nghiệp cọ xát, trưởng thành hơn về tầm nhìn, chiến lược cũng như cách quản trị.

Thứ ba, tham gia APEC đã và đang tạo điều kiện thuận lợi để các nước thành viên chia sẻ kinh nghiệm, hợp tác xây dựng, hợp tác kinh tế - kỹ thuật, y tế, giáo dục… Các hoạt động APEC sẽ diễn ra trên khắp cả nước và trong suốt năm 2017. Đây thực sự là cơ hội lớn để các doanh nghiệp đẩy mạnh kinh doanh, kết nối, cải thiện cơ sở hạ tầng kỹ thuật, tăng cường chuyển giao công nghệ hiện đại, nâng cao, thúc đẩy năng lực cạnh tranh, tiếp cận công nghệ và trình độ quản lý tiên tiến của các tập đoàn hàng đầu thế giới, giới thiệu sản phầm vùng miền, quảng bá hình ảnh với các đối tác thành viên, các tập đoàn hàng đầu thế giới.

2. Thách thức

Tuy mang lại nhiều cơ hội lớn nhưng các doanh nghiệp cũng gặp không ít những khó khăn - những thách thức khi Việt Nam tham gia APEC, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Thứ nhất, loại hình doanh nghiệp này vẫn phát triển manh mún và thực sự nhỏ lẻ, chưa đồng bộ hóa, dẫn đến tự bản thân các doanh nghiệp gặp khó khăn trong nước và sẽ thực sự khó khăn hơn khi đối đầu với các doanh nghiệp nước bạn. Hiện nay, việc bùng nổ bán hàng online qua các trang mạng giúp mang lại nguồn thu khá lớn và thịnh hành phát triển nhưng các doanh nghiệp vừa và nhỏ ở Việt Nam mới chỉ dừng lại chủ yếu là “khách hàng” - “khách hàng” mà chưa tiếp cận được “khách hàng” - “ doanh nghiệp”. Hiểu đơn giản là các doanh nghiệp vừa và nhỏ hiện nay chưa có tính gắn kết cao, chủ động và chặt chẽ với nhau dẫn đến hạn chế trong việc trao đổi thông tin, năng lực kinh doanh toàn ngành cũng như năng lực cạnh tranh với các đối thủ bên ngoài.

Thứ hai, các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong nước còn gặp khó khăn trong tiếp cận vốn vay do hồ sơ, thủ tục phức tạp, nền tài chính mỏng, điều kiện vay vốn chưa phù hợp với loại hình doanh nghiệp này. Thiếu tài sản thế chấp, tình hình tài chính không minh bạch, khó khăn chồng chất trong bối cảnh kinh tế khó khăn…, khiến doanh nghiệp vừa và nhỏ vốn đã khó tiếp cận ngân hàng lại càng khó hơn mặc dù cầu vốn tăng. Lãi suất không còn là áp lực quá lớn đối với doanh nghiệp nhưng nợ xấu tăng, ngân hàng ngại đẩy mạnh vốn cho doanh nghiệp vay. Trong khi các doanh nghiệp đang gặp khó khăn chính là tồn kho tăng, hết tài sản đảm bảo và có nợ xấu nên không thể tiếp cận vốn vay, đặc biệt là khối doanh nghiệp vừa và nhỏ. Do đó, dù vốn khả dụng dôi dư ở các ngân hàng là khá lớn nhưng rất khó để cho vay ra do nợ xấu và nhu cầu vốn của doanh nghiệp tốt không tăng. Nói một cách đơn giản là các doanh nghiệp kinh doanh hiệu quả, nợ xấu ít thì không có nhu cầu vay trong khi các doanh nghiệp nợ xấu cao, vốn mỏng đặc biệt là những doanh nghiệp vừa và nhỏ có nguy cơ phá sản trước nền kinh tế khó khăn muốn được hỗ trợ vốn thì ngân hàng lại không thể cho vay ra vì rủi ro rất lớn. Chính vì vậy, các doanh nghiệp khó có thể mở rộng và đủ năng lực tài chính để cạnh tranh với các doanh nghiệp nước ngoài.

Thứ ba, khoa học công nghệ chưa được hỗ trợ nhiều cũng như trình độ còn nghèo nàn, lạc hậu. Trong khi thực tế cho thấy các doanh nghiệp nước ngoài có trình độ phát triển khoa học - kỹ thuật vượt xa so với các doanh nghiệp trong nước. Ngoài ra, trình độ quản lý và chất lượng nguồn lao động còn thấp… sẽ là những thách thức không nhỏ dành cho loại hình doanh nghiệp này. Theo thống kê, về lực lượng lao động có tới 75% lực lượng lao động trong các doanh nghiệp vừa và nhỏ chưa qua đào tạo chuyên môn kỹ thuật; việc thực hiện chưa đầy đủ các chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế cho người lao động đã làm giảm đi chất lượng công việc trong khu vực doanh nghiệp vừa và nhỏ, do vậy các doanh nghiệp vừa và nhỏ càng rơi vào vị thế bất lợi. Ngay cả chủ doanh nghiệp có trình độ từ cao đẳng và đại học trở lên cũng ít được đào tạo các kiến thức về kinh tế, quản trị doanh nghiệp, hạn chế về pháp luật trong kinh doanh… Do đó, các doanh nghiệp chắc chắn sẽ gặp khó khăn khi mở rộng kinh doanh trong xu thế hội nhập. Bản thân chủ doanh nghiệp chưa nắm vững Luật Kinh doanh, thiếu kiến thức quản trị sẽ là điều kiện bất lợi cho chính doanh nghiệp trong “sân chơi chung” của quốc tế. Điều này ảnh hưởng rất lớn đến việc lập chiến lược phát triển, định hướng kinh doanh và quản lý, phòng tránh các rủi ro pháp lý của các doanh nghiệp Việt Nam.

III. Giải pháp

1. Về phía Nhà nước, Chính phủ

Năm 2017 là dấu mốc quan trọng cho sự phát triển kinh tế của Việt Nam, đóng góp một phần không nhỏ cho sự phát triển của các doanh nghiệp, trong đó có các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Với đường lối của Đảng, Nhà nước, với những nỗ lực không ngừng trong quá trình điều hành, định hướng phát triển của Chính phủ là “kim chỉ nam” để các doanh nghiệp phát triển. Các ban bộ, ngành tiếp tục thực hiện Nghị quyết 35 về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020, hỗ trợ doanh nghiệp tìm được luồng đầu tư mới hơn, chất lượng hiệu quả hơn, mang lại giá trị thặng dư hơn. Và Nghị quyết 19 về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu là cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh,

Vì vậy, khả năng tồn tại của doanh nghiệp cần có sự hỗ trợ của Chính phủ đặc biệt trong xây dựng hệ thống luật pháp minh bạch, rõ ràng.

2. Về bản thân doanh nghiệp

Tham gia APEC, khối doanh nghiệp vừa và nhỏ được hưởng nhiều lợi ích như tăng cơ hội cho các doanh nghiệp trong việc giao lưu, học hỏi, chia sẻ kinh nghiệp, cũng như quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam, các sản phẩm, dịch vụ của doanh nghiệp Việt… Vì vậy, bản thân các doanh nghiệp cần chủ động, tích cực, biến thách thức thành cơ hội, tăng cường kết nối với các đối tác APEC để mở rộng thị trường, nâng cao năng lực sản xuất để phát triển không ngừng, mở rộng sản xuất - kinh doanh.

Thứ nhất, cần hoạt động đồng bộ, hợp tác, gắn kết chặt chẽ với nhau để phát triển thành một khối thống nhất nâng cao năng lực cạnh tranh và phát huy các thế mạnh sản phẩm, dịch vụ trong nước.

Thứ hai, củng cố nền tài chính để vững mạnh hơn thông qua các hình thức vay vốn, liên kết, hợp tác, hỗ trợ lẫn nhau. Vì khi nguồn tài chính mỏng, việc bước chân tham gia vào APEC, các doanh nghiệp sẽ vấp phải rất nhiều khó khăn.

Thứ ba, năng lực doanh nghiệp Việt cơ bản còn yếu, nguồn nhân lực còn hạn chế nên cần cải tiến khoa học kỹ thuật, không ngừng nâng cao trình độ quản lý, tuyển dụng nguồn lao động chất lượng cao để tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường.

Thứ tư, các doanh nghiệp có thể tận dụng các chương trình hỗ trợ của APEC để thúc đẩy hoạt động đầu tư kinh doanh ở khu vực, như:

“(1) Chương trình Hành động Boracay hỗ trợ các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa tham gia thị trường toàn cầu 2015 - 2020 (BAA-MSME). Chương trình xác định những lĩnh vực các thành viên cần tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp như tiếp cận các FTA, đơn giản hóa và tinh giản các quy tắc xuất xứ, hợp lý hóa các quy định về hải quan, tham gia chuỗi cung ứng, thủ tục vay vốn, công nghệ thông tin và thương mại điện tử, hỗ trợ doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ…

(2) Chương trình thẻ đi lại doanh nhân APEC (ABTC): Chương trình được thực hiện từ năm 1997 nhằm tạo thuận lợi cho các doanh nhân đi lại giữa các nền kinh tế APEC. Thẻ có giá trị thay thị thực nhập cảnh và có giá trị nhập cảnh nhiều lần trong thời hạn 5 năm.

(3) APEC còn có một số chương trình đào tạo doanh nghiệp trong các lĩnh vực đặc thù, như quy định an toàn về những mặt hàng xuất khẩu nhạy cảm về nhiệt độ (từ nông sản đến dược phẩm và hoa), giới thiệu công nghệ dịch vụ hậu cần mới nhằm giám sát và bảo đảm tình trạng nguyên vẹn của hàng hóa, an ninh, tài chính của chuỗi cung ứng…”.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

1. Sơ bộ tình hình xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam từ ngày 16/4/2017 đến ngày 30/4/2017, Tổng cục Hải quan.

2. Doanh nghiệp nhỏ và vừa ở Việt Nam hiện nay và nhu cầu hỗ trợ pháp lý, Tạp chí Dân chủ và Pháp luật.

3. Sách năm APEC Việt Nam 2017: Tạo động lực mới cùng vun đắp tương lai chung (50 điều cần biết), NXB Chính trị Quốc gia sự thật.

4. Tổng quan về APEC, APEC 2017.vn.

APEC 2017 - OPPORTUNITIES AND CHALLENGES FOR VIETNAMESE SMEs

MA. NGUYEN KHANH LY

Hanoi University of Natural Resources and Environment

ABSTRACT:

In the Vietnamese business community, small and medium enterprises (SMEs) are the dominant types, playing an important role in generating in come for society, mobilizing social resources, etc. APEC has created favorable conditions for Vietnamese SMEs to develop such as sharing experience, attracting investment capital flows, etc. Despite bringing many big opportunities for SMEs, businesses still faces many difficulties.

Keywords: Asia - Pacific Economic Cooperation, Apec, opportunities, challenges, small and medium enterprises (SMEs) Vietnam’s.

Xem tất cả ấn phẩm Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ số 07 tháng 06/2017 tại đây