Bác Hồ và công nhân ngành dệt may

Sinh thời, Bác Hồ vẫn luôn đánh giá cao và dành sự quan tâm đặc biệt đến ngành dệt may nước nhà. Trong những câu chuyện về Bác được kể lại không ít lần nhắc đến kỉ niệm của người công nhân dệt may với

Bác Hồ 3 lần đến thăm Dệt Nam Định

Ngày 24-4-1957, Bác Hồ về thăm và nói chuyện với cán bộ công nhân viên Nhà máy Dệt Nam Định. Bác đã nhấn mạnh: "Mình là chủ phải làm thế nào cho xứng đáng là chủ. Phải theo gương công nhân các nước bạn yêu máy như yêu con, yêu nhà máy như nhà mình. Đó là làm chủ xứng đáng. Cái gì lợi cho nhà máy là ích lợi cho mình, cái gì hại cho nhà máy là hại cho nhà mình. Đó là thái độ của người làm chủ, làm chủ nước nhà, làm chủ nhà máy''. Khi nói về chế độ quản lý và điều hành sản xuất của nhà máy, Người khẳng định: “Chế độ làm khoán là một điều kiện của chủ nghĩa xã hội, nó khuyến khích người công nhân luôn luôn tiến bộ, cho nhà máy tiến bộ. Làm khoán là ích chung và lại lợi riêng”(3). Bác khuyên cán bộ công nhân phải đoàn kết, cố gắng học tập chính trị, kỹ thuật học hỏi lẫn nhau hoàn thành vượt mức kế hoạch của Nhà nước, làm tròn nhiệm vụ của Đảng, Chính phủ và nhân dân, góp phần thiết thực vào công cuộc củng cố miền Bắc, làm hậu thuẫn vững chắc cho miền Nam, đấu tranh thống nhất nước nhà.

Những lời dặn dò, chỉ bảo ân cần của Bác là nguồn động lực, niềm tin để cán bộ và công nhân viên Nhà máy cố gắng phấn đấu vừa đảm bảo chất lượng sản phẩm, hoàn thành kế hoạch sản xuất giữ gìn và xây dựng nhà máy càng lớn mạnh phục vụ cho sự nghiệp phát triển của đất nước.


Bác đến thăm Nhà máy Dệt Nam Định
Ngày 15-3-1959, Bác về thăm Nam Định lần thứ tư, cũng là lần thứ hai thăm Nhà máy Dệt Nam Định và căn dặn Đảng uỷ Nhà máy Dệt cần làm tốt công tác cải tiến quản lý xí nghiệp, công tác phát triển Đảng, Đoàn. Người đã nói: “Cán bộ lãnh đạo, đảng viên, đoàn viên thanh niên cũng như cán bộ công đoàn phải xung phong gương mẫu. Nội bộ lãnh đạo phải đoàn kết nhất trí, cán bộ phải đi vào công nhân, phải sắp xếp công việc để mỗi tuần tham gia lao động một ngày. Phải lắng nghe sáng kiến và lời phê bình của công nhân, phải thật sự dựa vào công nhân, đi đúng đường lối quần chúng, nắm vững chính sách của Đảng”.

Sáng ngày 21-5-1963, Bác về dự và huấn thị tại Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Nam Định lần thứ V được diễn ra tại Hội trường Nhà máy Dệt Nam Định (nay là Tổng công ty cổ phần Dệt may Nam Định). Sau khi dự xong Đại hội, Bác đã đi thăm bếp nấu, nhà ăn tập thể và một số phân xưởng Nhà máy Dệt. Tại đây, cán bộ và công nhân rất vui mừng báo cáo với Bác về kết quả thi đua với nhà máy Dệt Bình Nhưỡng (Triều Tiên). Từ đầu năm đến nay, nhà máy đã sản xuất vượt mức kế hoạch 42 vạn thước vải, 120 tấn sợi và 2000 chăn… Bác đã khen: “Nhà máy đã sớm chữa được gần 1.000 máy dệt cũ hồi Pháp thuộc thành máy nửa tự động, với loại máy cũ, mỗi công nhân chỉ đứng được từ 1 đến 2 máy; nay với loại máy mới sửa chữa lại, mỗi người đứng được từ 4 đến 6 máy”(9). Tiếp đó Bác đã đến thăm khu nhà ăn tập thể, khu nhà ở của gia đình công nhân. Người ân cần hỏi thăm tình hình sinh hoạt, học tập và ăn ở của công nhân và nhắc nhở mọi người phải đẩy mạnh phong trào thi đua sản xuất , đồng thời phải tổ chức cải thiện đời sống cho tốt hơn nữa.

May 10 hai lần được may áo cho Bác Hồ

Ngày 8-1-1959, Xưởng May 10 (lúc đó thuộc Cục Quân nhu, Tổng cục Hậu cần) vinh dự được đón Bác Hồ về thăm.

Năm đó, Bác đã 69 tuổi nhưng đi lại vẫn nhanh nhẹn. Bác lần lượt đi thăm từng phân xưởng. Chúng tôi rất xúc động khi thấy chiếc áo ka ki đã bạc màu, sờn tay Bác vẫn mặc từ những ngày đầu cuộc kháng chiến chống Pháp. Không ai bảo ai, mọi người có mặt trong buổi đón Bác về thăm đều mong muốn được may biếu vị lãnh tụ kính yêu bộ quần áo.

Một cán bộ Xưởng May 10 đem ngay ý tưởng đó trao đổi với đồng chí Vũ Kỳ, Thư ký riêng của Bác. Suy nghĩ giây lát, anh Kỳ nói: “Bác sắp đi thăm Inđônêxia nhưng quần áo của Bác đã cũ hết cả rồi. Các cậu có thể may biếu Bác một bộ. Ngày mai tôi sẽ đưa bộ quần áo của Bác xuống làm mẫu nhưng với điều kiện là phải… hết sức bí mật. Đường kim mũi chỉ quần áo cũ của Bác thế nào, dù cong hay thẳng thì các cậu cứ may y như thế. Và phải làm sao cho vải cũ như màu quần áo của Bác. Nếu phát hiện thấy áo khác đi, áo mới may là “ông Cụ” không dùng đâu”.


Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm Xưởng may 10, Người góp ý kiến về cách cắt may sao cho nhanh, tiết kiệm và đảm bảo chất lượng

Ngay hôm sau, nhận được bộ quần áo mẫu, anh chị em Xưởng May 10 lập tức bắt tay vào việc. Xưởng cử người sang X20 (cửa hàng may đo lúc đó ở Cửa Đông) lấy vải ka ki Trung Quốc, màu sắc vải tương tự màu áo của Bác. Nhóm 3 người thợ lành nghề gồm: Trần Văn Quảng, Nguyễn Công Thái và Phạm Huy Tăng được giao nhiệm vụ may bộ quần áo này. Để làm cho vải cũ đi, họ thay nhau giặt xà phòng đến vài ba chục lần, giặt xong dùng bàn là là khô. Khi hai mẫu vải giống nhau, các anh mới đem cắt may. Điều khó là khi đo cắt vải mới nhưng lại không được tháo rời bộ quần áo mẫu. Những người thợ bèn cắt theo phương pháp quy vuông: Trải vải mới chồng lên bộ cũ.

Đặc điểm bộ quần áo của Bác là đường may bị lệch và thân quần một bên to một bên bé, phải cắt làm sao khắc phục nhược điểm trên nhưng thật khéo léo để Bác không nhận ra. Cuối cùng, sau khi cắt rất nhiều mẫu, các anh chọn lấy hai mẫu giống nhất để may. Sau hơn một tháng, áo may xong, Xưởng lập tức gửi ngay cho đồng chí Vũ Kỳ và gửi thêm một bộ mới nữa.

Đồng chí Cù Văn Chước, người phục vụ Bác, sau này là Giám đốc Bảo tàng Hồ Chí Minh lấy một bộ để lên chiếc bàn nhỏ kê ở góc nhà sàn. Hôm ấy sau khi Bác ăn cơm chưa về, đồng chí Chước thưa với Bác: “Anh chị em công nhân Xưởng May 10 tiết kiệm được vải, may biếu Bác bộ quần áo với tất cả tấm lòng thành, mong Bác vui lòng nhận cho”.

Bác Hồ cầm lên xem và khen may đẹp. Sau đó, Bác đánh máy bức thư gửi cán bộ, nhân viên Xưởng May 10, Cục Quân nhu, Tổng cục Hậu cần “… Cảm ơn các cô, các chú đã biếu Bác bộ áo. Bác nhận rồi, nay Bác gửi bộ áo ấy làm giải thưởng cho một đợt thi đua. Khi nào đợt thi đua kết thúc, ai khá nhất thì được giải thưởng ấy”.

Nhận thư Bác, một phong trào thi đua mới lập tức sôi nổi trong toàn xưởng may. Anh chị em nào cũng quyết tâm lập thêm thành tích để đền đáp lại tình cảm của Bác. Ngày ấy, mẹ mang con đứng dưới bàn may. Ngày nghỉ, nhiều công nhân trốn lãnh đạo, trèo tường vào nhà máy để sản xuất, thực hiện khẩu hiệu “Ngày không giờ, tuần không thứ”…

Mọi người rất vui mừng vì Bác nhận một bộ áo song rất băn khoăn không biết Bác có mặc được không? Mấy hôm sau anh Vũ Kỳ cho biết, nhiều lần các đồng chí phục vụ đề nghị Người dùng bộ áo mới nhưng Bác đều từ chối. Cho đến dịp đi thăm Inđônêxia, áo của Bác bị đứt cúc. Lúc đó anh Vũ Kỳ mới đưa bộ áo mới của Xưởng May 10 biếu Bác, đề nghị Bác mặc với lý do “quên” không mang theo kim chỉ nên không đính lại cúc áo được. Bác cười và bảo: “Thế là chú cố ép Bác mặc áo mới nhưng chú nên nhớ rằng, mình phải biết tiết kiệm, dân mình đang còn nghèo lắm”.

Ngày 2-9-1969, tôi và anh Quảng là người được may bộ quần áo cuối cùng cho Bác. Ngay sau khi Bác từ trần, đồng chí Trường Chinh được Bộ Chính trị giao nhiệm vụ may quần áo cho Người. Ngày đó, những hiệu may nổi tiếng nhất Hà Nội cùng được nhận sứ mạng lịch sử này. Song tất cả các sản phẩm đều không được phê duyệt do dùng vải quá sang, không hợp với đức tính giản dị của Bác. Sau khi cân nhắc, nhiệm vụ này được giao cho Xí nghiệp May 10. Tôi và anh Quảng lại được chọn thực hiện việc may áo để Bác mặc trong Lăng. Chúng tôi đã thức trắng đêm, vừa làm vừa khóc vì thương nhớ Bác. Hai ngày sau, công việc hoàn thành.

Chuyên gia Liên Xô và các cán bộ khoa học kỹ thuật chịu trách nhiệm gìn giữ thi hài Bác đã kiểm tra hết sức cẩn thận từng đường kim mũi chỉ, từng sợi vải bằng nhiều loại máy móc hiện đại. Mọi thông số kỹ thuật đều đạt yêu cầu. Sản phẩm đã được Bộ Chính trị phê duyệt.

Bác Hồ thăm Nhà máy Dệt 8-3 mới khánh thành

Ngày lễ Quốc tế Phụ nữ mồng 8-3-1965 còn là ngày hội của chị em phụ nữ công nhân Nhà máy dệt mồng 8 tháng 3, ngày nhà máy dệt lớn nhất nước ta lúc bấy giờ cắt băng khánh thành. Vinh dự cho chị em là trong ngày vui lớn lao đó Bác Hồ đã đến thăm nhà máy. Cần nói thêm là công nhân của nhà máy toàn là nữ. Thời kỳ đó, đế quốc Mỹ liều lĩnh mở rộng chiến tranh ra miền Bắc, để đảm bảo an toàn, phòng máy bay Mỹ oanh tạc, lễ khánh thành nhà máy được ấn định vào 7 giờ tối.


Bác thăm Nhà máy Dệt 8-3 (1965)

Khoảng một giờ trưa, chẳng có ai dẫn lối, Bác đi thẳng đến khu nhà tập thể. Vào giờ này, người nào không bận làm ca kíp ở nhà máy thì đều đang giấc ngủ trưa. Bác đi xem xét nhà ăn, nhà trẻ, khu vệ sinh, hình như khá lâu mà không ai hay. Khi người ra bể nước công cộng, mấy chị em đang giặt giũ bên bể nước thấy Bác reo ầm lên: “Ôi Bác! Bác Hồ! Bác đến!”

Ngay lập tức cửa các căn nhà mở toang, mọi người cuống quýt chạy ra. Lúc này Bác đã tới đầu nhà A1, một trong mấy dãy nhà ở cao tầng mới xây dựng. Người đến mỗi lúc một đông, vòng trong vòng ngoài, ai cũng muốn được đến gần Bác, nhìn rõ Bác.

Đồng chí Bí thư chi bộ dẫn Bác lên kiểm tra tầng trên. Bác thoăn thoát bước lên cầu thang, vừa lên đến tầng hai đã nhìn thấy cảnh nhà nhà đang lôi đủ thứ ra phơi phóng lộn xộn ngoài hành lang, nơi ban công. Bác vẫy mọi người lại, phê bình: Đây là khu tập thể của một nhà máy hiện đại. Nhà máy càng hiện đại công nhân càng phải gương mẫu trong sản xuất và trong việc gìn giữ vệ sinh trong công nghiệp và vệ sinh trong sinh hoạt. Có như thế mới có đủ sức khoẻ để sản xuất tốt. Bác phê bình các cô các chú đều là người lớn cả mà ở rất bẩn. Các cô, các chú có hứa với Bác chú ý gìn giữ chỗ ăn ở luôn sạch sẽ, ngăn nắp không?

Mọi người đồng thanh đáp: “Có ạ!” rõ to. Lời đáp dõng dạc đó như làm vơi đi sự không hài lòng do chính họ gây ra.

Trên đường dẫn Bác đến thăm các phân xưởng nhà máy sẽ làm lễ khánh thành tối hôm đó, Bác nói với đồng chí Bí thư Đảng ủy: Chắc các cô đang bận lo việc khánh thành nhà máy, lo sản xuất mà lãng quên việc chăm lo đời sông của công nhân, như thế là không được, nhất là cương vị người lãnh đạo cao một nhà máy lớn có hàng vạn công nhân nữ. Lo việc lớn nhưng không bỏ qua việc nhỏ, kể cả những nguyện vọng chính đáng của từng chị em.