10 sự kiện chính về Phòng, chống HIV/AIDS năm 2021

Nhân Tháng hành động Quốc gia về Phòng, chống HIV/AIDS (10/11-10/12 hàng năm), Cục Phòng, chống HIV/AIDS xin điểm lại 10 sự kiện chính về phòng, chống HIV/AIDS năm 2021:

1. Văn bản pháp luật về phòng, chống HIV/AIDS tiếp tục được kiện toàn. Trình cấp thẩm quyền ban hành Nghị định 63 của Chính phủ về hướng dẫn Luật PC HIV/AIDS sửa đổi và Nghị định xác định tình trạng nghiện ma túy (sắp ban hành); Thông tư 09 của Bộ Y tế về xét nghiệm HIV cho phụ nữ có thai; 8 hướng dẫn chuyên môn về phòng, chống HIV/AIDS. Ngoài ra, Ban Bí thư đã ban hành Chỉ thị 07, thể hiện cam kết chính trị mạnh mẽ để hướng tới mục tiêu Chấm dứt dịch bệnh AIDS tại Việt Nam trước năm 2030.

2. Mở rộng, đa dạng dịch vụ xét nghiệm HIV. Toàn quốc hiện có 1.345 cơ sở xét nghiệm HIV, 201 phòng xét nghiệm khẳng định HIV dương tính. Ngoài các cơ sở y tế, tiếp tục mở rộng xét nghiệm HIV tại cộng đồng và tự xét nghiệm HIV; thí điểm cung cấp sinh phẩm tự xét nghiệm HIV qua mạng. Tính đến hết tháng 10/2021, phát hiện 10.925 người nhiễm HIV (85% là nam giới, 79% lây do quan hệ tình dục không an toàn). Ước cả năm 2021 phát hiện khoảng trên 12.000 người nhiễm HIV.

3. Đảm bảo Methadone liên tục hàng ngày cho hơn 52.000 bệnh nhân điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế, kể cả các bệnh nhân phải cách ly hoặc trong các khu phong tỏa vì đại dịch COVID-19.

4. Thí điểm cấp thuốc Methadone nhiều ngày cho gần 1.000 người bệnh điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế tại Điện Biên, Lai Châu, Hải Phòng, qua 6 tháng cho thấy kết quả tốt, làm cơ sở để sớm mở rộng cấp thuốc Methadone nhiều ngày ra các tỉnh khác.

5. Tiếp tục mở rộng điều trị HIV/AIDS. Hiện có gần 162.000 bệnh nhân HIV/AIDS đang được điều trị bằng thuốc ARV hàng ngày. Nhiều giải pháp đã được triển khai, giúp cho các bệnh nhân được dùng thuốc ARV liên tục trong bối cảnh COVID-19.

6. Phác đồ điều trị HIV/AIDS được cập nhật, tối ưu hóa, thuốc ARV mới (TLD) được mở rộng, chất lượng điều trị HIV/AIDS tiếp tục được duy trì ở mức cao hàng đầu thế giới, với 97,2% bệnh nhân có tải lượng Virus HIV ở dưới ngưỡng ức chế (<1.000 bản sao/ml máu) và 95,1% bệnh nhân có tải lượng dưới ngưỡng phát hiện (<200 bản sao/ml máu).

7. Mở rộng điều trị dự phòng trước phơi nhiễm (PrEP). Hiện có 27 tỉnh/TP đang triển khai điều trị PrEP cho 32.128 khách hàng với nhiều mô hình sáng tạo, hiệu quả như PrEP lưu động, PrEP trong bối cảnh COVID-19, PrEP trong ngày… với sự tham gia tích cực và hiệu quả của mạng lưới y tế tư nhân và các tổ chức dựa vào cộng đồng.

8. Mở rộng điều trị viêm gan C trên bệnh nhân HIV/AIDS. Người nhiễm HIV nếu bị đồng nhiễm Viêm gan C thì tuổi thọ chỉ bằng 1/2 so với người nhiễm HIV mà không bị nhiễm viêm gan. Điều trị viêm gan C cho người nhiễm HIV bắt đầu triển khai từ tháng 3/2021; đến hết tháng 10/2021, có 3.367 người đã được điều trị viêm gan C mạn tính, tỷ lệ khỏi viêm gan đạt đến 92,2%, góp phần giảm tỷ lệ tử vong ở người nhiễm HIV.  

9. Tiếp tục đảm bảo tài chính cho phòng, chống HIV/AIDS. Nguồn tài chính trong nước cho phòng, chống HIV/AIDS tiếp tục tăng, ước đạt trên 50% tổng chi cho phòng, chống HIV/AIDS. 33/63 tỉnh, thành phố đã phê duyệt Kế hoạch đảm bảo tài chính cho phòng, chống HIV/AIDS. 91% bệnh nhân HIV/AIDS đang điều trị ARV đã có thẻ bảo hiểm y tế.

10. Mặc dù công tác phòng, chống HIV/AIDS gặp rất nhiều khó khăn do đại dịch COVID-19, nhưng toàn mạng lưới phòng, chống HIV/AIDS đã nỗ lực để triển khai hoạt động, đạt các chỉ tiêu được giao năm 2021, như: phát hiện >12.000 người nhiễm HIV; điều trị Methadone cho 52.000 người; điều trị ARV cho trên 160.000 bệnh nhân HIV/AIDS; mở rộng PrEP cho >30.000 khách hàng…

PV