1,75 triệu USD gỡ khó cho tôm và cá tra

Nguồn vốn này nhằm giải quyết các thách thức đối với sự phát triển bền vững của ngành thủy sản Việt Nam nói chung và tôm, cá tra nói riêng.

Tại Lễ ký kết diễn ra vào ngày 22/8 trong khuôn khổ Hội chợ Vietfish 2018 tại TP.HCM, ông Phạm Anh Tuấn, Phó Chủ tịch Hội nghề Cá Việt Nam, cho biết Việt Nam là một trong 5 nước đứng đầu về xuất khẩu tôm nuôi nước lợ và là nhà sản xuất - xuất khẩu hàng đầu về cá tra trên thế giới. Trong đó, Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), là khu vực sản xuất chính, chiếm hơn 80% sản lượng tôm và 95% sản lượng cá tra.

Tuy nhiên, nuôi tôm nước lợ và cá tra ở khu vực này đang phải đối mặt với một số thách thức về hiệu quả quản lý dịch bệnh và nuôi trồng, cũng như khả năng đáp ứng yêu cầu của thị trường về truy xuất nguồn gốc của sản phẩm.

Ông Tuấn cho biết dịch bệnh còn khá phổ biến trong nuôi tôm và cá tra tại ĐBSCL, dẫn tới việc lạm dụng hóa chất và chất kháng sinh trong quá trình sản xuất. Điều này dẫn tới 2 hậu quả lớn là chất lượng sản phẩm không được đảm bảo trong khi giá thành sản xuất cao.

Trong bối cảnh thế giới thắt chặt quy định truy xuất nguồn gốc sản phẩm, việc sử dụng nhiều hóa chất và chất kháng sinh trong nuôi trồng thủy sản là trở ngại lớn đối với hoạt động xuất khẩu hàng hóa.

Theo ông Tuấn, một thách thức lớn khác là công tác quan trắc môi trường, dịch bệnh. Mặc dù đang được triển khai rộng rãi nhưng công tác này chỉ cho hiệu quả hạn chế vì sự phối hợp giữa các đối tác chưa tốt, số liệu chưa được chia sẻ và hiểu biết về mối liên hệ giữa sản xuất, dịch bệnh, môi trường chưa rõ ràng,…

Dự án có tổng nguồn vốn đầu tư là 1,75 triệu USD, với mục tiêu tăng cường hiệu quả quản lý dịch bệnh trên cơ sở hoàn thiện hệ thống quan trắc môi trường, cảnh báo dịch bệnh, cũng như cải thiện năng suất nuôi trồng tôm và cá tra thông qua xây dựng quy trình nuôi theo chuỗi cung ứng. Ngoài ra, Dự án cũng hỗ trợ các doanh nghiệp tôm và cá tra xây dựng hoặc cải thiện hệ thống truy xuất nguồn gốc sản phẩm đáp ứng yêu cầu của thị trường quốc tế.Để giải quyết các thách thức trên đối với hai ngành hàng tôm và cá tra, nhóm Hợp tác Công ty ngành thủy sản thống nhất xây dựng và đồng triển khai dự án "Hỗ trợ phát triển nuôi trồng thủy sản bền vững tại Đồng bằng sông Cửu Long thông qua Hợp tác Công tư".

Trong đó, khu vực Tư nhân và Tổ chức IDH góp vốn lớn nhất, lần lượt là 810.000 USD và 510.000 USD. Ngoài ra, khu vực Nhà nước đóng góp 300.000 USD và các tổ chức quốc tế, phi chính phủ khác là 110.000 USD.

Dự án kéo dài từ ngày 1/9/2018 đến ngày 31/12/2020 do Tổng cục Thủy sản điều phối.

Theo NDH