Trong đó, số lượng nhóm hàng xuất khẩu “chục tỷ USD” vẫn dừng ở con số 5 so với cùng kỳ 2019 là: điện thoại và linh kiện; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; dệt may; máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng; giày dép.

Tuy nhiên, trong khi 3 nhóm hàng điện thoại và linh kiện; dệt may; giày dép bị sụt giảm, 2 nhóm hàng còn lại có mức tăng trưởng ấn tượng giúp bù đắp phần thiếu hụt của nhiều nhóm hàng chủ lực khác để duy trì đà tăng trưởng dương của hoạt động xuất khẩu nói chung.

Cụ thể, đến 15/10, tổng kim ngạch nhóm hàng máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt 34,2 tỷ USD, tăng tới 7 tỷ USD so với cùng kỳ 2019. Về thị trường xuất khẩu (cập nhật của Tổng cục Hải quan hết tháng 9), máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện xuất sang Trung Quốc đạt 8,35 tỷ USD, tăng 26,9% so với cùng kỳ năm trước; sang thị trường Mỹ đạt 7,36 tỷ USD, tăng mạnh 83,2%; sang thị trường EU đạt 4,57 tỷ USD, tăng 22,1%; sang thị trường Hồng Kông (Trung Quốc) đạt 2,68 tỷ USD, tăng 25,6%... Trong khi đó, máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng đạt 19,568 tỷ USD, cũng tăng 5,76 tỷ USD.

Các thị trường xuất khẩu máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng chủ yếu gồm: Mỹ với 7,59 tỷ USD, tăng mạnh 121%; EU đạt trị giá 2,25 tỷ USD, tăng 29,1%; Hàn Quốc với 1,5 tỷ USD, tăng 29,2%; Nhật Bản với 1,45 tỷ USD, tăng 2,2%; Trung Quốc với 1,32 tỷ USD, tăng 19,7%... Như vậy, riêng 2 nhóm hàng chủ lực nêu trên có kim ngạch tăng thêm tới gần 13 tỷ USD.

Đáng chú ý, trong khi máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng tăng mạnh còng giày dép sụt giảm nên vị trí về quy mô kim ngạch của 2 nhóm hàng này có sự hoán đổi so với 1 năm trước đây khi máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng lên vị trí thứ 4 (sau điện thoại; máy vi tính; dệt may) và đẩy giày dép xuống vị trí thứ 5.