20 ngàn tỷ đồng sẽ được coi là "dự án quan trọng quốc gia"

Chính phủ đã thống nhất tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện và giải trình một số nội dung về dự án Luật đầu tư công (sửa đổi).

 Cụ thể về quy định đối với dự án bồi thường, giải phóng mặt bằng, Chính phủ yêu cầu trường hợp cần thiết tách phần đầu tư cho bồi thường, giải phóng mặt bằng của Dự án đầu tư công trong kế hoạch đầu tư công thành dự án độc lập, báo cáo cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định; phân định rõ với trường hợp dự án đầu tư công là Dự án bồi thường, giải phóng mặt bằng tạo quỹ đất công theo quy hoạch với tư cách là một dự án đầu tư công độc lập trong Kế hoạch đầu tư công. Bổ sung, hoàn thiện quy định đối với giai đoạn chuẩn bị dự án đầu tư, bảo đảm công tác chuẩn bị đầu tư được tiến hành chủ động, có chất lượng, nâng cao hiệu quả dự án.

Về tiêu chí mức vốn phân loại dự án quan trọng quốc gia, dự án nhóm A, B, C sử dụng vốn đầu tư công, Chính phủ thống nhất quy định tiêu chí mức vốn dự án quan trọng quốc gia là 20.000 tỷ đồng; điều chỉnh tăng tương ứng tiêu chí mức vốn đối với các dự án nhóm A, B, C; rà soát tiêu chí phân loại dự án, bảo đảm đồng bộ về tiêu chí mức vốn, lĩnh vực đầu tư gắn với thẩm quyền quyết định của mỗi cấp.

Về quy định đối với các dự án không phải quyết định chủ trương đầu tư, giữ quy định như dự thảo Luật Chính phủ đã trình Quốc hội, theo hướng dự án đặc biệt khác do Chính phủ quy định; các trường hợp khẩn cấp khác do Thủ tướng Chính phủ quyết định, nhằm đáp ứng yêu cầu thực hiện trong các trường hợp đặc biệt, khẩn cấp liên quan đến quốc phòng, an ninh, đối ngoại, thiên tai, thảm họa, dịch bệnh có tính chất cấp bách, cần được quyết định ngay, chỉ sử dụng ngân sách dự phòng hàng năm, bảo đảm không ảnh hưởng đến cân đối và bội chi ngân sách chung.

Về trình tự, thủ tục, thẩm quyền trình đề xuất chương trình, dự án, quyết định chủ trương đầu tư đối với dự án sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi nước ngoài: (1) chỉnh lý dự thảo Luật bảo đảm phù hợp với Luật Quản lý nợ công, theo hướng Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì trình Đề xuất chương trình, dự án; Bộ Tài chính chủ trì thẩm định về thành tố ưu đãi, tác động của khoản vay đối với các chỉ tiêu an toàn nợ công, cơ chế tài chính trong nước của Đề xuất chương trình, dự án, đồng thời xác định rõ trách nhiệm của Bộ Kế hoạch và Đầu tư trong việc tổng hợp ý kiến thẩm định của Bộ Tài chính, trình Thủ tướng Chính phủ; (2) giữ như quy định hiện hành về thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư, theo đó Thủ tướng quyết định chủ trương đầu tư đối với các dự án vay ODA, vay ưu đãi nhóm A, B, C để thống nhất thẩm quyền của Trung ương trong việc quản lý nguồn vốn này trong việc kiểm soát nợ công, nợ Chính phủ, đồng thời giao cơ quan thẩm định Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi là cơ quan trình Thủ tướng Chính phủ để bảo đảm rõ trách nhiệm trong thẩm định, phê duyệt dự án.

Đồng thời, giao cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư tiếp tục phối hợp với cơ quan thẩm tra của Quốc hội và các cơ quan liên quan nghiên cứu, rà soát, đề xuất phương án, chỉnh lý, hoàn thiện các quy định về: phạm vi áp dụng Luật này và pháp luật về đầu tư theo hình thức PPP, đầu tư vốn của nhà nước vào doanh nghiệp, đầu tư dự án đầu tư công của doanh nghiệp nhà nước; đối tượng đầu tư công đối với hoạt động cấp bù lãi suất tín dụng ưu đãi, phí quản lý, cấp vốn điều lệ cho các ngân hàng chính sách, các quỹ; căn cứ thẩm định nguồn vốn và khả năng cân đối vốn đối với các dự án có thời gian thực hiện kéo dài qua nhiều năm, qua nhiều kỳ kế hoạch đầu tư công trung hạn; sử dụng nguồn vốn dự phòng; thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư các dự án; thẩm quyền đối với dự án đầu tư công sử dụng nguồn vốn hỗn hợp; trình tự, thủ tục, tiến độ giải ngân nguồn vốn ODA không hoàn lại; thời hạn và các mốc thời gian, quy trình xây dựng, thời hạn trình phê duyệt, giao kế hoạch, thời hạn giải ngân vốn kế hoạch đầu tư công trung hạn; tiêu chí lựa chọn dự án đầu tư và hiệu quả đầu tư của dự án và các hành vi bị cấm trong đầu tư công.

Gia Vỹ