3 năm qua kết cấu nào trong công nghiệp chế biến chế tạo có sự thay đổi lớn nhất?

Trước đây, nói đến công nghiệp chế biến, chế tạo chủ yếu nói đến máy vi tính, điện thoại thông minh thì nay có thể kể thêm chế biến thủy sản, đồ gỗ, đồ uống, hóa chất, máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng...
che bien che tao

Công nghiệp chế biến chế tạo là lĩnh vực được nhiều nhà đầu tư nước ngoài quan tâm.

 

Trước đây, nói đến công nghiệp chế biến chế tạo chủ yếu nói đến hàng điện tử, máy vi tính… thì nay có thể kể thêm chế biến thủy sản, thực phẩm, lâm sản; sản xuất đồ uống, phân bón, hóa chất, máy móc, thiết bị… Đây vốn là bài toán của nền kinh tế trong nhiều thập kỷ qua, giờ đã bắt đầu được hiện thực hóa.

Chuyển dịch đúng hướng

Nếu có một câu để nói về ngành Công Thương 3 năm qua, thì đó là: tái cơ cấu đang đi đúng hướng.

Ở lĩnh vực công nghiệp, tái cơ cấu thể hiện nổi bật ở sự lên ngôi của công nghiệp chế biến chế tạo và việc giảm phụ thuộc vào tài nguyên thiên nhiên của ngành công nghiệp khai khoáng.

Bảng 1. Tăng trưởng GDP và Chỉ số sản xuất công nghiệp 2016-2018

chi so san xuat cong nghiep
Nhìn trên Bảng 1, liên tiếp 3 năm qua, công nghiệp khai khoáng luôn sụt giảm trong khi chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tiếp tục tăng vững chắc, từ 7,5% năm 2016 lên 9,4% năm 2017 và 10,4% năm 2018. Kết quả này chủ yếu nhờ vào sự gia tăng mạnh mẽ trong ngành công nghiệp chế biến chế tạo, không những gánh đỡ phần sụt giảm của ngành công nghiệp khai khoáng, mà còn là động lực dẫn dắt tốc độ tăng trưởng toàn ngành công nghiệp luôn cao hơn tốc độ tăng trưởng chung của nền kinh tế.

Năm 2016 công nghiệp chế biến chế tạo đã gây ấn tượng với màn ra mắt tăng trưởng đạt 2 con số, 11,3%; tiếp đến 2017 tăng 14,5%; 10 tháng đầu năm 2018 tăng 13%. Đây cũng là mức tăng cao nhất của kỳ 10 tháng đầu năm, kể từ 2011, năm đầu tiên chuyển từ cách tính “Giá trị sản xuất công nghiệp” sang “Chỉ số sản xuất công nghiệp”. Từ năm 2016 tỷ trọng của công nghiệp chế biến, chế tạo trong GDP đã bắt đầu vượt qua nông-lâm-thủy sản. Tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo trong GDP đã tăng từ 14,6% bình quân giai đoạn 2011-2015 lên 16,2% năm 2016 lên 17,4% năm 2017 và 18,8% trong 10 tháng đầu năm 2018. Ngược lại, tỷ trọng của công nghiệp khai khoáng giảm từ 8,8% bình quân giai đoạn 2011-2015 xuống 7,6% năm 2016, xuống 6,6% năm 2017 và 6,0% trong 10 tháng đầu năm 2018.

Đất lành chim đậu, công nghiệp chế biến chế tạo cũng là ngành thu hút FDI tốt nhất. Năm 2017, ngành này thu hút gần 16 tỷ USD,  chiếm 44,2% tổng vốn đầu tư FDI; 10 tháng đầu năm 2018, công nghiệp chế biến chế tạo tiếp tục là lĩnh vực được nhiều nhà đầu tư nước ngoài quan tâm nhất với tổng số vốn 11,3 tỷ USD, chiếm 44,6% tổng vốn đầu tư đăng ký.

Động lực dẫn dắt năng suất

Một báo cáo mới đây của Viện Khoa học Lao động và Xã hội (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội) đưa ra nhận định rằng, khu vực công nghiệp chế biến chế tạo đã trở thành điểm sáng của cả nền kinh tế với mức đóng góp lớn nhất vào tăng trưởng chung của nền kinh tế. Và hạt nhân của sự đóng góp đó là năng suất lao động ở trên 2 khía cạnh. Thứ nhất, công nghiệp chế biến chế tạo phát triển đã tạo ra sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế từ khu vực nông nghiệp vốn có năng suất thấp hơn sang lĩnh vực công nghiệp và dịch vụ - có năng suất lao động cao hơn. Minh chứng cho điều này là trong quý III vừa qua, lao động trong khu vực nông lâm thuỷ sản giảm 179.000 người. Thứ hai, là sự cải thiện năng suất lao động trong nội tại nền kinh tế.

Bình quân 3 năm 2016-2018 năng suất lao động tăng 5,62%/năm, cao hơn so với mức tăng bình quân 4,3%/năm của giai đoạn 2011-2015, và đạt mục tiêu đề ra (tăng trên 5,5%). Báo cáo tại phiên họp 28 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về kết quả cơ cấu lại nền kinh tế và đổi mới mô hình tăng trưởng giai đoạn 2016-2018, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch & Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho rằng, Việt Nam là quốc gia có tốc độ tăng năng suất lao động cao trong khu vực ASEAN.

Sự gia tăng của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo là động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế dịch chuyển sang chiều sâu, thể hiện ở mức đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) trong tăng trưởng của nền kinh tế ngày một lớn và hiệu quả đầu tư được cải thiện. Trong giai đoạn 2016-2018, đóng góp của TFP vào tăng trưởng kinh tế tăng lên đáng kể, đạt 42,18%, cao hơn so với mức 33,58% trong giai đoạn 2011-2015 và vượt mục tiêu đề ra (đóng góp của TFP vào tăng trưởng trong 5 năm 2016-2020 đạt khoảng 30%-35%).

Công nghiệp chế biến chế tạo còn là động lực cho đổi mới công nghệ, cải thiện hệ số tiêu hao năng lượng. Tổn thất điện năng để truyền tải và phân phối điện năm 2015 là 7,7%; đến hết 9 tháng đầu năm giảm xuống còn 7,17%, thấp hơn 0,03% so với kế hoạch phấn đấu năm 2018 (7,2%).

Hình thành các tổ hợp lớn

Một trong những dấu ấn của tái cơ cấu ngành Công Thương là đã hình thành một số doanh nghiệp công nghiệp quy mô lớn, với đầy đủ kỹ năng để cạnh tranh trên trường quốc tế. Cùng với việc xử lý triệt để các dự án chậm tiến độ, kém hiệu quả thuộc ngành, Bộ Công Thương đã trình Thủ tướng Chính phủ thông qua 3 Đề án về tái cơ cấu các tập đoàn công nghiệp lớn 100% vốn nhà nước giai đoạn 2017 - 2020 gồm: Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam và Tập đoàn Hóa chất Việt Nam. Đồng thời, đặt trọng tâm vào xử lý các điểm nghẽn về chính sách, thể chế để các thành phần kinh tế tiếp cận dễ dàng hơn các nguồn lực cho phát triển công nghiệp. Trên cơ sở đó, đã tham mưu, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành hàng loạt văn bản như Chương trình Phát triển công nghiệp hỗ trợ (Quyết định số 68/QĐ-TTg ngày 18/1/2017); Quy hoạch Phát triển ngành cơ khí Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 (Quyết định số 60/QĐ-TTg ngày 16/1/2017); Đề án Đổi mới và hiện đại hoá công nghệ trong ngành công nghiệp khai khoáng đến năm 2025 (Quyết định số 259/QĐ-TTg ngày 22/2/2017); Nghị định số 68/2017/NĐ-CP ngày 25/5/2017 về quản lý, phát triển cụm công nghiệp.

Đặc biệt, Nghị định số 116/2017/NĐ-CP ngày 17/10/2017 quy định điều kiện sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu và kinh doanh dịch vụ bảo hành, bảo dưỡng ô tô để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp nội địa phát triển, nâng cao sức cạnh tranh và tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị... đã khơi dậy mạnh mẽ nguồn lực của nhà đầu tư nước ngoài, của tư nhân trong nước và hình thành các tập đoàn lớn như Vingroup, Thành Công, Trường Hải… và thuyết phục được các nhà đầu tư bỏ hàng tỷ USD vào sản xuất, lắp ráp ô tô.

- Tháng 9/2017, Vingroup khởi công Nhà máy ô tô Vinfast.

- Tháng 11/2017 Mitsubishi quyết định mở nhà máy ô tô thứ 2 ở Long An có công suất 100 ngàn xe/năm, gấp 20 lần công suất nhà máy đầu tiên ở Bình Dương.

 - Tháng 3/2018 Hyundai Hàn Quốc tuyên bố muốn mở cho riêng mình 1 cơ sở sản xuất ô tô, bên cạnh việc đã chuyển giao lắp ráp cho liên doanh Hyundai -Thành Công.

- Tháng 3/2018 Thaco Trường Hải khánh thành nhà máy sản xuất ô tô Thaco Mazda công suất 100 ngàn xe/năm.

- Tháng 10/2018, sau một năm khởi công xây dựng nhà máy sản xuất ô tô ở Hải Phòng, Vinfast giới thiệu 2 mẫu xe đầu tiên (bản concept)  tại Triển lãm Ô tô Paris (Paris Motor Show) cùng các thương hiệu ô tô hàng đầu thế giới, trước khi giới thiệu tới công chúng Việt Nam vào cuối năm nay…

- Tháng 11/2018, Hyundai Thành Công quyết định xây dựng thêm nhà máy ô tô ở Quảng Ninh.

Mặc dù mới tham gia thị trường sản xuất, lắp ráp ô tô nhưng các doanh nghiệp trong nước đã khẳng định được thế đứng của mình, cạnh tranh được với hàng nhập khẩu có thuế suất 0% từ khu vực ASEAN. Trường Hải và Hyundai Thành Công liên tục có những mẫu xe lọt trong Top 10 tiêu thụ nhiều nhất theo tháng và theo quý. Riêng Trường Hải không chỉ dẫn đầu số lượng xe bán trong nước mà còn có đơn hàng xuất khẩu xe bus sang Thái Lan, Philippines và hiện đang tìm đối tác để xuất khẩu sang Singapore.

Công nghiệp ô tô có tác động lan tỏa rất nhiều ngành, như cơ khí, điện tử, hóa chất, vật liệu dẻo, công nghệ số, công nghiệp công nghệ cao… nên thu hút thành công sản xuất ô tô cũng là tạo ra nền tảng sản xuất trong nước ở tầm mức cao hơn.

Ngoài công nghiệp ô tô, có nhiều tập đoàn lớn được hình thành trong lĩnh vực chế biến sữa và thực phẩm như Vinamilk, TH True milk;  trong các lĩnh vực về hóa chất, sắt thép, kim loại, hàng loạt các lĩnh vực khác đều có những tổ hợp lớn như Hòa Phát, Hoa Sen, Super Phốt phát Lâm Thao… đã khẳng định được vị thế của mình thông qua đóng góp cho tăng trưởng kinh tế và cho xuất khẩu.

Sự kích hoạt của công nghiệp chế biến, chế tạo đối với tái cơ cấu ngành Công Thương cũng như đối với nền kinh tế tương đối sâu và rộng, nhưng có 2 vấn đề nổi bật hơn cả. Một là, tỷ trọng của hàng công nghiệp chế biến chế tạo không chỉ đóng góp tích cực trong GDP, mà còn là nhân tố chính trong chuyển dịch cơ cấu hàng xuất khẩu, và cũng là đầu tàu kéo xuất khẩu chung của cả nước tăng trưởng cao, chiếm 80,3% tổng kim ngạch xuất khẩu năm 2016, lên 82,5% tổng kim ngạch xuất khẩu của 10 tháng đầu năm nay. Hai là, sự tăng trưởng của công nghiệp chế biến, chế tạo đã tương đối toàn diện và ổn định ở nhiều phân ngành. Trước đây, nói đến công nghiệp chế biến, chế tạo chủ yếu nói đến hàng điện tử, máy vi tính, điện thoại thông minh, dệt may, da giày, thì nay có thể kể thêm nhiều phân ngành khác có đóng góp lớn trong tỷ trọng sản xuất, xuất khẩu như chế biến thủy sản; chế biến thực phẩm; chế biến lâm sản; sản xuất đồ uống, phân bón và hóa chất, máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng; phương tiện thiết bị vận tải, ô tô, và phụ tùng… Đây vốn là bài toán của nền kinh tế trong nhiều thập kỷ qua, giờ đã bắt đầu được hiện thực hóa.

Nguyễn Văn