3 ngày, 4 buổi làm việc cùng lắng nghe nhịp đập địa phương

Cầm lịch công tác của Bộ Công Thương trong chuyến công tác Đồng Bằng sông Cửu Long lần này tôi không khỏi kinh ngạc, 3 ngày với 4 buổi làm việc chính thức và chi chít sự kiện bên lề.

Chúng tôi từ Thành phố Hồ Chí Minh di chuyển thẳng tới Sóc Trăng, cuộc họp giữa tỉnh và Bộ Công Thương đã định giờ, các thành phần tham gia được tỉnh Sóc Trăng mời cũng sẵn sàng.

Cũng nói thêm rằng, cả 3 cuộc tiếp xúc giữa Đoàn công tác Bộ Công Thương sau đó với lãnh đạo thành phố Cần Thơ, tỉnh Bạc Liêu đều cho thấy các địa phương sẵn sàng cùng với Bộ Công Thương gỡ những nút thắt, đưa kinh tế quê hương cất cánh. Thật vậy, năm 2018, cả 3 địa phương Cần Thơ, Sóc Trăng, Bạc Liêu, đều tổ chức Hội nghị xúc tiến đầu tư, và Thủ tướng đều tham dự. Có thể nói, những sự kiện đó như luồng gió mới, nhân dân địa phương kỳ vọng nhiều, quê lúa, quê tôm giờ dang rộng vòng tay đón những nhà máy điện khí, điện gió và cả những ước mơ về trung tâm logictic của vùng…

Trong suy nghĩ của những người chèo lái các tỉnh, thành đều muốn những cam kết của nhà đầu tư trở thành hiện thực, doanh nghiệp ăn nên làm ra, thành công là địa phương phát triển, vai trò nhà lãnh đạo là đó chứ ở đâu xa.

a
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh làm việc tại tỉnh Sóc Trăng

 

Bộ Công Thương, đứng đầu là Bộ trưởng Trần Tuấn Anh hơn ai hết là người đã có những năm tháng công tác tại đây hiểu rõ hơn điều này (Bộ trưởng đã có thời gian làm cương vị Phó chủ tịch Thành phố Cần Thơ). Giờ đây, trên cương vị là bộ trưởng ngành kinh tế quan trọng, tham mưu cho Chính phủ những vấn đề trọng trách của sự phát triển kinh tế đất nước, Bộ trưởng càng như muốn tạo những lực đẩy cho quyết sách của Chính phủ đi vào thực tiễn. Cách trình bày lôi cuốn, xâu chuỗi tình hình thực tiễn với với quyết sách, người nghe như cảm nhận được sự thấu hiểu của ngành Công Thương, cá nhân vị tư lệnh ngành với từng ngóc ngách của kinh tế địa phương.

Đáp máy bay từ sân bay Từ Hà Nội đi Cần Thơ, vẫn phong cách nhanh nhẹn Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cùng đoàn công tác di chuyển thẳng bằng ô tô xuống Sóc Trăng.

Rồi những chỉ đạo dứt khoát, rõ ràng, mạch lạc, giao việc cụ thể của Bộ trưởng cho các đơn vị chức năng trong bộ, tập trung vào những việc địa phương đã và đang trăn trở bấy lâu, cánh anh em báo chí chúng tôi chỉ biết thán phục. Sự nắm bắt đến từng chi tiết, cho dù đó là đường dây cấp điện cho ấp còn dang dở hay, hay cả những vấn đề vĩ mô của những dự án lớn hàng ngàn tỷ đồng có liên quan đến trời tây xa xôi.

Đơn cử, Dự án Nhà máy Nhiệt điện Long Phú do Ban Quản lý Điện Lực Dầu khí Long Phú 1, dự án được xem là đánh thức vùng quê nghèo Sóc Trăng nhưng giờ đây đang bị chậm tiến độ. Trình bày trong cuộc họp với Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, Ông Nguyễn Doãn Toàn, trưởng ban, Ban Quản lý cho rằng, dự án  đạt tới gần 78%. Nguyên nhân do ảnh hưởng của lệnh cấm vận, phía đối tác đã và đang gặp nhiều khó khăn. Việc này đã xác định tiến độ vận hành thương mại của nhà máy chỉ có thể thực hiện sau khi Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Ban Quản lý Dự án Nhà máy nhiệt điện Long Phú thống nhất được với đối tác quốc tế phương án xử lý cấm vận và được cấp thẩm quyền chấp thuận.

Chia sẻ với địa phương Sóc Trăng về vấn đề này, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho rằng, việc nhà máy chậm tiến độ có thể ảnh hưởng trực tiếp tới nguồn thu ngân sách địa phương, điều mà không bên nào mong muốn. Vì vậy bản thân, lãnh đạo Ban quản lý dự án, trực tiếp báo cáo cấp cao hơn, vì liên quan tới đối tác nước ngoài  thì không phải mình Bộ Công Thương làm được. Bộ Công Thương ủng hộ hết mức, các phương án nào thiết thực để sớm nhất dự án vận hành trở lại.

Buổi làm việc chỉ kết thúc khi rất nhiều những kiến nghị, thắc mắc của địa phương được đoàn công tác của Bộ Công Thương, cá nhân Bộ trưởng giải đáp thỏa đáng. Phố đã lên đèn, lúc này đã hơn 19h tối, chúng tôi lại di chuyển về Cần Thơ trong đêm cho kịp buổi khai mạc hội nghị liên ngành triển khai Hiệp định CPTPP, buổi họp do chính Bộ trưởng chủ trì vào sáng hôm sau.

Với Thành phố Cần Thơ, lần lượt Phó Chủ tịch Trương Quang Hoài Nam, Chủ tịch Võ Thành Thống đưa ra những trăn trở xoay quanh các vấn đề hội nhập hợp tác quốc tế, phát triển thương mại dịch vụ, công nghiệp nhẹ, Trung tâm điện lực Ô Môn, điện nông thôn, công tác xuất nhập khẩu trái cây đặc sản của địa phương, tổ chức quản lý thị trường theo ngành dọc, tăng cường hợp tác chống buôn lậu gian lận thương mại, vấn đề phát triển công nghiệp, công nghiệp hỗ trợ... để từ đó Bộ Công Thương nắm bắt và có chương trình hành động cụ thể hỗ trợ, đồng hành cùng địa phương trong phát triển kinh tế.

Chia sẻ với địa phương, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho rằng, mong muốn của Thành phố Cần Thơ là thiết thực. Bộ đã có sự hợp tác với Nhật Bản trong lĩnh vực công nghiệp chế biến nông sản như rau quả, trái cây và sẽ thực hiện được tại Cần Thơ. Bộ Công Thương cũng có nhiều thông tin về các hệ thống thương mại, chuỗi bán hàng khác có thể giới thiệu về với Cần Thơ, hay mở rộng thị trường ngoài nước không chỉ là thị trường Nhật Bản như thành phố đề xuất, mà mặt hàng nông sản của Cần Thơ còn có thể tiếp cận với thị trường Trung Quốc, Hàn Quốc….

Một vấn đề nữa, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh đưa ra để Cần Thơ cũng có thể lưu ý với ngành công nghiệp đưa vào hoạch định, đó là, việc thành lập cơ sở sản xuất công nghiệp phụ trợ với ngành công nghiệp tái tạo, vấn đề đang “nóng” tại khu vực ĐBSCL.

Bên cạnh đó, Cần Thơ đề nghị Bộ Công Thương kêu gọi đầu tư Trung tâm logictics hạng 2 thuộc tiểu vùng kinh tế trung tâm vùng ĐBSCL tại thành phố Cần Thơ. Việc này cũng đã và đang được Cục Xuất Nhập khẩu, các cơ quan của Bộ đẩy nhanh tiến độ.

Ngoài ra, Cần Thơ có tiềm năng rất lớn về kinh tế nông nghiệp, những vùng sinh thái để phát triển du lịch cần phải được khai thác tương xứng. Giờ đây không chỉ Cần Thơ đi kêu gọi đầu tư, các đối tác là nhà đầu tư Nhật Bản, Hàn Quốc rất muốn đến Cần Thơ để đầu tư, kết nối. Nhất là các ngành công nghiệp chế biến. Cần Thơ ở thời điểm hiện tại với kết cấu kinh tế đã thể hiện rõ vai trò thành phố động lực trung tâm của vùng đồng bằng sông Cửu Long.

Tôi đã nghe nhiều về dự án điện gió Bạc Liêu, nhưng chuyến công tác này mới mục sở thị. Ông Dương Thành Trung, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu tự hào: Bạc Liêu có thế mạnh của tỉnh, nhất là các dự án năng lượng sạch, gồm điện gió, điện mặt trời và điện khí. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh đã có Nhà máy Điện gió Bạc Liêu, là dự án lớn điện gió đầu tiên và lớn nhất Việt Nam đi vào hoạt động. Nhà máy đang Điện gió Bạc Liêu giai đoạn 1,2 có tổng công suất gần 100MW chính thức phát điện vài năm trở lại đây.

Tuy nhiên, ông Trung cũng đề nghị Bộ Công Thương quan tâm hỗ trợ tỉnh trong việc thực hiện xúc tiến sớm các quy hoạch, điều chỉnh bổ sung quy hoạch các dự án về điện; Hỗ trợ Bạc Liêu xây dựng hệ thống hạ tầng truyền tải điện và hạ tầng điện phục vụ nuôi tôm công nghiệp và sản xuất của nhân dân; hỗ trợ tỉnh trong đầu tư hạ tầng các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, phát triển thị trường hàng hóa và phát triển hệ thống chợ nông thôn...

 Cũng về vấn đề phát triển các dự án năng lương trên địa bàn, Bí thư Tỉnh ủy Bạc Liêu Nguyễn Quang Dương mong muốn Bộ Công Thương tiếp tục hỗ trợ Bạc Liêu trong phát triển các trụ cột kinh tế mà tỉnh đã xác định; trong đó có trụ cột về phát triển năng lượng điện, nhất là sớm hỗ trợ Bạc Liêu về quy hoạch và đầu tư hạ tầng về điện, xúc tiến đối với Dự án Nhà máy nhiệt điện khí LNG Bạc Liêu với quy mô công suất 3.200 MW, để Bạc Liêu bứt phá đi lên, thoát nghèo, trở thành tỉnh khá trong khu vực vào năm 2020.

Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh nhìn nhận, Bạc Liêu còn nhiều khó khăn nhưng cũng có nhiều cơ hội, còn nhiều cách để tạo ra sự phát triển bền vững, hội nhập cùng sự phát triển đất nước. Bằng chứng, trong năm 2018 mức tăng trưởng kinh tế của tỉnh đạt 8,36% và một số chỉ tiêu, lĩnh vực tăng cao hơn so với mức trung bình của cả nước.

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cũng chia sẻ, Bạc Liêu từ một tỉnh tìm kiếm, mời gọi nhà đầu tư, đến nay đã có nhiều nhà đầu tư tìm tới, điều đó thật đáng mừng.

Bộ trưởng Bộ Công Thương đánh giá cao việc Bạc Liêu xác định 5 trụ cột để tập trung chỉ đạo thực hiện phát triển kinh tế, xã hội trên địa bàn và tính đến liên kết vùng trong thời gian tới, nhất là lĩnh vực liên quan trực tiếp đến quản lý nhà nước của Bộ Công Thương như lĩnh vực năng lượng điện, mà qua Dự án công trình điện gió Bạc Liêu đã khẳng định điều đó.

Về những vấn đề liên quan tới bổ việc bổ sung công suất 3200 MW Dự án điện khí LNG Bạc Liêu vào sơ đồ điện 7, Bộ Công Thương cho rằng, tỉnh Bạc Liêu cần gấp rút có văn bản gửi Chính Phủ, các bộ ngành có liên qua, Bộ Công Thương với quan điểm là ủng hộ địa phương để dự án sớm khởi động.

Chuyến công tác ĐBSSL lần này, tôi chú ý tới nhân vật là Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV PROTON, anh Nguyễn Hồng Long.

Phó Giám đốc Nhà máy Điện gió Bạc Liêu giới thiệu với Bộ trưởng và đoàn công tác quy trình vận hành Nhà máy điện gió đầu tiên của Việt Nam

 

Anh Long nói với tôi, sở dĩ anh tham gia các buổi làm việc, chủ trì có Bộ trưởng Trần Tuấn Anh tham dự vì công việc đầu tư của anh phần vì triển khai địa bàn Đồng bằng sông Cửu Long, phần vì rất thích nghe Bộ trưởng thuyết trình.  Nói rồi, anh say mê về công việc phát triển chợ đầu mối, công việc anh ấp ủ và đang quyết tâm đưa nó trở thành hiện thực trên mảnh đất trù phú nông, thủy sản này. Đó là, những chuyến đi được Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công Thương, giúp chủ đầu tư như anh tham quan các mô hình chợ đầu mối hiện đại trên thế giới để xây dựng tại Sóc Trăng trong thời gian sớm nhất.

Thế mới biết, chính sách đúng đắn, sự quyết liệt trong thực thi, ngành Công Thương đã thổi lên quyết tâm cho nhà đầu tư là biết bao.

Anh Long nói thêm, đây là dự án rất có ý nghĩa đối với tỉnh Sóc Trăng nói riêng và cả vùng ĐBSCL nói chung. Nhằm giải quyết đầu ra một cách căn bản và lâu dài cho nông sản của Vùng, góp phần khép kín và gia tăng chuỗi giá trị hàng hóa nông sản, giúp tạo việc làm và nâng cao thu nhập cho người dân; đồng thời nâng cao năng lực cung cấp hàng hóa xuất khẩu, tạo lợi thế thương mại cho ĐBSCL trong khu vực cộng đồng kinh tế ASEAN; cũng như tận dụng cơ hội giao thương mua bán trong khối các quốc gia tham gia Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) mà Việt Nam đang là thành viên.

Cứ như vậy, gió hội nhập thổi vào vùng quê nghèo cũng đơn sơ vậy, tôi tin anh Long và Công ty TNHH MTV PROTON của Anh sẽ thành công!

Lắng nghe, thấu hiểu và đồng cảm, giải quyết thấu đáo mọi vấn đề với nhịp đập của phát triển kinh tế địa phương, đoàn công tác của Bộ Công Thương đã để lại rất nhiều niềm vui trong chuyến đi này.

Thăng Long