30,8 triệu lao động ảnh hưởng tiêu cực bởi Covid-19

Trong 51,8 triệu lao động có việc làm trong Quý II/2020, có 30,8 triệu người bị ảnh hưởng do dịch bệnh, trong đó 2,4 triệu lao động mất việc, tỉ lệ thất nghiệp trên cả nước gia tăng.

30,8 triệu lao động bị ảnh hưởng

Số liệu trên được Tổng cục Thống kê công bố tại cuộc họp báo "Tình hình lao động việc làm Quý II và 6 tháng đầu năm 2020", tổ chức ngày 10/7/2020, tại Hà Nội.

Trao đổi với báo chí tại cuộc họp báo, ông Phạm Quang Vinh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, cho biết, đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng trực tiếp đến tình hình lao động việc làm trong các ngành và tại tất cả các tỉnh, thành phố và trên toàn thế giới. Dự báo khoảng một nửa lao động toàn cầu mất việc, mất sinh kế.

Riêng tại Việt Nam, trong Quý II/2020 có thêm 2,4 triệu lao động mất việc, tỉ lệ thất nghiệp cả nước trong Quý II tăng 2,73% (khoảng 1,3 triệu người), trong đó khu vực thành thị tăng 4,46% so với Quý I/2020.

6 tháng đầu năm 2020, cả nước có 30,8 triệu người từ 15 tuổi trở lên bị ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch, bao gồm những người bị mất việc làm, phải nghỉ giãn việc/nghỉ luân phiên, giảm giờ làm, giảm thu nhập,… Ảnh hưởng do giảm thu nhập chiếm tỷ trọng cao nhất với 57,3% tổng số người bị ảnh hưởng (tương ứng 17,6 triệu người). 

Trong tổng số 30,8 triệu người bị ảnh hưởng, có 28,7 triệu người có việc làm; 897,5 nghìn người thất nghiệp và 1,2 triệu người nằm ngoài lực lượng lao động (không tham gia hoạt động kinh tế).

lao động việc làm
Tổng cục Thống kê cho biết, trong Quý II/2020 có thêm 2,4 triệu lao động mất việc, tỉ lệ thất nghiệp cả nước trong Quý II tăng 2,73% (khoảng 1,3 triệu người), trong đó khu vực thành thị tăng 4,46% so với Quý I/2020

Thông tin cụ thể về tình hình lao động việc làm Quý II/2020, bà Vũ Thị Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Thống kê dân số và lao động, Tổng cục Thống kê cho biết, lực lượng lao động giảm sâu kỷ lục, lao động nữ là nhóm chịu ảnh hưởng nặng nề hơn so với lao động nam trong bối cảnh dịch Covid-19.

Cụ thể, lao động từ 15 tuổi trở lên trong Quý II/2020 là 53,1 triệu người, giảm 2,2 triệu người so với quý trước và giảm 2,4 triệu người so với cùng kỳ năm trước.

"Đây là năm ghi nhận mức giảm sâu kỷ lục của lực lượng lao động từ trước đến nay", bà Vũ Thị Thu Thủy nhấn mạnh.

Dịch Covid-19 cũng làm giảm cung ứng thị trường lao động ở tất cả nhóm tuổi, đặc biệt là nhóm từ 55 tuổi trở lên tại khu vực thành thị.

Ngoài ra, theo Tổng cục Thống kê, lao động có việc làm giảm mạnh nhất trong vòng 10 năm qua. Cụ thể, lao động từ 15 tuổi trở lên có việc làm trong quý II/2020 là 51,8 triệu lao động, giảm 2,4 triệu người so với quý trước và giảm gần 2,6 triệu người so với cùng kỳ năm trước.

Lao động có việc làm trong Quý II giảm tương ứng so với mức giảm của lực lượng lao động. Điều này cho thấy dịch Covid-19 đã làm cho đa số người lao động mất việc phải tạm thời rời khỏi thị trường lao động trong thời gian dịch bệnh lây lan. Đặc biệt là trong tháng 4/2020 khi các biện pháp giãn cách xã hội được áp dụng nghiêm túc và triệt để.

Lao động thiếu việc làm tăng, thu nhập giảm

Theo Tổng cục Thống kê, số người từ 15 tuổi trở lên thiếu việc làm trong Quý II là gần 1,5 triệu người, tăng hơn 363 nghìn người so với Quý I/2020.

Thu nhập bình quân tháng của lao động Quý II là 5,2 triệu đồng/người, giảm 525 nghìn đồng so với Quý I và giảm 279 nghìn đồng so với cùng kỳ. Đây là năm đầu tiên ghi nhận mức giảm thu nhập trong vòng 5 năm qua.

Đáng chú ý, Tổng cục Thống kê cho rằng, tỷ lệ thất nghiệp đã ở mức cao nhất trong vòng 10 năm qua, trong đó tỷ lệ thất nghiệp tăng nhiều nhất ở nhóm lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật thấp. Tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động Quý II/2020 là 2,73%. 

Tuy tỷ lệ thất nghiệp cao nhất trong 10 năm qua, nhưng tỷ lệ thất nghiệp đó vẫn là con số thấp hơn nhiều nước. Canada tỷ lệ thất nghiệp là 13,7%; Mỹ là 13,3%; Trung Quốc là 5,9%.

lao động việc làm
Để khắc phục và giúp người lao động vượt qua thời điểm khó khăn này, các chuyên gia của Tổng cục Thống kế đã đưa ra đề xuất đẩy mạnh việc thực hiện gói hỗ trợ theo nghị quyết số 42/NQ-CP của Chính phủ, đảm bảo chi đúng đối tượng, kịp thời và hiệu quả

Trả lời báo chí về lý do tỷ lệ thất nghiệp của Việt Nam ở mức thấp so với nhiều nước, bà Vũ Thị Thu Thủy cho rằng, tỷ lệ thất nghiệp bình thường các năm trước của Việt Nam là ở khoảng 2%. Do ảnh hưởng dịch Covid-19, tỷ lệ thất nghiệp tăng lên 2,73% đối với lao động từ 15 tuổi trở lên. Đó cũng không hẳn là con số thấp. Còn nếu tính tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động ở khu vực thành thị là 4,46%, đây là là con số khá cao.

Trong khi đó, tỷ lệ lao động không sử dụng hết tiềm năng bắt đầu tăng lên khi dịch Covid-19 xuất hiện. "Lao động có nhu cầu làm việc nhưng không được đáp ứng đủ công việc bao gồm những người thất nghiệp, thiếu việc làm và một nhóm ngoài lực lượng lao động có nhu cầu làm việc nhưng không tìm việc hoặc có tìm việc nhưng chưa sẵn sàng làm việc ngay", bà Vũ Thị Thu Thủy chia sẻ.

Xây dựng gói hỗ trợ đặc thù cho lao động yếu thế

Để khắc phục và giúp người lao động vượt qua thời điểm khó khăn này, các chuyên gia của Tổng cục Thống kế đã đưa ra đề xuất đẩy mạnh việc thực hiện gói hỗ trợ theo nghị quyết số 42/NQ-CP của Chính phủ, đảm bảo chi đúng đối tượng, kịp thời và hiệu quả.

Có 57,3% người từ 15 tuổi trở lên bị giảm thu nhập do ảnh hưởng của dịch Covid-19, vì vậy cần nâng cao hiệu quả giải ngân các gói hỗ trợ thu nhập cho người dân vượt qua đại dịch.

Bên cạnh đó, chúng ta cần nghiên cứu để xây dựng các gói hỗ trợ đặc thù cho nhóm lao động yếu thế, bao gồm lao động nữ và lao động không có trình độ chuyên môn kỹ thuật chịu tổn thương bởi diễn biến khó lường của dịch Covid-19 nhằm giúp họ sớm vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống,

Cùng với đó cần đẩy nhanh việc thực hiện hiệu quả các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh để phục hồi hoạt động kinh tế của tất cả các ngành, đặc biệt là ngành chịu ảnh hưởng lớn của dịch Covid–19 như công nghiệp chế biến; bán buôn và bán lẻ; dịch vụ lưu trú và ăn uống; vận tải nhằm tạo công ăn việc làm cho người lao động.

Về mặt đào tạo, nâng cao trình độ lao động nhằm tăng khả năng tìm kiếm việc làm, nhà nước cần có chính sách khuyến khích người lao động học tập nâng cao trình độ, đồng thời tập trung hỗ trợ người sử dụng lao động đào tạo.

Song hành với đó là đào tạo lại người lao động; khuyến khích doanh nghiệp khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, ứng dụng khoa học công nghệ phát huy tiềm năng và thế mạnh.

Về phía doanh nghiệp và người lao động cần nắm bắt nhu cầu lao động của nền kinh tế trong bối cảnh chuyển đổi phương thức sản xuất đáp ứng yêu cầu mới sau khi xảy ra dịch Covid-19 để đào tạo, nâng cao trình độ đáp ứng nhu cầu lao động trong xã hội.

 

Hạ An