Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng trải nghiệm dịch vụ công quốc gia
Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng trải nghiệm dịch vụ công quốc gia

 

Báo cáo tổng hợp của Bộ Thông tin và Truyền thông cho thấy, hầu hết chỉ tiêu cơ bản mà Nghị quyết số 17 và UBQG về Chính phủ Điện tử (CPĐT) đặt ra đến năm 2020 đã hoàn thành, một số chỉ tiêu hoàn thành vượt mức đề ra.

Trong đó, một số chỉ tiêu chưa hoàn thành chủ yếu bao gồm nhóm các chỉ tiêu về mức độ sử dụng dịch vụ công trực tuyến của người dân và chỉ tiêu về định danh và xác thực điện tử.

Một số chỉ tiêu còn lại đặt mục tiêu 100% trong Nghị quyết 17 đều đã tiệm cận mức độ trên 98% vào cuối năm 2020 và sẽ hoàn thành trong Quý I/2021.

5 năm vừa qua, và đặc biệt là 2 năm 2019 và 2020 gần đây,  nhờ sự vào cuộc quyết liệt của các bộ, ngành, địa phương, mà một trong những ví dụ điển hình là Văn phòng Chính phủ, Việt Nam đã có những bước phát triển vượt bậc, có cách tiếp cận mới để giải quyết các điểm nghẽn;

Từ đó giải quyết được nhiều vấn đề tồn tại dai dẳng từ nhiều năm qua, đặt nền móng cho sự phát triển nhanh hơn, mạnh hơn, hiệu quả hơn trong giai đoạn 5 năm tiếp theo.

Các chỉ tiêu của CPĐT sẽ cơ bản được hoàn thành trong năm 2021, với trọng tâm là dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 đạt 100%.

Chính phủ số sẽ được hình thành vào năm 2025 và thuộc top 50. Các dịch vụ của Chính phủ được cung cấp tự động 24/7, theo nhu cầu và cá thể hóa.

Các dịch vụ công mới được phát triển kịp thời dựa trên dữ liệu mở và với sự tham gia hợp tác của chính quyền, người dân, doanh nghiệp và giới chuyên gia. Và tiếp theo là sự liên tục tiến hóa để trở thành chính phủ thông minh.

Chính phủ số là một cấu thành quan trọng của chuyển đổi số quốc gia, bên cạnh kinh tế số và xã hội số.

Nhưng Chính phủ số có sứ mệnh dẫn dắt chuyển đổi số quốc gia, do vậy phải đi trước, đi đầu và tạo không gian phát triển cho kinh tế số, xã hội số.

Chiến lược Chính phủ số đặt ra 5 mục tiêu, bao gồm: Cung cấp dịch vụ công chất lượng cao cho người dân;

Huy động sự tham gia rộng rãi của người dân, doanh nghiệp;

Sự vận hành tối ưu của các cơ quan nhà nước dựa trên dữ liệu và công nghệ số;

Giải quyết hiệu quả các vấn đề lớn trong phát triển KT-XH, như y tế, giáo dục, giao thông, v.v… và đột phá về thăng hạng trong xếp hạng quốc gia.

Chiến lược cũng đặt ra 6 nhiệm vụ trọng tâm quốc gia, bao gồm: Hoàn thiện môi trường pháp lý; Phát triển hạ tầng số quốc gia; Phát triển các nền tảng số quốc gia; Phát triển dữ liệu quốc gia; Phát triển các ứng dụng quốc gia; và Bảo đảm an toàn, an ninh mạng quốc gia. Và bên cạnh đó là 6 nhiệm vụ trọng tâm của các bộ ngành và địa phương.