55 năm truyền thống ngành Dầu khí: Hình thành được hệ thống công nghiệp dầu khí hoàn chỉnh

Hơn nửa thế kỷ từ khi Đoàn Thăm dò dầu lửa 36 được thành lập ngày 27/11/1961, với nhiều tên gọi và hình thức tổ chức khác nhau, ngành Dầu khí Việt Nam đã luôn đổi mới và phát triển cùng đất nước, đặc

55 năm xây dựng và phát triển, ngành Dầu khí Việt Nam trở thành ngành kinh tế - kỹ thuật quan trọng hàng đầu của đất nước, đóng góp to lớn vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, gặt hái được nhiều thành tựu, làm nên thương hiệu Petrovietnam uy tín cả trong và ngoài nước.

Từ chỗ không có dầu khí, đến nay công tác tìm kiếm thăm dò dầu khí đã xác định được trữ lượng dầu khí của các phát hiện là trên 1,4 tỷ tấn qui dầu và đã nghiên cứu đánh giá tiềm năng còn lại của Việt Nam là 1,6-2,8 tỷ tấn quy dầu, đủ khả năng cân đối bền vững cho hoạt động khai thác, đảm bảo an ninh năng lượng của đất nước trong những thập kỷ tới.

Từ điểm mốc khai thác m3 khí đầu tiên vào tháng 6/1981 tại mỏ khí Tiền Hải - Thái Bình và khai thác tấn dầu thô đầu tiên vào tháng 6/1986 tại mỏ Bạch Hổ, đến nay, Tập đoàn đang triển khai khai thác 32 mỏ dầu khí ở trong nước và 09 mỏ ở nước ngoài (05 mỏ tại Liên bang Nga, 03 mỏ - tại Malaysia, 01 mỏ ở Algeria), với tổng sản lượng dầu khí đến nay (hết tháng 10/2016) đạt gần 490 triệu tấn quy dầu (trong đó, khai thác dầu là trên 367 triệu tấn và khai thác khí là gần 122 tỷ m3), doanh thu từ bán dầu đạt trên 148 tỷ USD, nộp NSNN từ xuất khẩu dầu đạt trên 70 tỷ USD.

Cho đến nay, Tập đoàn đã xây dựng được hệ thống công nghiệp dầu khí hoàn chỉnh, đồng bộ, từ tìm kiếm, thăm dò, khai thác đến phát triển công nghiệp khí - điện - chế biến và dịch vụ dầu khí, góp phần quan trọng đảm bảo an ninh năng lượng đất nước. Tập đoàn đã hoạt động sản xuất kinh doanh hiệu quả, đóng góp to lớn cho ngân sách, cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, thực hiện hiệu quả vai trò là đầu tàu kinh tế của đất nước, là công cụ điều tiết kinh tế vĩ mô của Chính phủ.

Theo ông Nguyễn Quốc Khánh - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam, trong thời gian qua, công tác thu hút đầu tư và thực hiện đầu tư đạt được nhiều thành tựu tích cực, thể hiện ở các kết quả: Tập đoàn đang triển khai thực hiện 66 hợp đồng dầu khí ở trong nước, với số vốn thu hút đầu tư nước ngoài vào Việt Nam đạt gần 15 tỷ USD.

Đến nay, Tập đoàn đã xây dựng được hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật của ngành Công nghiệp Khí hiện đại với 04 hệ thống đường ống dẫn khí (Rạng Đông - Bạch Hổ, Nam Côn Sơn 1, Nam Côn Sơn 2 (giai đoạn 1) và PM3 Cà Mau) đang được vận hành an toàn và hiệu quả, hàng năm đang cung cấp 9-11 tỷ m3 khí khô, 500-600 triệu m3 khí hóa lỏng cho phát triển công nghiệp và tiêu thụ dân sinh trong cả nước.

05 Nhà máy nhiệt điện (Nhà máy điện Cà Mau 1, 2, Nhơn Trạch 1,2, Vũng Áng 1) và 02 nhà máy thủy điện (Hủana, Dăkring) được đưa vào vận hành đúng tiến độ, tổng công suất lắp đặt đạt trên 4200 MW, đã góp phần tích cực vào việc đảm bảo an ninh năng lượng điện quốc gia.

Hiện tại, Tập đoàn đang tích cực thúc đẩy đầu tư các dự án nhiệt điện: Long Phú 1, Thái Bình 2, Sông Hậu 1 và triển khai công tác chuẩn bị đầu tư một số dự án nhiệt điện khác theo sơ đồ quy hoạch điện VII điều chỉnh; phấn đấu đến năm 2020, tổng công suất các nhà máy điện do Tập đoàn đầu tư đạt trên 7800 MW và sản lượng điện sản xuất của Tập đoàn chiếm khoảng 10-15% sản lượng điện toàn quốc; đồng thời đạt hiệu quả đầu tư các dự án. Nhà máy Đạm Phú Mỹ được đưa vào vận hành từ năm 2004, Nhà máy Đạm Cà Mau đưa vào vận hành từ năm 2012; đến nay đã sản xuất được gần 15 triệu tấn urê, đáp ứng 70% nhu cầu phân đạm cả nước, đã góp phần tích cực trong việc giảm nhập siêu, bình ổn thị trường phân urê và hỗ trợ đắc lực cho nông dân phát triển sản xuất nông nghiệp ở trong nước thời gian qua.

Nhà máy Lọc dầu Dung Quất - biểu tượng tiêu biểu của ngành công nghiệp lọc hoá dầu Việt Nam đã được đưa vào hoạt động từ năm 2009 và hiện đang đáp ứng 30% nhu cầu nhiên/nguyên liệu cho phát triển công nghiệp, giao thông và dân sinh cả nước. Các Dự án phát triển khai thác khí lô B, 48/95, 52/97; Đường ống dẫn khí Nam Côn Sơn giai đoạn 2; Đường ống dẫn khí Lô B - Ô môn; Cụm dự án phát triển khai thác - khí - Điện Cá Voi Xanh; Liên hợp Lọc Hóa dầu Nghi Sơn; Tổ hợp hoá dầu miền Nam,… đang được Tập đoàn tích cực triển khai để sớm đưa vào vận hành, nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng về năng lượng điện, nhiên/nguyên liệu và cung cấp cho ngành công nghiệp hóa dầu những nguyên liệu và sản phẩm mới góp phần tích cực giảm nhập siêu cho đất nước.

Từ kết quả triển khai các công trình dầu khí của Tập đoàn thời gian qua, Tập đoàn đã thực sự là nòng cốt là hạt nhân trong việc hình thành nên các khu công nghiệp tập trung tại: Bà Rịa - Vũng Tàu - Đồng Nai - Hiệp Phước, Cà Mau, Dung Quất - Quảng Ngãi - Đà Nẵng, Nghi Sơn - Thanh Hoá... Tập đoàn luôn chủ động tổ chức thực hiện kịp thời các chủ trương của Đảng và Chính phủ đối phó với những biến động phức tạp của nền kinh tế đất nước. Các sản phẩm chủ yếu của Ngành: dầu thô, xăng dầu, đạm, điện, khí, LPG... đang góp phần tích cực chủ động bình ổn thị trường.

Đến nay, Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam được đánh giá đã có thương hiệu uy tín trong nước và quốc tế với trình độ khoa học công nghệ tương đồng với các nước phát triển, có quy mô lớn và năng lực cạnh tranh cao, hình thành văn hóa Dầu khí, không ngừng nâng cao trình độ chuyên môn, trình độ quản lý và năng lực làm chủ khoa học, kỹ thuật. Tập đoàn là doanh nghiệp Việt Nam hội nhập quốc tế sâu rộng nhất, đội ngũ cán bộ khoa học kỹ thuật công nghệ và quản lý, công nhân kỹ thuật có tay nghề cao và đặc thù.