Ngày 10/10/2020, các Hiệp hội Doanh nghiệp gồm Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS), Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), Hiệp hội Chè Việt Nam (VITAS), Hiệp hội DN Hàn Quốc tại Việt Nam (KORCHAM), Hiệp hội DN Điện tử Việt Nam (VEIA), Hiệp hội Da giày _ Túi xách Việt Nam (LEFASO), Hội Lương thực Thực phẩm TP.Hồ Chí Minh (FFA) và Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam (JCCI) đã có công văn 06102020/HHDN về việc đóng góp ý kiến xây dựng Luật Công đoàn sửa đổi từ các hiệp hội doanh nghiệp.

Trong công văn 06102020/HHDN, các Hiệp hội kiến nghị giảm kinh phí công đoàn xuống còn tối đa 1% quỹ tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội và dùng toàn bộ kinh phí công đoàn chăm lo tốt hơn nữa cho người lao động. Vì không đồng nhất giữa Luật Ngân sách Nhà nước và Luật Công đoàn về kinh phí hoạt động của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.

Ngoài ra, các Hiệp hội còn kiến nghị về các vấn đề như:

– Người lao động đã tham gia công đoàn cơ sở (CĐCS) tại doanh nghiệp có quyền xin thôi không tham gia CĐVN (vì là tự nguyện) để tham gia là thành viên của tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp và công đoàn cơ sở cũng có quyền xin ra khỏi hệ thống công đoàn Việt Nam để trở thành tổ chức người lao động tại doanh nghiệp.

– Về hệ thống tổ chức CĐVN, quy định tại Điều 7 Luật Công đoàn chưa giải quyết được những bất cập xảy ra trong thực tế.

– Quyền và trách nhiệm của công đoàn, Khoản 2, Điều 14 của Dự thảo bổ sung quy định trái với Điều 10, Hiến pháp 2013 và Khoản 3, Điều 170, Bộ Luật Lao động 2019.

– Chức năng của công đoàn, Dự Luật chưa thể hiện rõ chức năng của công đoàn trong việc chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho người lao động và cũng chưa làm rõ quyền lợi của người lao động.

– Nguồn thu khác của công đoàn.