8 nhà đầu tư lớn muốn trở thành cổ đông chiến lược của PVOIL

Ngày 26/1 tới đây, Tổng Công ty Dầu Việt Nam (PVOIL) tiến hành IPO có quy mô hơn 206 triệu cổ phần. Hiện đã có 8 nhà đầu tư lớn trong và ngoài nước muốn trở thành cổ đông chiến lược của PVOIL.
Mới đây, tại Hội thảo “Cơ hội đầu tư cổ phiếu PVOIL” tổ chức tại TP HCM và Hà Nội, ông Cao Hoài Dương - Tổng giám đốc PVOIL cho biết, hiện PVOIL đã nhận được hồ sơ của 8 nhà đầu tư lớn đăng ký muốn trở thành nhà đầu tư chiến lược, trong đó có 6 nhà đầu tư nước ngoài (Shell, Idemitsu, Puma, KPE, PTT, một công ty của Hàn Quốc) và 2 nhà đầu tư trong nước (Quỹ đầu tư Sacom và Công ty Cổ phần Sovico).

Từ những lợi thế sẵn có của PVOIL trước khi cổ phần hóa: Là doanh nghiệp duy nhất tại Việt Nam tổ chức tiếp thị và thực hiện dịch vụ ủy thác xuất, bán dầu thô Việt Nam và dầu thô của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam; hệ thống cơ sở vật chất rất đồng bộ và hiện đại, với hơn 30 kho xăng dầu lớn nhỏ được trang bị đồng bộ về công nghệ và ứng dụng các phần mềm quản lý hàng hóa, điều khiển tự động hóa với sức chứa gần 1 triệu m3 trải dài khắp cả nước; có 540 cửa hàng xăng dầu (CHXD) trực tiếp quản lý/vận hành và 3.000 CHXD đại lý, còn tại nước Lào PVOIL có 120 CHXD tại 16/18 tỉnh… cùng nhiều tiềm năng tăng trưởng khác.

Một trong những điểm nhấn mà các nhà đầu tư nước ngoài chọn PVOIL chính là dư địa để phát triển thị trường thông qua hoạt động mua bán và sáp nhập (M&A) các CHXD trên cả nước và các hoạt động kinh doanh phi xăng dầu tại các CHXD. Điều đó thể hiện qua việc thị phần của PVOIL hiện chiếm 20-22%, đồng nghĩa với việc PVOIL còn nhiều dư địa phát triển so với mức trần 50% thị phần theo quy định của Luật Cạnh tranh. Một trong những điểm hấp dẫn đã và đang thu hút tên tuổi của những doanh nghiệp lớn nước ngoài và Việt Nam muốn làm cổ đông chiến lược của PVOIL chính là việc Nhà nước chỉ nắm 35,1% cổ phần còn nhà đầu tư chiến lược nắm giữ đến 44,72% cổ phần. Chính vì vậy, các nhà đầu tư chiến lược sẽ được tham gia sâu, rộng vào quá trình quản trị, điều hành và phát triển của PVOIL.

Theo ông Cao Hoài Dương - Tổng giám đốc PVOIL, để bảo đảm sự phát triển ổn định và bền vững sau khi IPO, các nhà đầu tư phải thể hiện được vai trò của mình trong quản trị và điều hành doanh nghiệp (DN) thông qua một số yêu cầu.

Đối với các cổ đông chiến lược phải giữ cổ phiếu trong vòng 10 năm để bảo đảm sự ổn định về tài chính cho DN. Đồng thời, nhà đầu tư chiến lược trong quá trình tham gia điều hành sản xuất, kinh doanh tại PVOIL sẽ chuyển giao kinh nghiệm về quả trị DN hiện đại, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, nâng cao năng lực tài chính, quản trị DN, cung ứng nguyên vật liệu và hợp tác đầu tư, phát triển thị trường tiêu thụ sản phẩm… Đặc biệt, PVOIL mong muốn các nhà đầu tư sẽ đưa ra những chiến lược cạnh tranh dài hạn để phát triển theo hướng DN xăng dầu trong nhóm dẫn đầu tại Việt Nam và mở rộng hơn nữa thị trường ra khu vực.

Bên cạnh đó, kinh doanh xăng dầu đòi hỏi phải có một hệ thống logistics rộng khắp. Chính vì vậy, PVOIL mong muốn các nhà đầu tư chiến lược sẽ sử dụng hệ thống sẵn có để hỗ trợ PVOIL trong quá trình xuất khẩu cũng như phát triển thị trường…

Đợt IPO PVOIL vào ngày 25/1/2018 đang thu hút rất nhiều nhà đầu tư tiềm năng. PVOIL là 1 trong 3 cổ phiếu dầu khí (PVOIL, BSR và PV Power) tiến hành IPO đầu năm 2018.

Ngày 8/12/2017, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1979/QĐ-TTg phê duyệt phương án cổ phần hóa Công ty mẹ - Tổng Công ty Dầu Việt Nam. Theo đó, vốn điều lệ được xác định là 10.342 tỷ đồng, cơ cấu vốn điều lệ bán đến 64,9% cho các cổ đông, bao gồm: Cổ đông chiến lược 44,72%, đấu giá công khai (IPO) 20%, bán ưu đãi cho CBCNV 0,18%, cổ phần nhà nước (Petrovietnam) 35,1%. Tỷ lệ sở hữu tối đa của nhà đầu tư nước ngoài (room) là 49% tổng vốn điều lệ.


Theo PVN