Ai cũng có bí mật nữa là một ban nhạc

Chính món hạt mít còn được mệnh danh là “thuốc nổ” đó đã làm tan rã ban nhạc xóm của chúng tôi.
Ước mơ về một ban nhạc chứa đựng cả bầu trời thơ ấu

 

Hồi bé ai cũng mơ ước được chơi trong một ban nhạc nào đó. Thật may mắn là tôi không phải mơ ước vì thực tế xóm tôi đã có một ban nhạc nhí, tôi là thành viên trong ban nhạc vì tôi là ca sĩ.

Ông bầu của ban nhạc chúng tôi là ông Quý “hói”, bố của cái Hương “mầu” – người chơi đàn ghi ta của ban nhạc. Còn tay trống cự phách chính là chú Hoàng “ỉn”. Còn lại là rất đông các hoạt náo viên và cổ động viên trong xóm. Chúng tôi tập với nhau hàng ngày và cứ hai tuần một lần là tổ chức “đại nhạc hội”. Chiếc ghi ta thùng được cái Hương “mầu” bật bông rất nhiệt tình nhất là những đoạn mà nó chưa được học nên dù đánh rất nhố nhăng nhưng cũng đủ để chúng tôi ngưỡng mộ vô cùng. Còn bộ trống của chú Hoàng “ỉn” thì chao ôi là thần thánh! Sau này được chiêm ngưỡng rất nhiều bộ trống hiện đại nhưng bộ trống đó mãi mãi là bộ trống tuyệt vời nhất đối với tôi. Nhớ nhất là mỗi khi đến đoạn cao trào, chú Hoàng “ỉn” lại mắm môi mắm lợi oánh như điên vào cái hai cái “vung nồi úp” mà sau này mới biết tên từ “chuyên môn” của nó là chập chả.

Bài tủ của ban nhạc xóm là bài “Điệu nhảy trên trống” của Nga và bài “Như khúc tình ca”của nhạc sĩ Nguyễn Ngọc Thiện. Giai điệu rộn ràng của hai ca khúc này và phiên bản “xuyên tạc” đã làm nên tên tuổi của chúng tôi. Điệp khúc “Vang trống lên, vang trống lên, cho lứa đôi chúng ta hạnh phúc lâu dài” đã được chế thành “Ôi nách hôi, ôi nách hôi, nách hôi chuột cống chui vào”. Còn bài thứ hai thì đoạn mở đầu “Tôi vẫn thấy em như ngày nào dù nắng nông trường làm chiếc áo bạc mầu” cũng đã được phiên thành “Tôi vẫn thấy em như lợn sề mùi cám hơi khê em vẫn chén tì tì”. Nhạc nhẽo tưng bừng, trống phách ầm ĩ, còn ca sĩ thì gào thét như con bọ gậy trong căn nhà mái ngói làm những lùm cây hồng xiêm phía ngoài khu vườn tối đen như mực cũng dường như lay động. Khán giả là lũ trẻ con trong xóm vui vẻ hò hét theo tay thì không quên bốc hạt mít luộc ăn như thụi rồi tu nước lọc như ăn vã. Ông bầu Quý “hói” chả có việc gì ngoài việc chạy quanh la hét bọn trẻ không được đổ nước và xả vỏ hạt mít ra sàn nhà. Còn ban nhạc sau khi biểu diễn xong ngớt tiếng hoan hô thì cũng lao ra ăn hạt mít và uống nước lọc với khán giả.

Chính món hạt mít còn được mệnh danh là “thuốc nổ” đó đã làm tan rã ban nhạc xóm của chúng tôi. Đến giờ tôi cũng không thể biết ai là thủ phạm của cái mùi kinh khủng hôm đó. Chỉ có cái Hương “mầu” là có vẻ vô tội nhất vì nó là con gái chắc không thể hành xử như thế được. Còn lại tất cả đều đáng nghi. Chắc chắn những ngờ vực này không phải chỉ mình tôi vì tôi thấy cả chú nghệ sĩ đánh trống Hoàng “ỉn” và ông bầu Quý “hói” đều nhìn nhau cũng như nhìn tôi bằng ánh mắt thiếu thân thiện. Ban nhạc xóm sau ngày hôm ấy đã tự động giải tán mang theo kỳ án của tuổi thơ ngày nào.

Tuy chỉ là một ban nhạc xóm tự phát rất vớ vẩn nhưng đó chính là cả một trời tinh hóa văn hóa của chúng tôi. Sau này Hương “mầu” được bố cho theo học Học viện âm nhạc quốc gia Việt Nam rồi trở thành nghệ sĩ. Ông Quý “hói” cứ kẽo kẹt đưa cô con gái rượu đi học trên con đường Hào Nam bất kể nắng mưa. Chú Hoàng “ỉn” nhờ tài đánh trống và khuấy động phong trào đã theo nghiệp cán bộ đoàn rồi sau đó thành chủ tịch của một phường, thành đạt nhưng vẫn đầy “chất nghệ”. Còn tôi, ca sĩ “bọ gậy” ngày nào trở thành một người chuyên viết những câu chuyện xưa cũ và vẫn thấy đầy ấm áp mỗi khi nhớ về. 

Thuy miny