Ấn Độ khởi xướng điều tra chống trợ cấp đối với ống thép không gỉ của Việt Nam

Cùng với Việt Nam, Trung Quốc cũng là quốc gia mà Ấn Độ tuyên bố sẽ điều tra chống trợ cấp đối với sản phẩm thép này.
p.p1 {margin: 0.0px 0.0px 0.0px 0.0px; font: 12.0px 'Helvetica Neue'; color: #454545} p.p2 {margin: 0.0px 0.0px 0.0px 0.0px; text-align: justify; font: 12.0px 'Helvetica Neue'; color: #454545} p.p3 {margin: 0.0px 0.0px 0.0px 0.0px; text-align: justify; font: 12.0px 'Helvetica Neue'; color: #454545; min-height: 14.0px}

Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương) cho biết, ngày 9/8/2018 vừa qua, Tổng vụ Phòng vệ thương mại (DGTR) – thuộc Bộ thương mại và Công nghiệp Ấn Độ đã thông báo khởi xướng vụ việc điều tra chống trợ cấp đối với sản phẩm ống thép không gỉ (“Welded Stainless Steel Pipes and Tubes”) có xuất xứ hoặc nhập khẩu từ Trung Quốc và Việt Nam. Các sản phẩm bị điều tra bao gồm các mã HS: 73061100; 73062100; 73064000; 73066100 và 73066900.

Theo đó, quyết định khởi xướng điều tra này bắt nguồn từ cáo buộc của Hiệp hội sản xuất ống thép không gỉ và một số doanh nghiệp sản xuất của Ấn Độ, cho rằng các nhà sản xuất, xuất khẩu hàng hóa bị điều tra của Việt Nam “đã nhận được các khoản trợ cấp có thể đối kháng (ưu đãi thuế, miễn giảm thuế, ưu đãi khoản vay, hỗ trợ xuất khẩu…) từ Chính phủ và các cơ quan quản lý nhà nước các cấp của Việt Nam, gây ra thiệt hại đáng kể cho ngành sản xuất nội địa của Ấn Độ”.

Đại diện DGTR cho biết, cơ quan này sẽ tiến hành điều tra về trợ cấp trong thời kỳ từ tháng 4/2017 - 3/2018, đồng thời điều tra về thiệt hại trong nhiều giai đoạn 2014-2015, 2015-2016, 2016-2017 và bao gồm cả 12 tháng điều tra trợ cấp nói trên.

Tuy nhiên, DGTR sẽ không tiến hành chọn mẫu đối với Việt Nam mà chỉ thực hiện đối với Trung Quốc, nguyên nhân là do số lượng các doanh nghiệp Trung Quốc trong vụ việc này chiếm phần lớn. Do đó, tất cả các doanh nghiệp xuất khẩu sản phẩm bị điều tra của Việt Nam đều được điều tra riêng và nhận mức thuế riêng căn cứ thông tin/số liệu của chính doanh nghiệp cung cấp (trừ trường hợp doanh nghiệp không tham gia vụ việc hoặc không hợp tác đầy đủ).

DGTR lưu ý, các bên liên quan (bao gồm Chính phủ nước bị điều tra, các nhà xuất khẩu, các nhà nhập khẩu và người tiêu dùng hàng hoá bị điều tra…) có thể gửi thông tin, bình luận/lập luận bằng văn bản tới cơ quan này trong vòng 40 ngày kể từ ngày ban hành thông báo khởi xướng điều tra (tức chậm nhất là ngày 18/9/2018).

Trong trường hợp không nhận được thông tin trong thời hạn quy định hoặc các thông tin không hoàn chỉnh hay không được nộp theo đúng quy định, DGTR sẽ sử dụng các dữ liệu sẵn có bất lợi để tính toán mức thuế chống trợ cấp.

Trước thông tin từ Ấn Độ, Cục Phòng vệ thương mại đã đưa ra khuyến nghị đối với các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam cần hợp tác, cung cấp thông tin đầy đủ và hợp lệ cho DGTR trong toàn bộ quá trình điều tra để tránh bị cơ quan điều tra kết luận dựa trên thông tin, bằng chứng sẵn có bất lợi. Đặc biệt, trong vụ việc này, cộng đồng doanh nghiệp cần phối hợp chặt chẽ với Chính phủ, mà cơ quan đầu mối là Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương), để kháng kiện đạt được kết quả tích cực nhất.