Động thái này diễn ra trong bối cảnh quan hệ New Delhi-Bắc Kinh đang căng thẳng và Ấn Độ nỗ lực thúc đẩy chính sách "tự lực".

Hãng tin Reuters ngày 3/8 dẫn các nguồn tin cho biết Ấn Độ đang có kế hoạch nâng cao tiêu chuẩn chất lượng hàng nhập khẩu, áp đặt các hạn chế về số lượng, áp dụng các quy định khai báo nghiêm ngặt và tiến hành kiểm tra thường xuyên hơn tại các cảng nhập hàng hóa từ nhiều nước châu Á.

Các nguồn tin nhấn mạnh "rất nhiều đối tác châu Á đã trở thành nơi chỉ để hàng hóa Trung Quốc được chuyển hướng. Ấn Độ sẽ căn cứ vào từng loại sản phẩm để đề ra các biện pháp hành động khác nhau".

Động thái này sẽ chủ yếu nhắm vào việc nhập khẩu các kim loại cơ bản, linh kiện điện tử cho máy tính xách tay và điện thoại di động, đồ nội thất, đồ da, đồ chơi, cao su, hàng dệt may, điều hòa và tivi, cùng những mặt hàng khác. Tuần trước, Bộ Công thương Ấn Độ cũng đã ra thông báo áp đặt hạn chế đối với mặt hàng tivi màu bằng việc yêu cầu các nhà nhập khẩu phải xin giấy cấp phép đặc biệt.

Các biện pháp này dự kiến sẽ chủ yếu ảnh hưởng đến Malaysia, Thái Lan, Việt Nam và Singapore - những thành viên của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) mà Ấn Độ có Hiệp định Thương mại Tự do (FTA). Ngoài ra, Ấn Độ cũng lo ngại về dòng thương mại lớn từ Hàn Quốc. 

Ngoài ra, Chính phủ Ấn Độ cũng sẽ thảo luận việc nâng cao yêu cầu về giá trị gia tăng đối với các sản phẩm được nhập khẩu từ các quốc gia này từ mức 20-40% hiện hành. Bên cạnh đó, New Delhi cũng có thể xem xét lại các FTA và có xu hướng chỉ duy trì những hiệp định được cho là đôi bên cùng có lợi.

Trung Quốc là đối tác thương mại lớn thứ hai của Ấn Độ với kim ngạch thương mại hai chiều trong năm ngoái đạt 87 tỷ USD, nhưng Ấn Độ phải chịu mức thâm hụt lên tới 53,57 tỷ USD.