Anh hùng Lao động Nguyễn Tăng Cường: “Nguồn năng lượng khổng lồ thôi thúc bên trong”

Hình như lửa trong con người Anh hùng Lao động Nguyễn Tăng Cường - giám đốc Xí nghiệp Cơ khí Quang Trung Ninh Bình chưa khi nào ngừng cháy trong suốt cuộc đời làm cơ khí của mình. Và sức nóng ấy đã la

Thất bại là nấc thang cần thiết

Anh hùng Lao động Nguyễn Tăng Cường
Ngày 11/4/2014, Bộ Công Thương tổ chức Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Chiến lược phát triển ngành Cơ khí Việt Nam. Nhân dịp này, tôi đề xuất câu chuyện với anh về chủ đề: Cơ khí qua lăng kính của một doanh nghiệp. Anh gật gù bảo, câu chuyện thành công hay thất bại của Cơ khí Quang Trung cũng có thể có nhiều nét tương đồng với những doanh nghiệp cơ khí khác và ngành Cơ khí nói chung.

Người ta nói quá nhiều về thành công của anh và Cơ khí Quang Trung, anh không thích tôi viết về điều này nữa. Nào là cần cẩu 5.000 tấn ở công trình Thủy điện Se San 3, cần cẩu 1.200 tấn ở Thủy điện Sơn La, rồi thì công trình nối ống dầu ngoài khơi cho PVN, cảng biển nổi ở Hải Hà (Quảng Ninh), máy phát điện từ năng lượng sóng biển ở Hải Hậu (Nam Định)… Bởi chỉ nói những chuyện đó, người ta sẽ ngộ nhận rằng, làm cơ khí… dễ quá. Hệ quả dẫn đến là, nếu mới bắt tay vào đầu tư cơ khí mà thất bại thì sẽ nản chí ngay. Do đó, rất cần phải nhắc đến những thất bại, để cho những nhà đầu tư vào cơ khí tin tưởng rằng, thất bại chỉ là một phần của câu chuyện, rằng họ có thể học hỏi được từ những thất bại đó, và rằng, thất bại là những nấc thang cần thiết dẫn đến thành công cho những ai bền chí.

Kết luận như thế rồi anh Cường kể một loạt những thất bại của mình trước khi đi đến thành công. Hồi mới khởi nghiệp sửa chữa xe máy, xe đạp, anh nảy ra ý định đúc xi lanh. Thế nhưng ngày lại ngày, những chiếc xi lanh nối đuôi nhau ra đời là… hỏng. Với bản tính tò mò và đam mê công nghệ, anh không chịu bỏ cuộc, cuối cùng hoài bão đúc xi lanh cũng thành công, đưa anh trở thành một trong những người đầu tiên đúc xi lanh ở Việt Nam trong những năm 80. Sau này, khi thành lập Xí nghiệp vào năm 1991 cũng vậy, anh có một quyết định động trời: làm thép đặc chủng có tính chịu nhiệt, chịu mòn, mà hầu hết các chuyên gia máu mặt thời đó cho là “hoang tưởng”. Để mặc ngoài tai, anh tự mua sách Nga về mày mò tìm cách nấu thép trong khi chỉ mới bắt đầu vỡ vạc những khái niệm cơ bản như “thép khác gang ở hàm lượng các bon”. Kết quả là chẳng nấu ra được mác thép gì. Bạn bè, đồng nghiệp được dịp lại xúm vào khuyên can, nhưng anh không ngã lòng mà xếp lại sách vở, cất công đi nhiều nơi học hỏi thực tế. Nhớ lại hồi đó anh bảo, đấy là những chuỗi ngày tháng nghẹt thở nhất với quy trình: học hỏi nấu thử nghiệm thất bại rút ra bài học kinh nghiệm. Về sau này, những lần nấu thất bại vẫn đem lại hứng khởi vì anh biết rằng, đích đến là chắc chắn và rất gần. Quả thực, trời không phụ lòng người, sau bao phen lao tâm khổ tứ, cuối cùng Cơ khí Quang Trung cũng ra mắt được sản phẩm thanh ghi cho Nhà máy Xi măng Bỉm Sơn, tiếp đến là hàng loạt sản phẩm tấm nghiền, tấm lót, xích chịu nhiệt… cho ngành Công nghiệp xi măng.

Giờ ngồi ngẫm lại, anh bảo chưa có lần nào bước chân vào lĩnh vực mới lại thành công ngay, từ đúc xi lanh, nấu thép đặc chủng, cho đến làm thiết bị nâng hạ. Gần đây nhất, trước khi sản xuất thành công máy phát điện từ năng lượng sóng biển, anh đã thất bại tới 7 lần. Ngay cả khi sản xuất thành công thép đặc chủng hay cầu trục, anh cũng phải bôn ba vài phen, thậm chí sử dụng cả các mối quan hệ quen biết mới đánh bật được tâm lý khách hàng xưa nay vốn đặt niềm tin vào sản phẩm nhập ngoại.

Phía trước là đỉnh cao

Nghe chuyện của anh, chẳng hiểu sao trong tôi cứ văng vẳng câu thơ của thi sĩ Xuân Diệu: “Những lúc lò cao lên khói tỏa/ Là lúc ba lô lại khởi hành”. Bài thơ nói về người thợ xây dựng, cứ xong mỗi công trình, họ không có thời gian ngồi ngắm thành quả của mình mà xách ngay ba lô đi chinh phục những đỉnh cao mới. Anh Cường cũng vậy. Điểm lại từ những ngày đầu khởi nghiệp, anh nhảy vào lĩnh vực nào thì đều thuộc loại mới cả, hình như chưa ai dám làm thì phải?

Khi Cơ khí Quang Trung đã nấu được tất cả các loại mác thép đặc chủng chế tạo chi tiết trong môi trường khắc nghiệt cho ngành xi măng, hóa chất…, những tưởng anh kê cao gối mà thụ hưởng cho bõ những ngày lao tâm khổ tứ. Nhưng không, bao nhiêu lợi nhuận nấu thép được anh ném tất vào một quyết định mới: sản xuất cầu trục mang thương hiệu Việt. Trong nước chưa có ai làm cầu trục để học hỏi thực tế thì anh ra nước ngoài. Kinh nghiệm thực tế cùng với kiến thức sách vở giúp anh tìm ra một kết cấu riêng vừa giúp giảm vật liệu, vừa tăng mô men xoắn lên gấp 3 lần, đưa tỷ lệ nội địa hóa các thiết bị nâng hạ của Cơ khí Quang Trung lên đến 90%.

Mặc dù vậy, tâm lý trọng dụng hàng ngoại không dễ gạt bỏ một sớm một chiều, nhất là đối với những công trình mang tính an nguy như thủy điện. Chỉ đến khi đối tác nước ngoài chậm giao hàng hơn một năm rưỡi ở Thủy điện Se San 3, chủ đầu tư có nguy cơ phải trả lãi vay quá hạn 250 tỷ đồng, Cơ khí Quang Trung mới có dịp thể hiện năng lực làm cầu trục sức nâng 500 tấn trong vòng 3 tháng, góp phần phục vụ điện mùa khô năm 2006. Kể từ đây, Cơ khí Quang Trung được EVN tin tưởng chọn là đối tác cung cấp cần cẩu cho một loạt các dự án thủy điện. Thế nhưng, đến công trình thủy điện lớn nhất Đông Nam Á - Thủy điện Sơn La - dù anh cố gắng thuyết phục cho Cơ khí Quang Trung làm cần cẩu thì vẫn có ý kiến “gây khó dễ”. Lý do rất đơn giản, ở Việt Nam chưa ai làm được cần cẩu 1.200 tấn. Vốn liếng kinh nghiệm của anh ở Thủy điện Đồng Nai 3, Đồng Nai 4, ở Sông Tranh, Huội Quảng, Bản Chát, Hủa Na… chưa đủ sức thuyết phục, vì vẫn là loại cẩu dưới 1.000 tấn. Thế nhưng, lòng tự tôn dân tộc cùng với khát khao chứng minh khả năng của cơ khí nước nhà đã thôi thúc anh đem cả tài sản, tính mạng và danh hiệu Anh hùng Lao động ra đảm bảo. Bản lĩnh, trí tuệ và cái tâm trong sáng của anh cuối cùng cũng được cơ quan quản lý nhà nước và chủ đầu tư chấp thuận. Việc hạ trục cần cẩu 1.200 tấn thành công đã rút ngắn thời gian tiến độ xây dựng Nhà máy Thủy điện Sơn La, lọt vào Top 10 sự kiện khoa học công nghệ tiêu biểu năm 2010; công trình “Ứng dụng 5 giải pháp khoa học công nghệ chế tạo các loại thiết bị nâng hạ tại Việt Nam” của anh được trao Giải thưởng Hồ Chí Minh về khoa học công nghệ. Trong lúc tiếng tăm của anh nổi như cồn, người ta phong cho anh là “vua thép”, “vua cần cẩu”, anh lại lặng lẽ đưa ra những quyết định mới: làm cảng nổi, làm máy phát điện bằng năng lượng sóng biển…, và giờ đây là chế tạo cầu treo dân sinh đạt chuẩn quốc tế nhưng theo Modul chuẩn của Việt Nam để phục vụ cho đề án của Bộ Giao thông Vận tải về xây dựng cầu treo dân sinh tại 55 tỉnh nằm trong diện phải xoá cầu khỉ, cầu tạm, đảm bảo an toàn giao thông, nhất là tại các tỉnh có địa bàn đi lại khó khăn, những nơi ít đồng bào dân tộc sinh sống.

Hình như, ở bất cứ bước ngoặt nào đó trong cuộc đời của Anh hùng Lao động Nguyễn Tăng Cường cũng luôn hiện hữu một đỉnh cao phía trước mời gọi anh chinh phục.

Trường học lớn là cuộc đời

Cho đến nay, trong bộ sưu tập giải thưởng của mình, hình như anh chẳng thiếu giải gì, từ những giải thưởng danh giá nhất như Giải thưởng Hồ Chí Minh về khoa học công nghệ, danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới, Huân chương Lao động hạng Nhất, Giải thưởng Vifotech, Giải thưởng Vàng chất lượng Việt Nam…, ngay cả những tác phẩm viết về anh cũng từng có tác phẩm đạt giải Vàng trong Liên hoan phim tài liệu toàn quốc (đó chính là tác phẩm “Hoa của thép” do Đạo diễn Trần Cẩm, Đài THVN sản xuất năm 2005). Khi được hỏi về bí quyết thành công, anh nói: Phải có đam mê khoa học, lấy khoa học và công nghệ để vươn lên. Song có điều nghịch lý là, con người đam mê khoa học ấy, con người lấy trọng dụng nhân tài là một trong những bí quyết quản trị xí nghiệp ấy, chưa có bằng cấp, học vị gì. Nghịch lý hơn là chưa có bằng cấp, học vị gì, nhưng anh nhiều lần làm các nhà khoa học “ngã ngửa người” và những công trình của Cơ khí Quang Trung luôn thuộc hàng tiên phong về khoa học công nghệ, từ cẩu 500 tấn, 1.200 tấn đến mâm xoay cần cẩu 6 mét, cảng nổi, máy phát điện bằng năng lượng sóng biển...

Không bằng cấp, không học vị, không có nghĩa anh chẳng học gì. Chỉ có điều, sự học hành ấy mang nội hàm rộng lớn hơn, không nhất thiết bó hẹp trong phạm vi nhà trường. Anh bảo, mỗi người có một cách học riêng, các nhà khoa học có thể thành công khi học ở trường. Còn tôi, trường học là ở cuộc đời. Tôi học qua sách vở, học bằng quan sát, học bằng chính thất bại.

Quan sát cuộc đời anh, ta thấy anh tự học là chính. Nói như Aristốt: “Những người tự học bao giờ cũng có một nguồn năng lượng khổng lồ thôi thúc bên trong, được gọi là đam mê”. Vậy anh đam mê cái gì? Tiền tài chăng? Nếu vì tiền, có lẽ anh đã dừng “cuộc chơi” ở nấu thép đặc chủng, anh sẽ kiếm bộn tiền, và trở thành đại gia. Nếu vì danh, anh sẽ chỉ đi sâu vào cần cẩu, lĩnh vực anh được phong “vua”. Nhưng không, trên tất cả, anh vẫn mải miết chinh phục những đỉnh cao mới, bởi trong anh có một “nguồn năng lượng khổng lồ” thôi thúc, đó là nỗi niềm đau đáu vì sao nhiều thiết bị cơ khí phải nhập ngoại với giá thành cao, trong khi ngành công nghiệp chế tạo máy trong nước luôn thiếu việc làm, một bộ phận người có tay nghề cao phải tìm tay trái để mưu sinh? Anh làm để chứng minh rằng, phần lớn các lĩnh vực cơ khí, người Việt Nam có thể làm được.