Ảnh hưởng của điện toán đám mây đến việc công bố thông tin kế toán của các doanh nghiệp trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh

TS. NGUYỄN QUỲNH HOA (Trường Đại học Ngân hàng TP. Hồ Chí Minh)

TÓM TẮT:

Nghiên cứu kiểm định sự tác động của điện toán đám mây và các nhân tố kiểm soát đến tính kịp thời của việc công bố thông tin kế toán tại 70 doanh nghiệp niêm yết trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh giai đoạn 2015 - 2018. Kết quả nghiên cứu cho thấy các biến sử dụng: điện toán đám mây, giá trị phần mềm, quy mô doanh nghiệp, chênh lệch lợi nhuận, loại báo cáo tài chính, loại ý kiến kiểm toán làm gia tăng tính kịp thời của thông tin kế toán, kết quả như kỳ vọng ban đầu. Tác giả không tìm thấy bằng chứng về sự ảnh hưởng của nhân tố “loại công ty kiểm toán” đến tính kịp thời của thông tin kế toán.

Từ khóa: Tính kịp thời, công bố thông tin kế toán, điện toán đám mây, doanh nghiệp, TP. Hồ Chí Minh.

1. Đặt vấn đề

Bộ máy kế toán đóng vai trò là trung gian giúp thu thập, xử lý và cung cấp thông tin kế toán (TTKT) đến những người sử dụng thông tin để họ phân tích thông tin và đề ra các quyết định kinh tế hợp lý. Sự phát triển của công nghệ thông tin (CNTT) thông qua cuộc cách mạng công nghệ 4.0 tác động mạnh mẽ đến tổ chức công tác kế toán của doanh nghiệp (DN). Bagranoff và cộng sự (2010) cho rằng, điện toán đám mây (ĐTĐM) - một thành tựu của cuộc cách mạng công nghệ 4.0 có quan hệ chặt chẽ đến hệ thống TTKT và tác động đến sự thay đổi của TTKT. Hệ thống ĐTĐM còn giúp hoàn thành nhiều công việc khác nhau bao gồm kế toán, quản lý, giúp nhân viên và các bên liên quan truy cập vào các ứng dụng thông qua máy tính và thiết bị di động. Với thành tựu công nghệ mới, TTKT sẽ là những dòng dữ liệu tài chính theo thời gian thực thay vì dữ liệu trong quá khứ. TTKT có thể kịp thời hơn, kế toán có thể phát hiện các thông tin sai sót, gian lận nhanh hơn giúp hạn chế rủi ro, đồng thời phân tích được xu hướng tài chính và đưa ra những khuyến nghị cho nhà quản lý theo thời gian thực.

Hiệu quả kinh tế của DN được xác định bởi thông tin khách quan và kịp thời, phải được cung cấp bởi hệ thống kế toán. Vì vậy, tác động của ĐTĐM đến tính kịp thời của việc công bố TTKT là vấn đề cần được xem xét.

2. Cơ sở lý thuyết

ĐTĐM (Cloud Computing - điện toán máy chủ ảo) là mô hình điện toán sử dụng các công nghệ máy tính và phát triển dựa vào mạng internet. Thuật ngữ “đám mây” ở đây chỉ mạng internet và như một liên tưởng về độ phức tạp của các cơ sở hạ tầng chứa trong nó. Ứng dụng thao tác các phần hành kế toán trực tuyến và kê khai thuế là một trong những ví dụ điển hình trong việc ứng dụng ĐTĐM cho phép người dùng truy cập các chương trình được áp dụng từ các nơi khác nhau trên thế giới. 

Một số DN có hệ thống kế toán không hỗ trợ cho hoạt động kinh doanh đúng cách, hệ thống TTKT không hiệu quả. Vì vậy, DN cần phải áp dụng hệ thống CNTT mới nhất mà một trong những xu hướng mới nhất trong thông tin công nghệ thế giới là hệ thống ĐTĐM. DN xây dựng hệ thống kế toán dựa trên nền tảng ĐTĐM là một giải pháp mới và sáng tạo.

Marand và cộng sự (2013) cho rằng, việc DN lựa chọn áp dụng hệ thống kế toán theo ĐTĐM mang lại rất nhiều ưu điểm như sau: các giao dịch trực tuyến được thực hiện và lưu trữ trên ĐTĐM giúp tiết kiệm thời gian; việc giải quyết công việc không đòi hỏi sự có mặt của nhân viên; khả năng kết nối thông tin từ nhiều nơi giúp các đơn đặt hàng được ghi nhận trên phạm vi toàn cầu; tiết kiệm chi phí mua máy tính tốc độ cao để xử lý nghiệp vụ; tăng sức mạnh tính toán từ dữ liệu đám mây; dung lượng lưu trữ lớn; mẫu biểu được tạo trên v-web thống nhất chương trình với mẫu biểu tạo từ các máy khác; chia sẻ kết nối dữ liệu dễ dàng làm việc nhóm trong các dự án; cập nhật những thay đổi trên tài liệu mọi nơi. Tuy nhiên, ĐTĐM có một số nhược điểm như: nếu không có kết nối mạng hoặc kết nối mạng yếu không thể kết nối dữ liệu đám mây, tính an toàn của dữ liệu có thể không đảm bảo, thiếu kiến thức kiểm soát dữ liệu có thể dẫn đến rủi ro. Dù vậy, những lợi ích mà ĐTĐM mang lại cho hệ thống kế toán là đáng ghi nhận, trong đó có tác động của ĐTĐM.

Theo IFRS Framework ban hành năm 2010 bởi Hội đồng chuẩn mực kế toán quốc tế (IASB), tính kịp thời của báo cáo tài chính (BCTC) được định nghĩa là thông tin sẵn có cho người sử dụng ra quyết định kịp thời có khả năng ảnh hưởng đến quyết định của họ.

Kết quả nghiên cứu của Al-Zoubi (2017) cho thấy, ĐTĐM tác động giảm quy mô DN thông qua việc giảm số lượng văn phòng, cải thiện hiệu quả, độ chính xác và kịp thời của TTKT, ĐTĐM đã trở thành nơi giao dịch, làm việc giữa các nhân viên hoặc khách hàng với DN, làm giảm số lượng nhân viên bán hàng.

Nghiên cứu của Gupta và cộng sự (2013) đã chứng minh tính dễ sử dụng và thuận tiện là yếu tố thuận lợi lớn nhất để các SMEs lựa chọn ĐTĐM, tiếp theo là bảo mật và quyền riêng tư và sau đó là giảm chi phí. Độ tin cậy của yếu tố chi phí bị bỏ qua vì các DN nhỏ không coi đám mây là đáng tin cậy. SMEs không muốn sử dụng đám mây cho chia sẻ, cộng tác và thích các phương pháp thông thường cũ của họ để chia sẻ và cộng tác với các bên liên quan.

Nghiên cứu ở Bangladesh của Ahmed và Hossain (2010) đã thực hiện kiểm định mới quan hệ của 7 nhân tố: Loại công ty kiểm toán, sự thay đổi công ty kiểm toán, loại hình công ty, rủi ro kinh doanh và các khoản mục bất thường, đòn bẩy tài chính và quy mô công ty đến tính kịp thời của BCTC cho thấy thời hạn công bố BCTC có mối quan hệ tích cực với 2 nhân tố: Đòn bẩy tài chính và ý kiến kiểm toán. Các nhân tố còn lại có tác động tiêu cực đến tính kịp thời của BCTC.

Nghiên cứu của Al-Daoud và cộng sự (2014): Các công ty trung bình mất hơn 2 tháng để hoàn thành kiểm toán BCTC và các công ty có ý kiến kiểm toán không đủ tiêu chuẩn công bố BCTC sớm hơn những công ty khác. Ngoài ra, tác giả chỉ ra các công ty nhỏ hơn thì công bố sớm hơn những công ty lớn.

Nghiên cứu của Đặng Đình Tân (2013) chỉ ra sự khác biệt về tính kịp thời giữa loại BCTC cần lập (BCTC riêng lẻ hay hợp nhất), điều đó có thể do quy định hiện hành cũng như các nhân tố khác nhau như tính phức tạp của việc lập và kiểm toán BCTC. Đồng thời, không có sự liên hệ giữa tính kịp thời của BCTC các công ty niêm yết; các công ty kiểm toán thuộc Big4 có xu hướng cần thực hiện kiểm toán trong thời gian dài hơn và do đó có chất lượng kiểm toán cao hơn.

Nghiên cứu của Đoàn Thị Cẩm Thư (2018) cho thấy nhân tố tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE), sự thay đổi lợi nhuận, loại BCTC, loại công ty kiểm toán và loại ý kiến kiểm toán có tác động đến tính kịp thời của BCTC.

3. Phương pháp nghiên cứu

Đề tài nghiên cứu sử dụng phương pháp bình phương bé nhất (OLS) để đo lường tác động. Mô hình nghiên cứu đề xuất:

NGAY = β0 + β1*SIZE + β2*INAS + β3*RET + β4*TYPE + β5*FIRM + β6*OPINION + β7*CLCP + e

Trong đó:

Biến phụ thuộc: NGAY - tính kịp thời của BCTC (thời hạn công bố BCTC). Biến độc lập: SIZE là quy mô DN; INAS: giá trị phần mềm; RET: mức độ thay đổi lợi nhuận; TYPE: loại BCTC; FIRM: loại công ty kiểm toán; OPINION: loại ý kiến kiểm toán; CLCP: sử dụng ĐTĐM.

NGAY được tính bằng công thức: NGAY = Ngày ký báo cáo kiểm toán - Ngày kết thúc năm tài chính (31/12/N)

Bảng 1. Tóm tắt các nhân tố nghiên cứuTóm tắt các nhân tố nghiên cứu

Dữ liệu được thu thập từ 2 nguồn: Dữ liệu thứ cấp của 70 DN niêm yết tại TP. Hồ Chí Minh giai đoạn 2015 - 2018 và dữ liệu sơ cấp thông qua bảng câu hỏi gửi đến DN.

4. Kết quả nghiên cứu

Bảng 2. Kết quả thống kê mô tả các nhân tố định lượng

Kết quả thống kê mô tả các nhân tố định lượng

                                                  Nguồn: Kết quả trích xuất từ phần mềm SPSS

Kết quả thống kê tại Bảng 2 cho thấy thời gian công bố BCTC của các công ty dao động từ 9 - 120 ngày và trung bình mất khoàng 64.5 ngày.

Bảng 3. Bảng kết quả hồi quy theo phương pháp Enter

Bảng kết quả hồi quy theo phương pháp Enter

                                                          Nguồn: Kết quả được trích xuất từ SPSS

Kết quả cho thấy độ phù hợp của mô hình là 40,5% sự thay đổi của tính kịp thời của BCTC, còn lại do sự kiểm soát hoặc do sự ảnh hưởng của các biến khác.

Bảng 4. Bảng kết quả mô hình hồi quy

Bảng kết quả hồi quy theo phương pháp Enter

                                                          Nguồn: Kết quả được trích xuất từ SPSS

Trong nghiên cứu có 5 biến: Quy mô DN, mức độ đầu tư vào phần mềm, chênh lệch lợi nhuận, loại BCTC, loại ý kiến kiểm toán, sử dụng ĐTĐM đều có ý nghĩa thống kê (Sig. < 0.05). Kết quả theo Bảng 4 này cho thấy, 5 biến trên ảnh hưởng đến biến phụ thuộc ở mức ý nghĩa trong mô hình.

DN sử dụng ĐTĐM làm gia tăng tính kịp thời của BCTC.

Biến giá trị TSCĐ vô hình cũng thể hiện việc đầu tư vào CNTT của DN cũng có tác động tích cực với tính kịp thời của BCTC. Các biến quy mô DN, chênh lệch lợi nhuận, loại BCTC, loại ý kiến kiểm toán cũng có tác động dương.

Biến còn lại là loại công ty kiểm toán có Sig. > 0.05, do đó, biến này không có ý nghĩa thống kê trong mô hình nghiên cứu.

5. Khuyến nghị và kết luận

Dựa trên kết quả nghiên cứu, một số khuyến nghị chính sách góp phần gia tăng tính kịp thời của TTKT đến các bên có liên quan như sau:

 5.1. Cơ quan quản lý

Sở giao dịch chứng khoán cần có những biện pháp nghiêm ngặt hơn để giám sát và xử lý các sai phạm trong công bố BCTC của các DN, góp phần nâng cao tính minh bạch chung của toàn thị trường.

Trường hợp DN không cung cấp BCTC năm, không có báo cáo của ban giám đốc và báo cáo kiểm toán độc lập nhưng vẫn được đăng lên và cập nhật trên cơ sở dữ liệu của Sở giao dịch chứng khoán cần được xử lý nghiêm.

5.2. Các công ty niêm yết

DN cần xem xét một số khía cạnh về năng lực tài chính, điều kiện công nghệ hiện tại để sử dụng ĐTĐM làm công cụ giúp cắt giảm chi phí hoạt động kinh doanh, giảm thời gian công việc kế toán và thu được nhiều tiện ích cho DN.

Đối với các DN có loại BCTC hợp nhất nên thống nhất thời gian lập và chuẩn bị BCTC giữa các công ty thành viên, thống nhất áp dụng chính sách kế toán trên toàn tập đoàn. DN nên xây dựng và triển khai quy trình kế toán và lập BCTC một các đồng bộ cho tất cả các đơn vị trong tập đoàn.

5.3. Các công ty kiểm toán

Các công ty kiểm toán cần nâng cao và hoàn thiện hệ thống quy trình kiểm soát hoạt động kiểm toán BCTC tại các DN từ khâu chuẩn bị lập kế hoạch đến kiểm soát sau cuộc kiểm toán để có thể tạo thành một chu trình khép kín và kiểm soát được chất lượng tốt hơn. Công ty có thể thành lập ban kiểm soát để thực hiện chức năng kiểm tra, kiểm soát việc tuân thủ chuẩn mực và quy trình cũng như có thể kiểm tra lại một số BCTC đã kiểm toán.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

1. Đặng Đình Tân (2013), Một số nhân tố ảnh hưởng đến tính kịp thời của báo cáo tài chính của các công ty niêm yết tại Việt Nam, Tạp chí Công nghệ Ngân hàng, 84, 47 - 52.

2. Đoàn Thị Cẩm Thư (2018), Các nhân tố ảnh hưởng đến tính kịp thời của báo cáo tài chính - bằng chứng từ các công ty niêm yết ở Việt Nam, Tạp chí Kinh tế và Ngân hàng châu Á, S.145.

3. Ahmed, A. A. A., & Hossain, M. S. (2010), Audit report lag: A study of the Bangladeshi listed companies, ASA University Review, 4(2), 49 - 56.

4. Al-Daoud, K.A., Ismail, K.N., Lode, N.A. (2014), The timeliness of financial reporting among Jordanian companies: Do company and board characteristics, and audit opinion matter?, Asian Social Science Journal, 10(13), 191 - 201.

5. Al-Zoubi, A. M. (2017). The Effect of Cloud Computing on Elements of Accounting Information System. Global Journal of Management And Business Research.

6. Bagranoff N. A., Simkin M. G. and Norman C. S., (2010). Core Concepts of Accounting Information Systems,11 Ed. John Wiley & Sons, Inc. United States of America.

7. Courtis, J.K. (1976), “Relationships Between Timeliness in Corporate Reporting and Corporate Attributes”, Accounting and Business Research (Winter), 204 - 219.

8. Dyer IV, J.C. and McHugh, A.J. (1975), The timeliness of the Australian annual report, Journal of Accounting Research, (Autumn), pp. 204 - 220.

9. Gupta, P., Seetharaman, A., & Raj, J. R. (2013). The usage and adoption of cloud computing by small and medium businesses. International Journal of Information Management, 33(5), 861 - 874.

10. Lobana, J., 2013. Cloud Computing for Not-for Profit Organizations - Questions for Directors to Ask, Chartered Professional Accountants Canada.

11. Marand, A. A., Marand, E. A., & Dashtebayaz, M. L. (2013). Investigating the effects of cloud computing on accounting and its comparison with traditional models. Advances in Environmental Biology, 7(10 S1), 2836 - 2847.

12. Wilkinson, J.W Cerullo, M.J Raval, V., &amp; Wong on Wing, B, 2000. Accounting information Systems: Essential Concepts and Applications (Fourth Edition ed).

IMPACTS OF CLOUD COMPUTING ON DISCLOSURE OF

ACCOUNTING INFORMATION OF ENTERPRISES IN HO CHI MINH CITY

● PhD. NGUYEN QUYNH HOA

Banking University Hochiminh City

ABSTRACT:

The study investigates the impact of cloud computing and control factors on the timeliness of accounting information disclosure in 70 listed companies in Ho Chi Minh City in the period of 2015 - 2018. The research results show that the variables using cloud computing, software value, size of enterprises, differences profit margins, type of financial statements, type of audit opinion increased the timeliness of accounting information, and the research results were as expected. The authors found no evidence of the influence of the “Auditing Company type” factor on the timeliness of accounting information.

Keywords: Timeliness, disclosing accounting information, cloud computing.