Ảnh hưởng của loại hình doanh nghiệp lên phương pháp đánh giá kết quả lao động nhân viên Việt Nam

TS. Nguyễn Thị Minh Phước - ThS. Đỗ Huyền Trang ( Khoa Kinh tế và Quản trị kinh doanh, Đại học Hải Phòng)

TÓM TẮT:

Trong thời cách mạng công nghiệp 4.0, hiệu quả kinh doanh luôn được doanh nghiệp quan tâm hàng đầu. Một trong những yếu tố giúp doanh nghiệp phát triển và cạnh tranh với đối thủ là quản lý nguồn nhân lực hiệu quả. Nhân viên có sử dụng hết năng lực vào giải quyết công việc nhằm nâng cao kết quả kinh doanh của công ty hay không? Tất cả phụ thuộc vào doanh nghiệp có chính sách, phương pháp quản lý đánh giá kết quả lao động phù hợp hay không? Hiện nay, nghiên cứu về phương pháp đánh giá kết quả lao động nhân viên của các loại hình doanh nghiệp tại Việt Nam còn hạn chế. Nghiên cứu này đóng góp kiến thức liên quan đến phương pháp đánh giá kết quả lao động và gợi ý phương pháp đánh giá kết quả lao động cho doanh nghiệp nội địa.

Từ khóa: Quản lý đánh giá kết quả lao động, phương pháp đánh giá kết quả lao động, loại hình doanh nghiệp.

1. Đặt vấn đề

Trong thời kỳ hội nhập và cách mạng công nghiệp 4.0, thay đổi trong phương pháp quản lý nguồn nhân lực, đặc biệt là phương pháp đánh giá kết quả lao động được các doanh nghiệp chú trọng. Tuy nhiên, sự thay đổi ấy được các doanh nghiệp quan tâm ở mức độ nào? Loại hình doanh nghiệp nào ứng dụng phương pháp đánh giá kết quả lao động phản ánh đúng năng lực nhân viên, tạo sự hứng thú và đam mê lao động? Đó là điều cần nghiên cứu.

Bài báo này đi sâu vào tìm hiểu xem doanh nghiệp đa quốc gia (MNEs) và doanh nghiệp nội địa tác động đến ứng dụng phương pháp đánh giá kết quả lao động như thế nào. Doanh nghiệp nội địa trong bài báo này bao gồm doanh nghiệp nhà nước (SOEs), doanh nghiệp cổ phần nhà nước (ESOEs), doanh nghiệp tư nhân (POEs). Doanh nghiệp nhà nước là doanh nghiệp có 100% vốn nhà nước. Doanh nghiệp cổ phần nhà nước (ESOEs) là doanh nghiệp có vốn điều lệ được nắm giữ bởi nhân viên công ty và số còn lại do nhà nước quản lý. Có 2 loại doanh nghiệp cổ phần nhà nước, gồm doanh nghiệp có trên 50% vốn điều lệ được nhà nước quản lý, và doanh nghiệp có dưới 50% vốn điều lệ được nhà nước nắm giữ. Doanh nghiệp tư nhân trong nghiên cứu này là doanh nghiệp có vốn và cổ phần của nhiều tư nhân hợp lại, có thể gọi là tập đoàn tư nhân. Doanh nghiệp đa quốc gia được nghiên cứu trong bài báo này là những doanh nghiệp có vốn 100% hoặc trên 50% của nước ngoài, gồm doanh nghiệp đến từ ba châu lục khác nhau như Đức (châu Âu), Nhật Bản (châu Á), Mỹ (châu Mỹ). Tuy nhiên, bài báo này không thiên về vấn đề văn hóa.

Bài báo này đóng góp một phần kiến thức liên quan đến phương pháp đánh giá kết quả lao động nhân viên, và gợi ý phương pháp đánh giá và khen thưởng nhân viên cho các doanh nghiệp trong nước. Nghiên cứu này sử dụng phương pháp thu thập số liệu định tính, phỏng vấn 18 nhà quản trị cấp cao và nhà quản lý nguồn nhân lực của 4 loại hình doanh nghiệp ở Việt Nam. Phạm vi nghiên cứu tập trung vào các ngành liên quan dịch vụ tại khu vực phía Bắc.

2. Bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0

Cách mạng công nghiệp 4.0 là một đột phá lớn của loài người, có khuynh hướng tác động mạnh mẽ đến mọi tầng lớp từ chính phủ, doanh nghiệp đến người dân trên khắp thế giới, được dự đoán sẽ thay đổi cách con người sống, làm việc và sản xuất. Cách mạng công nghiệp 4.0 được cho là phát triển dựa trên nền tảng công nghệ số và công nghệ thông minh nhằm tối ưu hóa quy trình, phương thức sản xuất. Một vài công nghiệp điển hình như công nghệ in 3D, công nghệ sinh học, công nghệ vật liệu mới, công nghệ tự động hóa, robot... đã được phát minh và ứng dụng trong sản xuất (Đỗ Minh Thụy, 2017). Hơn thế nữa, sự phát triển của cách mạng công nghiệp 4.0 còn liên quan đến xu hướng tự động hóa và trao đổi dữ liệu trong công nghệ sản xuất, bao gồm các hệ thống mạng vật lý, mạng Internet và điện toán đám mây (Lê Trung Kiên, 2017). Có thể nói đây là xu hướng kết hợp giữa các hệ thống thực và ảo, trong đó tương lai không xa có khả năng các máy móc thiết bị của nhà máy sẽ được kết nối internet và liên kết với nhau qua một hệ thống có thể tự hình dung toàn bộ quy trình sản xuất rồi đưa ra quyết định.

Ngoài phát triển hệ thống thông minh và được kết nối, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 còn là những đột phá xa hơn trong các lĩnh vực khác nhau từ mã hóa chuỗi gen cho tới công nghệ nano, từ các năng lượng tái tạo tới tính toán lượng tử. Sự dung hợp của các công nghệ hiện đại này và sự tương tác của chúng trên các lĩnh vực vật lý, số và sinh học làm cho cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (CMCN 4.0) khác xa với nền sản xuất tự động hóa truyền thống của thời kì công nghiệp lần thứ 3 (Đỗ Minh Thụy, 2017).

Với cuộc phát triển vượt bậc này, cuộc CMCN 4.0 có khuynh hướng tạo ra những thuận lợi trong lĩnh vực thương mại, đầu tư, việc làm. Chẳng hạn như giúp giảm đáng kể chi phí giao dịch, vận chuyển; công nghệ trở thành công cụ tiềm năng của các nhà đầu tư trong thời gian tới, đặc biệt là công nghệ số và Internet; xuất hiện việc làm mới với môi trường ứng dụng công nghệ (Lê Bằng Việt & Nguyễn Đức Văn, 2017). Tuy nhiên một vài bất công sẽ xảy ra, nhất là đối với thị trường lao động, đặc  biệt khi tự động hóa thay thế con người, người lao động sẽ bị dư thừa và tạo lên một xu hướng thất nghiệp lớn hoặc yêu cầu con người phải có trình độ để được tuyển dụng.

Trong bối cảnh này, các doanh nghiệp Việt Nam cần phải chuyển mình trong cách quản lý doanh nghiệp cũng như quản lý, đánh giá nhân sự. Tuy nhiên các doanh nghiệp ấy đã và đang thay đổi thế nào để tồn tại và thích nghi với sự thay đổi lớn của cách mạng 4.0 là một vấn đề cần nghiên cứu. Liệu rằng các loại hình doanh nghiệp có thay đổi kịp thời trong cách quản lý đánh giá kết quả lao động của nhân viên? Liệu rằng doanh nghiệp trong nước có bắt kịp với doanh nghiệp đa quốc gia trong quản lý đánh giá kết quả lao động nhân viên? Tiếp theo sẽ là phần thảo luận về sự khác biệt trong phương pháp đánh giá kết quả lao động giữa doanh nghiệp đa quốc gia và doanh nghiệp nội địa thời tiền cách mạng công nghiệp 4.0.

3. Sự khác biệt trong phương pháp đánh giá kết quả lao động giữa doanh nghiệp đa quốc gia và doanh nghiệp nội địa thời tiền cách mạng công nghệ 4.0

Phương pháp đánh giá kết quả lao động (performance appraisal) được các doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp đa quốc gia sử dụng như một công cụ hữu ích nhằm đạt được năng suất lao động và chất lượng lao động cao hơn (Trương Quang, 2006). Tuy nhiên, mức độ nhận thức tầm quan trọng của phương pháp đánh giá thì khác nhau giữa các loại hình doanh nghiệp. Ví dụ như, doanh nghiệp nhà nước coi phương pháp đánh giá kết quả lao động như là một phương sách nhằm hài hòa trong doanh nghiệp hơn là khuyến khích sự cạnh tranh nội bộ để giành được kết quả lao động tốt hơn (Trương Quang, 2006). Vì thế, hình thức đánh giá 360-độ hay đánh giá người đồng cấp chỉ được sử dụng như một cách phân bổ có kế hoạch và thực hiện như một phong trào thi đua (Minh, 2005). Do đó hình thức này có thể được đánh giá là ít thỏa mãn nhân viên. Hình thức đánh giá 360-độ là hình thức đánh giá kết quả lao động qua thông tin phản hồi từ dưới lên trên bao gồm người đồng cấp, người giám sát, cấp trên, cấp dưới và khách hàng (Dessler, 2005). Phương pháp này ít tạo ra thỏa mãn trong nhân viên là vì văn hóa Việt Nam có vẻ e ngại gây mất mặt người khác nên không đưa ra những đánh giá phản đối, gây bất lợi cho người khác (Lê Chiến Thắng & Trương Quang, 2005). Một nghiên cứu đã chỉ ra rằng rất khó có thể tìm thấy những phương pháp đánh giá tiến bộ như hình thức đánh giá 360 độ ứng dụng rộng rãi trong các doanh nghiệp nhà nước; và nếu được ứng dụng thì nhân viên của những công ty này có những áp lực phải đưa ra ý kiến đánh giá tốt cho đồng nghiệp của mình (Kamoche, 2001). Do đó, vai trò của phương pháp đánh giá kết quả lao động chưa thực sự được đề cao tại các doanh nghiệp nhà nước.

Tương tự doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp tư nhân thời kỳ tiền cách mạng công nghiệp 4.0 được miêu tả là có một phương pháp đánh giá kết quả lao động không chính thức, chẳng hạn như họp không chính thức, thảo luận không ghi chép; tất cả là do thiếu chuyên môn hay thiếu thời gian để hoàn thành quy trình đánh giá (Ngô Thị Võ Hà & Hoàng Định, 1997). Khác với doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp đa quốc gia có xu hướng đánh giá kết quả lao động dựa vào quan sát khách quan cùng với đối thoại giữa nhân viên và cấp trên của họ kết hợp với tự đánh giá (Trương Quang, 2006). Do đó, doanh nghiệp đa quốc gia sử dụng phương pháp đánh giá tiên tiến hơn doanh nghiệp nội địa, ví dụ như ý kiến phản hồi 360 độ (a 360-degree feedback), thẻ điểm cân bằng (balanced scorecard) (Vo & Stanton, 2011).

Tóm lại, doanh nghiệp nội địa thời kỳ tiền CMCN 4.0 có vẻ như không coi trọng tầm quan trọng của phương pháp đánh giá kết quả lao động, trong khi doanh nghiệp đa quốc gia sử dụng phương pháp đánh giá hiện đại, tập trung đánh giá hiệu quả lao động của nhân viên nhiều hơn. Liệu rằng kết quả nghiên cứu trước đây có thay đổi trong thời kỳ CMCN 4.0 hay không và thay đổi như thế nào? Kết quả này đã được tác giả kiểm tra lại bằng nghiên cứu dưới đây.

4. Phương pháp nghiên cứu

Nghiên cứu này sử dụng phương pháp thu thập số liệu định tính, phỏng vấn 18 nhà quản trị cấp cao và nhà quản lý nguồn nhân lực của 18 công ty thuộc bốn loại hình doanh nghiệp ở Việt Nam. Các cuộc phỏng vấn được thực hiện với các công ty nằm ở khu vực phía Bắc Việt Nam như Hà Nội, Hải Phòng. Những nơi này được lựa chọn cho nghiên cứu vì tập trung nhiều loại hình doanh nghiệp. Nghiên cứu này tập trung vào các loại hình dịch vụ như ngân hàng, du lịch và khách sạn, dịch vụ cung cấp lao động, dịch vụ tư vấn. Các doanh nghiệp tham gia phỏng vấn có số lượng nhân viên từ 100 người trở lên.

Dữ liệu của nghiên cứu này được phân tích bằng phương pháp quy nạp thông qua việc sử dụng phân tích nội dung định tính và phân tích theo chủ đề. Đây là phương pháp phổ biến, được sử dụng để phân tích dữ liệu định tính (Braun & Clarke, 2006). Hai phương pháp phân tích này được dùng để mã hóa, kiểm tra ý nghĩa và cung cấp mô tả về thực tế xã hội bằng việc tạo ra các chủ đề (Vaismoradi & cộng sự, 2016). Phân tích nội dung giúp các nhà nghiên cứu có thể xác định những nội dung trong phần dữ liệu có liên quan đến câu hỏi nghiên cứu (Flick, 2014) và tìm kiếm các từ hoặc chủ đề lặp lại trong toàn bộ dữ liệu (Patton, 2015). Phân tích theo chủ đề giúp tìm kiếm những cụm từ lặp lại có ý nghĩa như nhau trong bộ dữ liệu và thường rất phù hợp với so sánh nhóm (Flick, 2014).

5. Kết quả nghiên cứu và thảo luận

Kết quả nghiên cứu chỉ ra rằng, dưới tác động của CMCN 4.0, doanh nghiệp nội địa đang có xu hướng chuyển mình trong phương pháp đánh giá kết quả lao động. Tuy nhiên, các phương pháp đánh giá cổ điển và chủ quan như phương pháp mức thang điểm (Rating scales) hay mức thang điểm vẽ bằng đồ thị (Graphic rating scales) vẫn có vẻ như được sử dụng rộng rãi trong các doanh nghiệp nhà nước. Trong khi đó, doanh nghiệp đa quốc gia chú trọng đến sử dụng các phương pháp đánh giá mới và khách quan hơn như KPIs, thẻ điểm cân bằng (Balanced scorecard).

Yêu cầu tối thiểu: phương pháp đánh giá kết quả lao động của doanh nghiệp nhà nước trước tiên phải đáp ứng yêu cầu tối thiểu. Một nhà quản lý giải thích về phương pháp đánh giá kết quả lao động ở doanh nghiệp nhà nước như sau:

Người quản lý và nhân viên phải học cách đánh giá kết quả lao động hàng năm. Hệ thống đánh giá kết quả lao động có tiêu chuẩn rõ ràng. Người đánh giá được đào tạo bài bản, có kiến thức chuyên ngành, phải hiểu rõ về văn bản pháp quy, luôn cập nhât các quy định, nghị định mới của nhà nước về đánh giá người lao động, và phải công bằng (E3).

Trong những doanh nghiệp này, kết quả lao động của nhân viên được đánh giá dựa trên công việc được giao, thời gian hoàn thành và nội dung công việc.

Đánh giá xếp hạng theo thang điểm: đánh giá xếp hạng theo thang điểm được đề cập đến như là 1 phương pháp đánh giá kết quả lao động của cá nhân dựa trên 5 mức đánh giá cho mỗi tiêu chí đánh giá (Aggarwal & Thakur, 2013; Stone, 2013). Phương pháp này được sử dụng rộng rãi bởi doanh nghiệp nội địa (S3, S4, E3, P1 & P4). Kết quả lao động được xếp hạng từ A đến D (A là mức tốt nhất, D là mức tệ nhất). Trong nhiều trường hợp, đánh giá xếp hạng không những dựa vào chất lượng công việc mà còn dựa vào số giờ nhân viên làm dôi ra (E3). Người giám sát xếp hạng nhân viên bằng cách cho điểm số phù hợp kết quả lao động của nhân. Việc cho điểm số này được thực hiện hàng tuần, hàng tháng, và sau đó được cộng lại sau mỗi quý và mỗi năm.

Chúng tôi cũng dùng phân loại ABCD để đánh giá kết quả lao động. Những người làm việc thêm 5 tiếng mỗi tuần được phân loại A, 3 tiếng mỗi tuần được phân loại B, 2 tiếng mỗi tuần được phân loại C. Chúng tôi cũng trả lương thưởng dựa trên luật nhà nước, ví dụ, trả 200% lương nếu anh em làm thêm cuối tuần (E3).

Trên thế giới, phương pháp đánh giá theo thang điểm được coi là một phương pháp đánh giá đơn giản và cổ điển nhất, được coi là phương pháp ít rõ ràng, ít làm cho nhân viên tận tâm vào công việc (Tziner & Kopelman, 2002) hơn là những phương pháp khác như KPIs, ý kiến phản hồi 360 độ (a 360-degree feedback) hay thẻ điểm cân bằng (balanced scorecard) (Vo & Stanton, 2011). Một người quản lý tham gia phỏng vấn (S4) nhấn mạnh rằng phương pháp đánh giá theo thang điểm dựa trên nhận xét khá chủ quan, bởi vì nếu một người lao động được xếp loại A lần này thì lần sau loại A sẽ được giành cho người khác. Ngoài những phương pháp đánh giá cổ điển, doanh nghiệp nội địa cũng đã bắt đầu áp dụng những biện pháp đánh giá mới hơn như được đề cập dưới đây.

ISO 9001 (Quản lý chất lượng- chương trình phát triển kế thừa cho quản lý nhân sự): một doanh nghiệp nhà nước (S1) và một doanh nghiệp cổ phần nhà nước (E1), cả hai đều làm liên quan đến xuất khẩu lao động, được công nhận đã dùng ISO 9001 cho quản lý chất lượng. Ví dụ như ở doanh nghiệp E1, đánh giá kết quả lao động của nhân viên được thực hiện ở hai cấp độ gồm cấp quản lý và cấp dưới. Trên cơ sở ISO 9001, kết quả lao động của người quản lý được đánh giá dựa trên “kết quả kinh doanh”, trong khi kết quả lao động cấp dưới được đánh giá dựa trên “khối lượng công việc cũng như thời gian thực hiên công việc, ý thức của họ đối với công ty (ví dụ như nề nếp, đi đúng giờ, chấp hành kỉ luật, sự phân công) (E1). Phản hồi từ khách hàng cũng được coi trọng trong việc đánh giá kết quả lao động (E1). Hơn nữa, đánh giá theo thang điểm vẫn được duy trì do phần nào thừa hưởng phương pháp đánh giá từ khi E1 còn là doanh nghiệp nhà nước.

Duyệt lại đánh giá của trưởng bộ phận: một vài doanh nghiệp nhấn mạnh vào việc kiểm tra và giám sát đánh giá của trưởng bộ phận (E3, P4, P5). Một quản lý của một doanh nghiệp cổ phần nhà nước miêu tả: “Trưởng bộ phận đánh giá nhân viên hàng tháng, hàng quý và gửi bản đánh giá đó lên cho cấp cao hơn để duyệt và kiểm tra việc đánh giá đó. Nếu trưởng bộ phận đánh giá nhân viên chính xác và phù hơp, người đó sẽ được khuyến khích tiếp tục sử dụng phương pháp đánh giá đó. Nếu không, việc đánh giá đó sẽ được điều chỉnh” (E3).Vài doanh nghiệp tư nhân cũng nhấn mạnh việc sử dụng phương pháp giám sát và duyệt lại đánh giá của trưởng bộ phận (P4, P5).

Chỉ số hoạt động chính (KPIs): KPIs là một phương pháp đo lường định lượng, nhằm đánh giá mức độ thỏa mãn của kết quả lao động, mục tiêu chiến lược và mục tiêu hoạt động (Jahangirian, Taylor, Young & Robin, 2016). Phương pháp này được sử dụng bởi doanh nghiệp POEs lớn như tập đoàn tư nhân (P6). Nó được coi là một phương pháp đánh giá hiệu quả. Tiêu chí để đánh giá mỗi vị trí và cấp bậc trong doanh nghiệp thì khác nhau. Ví dụ, tiêu chí KPIs cho một người bán hàng bao gồm doanh thu theo tháng, chất lượng chăm sóc khách hàng (P6). Tỷ lệ phần trăm của các tiêu chí đó được thiết lập vào đầu mỗi năm, và nhân viên được đánh giá hàng tuần, hàng tháng, hàng quý và hoàn thành vào cuối năm để xem họ có đạt được mục tiêu hàng năm hay không (P6). Doanh nghiệp đa quốc gia cũng sử dụng KPIs để đánh giá kết quả lao động của nhân viên. Sự khác biệt trong việc dùng KPIs giữa doanh nghiệp tư nhân và đa quốc gia là: “doanh nghiệp đa quốc gia dùng KPIs để đánh giá giám sát trực tiếp và các nhân viên” (M5), và “tiêu chí đánh giá được dựa trên mức tiêu chuẩn quốc tế của doanh nghiệp” (M4).

Phương pháp đánh giá sử dụng bởi doanh nghiệp đa quốc gia: trái với doanh nghiệp nội địa, doanh nghiệp đa quốc gia có khuynh hướng sử dụng phương pháp đánh giá kết quả lao động hiện đại hơn. Ví dụ, doanh nghiệp đa quốc gia Mỹ (M4) và doanh nghiệp đa quốc gia Nhật (M5) sử dụng thẻ điểm cân bằng (balanced scorecard) và KPIs. BSc là một quy trình liên quan đến việc đánh giá kết quả lao động dựa trên 4 quan điểm bao gồm tài chính, khách hàng, kinh doanh nội bộ, học tập và tăng trưởng. Bốn quan điểm này kết nối tầm nhìn và nhiệm vụ với tất cả yêu cầu về chức năng và công việc hàng ngày để quản lý và đánh giá chiến lược kinh doanh, giám sát hiệu quả hoạt động, cung cấp sự cải tiến, xây dựng năng lực tổ chức, quá trình truyền thông tới tất cả các nhân viên (Kaplan & Norton, 2005; Punniyamoorthy & Murali, 2008). Cả hai phương pháp này được biết đến trên quốc tế nhưng lại ít được áp dụng ở Việt Nam (Vo & Stanton, 2011). Trong khi doanh nghiệp đa quốc gia sử dụng phương pháp đánh giá kết quả lao động ty của công ty mẹ. Phương pháp đánh giá này cũng được mô đi phê để phù hợp với hoàn cảnh địa phương: “Chưa có gì ảnh hưởng, áp đặt từ tập đoàn hay văn phòng khu vực đối với công ty quốc gia  này cả, mà không có tính chất là mình phải chịu vì mình thuộc sub của nó cả. Mình có thể sử dụng công cụ standard và customize với địa phương ở đấy” (M4).

Công ty đa quốc gia Đức (M3) áp dụng phương pháp đánh giá kết quả lao động theo mục tiêu (management by objectives). Với phương pháp này, ngay từ đầu năm nhà quản lý và cấp dưới đề ra những tiêu chí và mục tiêu cần phải đạt được trong năm. Những tiêu chí này dùng để đánh giá kết quả lao động nhân viên vào cuối năm. Về nguyên tắc, sự đánh giá này có thể dựa vào bản miêu tả công việc hoặc là mục tiêu doanh thu (Poister&Streib, 1995; Kyriakopoulos, 2012). Người tham gia phỏng vấn chỉ ra rằng trong trường hợp của M3, tương đối là khó khăn để đánh giá kết quả lao động của nhân viên hành chính, vì thế kết quả lao động của khối lao động này được đánh giá dựa vào bản miêu tả công việc, công việc được giao, và công việc thực tế họ đã làm được. Trái ngược với nhân viên khối văn phòng, kết quả lao động của khối chăm sóc khách hàng có vẻ dễ dàng đánh giá hơn bởi vì đánh giá dựa vào số doanh thu được tạo ra.

“Đối với bộ phận gián tiếp (khối hành chính) thì thường căn cứ vào bản miêu tả công việc, nhiệm vụ phân công, công việc thực tế người ta làm  thì đánh giá xem mức độ hoàn thành công việc đến đâu, chất lượng làm như thế nào… tôi giao đầu việc mà anh không hoàn thành, suốt ngày để tôi phải đi nhắc nhở thì tôi đánh giá anh ko làm việc ra gì… anh làm hết thì tôi đánh giá anh làm tốt, hoàn thành nhiệm vụ, hoặc nếu anh làm vượt lên khối lượng công việc tôi giao thì anh đã vượt chỉ tiêu… Đối với bộ phận trực tiếp (bộ phận kinh doanh) thì đơn giản. Căn cứ vào doanh thu mà đánh giá. Anh đem lại doanh thu nhiều thì anh làm việc tốt. Đó là 2 tiêu chí của 2 khối” (M3).

Bên cạnh sử dụng KPIs (M5), doanh nghiệp đa quốc gia Nhật Bản cũng sử dụng phương pháp đánh giá kết quả lao động dựa trên một danh sách tiêu chí rõ ràng (M2). Để đảm bảo việc đánh giá kết quả lao động chính xác, khách quan tại doanh nghiệp đa quốc gia Nhật Bản, những người tham gia đánh giá này là phải những người đã từng kinh qua những công việc đó. Những nhân viên đã được đánh giá được phép xem bản đánh giá thành tích cá nhân của mình và yêu cầu phản hồi nếu họ không thỏa mãn với kết quả đánh giá đó. Ví dụ như họ có thể yêu cầu đánh giá lại. Nhà quản lý tại doanh nghiệp đa quốc gia Nhật Bản trả lời trong buổi phỏng vấn rằng: “phương pháp đánh giá kết quả lao động nhân viên của doanh nghiệp này đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế về an toàn và chất lượng” (M2).

Tóm lại, những nhà quản lý tham gia phỏng vấn đều nói rằng cho dù phương pháp đánh giá kết quả lao động của doanh nghiệp nhà nước nhìn chung còn kém xa so với doanh nghiệp đa quốc gia, nhưng doanh nghiệp nhà nước đã có những bước nhảy đáng kể, làm thay đổi, nâng cấp phương pháp đánh giá kết quả lao động. Doanh nghiệp nội địa, ví dụ như doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp cổ phần nhà nước đã có dấu hiệu sử dụng một vài phương pháp mới như đánh giá dựa trên ISO9001. Doanh nghiệp nhà nước dường như vẫn còn phụ thuộc nhiều vào những phương pháp đánh giá mang tính chất hình thức. Trong khi đó, doanh nghiệp tư nhân có khuynh hướng cải thiện phương pháp đánh giá kết quả lao động bằng cách du nhập phương pháp đánh giá KPIs. Phương pháp đánh giá kết quả lao động của doanh nghiệp cổ phần nhà nước thì được đánh giá là nằm ở quãng nào đó giữa doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp tư nhân. Bằng sự so sánh đánh giá qua kết quả nghiên cứu, doanh nghiệp đa quốc gia được đánh giá là sử dụng phương pháp đánh giá kết quả lao động mới, có tiếng ở trên thế giới như là BSc, KPIs và MBO.

Nhìn chung, năng lực nhân viên tại các doanh nghiệp nội địa phần nào được quan tâm hơn. Doanh nghiệp nội địa, đặc biệt doanh nghiệp/tập đoàn tư nhân có khuynh hướng học tập và ứng dụng phương pháp đánh giá hiện đại của các doanh nghiệp đa quốc gia ví dụ như KPIs. Điều này chứng tỏ nhận thức về ứng dụng phương pháp đánh giá đem lại hiệu quả lao động của nhân viên có khuynh hướng được chú trọng hơn trong doanh nghiệp nội địa.

6. Kết luận

Mặc dù doanh nghiệp nội địa có sự thay đổi trong phương pháp đánh giá kết quả lao động, nhưng doanh nghiệp nhà nước vẫn nên có học hỏi và ứng dụng thêm những phương pháp mới mà doanh nghiệp đa quốc gia du nhập vào. Doanh nghiệp tư nhân có xu hướng bắt kịp phương pháp đánh giá kết quả lao động của doanh nghiệp đa quốc gia.

Nghiên cứu này có những giới hạn nhất định như: Chưa tập trung phân tích ảnh hưởng của văn hóa giữa các nước từ 3 châu lục khác nhau lên phương pháp đánh giá kết quả lao động nhân viên. Nghiên cứu mới chỉ tập trung ở khu vực phía bắc. Và đặc biệt, kết quả nghiên cứu này có thể ứng dụng vào những doanh nghiệp có nét đặc trưng như những doanh nghiệp tham gia phỏng vấn trong nghiên cứu này. Vì thế nghiên cứu này không nhất thiết phải là đại diện cho quan điểm của nhà quản lý ở khắp Việt Nam.

Gợi ý nghiên cứu tiếp theo: Do nghiên cứu này mới chỉ dừng lại ở nghiên cứu định lượng, vì thế cần kiểm chứng lại kết quả của nghiên cứu này bằng phương pháp định tính để đảm bảo độ tin cậy. Các quan điểm của nhân viên cũng nên được chú ý.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Aggarwal, A., & Thakur, G. S. M. (2013). Techniques of performance appraisal-a review. International Journal of Engineering and Advanced Technology (IJEAT) ISSN, 2249-8958.
  2. Dessler, G. (2005). Human resource management. (10th ed.). Upper Saddle River, N.J: Pearson/Prentice Hall.
  3. Jahangirian, M., Taylor, S. J., Young, T., & Robinson, S. (2016). Key performance indicators for successful simulation projects. Journal of the Operational Research Society.
  4. Kamoche, K. (2001). Human resources in Vietnam: The global challenge. Thunderbird International Business Review, 43(5), 625-650.
  5. Kaplan, R. S., & Norton, D. P. (2005). The balanced scorecard: measures that drive performance. Harvard Business Review, 83(7), 172.
  6. Lê Trung Kiên, (2017). Cách mạng công nghiệp lần thứ 4: nhiệm vụ trọng tâm phát triển kinh tế-xã hội thành phố Hải Phòng. Kỷ yếu hội thảo quốc gia, ĐHHP 2017.
  7. Kyriakopoulos, G. (2012). Half a century of management by objectives (MBO): A review. African Journal of Business Management, 6(5), 1772-1786.
  8. Poister, T. H., & Streib, G. (1995). MBO in municipal government: variations on a traditional managament tool. Public Administration Review, 55(1).
  9. Punniyamoorthy, M., & Murali, R. (2008). Balanced score for the balanced scorecard: A benchmarking tool. Benchmarking: An International Journal, 15(4), 420-443.
  10. Trương Quang (2006). Human resource management in Vietnam. In A. R. Nankervis, S. R. Chatterjee & J. Coffey (Eds.), Perspectives of human resources management in the Asia Pacific (pp. 213-252). Australia: Pearson Education
  11. Stone, R.J. (2013). Managing human resources. (4th ed.). John Wiley & Son, Australia.
  12. Lê Chiến Thắng & Trương Quang (2005a). Antecedents and Consequences of Dimension of Human Resource Management Practices in Vietnam. International Journal of Human Resource Management, 16:10, 1830-1846.
  13. Lê Chiến Thắng & Trương Quang (2005b). Human Resource Management Practices in a Transitional Economy: A Comparative Study of Enterprise Ownership Forms in Vietnam. Asia Pacific Business Review, 11:1, 25-47.
  14. Đỗ Minh Thụy, (2017). Cách mạng công nghiệp 4.0: Cơ hội và thách thức đối với Việt Nam. Kỷ yếu hội thảo quốc gia, ĐHHP.
  15. Tziner, A., & Kopelman, R. E. (2002). Is there a Preferred Performance Rating Format? A Non-psychometric Perspective. Applied Psychology, 51(3), 479-503.
  16. Lê Bằng Việt & Nguyễn Đức Văn (2017). Lý thuyết năng lực cạnh tranh quốc gia trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0. Kỷ yếu hội thảo quốc gia, ĐHHP.
  17. Ngô Thị Võ Hà & Hoàng Định (1997). Use of performance appraisal in private enterprises in Ho Chi Minh City Working paper. Hanoi: National Economics University.

IMPACT OF ENTERPRISE OWNERSHIP TYPES ON EMPLOYEE PERFORMANCE APPRAISAL METHOD IN VIETNAM

Ph.D NGUYEN THI MINH PHUOC

MBA. DO HUYEN TRANG

Faculty of Economics and Business Management, Hai Phong University

ABSTRACT:

In the 4th industrial revolution (I4.0), effective business performance is always concerned by enterprises. One of the factors that helps enterprise develop and can compete with competitors is efficient human resource management. Whether employees can use their capabilities to improve enterprise performance, it depends on how the enterprise utilises employee performance appraisal. The literature on employee performance appraisal of different enterprise ownership types in Vietnam is considerably less voluminous. The current research adds to the literature on employee performance management of different enterprise ownership types and suggests some performance appraisal to domestic enterprises.

Keywords: Performance management, performance appraisal, enterprise ownership types.