Ảnh hưởng của việc tỷ giá USD/VND tăng trong những tháng đầu năm 2017 đến nền kinh tế Việt Nam

ThS. PHẠM THỊ THU HÀ (Khoa Tài chính Ngân hàng - Trường Đại học Kinh tế Kỹ thuật Công nghiệp)

TÓM TẮT:

Trong điều kiện kinh tế mở, hội nhập và cạnh tranh quốc tế, xu hướng mở rộng và phát triển quan hệ kinh tế quốc tế ngày càng mạnh mẽ… vì vậy, những quan hệ thanh toán quốc tế nảy sinh. Để thực hiện các thanh toán này, cần dùng đến tỷ giá. Một trong những tỷ giá chính và quan trọng của nước ta chính là USD/VND. Nhìn lại diễn biến từ đầu năm 2017 đến nay, tỷ giá này đã có khác biệt lớn và tác động đáng kể đến nền kinh tế Việt Nam.

Từ khóa: Tỷ giá, xuất nhập khẩu, cán cân thương mại, kinh tế.

I. Thực trạng tỷ giá tăng đầu năm 2017

Từ đầu tháng2/2017 đến nay, tỷ giá đã tăng hơn 180 đồng/USD. Có thời điểm, tỷ giá USD tại các ngân hàng thương mại xấp xỉ ngưỡng 23.000 đồng, như tại Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) tỷ giá quy đổi ngày 22/2 lên tới 22.790 - 22.880 đồng/USD (mua vào - bán ra). Tại các ngân hàng thương mại cỡ lớn như Vietinbank, BIDV, Vietcombank... tỷ giá bán ra cũng xấp xỉ mốc 22.900 đồng/USD.

Tỷ giá trung tâm Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đưa ra ngày 24/2/2017 là 22.228 đồng/USD, với biên độ chênh lệch +/-3%. Tỷ giá trần các ngân hàng thương mại được áp dụng trong thời điểm này là 22.895 đồng/USD và tỷ giá sàn là 21.561 đồng/USD.

Hình 1: Diễn biến tỷ giá từ ngày 31/12/2016 đến ngày 13/02/2017

Tại hầu hết ngân hàng thương mại cổ phần, tỷ giá quy đổi USD đều cao hơn tỷ giá trung tâm khoảng 500-600 đồng/USD.Hiện tại, tỷ giá quy đổi ngoại tệ USD tại Vietinbank và Vietcombank cùng được niêm yết ở mức 22.760 - 22.830 đồng/USD. Tại BIDV, tỷ giá được giao dịch cao hơn 20 đồng/USD, ở mức 22.770 - 22.840 đồng/USD.

Hình 2: Tỷ giá VND/USD tăng trong những tháng đầu năm 2017

Hiện tượng tỷ giá VND/USD với xu hướng tăng trong những tháng đầu năm 2017, nguyên nhân chính được xác định là do:

- Nhập siêu trong 2 tháng đầu năm 2017 là 46 triệu USD, trong khi đó cùng kỳ các năm trước, cán cân thương mại thường xuất siêu.

- Xuất phát từ nhu cầu của một số doanh nghiệp nhập khẩu hàng hóa với số lượng hàng triệu USD dẫn đến cầu ngoại tệ tăng cao.

Điều này đã đẩy tỷ giá ở một vài ngân hàng lớn lên cao kéo theo sự tăng giá USD ở một loạt các ngân hàng khác. Và đây rất có thể chỉ là xu hướng tạm thời, nhiều khả năng tỷ giá tại các ngân hàng thương mại sẽ sớm giảm nhẹ trong thời gian sắp tới.

II. Ảnh hưởng của việc tỷ giá USD/VND tăng mạnh

Tỷ giá USD/VND có tác động rất lớn đến nhiều khía cạnh của nền kinh tế. Nhưng trong ngắn hạn, việc tỉ giá USD/VND tăng mạnh làm ảnh hưởng đến nền kinh tế nước ta ở một số khía cạnh xuất nhập khẩu.

Tỷ giá là một trong những nhân tố tác động mạnh tới hoạt động xuất nhập khẩu (XNK), khi đồng nội tệ tăng giá sẽ khiến hàng hóa trong nước trở nên đắt đỏ và khuyến khích hoạt động nhập khẩu (NK) hàng hóa từ nước ngoài. Ở chiều ngược lại, khi đồng nội tệ giảm giá sẽ tạo điều kiện cho xuất khẩu (XK) và gây nhiều bất lợi cho hoạt động NK. Vì thế, dự báo biến động tỷ giá có thể còn tăng mạnh khiến nhiều doanh nghiệp (DN) khá lo ngại. Quay trở lại câu chuyện về cán cân thương mại của Việt Nam bị thâm hụt trong 2 tháng qua. Điều dễ nhận thấy là trong 2 tháng đầu năm, các nhóm hàng NK có mức tăng mạnh liên quan đến nguyên phụ liệu phục vụ sản xuất hoặc máy móc thiết bị hay đồ điện tử. Trong đó, nhóm hàng máy móc thiết bị, dụng cụ, phụ tùng đạt gần 4,82 tỷ USD, tăng 30,8% so với cùng kỳ năm 2016; nhóm hàng máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện tăng 18,4% so với cùng kỳ năm trước lên hơn 4,61 tỷ USD… Đây đều là những mặt hàng có giá trị cao, nên một phần do giá USD thế giới tăng cao khiến giá trị NK vào Việt Nam cũng tăng mạnh.

Tuy nhiên, đến thời điểm hiện nay, nhiều DN XNK vẫn tỏ ra khá yên tâm trước chính sách điều hành tỷ giá của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), giúp tỷ giá dù có biến động nhưng vẫn trong biên độ cho phép, tránh được những cú sốc bất ngờ. Do nguồn nguyên liệu đã được DN chủ động, lấy từ các nguồn nội địa thay vì phải NK như trước đây, nên giá thành sản phẩm không bị ảnh hưởng. Nhờ đó, tỷ giá biến động không tác động nhiều đến DN, nhưng nếu tỷ giá tăng mạnh thì giúp DN có thêm một khoản lợi nhuận nhờ chênh lệch.

Bên cạnh đó ảnh hưởng của tỷ giá vẫn làm không ít DN lo lắng, bởi sẽ khiến giá thành nguyên liệu NK tăng lên. Chính vì thế, những DN này luôn mong muốn tỷ giá giữ được sự ổn định và cân bằng, để tránh ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh. Trong khi tỷ giá hiện nay đã được điều chỉnh mang tính thị trường, các DN không thể giữ mãi tâm lý thụ động, khi NHNN để tỷ giá neo cứng ở một mức cố định mà phải có sự chủ động, theo dõi sát diễn biến, học hỏi thêm kiến thức về tài chính - tiền tệ để có kế hoạch ứng phó, cũng như đặt ra kế hoạch sản xuất - kinh doanh cho phù hợp.

III. Giải pháp

Hiện thị trường đang chờ đợi phiên điều trần mỗi năm 2 lần của Chủ tịch FED trước Quốc hội Mỹ về chính sách tiền tệ. Những phát biểu của bà Yellen trong phiên điều trần về việc sẽ tăng lãi suất là cơ sở để giới đầu tư xác định đường đi lãi suất của đồng USD trong thời gian tới. Từ đó, tỷ giá USD/VND sẽ sớm chịu áp lực tăng giá trong thời gian tới. Bởi vậy, Việt Nam cần có giải pháp ứng phó trước sự biến động tỷ giá tăng kéo dài.

1. Nhà nước phải có dự trữ ngoại tệ đủ mạnh

Đây là một trong những giải pháp quan trọng và rất cần được quan tâm. Tuy nhiên mỗi giai đoạn nó mang những ý nghĩa khác nhau. Trước đây, dưới chế độ tỷ giá hối đoái cố định, tỷ giá hối đoái là do Ngân hàng Trung ương quy định. Chính vì vậy mà nó tác động đến cung cầu nội tệ hơn là cung cầu ngoại tệ. Tỷ giá này không phản ánh được cung cầu ngoại tệ thực tế trên thị trường. Có những lúc ngoại tệ của ta rất mỏng nhưng tỷ giá hối đoái vẫn không hề thay đổi. Tuy nhiên, theo cơ chế điều hành tỷ giá mới thì tỷ giá hối đoái sẽ thay đổi khi có bất kì sự thay đổi nào của cung và cầu ngoại tệ. Để ổn định tỷ giá thì NHNN phải can thiệp bằng các công cụ của mình. Nếu cung ngoại tệ lớn hơn cầu ngoại tệ, NHNN phải tung VND để mua lượng ngoại tệ dư đó nhằm cân bằng cung cầu ngoại tệ. Trong trường hợp ngược lại, khi cầu ngoại tệ lớn hơn cung ngoại tệ. Lúc này, NHNN cần tung ngoại tệ ra để bán. Dự trữ ngoại tệ đủ mạnh còn để sẵn sàng đối phó với hiện tượng đầu cơ trên thị trường. Nếu dự trữ ngoại tệ của NHNN không đủ mạnh để can thiệp, thì có thể dẫn đến việc thả nổi đồng tiền nước mình. Quan điểm truyền thống về dự trữ ngoại hối pháp định nhấn mạnh vào tầm ảnh hưởng của tài khoản vãng lai. Theo Ngân hàng thế giới (World bank) thì dự trữ ngoại hối cần phải có đủ mức tài trợ từ 3 đến 6 tháng nhập khẩu.

2. Xử lý mối quan hệ giữa lãi suất và tỷ giá

Trên thị trường tiền tệ, tỷ giá và lãi suất có mối quan hệ vô cùng chặt chẽ. Hành vi mua, bán ngoại tệ có liên quan đến tỷ giá, các hoạt động gửi rút ngoại tệ có liên quan đến lãi suất. Hai loại hành vi này luôn có quan hệ với nhau và nó tạo ra dòng chuyển đổi giữa VND và USD. Vì vậy, quan tâm đến tỷ giá thì không thể không quan tâm đến lãi suất và ngược lại. Để xử lý mối quan hệ giữa lãi suất và tỷ giá cần xây dựng cơ chế thông tin, thống kê, hệ thống hóa kịp thời các số liệu về luồng ngoại tệ ra vào trong nước. Để từ đó có những dự báo về quan hệ cung cầu trên thị trường làm căn cứ điều hành chính sách tỷ giá và quản lý ngoại hối. VND là một trong những đồng tiền có mệnh giá thấp trên thế giới, vì vậy ta cần từng bước tăng mệnh giá VND. Để làm được điều trên cần tiếp tục khép dần chênh lệch giữa lãi suất đi vay và lãi suất cho vay đồng nội tệ và lãi suất đồng ngoại tệ có sức hấp dẫn để thu hút vốn của nước ta hiện nay. Theo đó, khi tỷ giá tăng lên, Ngân hàng Trung ương có thể tăng lãi suất. Như vậy, Nhà nước có thể ngăn chặn xu hướng tăng lên của tỷ giá mà không cần tốn lượng dự trữ ngoại tệ của mình.

3. Nhà nước cần hoàn thiện công tác quản lý ngoại hối, cơ chế điều chỉnh tỷ giá hối đoái và hoàn chỉnh thị trường

Nếu như dự trữ ngoại tệ được quản lý tốt thì sẽ làm tăng tích lũy ngoại tệ. Với bất kỳ một quốc gia nào thì một lượng dự trữ ngoại tệ đủ lớn là cần thiết để đối phó với những biến cố của nền kinh tế. Vì vậy, cần tiết kiệm chi ngoại tệ, chỉ nhập khẩu những hàng hóa thiết yếu và những thiết bị, nguyên liệu đầu vào cần thiết cho quá trình sản xuất. Đồng thời cần nới lỏng việc quản lý ngoại hối, sử dụng linh hoạt và hiệu quả các công cụ quản lý tỷ giá.

Cần hoàn thiện thị trường ngoại hối để tạo điều kiện cho việc thực hiện chính sách ngoại hối có hiệu quả. Việc này có thể thực hiện bằng cách mở rộng thị trường để các doanh nghiệp, các định chế tài chính phi ngân hàng tham gia thị trường, đặc biệt là thị trường hoàn chuyển để các đối tượng kinh doanh có liên quan đến ngoại tệ tự bảo vệ mình. Còn về thị trường liên ngân hàng, việc hoàn thiện thị trường này là cần thiết để qua đó Nhà nước có thể nắm được mối quan hệ cung cầu về ngoại tệ và có các biện pháp can thiệp khi cần thiết. Trước mắt nên có những biện pháp thúc đẩy các ngân hàng kinh doanh ngoại tệ tham gia vào thị trường nội tệ liên ngân hàng với đầy đủ các nghiệp vụ của nó. Từ đó tạo điều kiện cho Ngân hàng Nhà nước phối hợp, điều hòa giữa hai khu vực thị trường ngoại tệ và thị trường nội tệ một cách thông thoáng.

4. Đa dạng hóa đồng tiền chủ đạo

Dự trữ ngoại tệ chính thức của Việt Nam nên được đa dạng hóa bởi các đồng tiền ổn định, có giá trị như USD, JPI, ERD… và một số đồng tiền trong khu vực. Các đồng tiền này sẽ tham gia vào rổ ngoại tệ. Chính vì vậy, khi trong rổ ngoại tệ này có đồng tiền tăng giá, đồng tiền giảm giá thì đồng VND vẫn tương đối ổn định. Vì hiện nay chế độ tỷ giá của nước ta gắn với USD là chủ yếu, nhưng Việt Nam cần đa dạng hóa các đồng tiền chủ đạo hơn nữa để đồng VND tương đối ổn định. Khi tỷ giá tăng lên dẫn đến USD tăng lên, VND giảm xuống và ngược lại. Ví dụ như trong trường hợp, tỷ giá VND và USD vượt quá biên độ 7%, tỷ giá VND và JPI thấp hơn 7% thì Ngân hàng Nhà nước vẫn không phải can thiệp vào tỷ giá VND và USD.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

1. Báo cáo thường niên ngành Ngân hàng các năm.

2. Thời báo Ngân hàng.

3. Tạp chí Ngân hàng;

4. http://cafef.vn/gia-usd-tang-vot-len-moc-22860-dong-20170220102258702.chn

5. http://cafef.vn/ssi-kho-giam-lai-suat-vi-suc-ep-ty-gia-usd-tang-20170220222037624.chn

USD/VND EXCHANGE RATE STRONG IN THE MONUMENTS

2017 AND IMPACT ON ECONOMIC BACKGROUND

MA. PHAM THI THU HA

Faculty of Economics - University of Industrial Economics and Technology

ABSTRACT:

In the context of open economies, international integration,, and the development of international economic relation, hence, the international payment relationships arise. To make these transactions, it is required to use rates. One of the main and important exchange rates of our country is USD / VND, looking back at the changes from the beginning of 2017 until now, the exchange rate has made a big difference and has a significant impact on the Vietnamese economy.

Keywords: Exchange rate, import-export, trade balance, economy..

Xem tất cả ấn phẩm Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ số 06 tháng 05/2017 tại đây