Ảnh hưởng từ cắt giảm thuế quan trong khuôn khổ EVFTA đến xuất khẩu nông sản của Việt Nam sang EU

NGUYỄN THỊ THU HIỀN (Trường Đại học Thương mại)

TÓM TẮT:

Hiệp định thương mại giữa Liên minh châu Âu và Việt Nam (EVFTA) là một bước quan trọng để củng cố quá trình hội nhập lâu dài trong nền kinh tế toàn cầu. Hiệp định tạo nhiều cơ hội cho cả 2 bên trong phát triển thương mại và đầu tư.

Bài viết làm rõ cơ sở lý thuyết về tác động của việc cắt giảm thuế quan đối với thương mại giữa 2 quốc gia; khái quát về xuất khẩu nông sản của Việt Nam sang EU và những cam kết về cắt giảm thuế quan hàng nông sản trong EVFTA. Từ đó, tác giả phân tích những cơ hội và đưa ra một số đề xuất nhằm thúc đẩy xuất khẩu nông sản vào EU

Từ khóa: EVFTA, thương mại hàng nông sản, xuất khẩu nông sản, thuế quan, hạn ngạch thuế quan.

1. Cơ sở lý thuyết về ảnh hưởng bởi việc cắt giảm thuế quan nhập khẩu của nước ngoài đến xuất khẩu của một quốc gia.

Những cam kết về giảm thuế quan trong các FTA nói chung sẽ tạo cơ hội tiếp cận thị trường lớn hơn giữa các quốc gia thành viên. Các tác động của cắt giảm thuế quan nước ngoài đối với xuất khẩu của quốc gia bao gồm:

Tác động thị trường. Tác động thị trường (market effect) hàm ý rằng, trao đổi thương mại giữa 2 quốc gia sẽ tăng lên do tương quan giá giữa hàng nhập khẩu và hàng trong nước của quốc gia nhập khẩu giảm. Hình 1, minh họa ảnh hưởng của việc cắt giảm thuế quan nhập khẩu của quốc gia (QG) nhập khẩu (QG2) đối với xuất khẩu của QG1.

Hình 1: Ảnh hưởng bởi việc giảm thuế nhập khẩu của nước ngoài

đối với xuất khẩu của quốc gia

Đối với QG1, mức giá xuất khẩu hàng hóa X là P0 và tại mức giá này thì QG1 sẽ xuất khẩu một lượng hàng hóa tương ứng là đoạn CB. Đây là phần chênh lệch giữa sản xuất trong nước và tiêu dùng trong nước ở mức giá P0. Giả sử trước khi tham gia FTA, QG2 đánh thuế với mức thuế T đối với hàng hóa nhập khẩu từ QG1. Khi đó, tại QG2 mức giá của hàng hóa X nhập khẩu từ QG1 là P’0 = P0 + T. Tại mức giá P’, lượng hàng hóa nhập khẩu của QG2 tương ứng là đoạn C’B’. Ta có xuất khẩu của nước này phải bằng với nhập khẩu của nước kia, do đó: CB = C’B’.

Giả sử sau khi tham gia FTA, QG2 thực hiện cắt giảm hoàn toàn thuế quan đối với hàng nhập khẩu. Khi đó, mức giá của hàng hóa X tại QG2 giảm, còn tại QG1 tăng. Giả định bỏ qua các loại chi phí vận chuyển và chi phí khác nên sự thay đổi giá này sẽ diễn ra cho đến khi giá hàng hóa X tại 2 quốc gia này bằng nhau. Trên đồ thị, mức giá hàng hóa X tại cả hai quốc gia sẽ là P­1 và P1 > P0. Khi đó, tại mức giá cao hơn xuất khẩu của QG1 tăng từ CB đến MN. Như vậy, khi QG2 giảm thuế nhập khẩu đối với hàng xuất khẩu của QG1 sẽ thúc đẩy xuất khẩu của QG1. 

Tác động cạnh tranh. Cùng với việc được hưởng lợi ích từ cắt giảm thuế quan, nước xuất khẩu hàng hóa phải đối mặt với sự cạnh tranh không chỉ từ các nhà sản xuất của nước nhập khẩu, mà còn từ các nước khác cũng xuất khẩu hàng hóa vào nước này. Khi giá nhập khẩu giảm, tỷ lệ thương mại (terms of trade) cũng thay đổi đối với cả các nước xuất khẩu. Một số quốc gia có thể khai thác tiềm năng xuất khẩu tốt hơn do khả năng cạnh tranh về giá cao hơn, trong khi những nước khác lại không cạnh tranh được. Cạnh tranh giá tương đối xảy ra giữa các nhà xuất khẩu được gọi là tác động cạnh tranh (competitive effect). Vì vậy, việc cắt giảm thuế quan có làm tăng xuất khẩu của quốc gia thành viên hay không còn phụ thuộc vào khả năng cạnh tranh giữa các nước thành viên cùng xuất khẩu hàng hóa đó.

Tác động của cắt giảm thuế quan nước nhập khẩu đối với tiếp cận thị trường nước ngoài của nước xuất khẩu còn phụ thuộc vào độ co giãn theo giá của “cung” hàng xuất khẩu của quốc gia và độ co giãn theo giá của “cầu” hàng nhập khẩu của nước ngoài. Hai yếu tố này quyết định độ co giãn theo giá của hàng xuất khẩu của quốc gia xuất khẩu. Nếu độ co giãn theo giá của hàng xuất khẩu càng lớn thì cắt giảm thuế quan sẽ có tác động càng nhiều tới khả năng tiếp cận thị trường nước ngoài.

2. Tổng quan về xuất khẩu nông sản của Việt Nam sang thị trường EU

EU là thị trường nhập khẩu nông sản lớn thứ ba của Việt Nam, sau Trung Quốc và Mỹ. Xuất khẩu nông sản sang thị trường EU luôn duy trì tỷ trọng 11% - 19% tổng kim ngạch xuất khẩu nông sản của Việt Nam, mức tăng trưởng xuất khẩu hàng năm vào khoảng 10%/năm. Xuất khẩu nông sản của Việt Nam sang EU có mức độ tập trung lớn về chủng loại sản phẩm. Những sản phẩm chủ đạo, chiếm gần 90% kim ngạch xuất khẩu nông sản của Việt Nam sang thị trường này bao gồm: cà phê, chè nguyên liệu, hồ tiêu và rau quả (Bảng 1).

Cà phê, chè là nhóm hàng nông sản có kim ngạch xuất khẩu sang EU lớn nhất của Việt Nam (chiếm khoảng hơn 60% giá trị xuất khẩu). Năm 2018, kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng này sang EU đạt 791,7 triệu USD; 9 tháng đầu năm 2019 đạt 865,5 triệu USD.

Rau quả: EU là một thị trường tiêu thụ rất lớn các sản phẩm rau quả thế giới, chiếm 45% trị giá thương mại hàng rau quả toàn cầu. Thương mại hai chiều ngành rau quả giữa Việt Nam và EU vẫn còn hạn chế về kim ngạch, xuất khẩu của Việt Nam chỉ chiếm khoảng 1% lượng rau quả nhập khẩu của EU. Về cơ cấu, thương mại rau quả Việt Nam - EU mang tính bổ sung cao, không cạnh tranh trực tiếp.

Hồ tiêu. EU là thị trường nhập khẩu hồ tiêu lớn thứ 2 của Việt Nam. Kim ngạch nhập khẩu hồ tiêu của EU từ Việt Nam khoảng 40 nghìn tấn mỗi năm, chiếm 23% tổng lượng hồ tiêu xuất khẩu của nước ta. Việt Nam cũng là nhà cung cấp hồ tiêu lớn nhất cho thị trường EU, xuất khẩu của Việt Nam đáp ứng 53% nhu cầu hồ tiêu của thị trường EU.

Gạo: Gạo của Việt Nam đã thâm nhập được vào toàn bộ thị trường EU. Tuy nhiên, xuất khẩu gạo sang EU chiếm tỷ trọng rất nhỏ (0,7%) trong tổng kim ngạch xuất khẩu nông sản của Việt Nam. Đồng thời, xuất khẩu gạo đang có xu hướng giảm đáng kể trong những năm gần đây.

Xuất khẩu chăn nuôi từ Việt Nam sang EU không đáng kể, chủ yếu là thịt gà, đạt 3,6 triệu USD (năm 2018).

3. Cam kết về cắt giảm thuế quan của EU trong EVFTA đối với hàng nông sản nhập khẩu

Mức cam kết cắt giảm thuế quan trong Hiệp định EVFTA có thể coi là mức cam kết cao nhất mà Việt Nam đạt được trong các FTA đã được ký kết. Trước khi EVFTA có hiệu lực, chỉ có 42% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU được hưởng mức thuế 0% theo Chương trình ưu đãi thuế quan phổ cập (GSP), trong đó có các dòng sản phẩm café, chè, hồ tiêu. Các nhóm rau quả chịu mức thuế quan nhập khẩu trung bình là 16,2%; nhóm sản phẩm là động vật sống và các sản phẩm từ động vật là 13,1% (EU, 2018).

Với EVFTA, EU cam kết loại bỏ hơn 99% tất cả các mức thuế liên quan đến thương mại hàng hóa và loại bỏ một phần đối với các hàng hàng hóa còn lại bằng các hạn ngạch thuế quan (TRQs). Theo đó, lộ trình cắt giảm như sau: ngay sau khi EVFTA có hiệu lực, 85,6% dòng thuế sẽ bị loại bỏ ngay lập tức (tương đương 70,3% hàng xuất khẩu của Việt Nam sang EU) và trong vòng 7 năm tới thì 99,2% dòng thuế sẽ bị loại bỏ (tương đương 99,7% giá trị kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU). Đối với 0,3% giá trị xuất khẩu còn lại (bao gồm một số loại sản phẩm: gạo, ngô ngọt, tỏi, nấm, cá ngừ đóng hộp, đường, tinh bột sắn), EU cam kết áp dụng hạn ngạch thuế quan (TRQs). (Bảng 2)

Đối với nhóm hàng rau quả, EU cam kết xóa bỏ 94% trong tổng số 547 dòng thuế rau, quả và các chế phẩm từ rau, quả ngay khi Hiệp định có hiệu lực. Phần lớn các dòng thuế EU cam kết xóa bỏ ngay hiện đều đang có mức thuế MFN trung bình là trên 10%, cá biệt có những sản phẩm rau, quả đang chịu thuế trên 20%. Do đó, mức cam kết này của EU được đánh giá là sẽ tạo ra lợi thế lớn về giá cho rau, quả Việt Nam.

Với nhóm hàng thịt xuất khẩu: EU có cam kết mở cửa mạnh cho các sản phẩm chăn nuôi từ Việt Nam. Khoảng 60% dòng sản phẩm sẽ về 0% khi Hiệp định có hiệu lực. Loại bỏ thuế quan ngay khi Hiệp định có hiệu lực đối với các dòng thuế đối với động vật sống, thịt trâu bò, thịt lợn; Loại bỏ thuế trong vòng 7 năm (một vài trường hợp là 5 năm) đối với các sản phẩm từ gia cầm và một vài sản phẩm chế biến từ bò và lợn. Thuế quan đối với thịt bò sẽ được loại bỏ trong 3 năm và đối với thịt lợn là trong 7 năm. Liên quan đến gia cầm, EU cam kết sẽ dần xóa bỏ các rào cản thương mại trong vòng 10 năm. Mức cắt giảm này được xem là tương đối lớn.

Đối với gạo, thời gian đầu sẽ áp dụng cơ chế hạn ngạch thuế quan, 50.000 tấn lượng nhập khẩu trong hạn ngạch mỗi năm được hưởng mức thuế 0%. Sau đó, sẽ xóa bỏ hoàn toàn thuế nhập khẩu đối với gạo tấm trong 5 năm và các sản phẩm từ gạo từ 3 - 5 năm.

Riêng cà phê, hạt điều, sản phẩm rau củ quả tươi chế biến, nước hoa quả và hoa tươi được xóa bỏ hoàn toàn thuế nhập khẩu ngay khi Hiệp định có hiệu lực.

4. Ảnh hưởng của cắt giảm thuế quan đến xuất khẩu hàng nông sản của Việt Nam

Nghiên cứu định lượng về tác động kinh tế của các cam kết giảm thuế quan cũng như các hàng rào phi thuế quan đến trao đổi hàng hóa và dịch vụ giữa EU và Việt Nam, dựa trên mô phỏng sử dụng mô hình cân bằng tổng thể động (CGE) cho thấy, xuất khẩu của Việt Nam sang EU ước tính tăng khoảng 18%, tương đương 15 tỷ euro (EU 2018).

Đối với nhóm hàng nông sản, mặc dù khoảng 90% sản phẩm nông sản xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường EU đã được miễn thuế MFN nhưng với EVFTA vẫn tạo cơ hội mở rộng thị trường xuất khẩu của nước ta. Hơn nữa, EU là trường hợp đầu tiên giảm thuế cho hàng chế biến nông sản, điều này mang lại nhiều lợi ích, bởi Việt Nam có cơ hội mang các mặt hàng sang EU với mức giá cạnh tranh hơn. 

Xét về tiềm năng và cơ hội để tăng xuất khẩu hàng nông sản vào thị trường EU có thể thấy, EU là thị trường lớn với GDP đứng thứ 4 thế giới, lượng nhập khẩu nông sản khoảng 150 tỷ USD, trong khi ngành Nông nghiệp Việt Nam xuất sang EU mới đạt 5 tỷ USD (tổng xuất khẩu nông sản của Việt Nam 40 tỷ USD). Như vậy, còn nhiều dư địa để hàng nông sản của Việt Nam thâm nhập vào EU. Một thuận lợi nữa là cơ cấu hàng hóa nông sản của Việt Nam và EU mang tính bổ sung cao nên ít có cạnh tranh trực tiếp. Bảng 3, tổng hợp kết quả ước tính của EU về tác động của EVFTA đến nhu cầu nhập khẩu một số hàng nông sản của EU từ Việt Nam (EU, 2018).

Bảng 3 cho thấy, nhiều mặt hàng nông sản có cơ hội tăng mạnh xuất khẩu vào thị trường EU khi EVFTA được thực thi bao gồm: nhóm hàng gạo, đường và thịt.

Gạo. Gạo Việt Nam là một trong những mặt hàng được châu Âu tiêu thụ trong những năm qua. Tuy vậy, số lượng bán sang thị trường này lại không nhiều. Nguyên nhân do mặt hàng gạo từ Việt Nam phải chịu thuế nhập khẩu khá cao 5%-45%. Thậm chí, có một số nước trong khối EU áp mức thuế nhập khẩu với gạo Việt Nam lên tới 100% hoặc cao hơn. Khi EVFTA có hiệu lực, thuế suất bằng 0%, mặt hàng này sẽ có giá cạnh tranh so với các đối thủ khác như Campuchia, Thái Lan. Nếu Việt Nam tận dụng tốt xuất khẩu được hết hạn ngạch 80.000 tấn mà EU cấp thì kim ngạch xuất khẩu có thể tăng gấp bốn lần so với hiện nay.

Trái cây. Khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực, mặt hàng rau, quả xóa bỏ 100% dòng thuế xuất khẩu, vì vậy sẽ mở ra cơ hội lớn cho rau, quả Việt xuất khẩu vào thị trường này. Các sản phẩm được người tiêu dùng ưa chuộng và nhiều tiềm năng tại EU gồm: bơ, xoài và khoai lang. Phần lớn các dòng thuế EU cam kết xóa bỏ ngay hiện đều đang có mức thuế MFN trung bình là trên 10%, cá biệt có những sản phẩm rau quả đang chịu thuế trên 20%. Do đó, mức cam kết trong EVFTA được đánh giá sẽ tạo ra lợi thế lớn về giá cho rau, quả Việt Nam (đặc biệt trong cạnh tranh nhập khẩu vào EU với các nước có thế mạnh về rau quả chưa có FTA với EU như Thái Lan, Trung Quốc…).

Đường. Mặc dù mặt hàng đường không được tự do hóa hoàn toàn, song cũng được EU dành cho hạn ngạch 10.000 tấn đường trắng và 10.000 tấn sản phẩm chứa đường trên 80%. Điều này sẽ mở ra cơ hội tiêu thụ sản phẩm rất lớn đối với ngành Mía đường của Việt Nam, trước bối cảnh cung đang vượt cầu rất lớn, do phải cạnh tranh với các sản phẩm nhập khẩu. 

Tuy nhiên, bên cạnh cơ hội để tăng xuất khẩu vào thị trường EU, hàng nông sản của Việt Nam cũng gặp phải nhiều thách thức, trong đó thách thức lớn nhất vẫn là đáp ứng các tiêu chuẩn kỹ thuật của EU. Cụ thể như sau:

Về tiêu chuẩn kiểm dịch. Với nông sản, dù EVFTA có ưu đãi với những quy định về biện pháp kiểm dịch động thực vật (SPS) linh hoạt nhưng đa số ngành hàng nông sản của nước ta - như thịt, cà phê, rau quả..., vẫn vấp phải những hạn chế do thiếu tính đồng nhất trong từng lô hàng. Công tác thu hoạch bảo quản chưa tốt nên chất lượng còn hạn chế, khó mà vượt được tiêu chuẩn khắt khe của EU. Việt Nam nằm trong nhóm các nước có số trường hợp bị cảnh báo và trả hàng về từ châu Âu nhiều nhất. Nguyên nhân do những lô hàng này không đáp ứng yêu cầu về an toàn vệ sinh thực phẩm của EU, chứa các chất vượt mức cho phép hoặc bị cấm sử dụng trong thực phẩm.

Về tiêu chuẩn xuất xứ hàng hóa. Hiện nay, EU có quy định tương đối chặt chẽ về nguồn gốc, xuất xứ với hạt điều khi xem công đoạn gia công, bóc vỏ hạt điều là chế biến giản đơn. Do đó, muốn xuất khẩu được hưởng lợi về thuế quan, ngành Điều nhân của Việt Nam phải chế biến từ nguồn điều nguyên liệu sản xuất trong nước hoặc từ quốc gia có FTA với EU. Trong khi nguồn nguyên liệu cho sản xuất hàng hóa xuất khẩu của không ít sản phẩm nông nghiệp Việt Nam chủ yếu được nhập khẩu từ Trung Quốc, ASEAN và các nước không thuộc khối có FTA với EU.

EU còn có nhiều quy định không chỉ liên quan đến tiêu chuẩn sản phẩm mà cả đối với quy trình sản xuất ra sản phẩm đó.

4. Một số đề xuất nhằm thúc đẩy xuất khẩu nông sản vào EU

Để tận dụng được ưu đãi từ EVFTA, doanh nghiệp cần đảm bảo sản phẩm của mình đáp ứng yêu cầu về quy tắc xuất xứ, về tiêu chuẩn kỹ thuật và về vệ sinh an toàn động thực vật của EU. Đồng thời, các doanh nghiệp phải cải tiến sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, áp dụng công nghệ cao trong sản xuất, chế biến, bảo quản, đóng gói, vận chuyển, tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu, để đáp ứng được yêu cầu ngày càng khắt khe của các thị trường xuất khẩu cũng như cạnh tranh trên thị trường nội địa.

Đối với những người nông dân, lực lượng trực tiếp sản xuất ra sản phẩm cần được tập huấn đầy đủ hơn về quy trình sản xuất để bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, về nhật ký sản xuất, truy xuất nguồn gốc sản phẩm.

Về phía các cơ quan chức năng, ngoài việc tuyên truyền, phổ biến các vấn đề có liên quan đến Hiệp định, cần tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp hoàn thiện các thủ tục đăng ký tiêu chuẩn, chất lượng, xuất xứ…, giúp cho hàng nông sản Việt Nam tận dụng được hết các cơ hội từ EVFTA.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. EU (2018), The economic impact of the EU - Vienamesse Free Trade Agreement, Luxembourg: Publications Office of the European Union.
  2. Vũ Thanh Hương (2017), Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU: tác động đối với thương mại hàng hóa giữa hai bên và hàm ý cho Việt Nam, Luận án TS. Kinh tế học: 623101. Trường Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội.
  3. Multrap (2017), EVFTA với ngành rau quả và chế biến thịt của Việt Nam. Báo cáo nghiên cứu. Hà Nội 2017.
  4. Olga Solleder (2013), Trade Effects of Export Taxes, Graduate Institute of International and Development Studies Working Paper, No: 08/2013.
  5. World Trade Organisation (WTO) (2018), Tariff Profiles 2018. Báo cáo xuất bản hàng năm của WTO, ITC và UNCTAD, tại trang web:

https://www.wto.org/english/res_e/booksp_e/tariff_profiles18_e.pdf

Tariffs reduction of the EVFTA and its impact on Vietnam’s agricultural exports to the EU

Ph.D Nguyen Thi Thu Hien

Thuongmai University

ABSTRACT:

The EU-Vietnam Free Trade Agreement (EVFTA) is an important step to strengthen Vietnam’s long-term integration process in the global economy. This agreement creates opportunities in trade and investment development for both sides.

This article clarifies the theoretical bases on impacts of tariff reduction on trade between two countries, presents an overview on Vietnam’s agricultural exports to the EU and the EVFTA’s commitments on tariff reductions for agricultural products. Based on these theoretical bases, this article analyzes opportunities and proposes solutions for boosting Vietnam’s agricultural exports to the EU.

Keywords: EVFTA, agricultural products trade, export, tariffs, tariff rate quota.