Áp thuế tiêu thụ đặc biệt cho nước ngọt có gas: Nên hay không?

Bộ Tài chính đang trình dự thảo sửa đổi, bổ sung Luật thuế tiêu thụ đặc biệt, trong đó một vấn đề đang tạo nhiều ý kiến trái chiều trong thời gian vừa qua là việc có nên đánh thuế tiêu thụ đặc biệt 10

Cái lý của Bộ Tài chính đưa ra khi đề nghị áp thuế nước ngọt có gas không cồn phần lớn là để bảo vệ sức khỏe người dân, hướng tới tiêu dùng lành mạnh.

Ông Ngô Hữu Lợi - Vụ trưởng Vụ Chính sách Thuế Bộ Tài chính cho biết, mặc dù những chất công nghiệp trong nước ngọt có gas có hàm lượng tiêu chuẩn kỹ thuật cho phép nhưng nếu sử dụng hàng ngày hoặc quá mức có thể gây ra một số tác hại đến sức khỏe người dùng như béo phì, mỡ máu, tiểu đường, bệnh gout và tăng nguy cơ bị ung thư.

Dẫn chứng là một nghiên cứu được tiến hành bởi Trung tâm Khoa học Y tế - Đại học Texas về mối liên hệ giữa việc thường xuyên tiêu thụ nước ngọt có gas với kích thước vòng eo. Kết quả là những người uống nhiều nước ngọt có gas sẽ có vòng eo lớn hơn những người khác ít uống hoặc không uống. Một dẫn chứng khác được công bố trên tờ Tạp chí Dinh Dưỡng Lâm Sàng của Mỹ do các nhà khoa học Thụy Điển tiến hành. Khi theo dõi sức khỏe của hơn 8.000 đàn ông tuổi từ 45 đến 73 trong khoảng thời gian 15 năm, các nhà khoa học này đã đi đến kết luận, trong nước ngọt có gas tiềm ẩn chất gây ung thư như methylmadizole và đường trong thức uống giải phóng ra insulin - là chất nuôi dưỡng các khối u. Ông Isabel Drake - một nhà nghiên cứu tại Đại học Lund (Thụy Điển) cũng cho biết trong số những người uống nhiều nước có gas, nguy cơ mắc ung thư tuyến tiền liệt tăng lên 40% so với bình thường.

Thống kê cho thấy, có nhiều nước trên thế giới và vùng lãnh thổ áp dụng thuế TTĐB đối với nước ngọt có gas không cồn nhằm định hướng tiêu dùng loại thức uống này. Để làm được điều đó, nhiều nước đã áp dụng các sắc thuế tiêu thụ đặc biệt đối với loại đồ uống này. Cụ thể, hầu hết các nước châu Âu (Anh, Pháp, Hy Lạp, Đan Mạch, Hà Lan, Thổ Nhĩ Kỹ, Hungary, Phần Lan, Ireland…); các nước châu Á (Thái Lan, Campuchia, Lào, Malaysia); một số bang của Hoa Kỳ (Arkansas, Tennessee, Virginia và Tây Virginia) đều đang thu thuế TTĐB đối với nước ngọt có gas không cồn. Tại Hội nghị lấy ý kiến các bên cho Dự thảo do Phòng Thương mại Việt Nam và Phòng Thương mại Hoa Kỳ tổ chức hôm 28/3/2014, đại diện của các doanh nghiệp sản xuất nước ngọt có gas trong nước cho biết, nước ngọt có gas không phải là sản phẩm cốt lõi của họ, cho nên việc đánh thuế tiêu thụ đặc biệt nếu có sẽ không gây ra ảnh hưởng nhiều. Trên thực tế, thị phần doanh nghiệp sản xuất nước ngọt có gas trong nước chỉ chiếm chưa đầy 10%, còn hơn 90% còn lại thuộc về doanh nghiệp nước ngoài như Coca - Cola và Pepsi...