Sau 4 ngày diễn ra, từ ngày 17 đến 20/11/2020, Hội nghị Bộ trưởng Năng lượng ASEAN lần thứ 38 (AMEM 38) và các Hội nghị liên quan đã chính thức khép lại. Thông qua chuỗi các Hội nghị, các Bộ trưởng/Trưởng đoàn cùng nhau đi đến thống nhất, ra nhiều tuyên bố chung và khẳng định, các nước ASEAN+3 cam kết theo đuổi các biện pháp phục hồi kinh tế bền vững sau đại dịch trong lĩnh vực năng lượng bằng cách tăng cường quan hệ đối tác và đổi mới hướng tới an ninh năng lượng, năng lượng chuyển đổi, và khả năng phục hồi năng lượng.

Chiều muộn 20/11, trong buổi họp báo công bố kết quả của AMEM 38 và các Hội nghị liên quan, với vai trò là nước chủ nhà và chủ tịch của Hội nghị AMEM lần thứ 38, đại diện cho phía Việt Nam, Thứ trưởng Đặng Hoàng An cho biết, Việt Nam đã tích cực làm việc và phối hợp chặt chẽ với các quốc gia thành viên ASEAN, Ban Thư ký ASEAN, Trung tâm năng lượng ASEAN, các đối tác đối thoại và tổ chức quốc tế để Hội nghị diễn ra thành công, tốt đẹp.

“Đoàn đại biểu từ các nước tham gia AMEM 38 cùng các Hội nghị liên quan đánh giá rất cao công tác tổ chức của phía Việt Nam. Dù chịu tác động của đại dịch Covid-19, chuyển sang tổ chức theo hình thức trực tuyến nhưng chuỗi các Hội nghị vẫn thu hút sự tham gia đông đảo của Bộ trưởng/Trưởng đoàn các nước thành viên. Đặc biệt, Hội nghị Bộ trưởng Năng lượng cao cấp Đông Á lần thứ 14 còn thu hút sự tham của Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ”, Thứ trưởng thông tin.

Thông qua APAEC giai đoạn 2

Thông tin tại buổi họp báo, Thứ trưởng Đặng Hoàng An cho biết, trong khuôn khổ Hội nghị này, các nước khẳng định cam kết định hướng chuyển đổi năng lượng của ASEAN hướng tới tương lai năng lượng bền vững trước thách thức của dịch Covid-19 đối với ngành năng lượng toàn cầu và tăng trưởng kinh tế tổng thể. Hội nghị đã đi đến những tuyên bố chung, trong đó có nhiều điểm nhấn, có ý nghĩa đặc biệt:

Thứ nhất, các Bộ trưởng/Trưởng đoàn Năng lượng ASEAN cam kết định hướng chuyển đổi năng lượng của ASEAN hướng tới một tương lai năng lượng bền vững, giữa những thách thức chưa từng có do đại dịch Covid-19 trên ngành năng lượng toàn cầu và tăng trưởng kinh tế tổng thể.

Trong bối cảnh này, các Bộ trưởng đã thông qua Giai đoạn II của Kế hoạch Hành động ASEAN về Hợp tác năng lượng giai đoạn 2021-2025 (APAEC giai đoạn II: 2021-2025) với chủ đề phụ mới là "Thúc đẩy quá trình chuyển đổi năng lượng và tăng cường năng lượng khả năng phục hồi thông qua đổi mới và hợp tác hơn nữa".

“Đây là kế hoạch mới nhất trong chuỗi các kế hoạch ngành để thực hiện tầm nhìn của Cộng đồng Kinh tế ASEAN đối với ngành năng lượng. Theo đó, hợp tác năng lượng ASEAN sẽ tiếp tục theo đuổi 7 lĩnh vực chương trình APAEC về lưới điện ASEAN, đường ống dẫn khí Trans ASEAN, hiệu quả năng lượng và bảo tồn, năng lượng tái tạo, năng lượng khu vực & hoạch định chính sách, than đá và công nghệ than sạch và năng lượng hạt nhân dân sự”, Thứ trưởng Đặng Hoàng An nhấn mạnh.

Hội nghị AMEM lần thứ 38
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An chủ trì họp báo Công bố kết quả Hội nghị Bộ trưởng Năng lượng ASEAN lần thứ 38 và các Hội nghị liên quan

Thứ hai, các Bộ trưởng/Trưởng đoàn hoan nghênh việc giảm 24,4% cường độ năng lượng ASEAN năm 2018 dựa trên mức độ năm 2015 và cho rằng, ASEAN đã vượt qua mục tiêu giảm 20% đặt ra cho năm 2020, do đó đồng ý với mục tiêu mới là giảm 35% cường độ năng lượng vào năm 2025 dựa trên mức năm 2005.

Thông qua AMEM 38, các Bộ trưởng/Trưởng đoàn cũng nhận thấy khoảng 70% tiết kiệm tiêu thụ năng lượng từ các ngành vận tải và công nghiệp và những lợi ích lớn từ việc mở rộng các chương trình tiết kiệm năng lượng của khu vực, bất chấp những thách thức từ tác động của đại dịch.

Thứ ba, các Bộ trưởng/Trưởng đoàn nhất trí để tiếp tục thúc đẩy điều hòa không khí hiệu quả như một biện pháp quan trọng để hạn chế tăng trưởng nhu cầu năng lượng trong khu vực dân cư.

Ngoài ra, các Bộ trưởng/Trưởng đoàn cũng ghi nhận các hoạt động nâng cao năng lực trong các khía cạnh kỹ thuật và quản lý để thúc đẩy hiệu quả năng lượng và bảo tồn, bao gồm việc tiến hành các khóa đào tạo và hội thảo khác nhau trong khuôn khổ Chương trình đào tạo quản lý năng lượng và kiểm định chất lượng năm 2019/2020.

Mở rộng giao dịch đa phương về năng lượng trong ASEAN

Một kết nổi bật, đáng chú ý nữa từ AMEM 38 cùng các Hội nghị liên quan đó là việc ký kết, mở rộng giao dịch đa phương về năng lượng trong ASEAN. Theo đó, các Bộ trưởng/Trưởng đoàn hoan nghênh việc ký kết Bản Ghi nhớ cho Giai đoạn 2 của Dự án kết nối điện giữa Lào-Thái Lan-Malaysia-Singapore (LTMS-PIP) bao gồm hợp đồng 2 năm giữa 4 quốc gia để khởi động mua bán điện lên đến 100MW từ năm 2022 sau khi kết thúc Thỏa thuận về Truyền tải và mua năng lượng giữa Lào, Thái Lan, Malaysia vào tháng 12/2021. Cùng với đó là Chương trình Đường ống dẫn khí xuyên ASEAN (TAGP).

Các Bộ trưởng/Trưởng đoàn cùng nhấn mạnh vai trò của khí tự nhiên trong tương lai năng lượng khu vực và sự cần thiết để tiếp tục theo đuổi thị trường khí cho ASEAN bằng cách tăng cường khả năng tiếp cận và kết nối LNG.

Các Bộ trưởng ghi nhận việc mở rộng hơn gấp đôi cơ sở hạ tầng tái hóa khí ở ASEAN từ khi bắt đầu APAEC Giai đoạn 1 với tổng công suất 38,75 triệu tấn/năm (MTPA) trong 9 kho cảng tái hóa khí LNG tại 5 quốc gia thành viên ASEAN và được bổ sung bởi 13 đường ống xuyên quốc gia với tổng chiều dài 3.631 km kết nối 6 nước thành viên ASEAN.

Các Bộ trưởng tiếp tục hoan nghênh việc xây dựng thêm 1 kho cảng LNG quy mô nhỏ (0.9 MTA) vào tháng 6/2020 để cung cấp cho hai dự án nhà máy điện tại Thilawa, Myanmar.

Không những vậy, thông qua AMEM 38, các Bộ trưởng ghi nhận sự phát triển của cơ sở hạ tầng dự trữ LNG và số lượng kho trữ khí LNG khu vực ASEAN, có khả năng đạt 3-5 triệu tấn mỗi năm vào năm 2030.

“Điều này là dấu hiệu cho thấy sự phát triển ngày càng tăng của thị trường khí ASEAN và mong muốn Hội đồng Dầu khí ASEAN (ASCOPE) xác nhận về hỗ trợ cần thiết từ Chính phủ các quốc gia ASEAN để hỗ trợ sự phát triển của kho dự trữ LNG và LNG quy mô nhỏ trong khu vực”, các Bộ trưởng/Trưởng đoàn hoàn nghênh.

Hội nghị AMEM lần thứ 38
Đông đảo các cơ quan báo chí, thông tấn tham gia Họp báo. Rất nhiều câu hỏi được các phóng viên chuyển đến Chủ tịch của Hội nghị AMEM lần thứ 38 

Nỗ lực hoàn thành mục tiêu kế hoạch APAEC giai đoạn 2

Năng lượng tái tạo đóng vai trò ngày càng quan trọng trong việc đa dạng hóa nguồn cung cấp năng lượng, giúp đạt được các mục tiêu biến đổi khí hậu, giảm tác động của biến đổi khí hậu do sử dụng năng lượng trong khu vực và trên thế giới,

Tại Việt Nam, trong vòng 4 năm từ 2017 đến 2020, công suất lắp đặt các nguồn điện gió, điện mặt trời đã tăng từ quy mô không đáng kể lên gần 6.000 MW chiếm khoảng 10% tổng công suất lắp đặt toàn hệ thống.

Với định hướng chuyển dịch năng lượng theo hướng bền vững, Việt Nam đề ra mục tiêu phát triển mạnh nguồn năng lượng tái tạo, phấn đấu đến năm 2025 tỷ lệ năng lượng tái tạo (bao gồm cả thủy điện) đạt khoảng 47% tổng công suất lắp đặt toàn hệ thống.

Trong khu vực ASEAN, tại APAEC, giai đoạn 2016-2025, mục tiêu phát triển năng lượng tái tạo đạt tỷ lệ là 23% trong tổng cung năng lượng sơ cấp và 35% trong tổng công suất nguồn điện khu vực ASEAN.

“Đây là mục tiêu khá cao thể hiện sự cam kết mạnh mẽ, dài hạn của các Bộ trưởng Năng lượng các nước ASEAN", Thứ trưởng thông tin và cho rằng, để đạt được mục tiêu này, bên cạnh sự nỗ lực của từng nước thành viên, chúng ta rất cần sự hỗ trợ của các đối tác, các tổ chức quốc tế.

Với tinh thần của một cộng đồng ASEAN “Gắn kết và Chủ động thích ứng” và sự hỗ trợ của các đối tác nước ngoài và các tổ chức quốc tế, các Bộ trưởng/Trưởng đoàn đều tin tưởng các cam kết về phát triển năng lượng ASEAN và quá trình chuyển dịch năng lượng chắc chắn sẽ được thực hiện một cách hiệu quả hướng tới mục tiêu xây dựng ngành năng lượng ASEAN bền vững và thân thiện với môi trường.