Đầu tiên là nhận thức

Trong giai đoạn 2016-2020, Sở Công Thương Bắc Giang đã tổ chức tổ chức 22 lớp tập huấn kiến thức và phổ biến văn bản pháp luật về an toàn thực phẩm với hơn 3.000 người tham gia; phát 3.000 cuốn cẩm nang tuyên truyền cho các huyện, thành phố để thực hiện tuyên truyền tới các cơ sở kinh doanh thực phẩm nhỏ lẻ trên địa bàn; phối hợp với UBND huyện, thành phố treo 30 pano tại các điểm trung tâm của các huyện, thành phố.

Tỉnh ủy Bắc Giang đã tổ chức thành công Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện cuộc vận động người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam. Bên cạnh đó là ban hành văn bản phối hợp tổ chức các hoạt động tuyên truyền hưởng ứng Chương trình hành động vì An toàn thực phẩm năm 2018 và 2019 do Bộ Công Thương tổ chức.

Trong công tác tuyên truyền các chủ trương, chính sách, quy định của Nhà nước về giá, chất lượng hàng hóa và các biện pháp bình ổn thị trường, giá cả trên địa bàn toàn tỉnh, Bắc Giang thường xuyên theo dõi, cập nhật và cung cấp thông tin về thị trường giá cả cho các địa phương, doanh nghiệp để có phương án dữ trữ, kinh doanh.

Bắc Giang đặc biệt chú trọng công tác tuyên truyền về các hành vi bị nghiêm cấm trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm như: sử dụng nguyên liệu không bảo đảm an toàn, không có nguồn gốc, xuất xứ, nói không với thực phẩm giả, thực phẩm kém chất lượng, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, đặc biệt chú trọng tuyên truyền đến các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm trong “Tháng hành động vì an toàn thực phẩm” hàng năm. 

Không chỉ trong công tác tuyên truyền, trong công tác xây dựng và nhân rộng mô hình chợ thí điểm đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, Bắc Giang cũng đã hỗ trợ xây dựng 01 chợ triển khai mô hình thí điểm bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm với tổng kinh phí hỗ trợ 150 triệu đồng. Bước đầu, tại chợ trên, các bàn bán hàng thịt gia súc, gia cầm được nâng cấp, đáp ứng tiêu chuẩn quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm. 

Khoanh vùng những điểm yếu

Theo nhận định của ông Nguyễn Văn Phương, Phó Giám đốc Sở Công Thương, sự ra đời của mô hình chợ thí điểm bảo đảm ATTP đã khắc phục được nhiều khó khăn mà cả hộ kinh doanh và người tiêu dùng tại chợ đang gặp phải, đó là: Cơ sở vật chất cũ kỹ, tình trạng sử dụng hóa chất độc hại, mua bán thực phẩm không rõ nguồn gốc, hàng giả, hàng kém chất lượng, vấn đề môi trường, văn minh thương mại tại chợ…

Việc triển khai thành công mô hình đã cho thấy rõ hiệu quả kinh tế - xã hội, làm chuyển biến nhận thức về đảm bảo ATTP tại chợ, nên nhận được sự đồng tình, ủng hộ cao của các hộ kinh doanh cũng như người tiêu dùng thực phẩm tại chợ. Nhìn chung, việc hỗ trợ xây dựng mô hình bàn kinh doanh thực phẩm đã giúp các chợ trên địa bàn có cơ sở vật chất đồng bộ, khang trang và sạch đẹp, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.

Tại chợ được xây dựng theo mô hình, các hộ kinh doanh được trang bị các kiến thức về ATTP thông qua các lớp tập huấn, đào tạo cũng như nâng cao kiến thức bảo quản thực phẩm, đặc biệt là việc không sử dụng hàn the, đảm bảo dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trong các mặt hàng tươi sống đều phải đạt yêu cầu cho phép của Bộ Y tế. 

Luôn coi ATTP là một mặt trận, trong đó mỗi bộ phận liên quan là một chiến sĩ, Sở Công Thương chỉ đạo các phòng chuyên môn liên quan, phối hợp Cục Quản lý thị trường tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm về an toàn thực phẩm.

Công tác kiểm tra có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm thuộc trách nhiệm quản lý của Bộ Công Thương (rượu, bia, nước giải khát, sữa chế biến, dầu thực vật, sản phẩm chế biến bột, tinh bột, bánh mứt kẹo, bao bì chứa đựng thuộc phạm vi quản lý) và tại các chợ trên địa bàn tỉnh. Trong giai đoạn từ 2016 đến nay đã kiểm tra, xử lý 939 cơ sở vi phạm, xử phạt vi phạm hành chính số tiền khoảng 1.621 triệu đồng.

Trong giai đoạn từ 2016 đến nay, Sở phối hợp với UBND các huyện, thị xã, thành phố đã tiến hành lấy 502 mẫu thực phẩm trên địa bàn tỉnh để gửi kiểm nghiệm các chỉ tiêu về ATTP, kết quả có 458/502 mẫu thực phẩm đạt chỉ tiêu hóa lý chiếm tỷ lệ 91%, 358/502 mẫu đạt chỉ tiêu vi sinh vật, chiếm tỷ lệ 87%.

Cũng như các địa phương khác, Bắc Giang cũng gặp khá nhiều tồn tại, khó khăn trong công tác ATVSTP. Trong đó, tồn tại nổi cộm là công tác thanh tra, kiểm tra chưa đủ năng lực, phương tiện, điều kiện lấy mẫu kiểm tra nhanh sản phẩm để có kết quả so sánh tiêu chuẩn quy định về ATTP cho nên không có cơ sở khoa học rõ ràng để nhận biết nhanh, chứng minh nguồn gốc thực phẩm, nhận biết các phụ gia thực phẩm, nhất là những sản phẩm chế biến sử dụng ngay, được tiêu dùng rộng rãi (rượu, bia, bánh kẹo, kem, sữa chua …).

Bên cạnh đó là công tác thẩm định cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm vẫn còn nhiều hạn chế và khó khăn do chưa có máy móc, thiết bị phục vụ; chủ yếu vẫn đánh giá bằng cảm quan, dựa trên hồ sơ là chính. Trong giai đoạn tiếp theo, Sở Công Thương Bắc Giang sẽ tập trung vào giải quyết các vấn đề này.