Bác Hồ với ngành Thương nghiệp Việt Nam

Ngày 14/05/1951, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh 21, đổi tên Bộ Kinh tế thành Bộ Công Thương. Nhìn lại những năm tháng đã qua, chúng ta có quyền tự hào ngành Công Thương đã góp phần tạo nên bức tranh kinh tế Việt Nam với nhiều gam màu tươi sáng trên nhiều khía cạnh và bình diện khác nhau.

Thương mại sôi động, với nhiều loại hình, về cơ bản đã đáp ứng được những nhu cầu của sản xuất và tiêu dùng. Đội ngũ thương nhân ngày càng đông đảo và đa dạng. Mạng lưới kinh doanh thương mại, dịch vụ tiếp tục “phủ sóng” trên cả ba địa bàn: thành thị, nông thôn và miền núi, góp phần gắn chặt sản xuất với tiêu thụ, thị trường trong nước với thị trường nước ngoài. Một số sản phẩm của Việt Nam đã “đứng chân” trên thị trường quốc tế.

Người đặt nền móng lý luận cho sự ra đời của một nền thương nghiệp của dân, do dân và vì dân

Cùng với việc truyền bá chủ nghĩa Mác-Lênin vào Việt Nam, trong những năm tháng bôn ba, Người đã luôn đề tâm quan sát, tìm tòi, học hỏi và tổng kết những kinh nghiệm, những hình thức hoạt động thương nghiệp của các nước mà Người có dịp đi qua. Phân tích những mối quan hệ khăng khít giữa thương nghiệp với các ngành sản xuất, tài chính, ngân hàng…

Người đã chỉ ra: chỉ có con đường hợp tác trên tinh thần đùm bọc và giúp đỡ lẫn nhau, những người sản xuất và tiêu dùng mới chống lại được bọn tư sản, lái buôn, mới tránh được những thua thiệt trong việc làm ăn, mới có điều kiện để cải thiện đời sống của mình, mới thúc đẩy sản xuất phát triển Đó là con đường tổ chức các hợp tác xã - một hình thức giản đơn của hoạt động thương nghiệp.  Có thể nói, đó chính là những tư tưởng cơ bản, đầu tiên mà lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc khởi xướng, đặt nền móng cho sự ra đời của một nền thương nghiệp mới ở nước ta sau này.

Tiếp thu lý luận, căn cứ vào thực tiễn cách mạng ở nước ta, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng đánh giá và khẳng định vai trò to lớn của hoạt động thương nghiệp trong nền kinh tế quốc dân. Người nói: “Trong nền kinh tế quốc dân có ba mặt quan trọng: nông nghiệp, công nghiệp, thương nghiệp. Ba mặt công tác quan hệ mật thiết với nhau. Thương nghiệp là cái khâu giữa nông nghiệp và công nghiệp… Nếu khâu thương nghiệp bị đứt thì không liên kết được nông nghiệp với công nghiệp, không củng cố được công nông liên minh. Công tác thương nghiệp không chạy thì hoạt động nông nghiệp, công nghiệp sẽ bị rời rạc”.

Từ những nhận thức đúng đắn ấy, Bác luôn quan tâm dìu dắt từng bước đi của ngành. Người thường động viên kịp thời những thành tích phục vụ bộ đội, phục vụ nhân dân kháng chiến của cán bộ và nhân viên trong ngành, đồng thời Người cũng ân cần nhắc nhở cán bộ và nhân viên thương nghiệp phải làm thật tốt công tác “đấu tranh kinh tế với địch” nhằm “ổn định vật giá, thúc đẩy sản xuất và bảo đảm cung cấp”, làm sao để mọi hoạt động thương nghiệp phải góp phần “ích quốc lợi dân”.

Ngay sau cách mạng tháng 8 mùa thu năm 1945 thành công, trước những tình thế vô cùng khó khăn của đất nước, chưa cho phép tổ chức một nền thương nghiệp mới chính qui, hiện đại, Bác vẫn dành nhiều thời gian, công sức để nghiên cứu và ban bố kịp thời hàng loạt sắc lệnh, sắc luật nhằm chỉ đạo ngành thương nghiệp Việt Nam.

Hết lòng chăm lo đào tạo, bồi dưỡng, phát triển nguồn nhân lực

Trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc, muốn phát huy tốt nhất vai trò và sức mạnh của mình, Người cho rằng thương nghiệp cần có một đội ngũ cán bộ “vừa hồng, vừa chuyên”.

Trong một số bài nói, bài viết của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã phân tích sâu sắc những nguyên nhân gây ra những việc làm chưa đúng, thái độ phục vụ chưa tốt của một số cán bộ, nhân viên trong ngành. Người đã chân tình nhắc nhở: “Đảng và Chính phủ dạy ta phải kính trọng nhân dân. Đảng, Chính phủ và nhân dân không thể tha thứ những thái độ khinh miệt nhân dân, không thể tha thứ những việc làm dối trá với nhân dân”.

Đối với các cơ quan lãnh đạo, Người nhấn mạnh: “Các cấp ủy Đảng phải lãnh đạo chặt chẽ hơn nữa ngành thương nghiệp”. Người còn yêu cầu cán bộ phụ trách ở các cấp phải làm tốt công tác giáo dục tư tưởng, tinh thần trách nhiệm cho công nhân viên chức ngành mình, đồng thời phải kiểm tra thường xuyên, nghiêm túc, phải coi đó là công việc quan trọng hàng ngày. Có như vậy, thương nghiệp mới có thể đáp ứng nhiều nhất cho sự nghiệp cách mạng.

Vì hoạt động thương nghiệp là một công tác khó khăn và phức tạp, nó đòi hỏi cán bộ, công nhân viên trong ngành không những phải có nhiệt tình cách mạng và tinh thần trách nhiệm, mà còn phải có trình độ nghiệp vụ, chuyên môn vững vàng. Người nói, Lênin đã từng dạy: “Vấn đề là ở chỗ, một người cộng sản có trách nhiệm, một người cộng sản ưu tú nhất, rõ ràng là trung thành và tận tụy… nhưng không biết buôn bán vì vậy người cộng sản đó và cách mạng đó, phải học tập người bán hàng tầm thường… phải học tập buôn bán, bắt đầu từ a, b, c…”.

Phân tích đặc điểm lớn nhất của cách mạng nước ta là từ một nền kinh tế nông nghiệp lạc hậu, sản xuất nhỏ còn phổ biến, tiến thẳng lên chủ nghĩa xã hội bỏ qua giai đoạn phát triển tư bản chủ nghĩa, hiểu rõ những khó khăn, Người luôn quan tâm đến việc đào tạo và bồi dưỡng chuyên môn cho đội ngũ những người làm công tác thương nghiệp. Người thường nhắc nhở cán bộ, nhân viên trong ngành phải tích cực học tập văn hóa, “học tập nghề nghiệp của mình cho thông thạo”, “phải thi đua lẫn nhau, giúp đỡ lẫn nhau, trao đổi kinh nghiệm cho nhau để không ngừng tiến bộ”.

Trong thư gửi Hội nghị Mậu dịch ngày 20/09/1951, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: “Cán bộ đồng tâm nhất trí thì mới làm tròn nhiệm vụ kinh doanh của mình, mới giúp đỡ tư nhân kinh doanh, để ổn định vật giá, thúc đẩy sản xuất và bảm đảm cung cấp”. Người còn dạy:“Cán bộ phải nắm vững và làm đúng chính sách, phải biết tuyên truyền, giải thích, phải biết dựa vào các tổ chức địa phương, phải biết tính toán thế nào cho Nhà nước và nhân dân cùng có lợi…” .

Bên cạnh việc quan tâm giáo dục nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ thương nghiệp, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt chăm lo rèn luyện, tu dưỡng đạo đức cách mạng của họ. Người nói: “Cán bộ mậu dịch nắm nhiều tiền bạc và hàng hóa trong tay rất dễ hủ hóa, cho nên mọi người phải ngày ngày trau dồi đức tính: cần, kiệm, liêm, chính”. Đứng trước cái ranh giới hết sức mỏng manh giữa cái tốt và cái xấu, chỉ một phút dao động, không vững vàng trước những cám dỗ tầm thường của đồng tiền, của vật chất, con người ta sẽ bị sa sút về đạo đức. Bởi như Người nói: “Nếu không giữ được thói quen tiết kiệm thì sẽ tham ăn ngon, tham mua các thứ xa hoa. Lương không đủ thì sẽ lấy các thứ ở đâu? Lúc ấy chỉ có hai cách: một là ăn cắp của Chính phủ, hai là bị tiền mua chuộc…”.

Đối với đội ngũ mậu dịch viên - những đại diện của ngành Thương nghiệp thực hiện khâu cuối cùng của lưu thông hàng hóa, Người kịp thời động viên, khen ngợi những người làm việc tốt, nhưng cũng kịp thời phê bình, uốn nắn những biểu hiện chưa tốt, những việc làm chưa tốt của họ. Người đã từng nói: “Chế độ ta là chế độ dân chủ. Tức nhân dân làm chủ. Tức là cán bộ và nhân viên từ cấp trên đến cấp dưới đều là đầy tớ của nhân dân, đều phải một lòng một dạ phục vụ nhân dân. Các cô cũng vậy. Là nhân viên của hàng quốc doanh (hàng ăn uống, hàng bách hóa,…) hàng ngày, hàng giờ các cô mua bán, trao đổi, tiếp xúc với nhân dân, để phục vụ nhân dân. Đối với khách hàng, các cô phải có thái độ khiêm tốn, lễ phép, thật thà, phải có tinh thần trách nhiệm đối với của công và đối với lợi ích của nhân dân…”.

Định hướng vai trò và phương thức hoạt động , phát triển của thương nghiệp Việt Nam

Coi thương nghiệp là một ngành kinh tế quan trọng trong nền kinh tế , mọi hoạt động của thương nghiệp đều tác động trực tiếp đến đời sống hàng ngày của nhân dân, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nghiêm khắc yêu cầu thương nghiệp phải thực hiện đầy đủ chức năng và nhiệm vụ mà cách mạng đã giao cho. Người nói: “Thương nghiệp làm nhiệm vụ đưa hàng hóa công nghiệp về bán cho nông dân, rồi lại mua các thứ nông sản về cho nhà máy. Thương nghiệp phải cố gắng làm việc đó cho tốt, phải bảm đảm chất lượng hàng hóa và có tinh thần phục vụ người mua” ; “Cán bộ thương nghiệp cần phải nâng cao hơn nữa tinh thần phục vụ nhân dân, phục vụ sản xuất. Mua những thứ đã khuyến khích đồng bào bán, bán những thứ đồng bào cần mua…”.

Mặt khác, về phương thức phục vụ, Bác cũng chỉ bảo rất cụ thể, rõ ràng: “Ngành thương nghiệp phải mua bán công bằng, chớ nên ép cấp, ép giá”; “Người ta cần thứ gì, bán thứ đó, người mua chỉ cần phân bón, lại bắt mua cả vôi kèm theo thì không được…”;Cán bộ mậu dịch phải mật thiết với cán bộ địa phương thông qua họ mà thu mua”; “việc mua bán phải có hợp đồng”; “phải bảo đảm làm đúng hợp đồng”; “giá cả phải bảo đảm cho Nhà nước, hợp tác xã và xã viên cùng có lợi để xây dựng nước nhà”.

Trong điều kiện khó khăn của đất nước, khi sản xuất chưa đáp ứng được đầy đủ nhu cầu của tiêu dùng, nếu thương nghiệp không có biện pháp quản lý và phân phối hàng hóa hợp lý, đúng đối tượng thì dễ gây nên tình trạng căng thẳng hoặc tạo ra sự mất cân đối giả tạo giữa cung và cầu. Để giúp cán bộ trong ngành làm tốt công tác của mình ngay cả trong lúc khó khăn, Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn: “Có khi vật tư, hàng hóa không thiếu, mà phân phối không đúng thì gây ra căng thẳng không cần thiết”. Trong công tác lưu thông phân phối, có hai điều quan trọng phải luôn luôn nhớ: “Không sợ thiếu, chỉ sợ không công bằng; không sợ nghèo, chỉ sợ lòng dân không yên”.

Cùng với việc yêu cầu thương nghiệp phải đảm đang vai trò và nhiệm vụ của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh còn thường xuyên yêu cầu các cấp các ngành đều phải quan tâm, có trách nhiệm giúp đỡ và phối hợp hoạt động nhằm tạo điều kiện để ngành thương nghiệp phục vụ tốt hơn sự nghiệp cách mạng của dân tộc.

Đối với các cơ sở sản xuất, Chủ tịch Hồ Chí Minh thường kêu gọi, động viên để họ tích cực bán hàng cho Nhà nước. Đồng thời Người cũng yêu cầu người sản xuất phải nâng cao chất lượng hàng hóa, phải bảo đảm chất lượng sản phẩm khi giao cho thương nghiệp để đưa vào phục vụ tốt nhất đời sống nhân dân.

Từ chiếc kim, sợi chỉ, cuốn vở, cây bút chì, từ những vật dụng hàng ngày như chiếc đinh, đôi dép đến những vật dụng lâu bền như chiếc xe đạp, chiếc giường nằm… Người nói: “Không nên làm hàng trưng bày thì tốt mà hàng bán thì xấu” vì như vậy là “lừa dối người mua”. Người còn yêu cầu người sản xuất phải chú ý làm ra nhiều loại hàng “cần dùng cho đông đảo nhân dân” với phương châm “nhiều, nhanh, tốt, rẻ”…

Để góp phần ổn định thị trường, tạo điều kiện cho thương nghiệp phục vụ tốt nhất sự phát triển của sản xuất và phục vụ đời sống nhân dân, bên cạnh việc yêu cầu ngành Thương nghiệp phải tổ chức “bán hàng một cáhc hợp lý” ; “ổn định giá cả”…, Người cũng yêu cầu các cấp chính quyền và toàn thể nhân dân phải tích cực “hợp sức lại để chặn bàn tay của bọn đầu cơ”, phải dùng mọi biện pháp từ phê bình, giáo dục đến việc nghiêm trị theo pháp luật, không để cho bọn bất lương làm những điều “ích kỷ hại nhân”. Có làm tốt những điều trên chúng ta mới tạo đầy đủ điều kiện cho ngành Thương nghiệp ngày càng phát triển, góp phần vào công tác quản lý kinh tế, quản lý xã hội tốt hơn, để thương nghiệp thực sự trở thành tấm gương phản chiếu thực trạng nền kinh tế của một xã hội, trình độ văn minh của một đất nước.

70 năm qua - kể từ ngày chính thức được thành lập - mặc dù có lúc, có nơi còn có những thiếu sót, yếu kém, song ngành Thương nghiệp Việt Nam đã hoàn thành khá tốt nhiệm vụ to lớn. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, được sự chăm sóc ân cần của Bác Hồ kính yêu, thương nghiệp nước ta đã đạt được những thành tích to lớn trong việc phục vụ sản xuất, chiến đấu, đang nỗ lực vươn lên để xứng đáng là người nội trợ đáng tin cậy của toàn xã hội.

Bước vào thời kỳ mới của cách mạng, để góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam , nhiệm vụ của ngành hết sức nặng nề nhưng cũng rất vẻ vang.

 

                      TS. Nguyễn Thanh Bình và Doãn Công Khánh

 

Tài liệu tham khảo:                 

1. Đường Cách mệnh (bài: Hợp tác xã).

2. Thư Gửi Hội nghị Mậu dịch 20/09/1951.

3. Bài nói chuyện tại Đại hội chiến sĩ thi đua ngành thương nghiệp lần thứ nhất, Hà Nội 31/05/1956.

4. Những lời kêu gọi của Hồ Chủ Tịch, Tập V, NXB Sự Thật, Hà Nội 1960, tr 59.

5. Những lời kêu gọi của Hồ Chủ Tịch, Tập VI, NXB Sự Thật, Hà Nội 1962, tr 128; 193-196.

6. Hồ Chí Minh: Về giáo dục thanh niên, NXB Thanh niên, Hà Nội 1973, tr 178-179.

7. Bác Hồ với quê hương Nghệ Tĩnh, B.N.C.L.S.Đ, Tỉnh ủy Nghệ Tĩnh, 1977, tr 88-94; 112-114.

8. Hồ Chí Minh: Tuyển tập,Tập II, NXB Sự Thật, Hà Nội 1980, tr 246-248; 272.

9. Hồ Chí Minh:Về phát triển sản xuất, thực hành tiết kiệm, NXB Sự Thật, Hà Nội 1983, tr 19-30.