Bắc Kạn: Đưa sản phẩm nông sản chủ lực đến với người tiêu dùng Thủ đô

Thông qua Hội nghị giới thiệu sản phẩm cam, quýt và sản phẩm OCOP tại Hà Nội năm 2018, tỉnh Bắc Kạn kỳ vọng mở đường cho loại trái cây này xâm nhập thị trường Hà Nội và các tỉnh phía Bắc.

Chiều 19/12/2018, tại Hà Nội, Hội nghị giới thiệu sản phẩm cam, quýt Bắc Kạn tại Hà Nội năm 2018 đã chính thức được diễn ra. Thông tin tại Hội nghị, bà Đỗ Thị Minh Hoa, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Kạn cho biết, hiện nay, tỉnh Bắc Kạn đang tập trung phát triển sản xuất nông sản tập trung với quy mô lớn, sản phẩm từng bước xâm nhập vào thị trường phân phối trong và ngoài nước.

Thời gian qua, tỉnh đã chủ động, tích cực xây dựng kế hoạch, phương án cụ thể về xúc tiến thương mại, tiêu thụ cam quýt. Hội nghị giới thiệu sản phẩm cam, quýt Bắc Kạn tại Hà Nội 2018 là cơ hội sản phẩm đặc sản của Bắc Kạn được giới thiệu với người dân Hà Nội.

Cam, quýt Bắc Kạn được người dân Thủ đô ưa thích
Cam, quýt Bắc Kạn được người dân Thủ đô ưa thích

Chia sẻ thêm về các hoạt động xúc tiến thương mại các sản phẩm nông sản của tỉnh, bà Đỗ Thị Minh Hoa còn cho biết, tỉnh Bắc Kạn đã có nhiều hoạt động tích cực nhằm quảng bá sản phẩm nông nghiệp của tỉnh, góp phần khẳng định thương hiệu, tìm được chỗ đứng trên thị trường trong và ngoài tỉnh. Các doanh nghiệp sản xuất, chế biến nông sản được tỉnh Bắc Kạn tạo điều kiện thuận lợi trong liên kết sản xuất với người dân.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Quốc Doanh đánh giá, Bắc Kạn là một trong những địa phương triển khai tích cực chương trình “Mỗi xã, phường một sản phẩm – OCOP”.

“Bắc Kạn là tỉnh có lợi thế về các sản phẩm nông nghiệp, nổi bật với nhiều sản phẩm nông sản có chỉ dẫn địa lý, sản xuất nông sản hàng hoá tập trung, liên kết chuỗi giữa sản xuất và tiêu thụ là hướng đi đúng đắn của tỉnh Bắc Kạn” - Thứ trưởng Lê Quốc Doanh chia sẻ.

Cam, quýt Bắc Kạn được người dân Thủ đô ưa thích
Bên cạnh quả cam, quýt, các sản phẩm nông sản chủ lực khác của tỉnh Bắc Kạn cũng được giới thiệu đến với người tiêu dùng Thủ đô

Năm 2012, Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) đã cấp giấy chứng nhận chỉ dẫn địa lý Bắc Kạn cho sản phẩm cam quýt Bắc Kạn. Diện tích cam, quýt của Bắc Kạn đạt 3.500 ha, diện tích cho thu hoạch 2.100 ha, sản lượng từ 17.000 - 20.000 tấn/năm. Cam, quýt Bắc Kạn nay đã trở thành cây trồng hàng hóa đặc sản của địa phương.

Tuy nhiên, sản phẩm nông sản sau khi được người dân sản xuất, đa phần do các doanh nghiệp nhỏ, tiểu thương trong tỉnh thu mua để chế biến hoặc đem đi bán trên thị trường trong và ngoài tỉnh. Các sản phẩm nông sản chưa hình thành được tổ chức liên kết sản xuất gắn với chế biến và tiêu thụ sản phẩm nên người dân chưa mạnh dạn đầu tư, do vậy năng suất, sản lượng còn thấp dẫn đến hiệu quả kinh tế đem lại còn chưa tương xứng với tiềm năng thế mạnh của địa phương.

Do vậy, trong thời gian tới, tỉnh Bắc Kạn sẽ có nhiều hoạt động tích cực hơn, giúp cho sản phẩm nông nghiệp của tỉnh khẳng định được thương hiệu, tìm được chỗ đứng trên thị trường trong và ngoài tỉnh.

Để làm được điều đó, tỉnh sẽ chỉ đạo việc quảng bá sản phẩm, mạnh dạn tiếp cận thị trường, tham gia các hội chợ triển lãm, nhằm góp phần làm nên thành công của mỗi sản phẩm trong tỉnh ngày hôm nay, bà Hoa nhấn mạnh.

Mục tiêu của tỉnh Bắc Kạn là đến năm 2020 sẽ thực hiện thâm canh, cải tạo tăng năng suất 2.300 ha cây ăn quả (gồm các loại cây cam, quýt, hồng không hạt, mơ), trong đó đưa ra mục tiêu có 300 ha sản xuất theo quy trình VietGAP hướng tới sản phẩm nông sản chất lượng cao.

Thanh Thúy