Bàn về chuyển quyền sử dụng quyền sở hữu công nghiệp ở Việt Nam

ThS. ĐỖ THỊ QUỲNH TRANG - ThS. DƯƠNG THỊ CẨM NHUNG (Trường Đại học Luật, Đại học Huế)

TÓM TẮT:

Chuyển quyền sử dụng (QSD) quyền sở hữu công nghiệp (SHCN) tại Việt Nam đang ngày càng được áp dụng rộng rãi. Phương thức này đáp ứng nhu cầu khai thác các đối tượng của quyền SHCN từ các chủ sở hữu, doanh nghiệp và các nhà đầu tư kinh doanh. Chuyển QSD quyền SHCN giúp khai thác hợp lý lợi ích kinh tế từ các đối tượng quyền SHCN, kích thích sự sáng tạo và phát triển của khoa học và công nghệ. Trong những năm qua, hoạt động chuyển QSD quyền SHCN diễn ra có xu hướng gia tăng.

Bài viết phân tích những vướng mắc, bất cập trong thực tiễn như: Vấn đề định giá quyền SHCN trong quá trình chuyển quyền; Vấn đề khai thác, duy trì và phát triển các đối tượng SHCN sau khi chuyển QSD quyền SHCN; Vấn đề sử dụng đối tượng quyền SHCN sau khi hết hạn hợp đồng chuyển QSD. Từ đó, tác giả đặt ra yêu cầu cần có giải pháp phù hợp để nâng cao hiệu quả của hoạt động này.

Từ khoá: Chuyển quyền sử dụng, định giá quyền sở hữu công nghiệp, quyền sở hữu công nghiệp.

1. Đặt vấn đề

Hiện nay, trong khi các nước tiến tới một nền kinh tế công nghệ cao, sử dụng chất xám trong mọi lĩnh vực và lấy tri thức làm động lực, công cụ phục vụ cho mọi hoạt động kinh tế - xã hội, thì quyền sở hữu trí tuệ ngày càng đóng vai trò quan trọng. Trong số tài sản trí tuệ, quyền SHCN thể hiện vai trò vượt trội, góp phần chuyển dịch cơ cấu tài sản trong doanh nghiệp, từ tài sản hữu hình (nhà xưởng, máy móc, phương tiện) sang các loại tài sản vô hình (nhãn hiệu, sáng chế, kiểu dáng công nghiệp,...) trong các sản phẩm, hàng hóa góp phần tăng sức cạnh tranh cho doanh nghiệp. Các chủ thể ngày càng chú trọng đến thương mại hóa quyền sở hữu trí tuệ nói chung và quyền SHCN nói riêng. Trong đó, phương thức chuyển QSD quyền SHCN đã trở thành lựa chọn hàng đầu cho nhiều doanh nghiệp.

Ở Việt Nam, trong giai đoạn vừa qua, hoạt động chuyển QSD quyền SHCN diễn biến theo chiều hướng tích cực, tuy nhiên vẫn còn chưa được quan tâm đúng mức. Trong nhiều trường hợp, hoạt động chuyển QSD quyền SHCN gặp phải vướng mắc trong quy định pháp luật hoặc trong thực tiễn phát sinh bất cập mà chưa có quy định điều chỉnh dẫn đến hiệu quả chưa cao.

Bài viết khái quát về chuyển QSD quyền sở hữu công nghiệp, điểm qua các quy định của pháp luật, khảo sát, phân tích thực tiễn hoạt động này, từ đó chỉ ra những bất cập và khuyến nghị một số giải pháp hoàn thiện.

2. Khái quát về chuyển quyền sử dụng quyền sở hữu công nghiệp

Li - xăng (license) bắt nguồn từ tiếng Latin “Licentia”, tức là sự cho phép, sự ủy quyền và hiện đang được sử dụng rộng rãi trong nhiều ngôn ngữ thông dụng trên thế giới như Anh, Mỹ, Đức. Li - xăng được hiểu là hành vi pháp lý giao kết hợp đồng, trên cơ sở đó chủ sở hữu các đối tượng SHCN hoặc các bí quyết kĩ thuật cho phép chủ thể khác được sử dụng quyền SHCN là sáng chế, giải pháp hữu ích, kiểu dáng công nghiệp hoặc nhãn hiệu[1].

Bản chất của hợp đồng li - xăng là sự thỏa thuận bằng văn bản, trên cơ sở đó, tổ chức, cá nhân - gọi là bên chuyển giao quyền - cho phép tổ chức, cá nhân khác - gọi là bên nhận chuyển giao quyền - được sử dụng trong phạm vi lãnh thổ và trong một thời hạn nhất định các sáng chế, giải pháp hữu ích, kiểu dáng công nghiệp, nhãn hiệu hàng hóa hoặc các bí quyết kĩ thuật đang thuộc quyền sở hữu hoặc sử dụng của bên giao. Văn bản tại Việt Nam về SHCN cũng công nhận khái niệm li - xăng vì hợp đồng chuyển QSD đối tượng SHCN cũng được gọi là hợp đồng li xăng SHCN, theo Điều 47.2 của Thông tư số 01/2007/TT-BKHCN[2].

Do tính vô hình của đối tượng SHCN nên việc chuyển QSD gặp rất nhiều vướng mắc và gây khó khăn cho các cơ quan nhà nước trong quá trình quản lý các chủ thể. Mặc khác, hoạt động chuyển QSD đối tượng quyền SHCN dễ xảy ra tranh chấp, vì vậy hình thức này phải được lập thành văn bản, tạo ra cơ sở pháp lý vững chắc hơn.

3. Quy định của pháp luật về chuyển quyền sử dụng quyền sở hữu công nghiệp

Theo quy định tại Điều 141, Luật Sở hữu trí tuệ 2005 (sửa đổi bổ sung 2009) thì chuyển QSD quyền SHCN được định nghĩa như sau: “Chuyển quyền sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp là việc chủ sở hữu đối tượng sở hữu công nghiệp cho phép tổ chức, cá nhân khác sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp thuộc phạm vi quyền sử dụng của mình”. Hình thức chuyển QSD phải được lập hợp đồng thành văn bản. Từ đó có thể hiểu, hợp đồng chuyển QSD quyền SHCN là sự thỏa thuận giữa các bên dưới hình thức hợp đồng bằng văn bản, theo đó chủ sở hữu đối tượng SHCN (bên chuyển quyền) cho phép tổ chức, cá nhân khác (bên được chuyển quyền) sử dụng đối tượng SHCN thuộc phạm vi QSD của mình.

Chủ thể của hợp đồng chuyển giao QSD đối tượng SHCN gồm các bên sau:

Thứ nhất, bên chuyển QSD là cá nhân, tổ chức có QSD đối tượng SHCN và có nhu cầu khai thác đối tượng SHCN thông qua hình thức chuyển QSD. Bên chuyển quyền có thể là: Chủ sở hữu quyền SHCN là người được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp văn bằng bảo hộ đối với các đối tượng SHCN (văn bằng bảo hộ vẫn còn hiệu lực); hoặc là người được xác lập quyền đối với các đối tượng SHCN theo cơ chế bảo hộ tự động; hoặc là người được chủ sở hữu chuyển QSD đối tượng SHCN và được phép cho bên thứ ba theo hợp đồng li- xăng thứ cấp.

Thứ hai, bên được chuyển QSD. Bên được chuyển QSD là cá nhân, tổ chức có nhu cầu sử dụng, khai thác các đối tượng SHCN. Thông qua hợp đồng chuyển giao QSD đối tượng SHCN, bên nhận chuyển giao được phép khai thác các đối tượng trong phạm vi, thời hạn mà các bên thỏa thuận, đồng thời có nghĩa vụ trả phí cho bên chuyển giao theo thỏa thuận.

Đối tượng của hợp đồng chuyển QSD đối tượng SHCN chính là QSD đối tượng SHCN. QSD chỉ dẫn địa lý, tên thương mại không thể trở thành đối tượng của hợp đồng này. Tóm lại, các đối tượng của hợp đồng chuyển QSD chỉ có thể là QSD đối với sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí, nhãn hiệu (trừ nhãn hiệu tập thể không thể chuyển giao cho tổ chức, cá nhân không phải là thành viên của tập thể chủ sở hữu nhãn hiệu) và bí mật kinh doanh.

Hợp đồng sử dụng đối tượng SHCN phải có các nội dung chủ yếu theo quy định tại Điều 144 Luật Sở hữu trí tuệ[3].

Thứ nhất, giới hạn về các hành vi sử dụng được chuyển giao QSD. Giới hạn về hành vi sử dụng được hiểu là việc bên chuyển giao QSD cho phép bên nhận được phép thực hiện tất cả hay một số hành vi sử dụng thuộc quyền của bên giao. Bản chất của hợp đồng là sự thỏa thuận, do vậy hợp đồng sử dụng đối tượng quyền SHCN, các chủ thể tự do thỏa thuận điều khoản về hành vi được chuyển QSD. Khi chuyển giao, bên chuyển quyền không nhất thiết phải chuyển giao toàn bộ quyền đối với các hành vi sử dụng đối tượng SHCN mà có thể chỉ chuyển một số quyền theo thỏa thuận.

Thứ hai, phạm vi về lãnh thổ mà người được chuyển giao có quyền khai thác đối tượng SHCN được chuyển QSD. Đối tượng SHCN được bảo hộ trong lãnh thổ quốc gia nơi quyền SHCN phát sinh nhưng trong hợp đồng chuyển QSD, việc chuyển giao QSD có thể thực hiện trong phạm vi hẹp hơn, miễn là không rộng hơn phạm vi được bảo hộ.

Thứ ba, điều khoản về thời hạn của hợp đồng. Các bên thỏa thuận thời hạn li- xăng để đảm bảo quyền của bên chuyển giao với việc tối đa hóa lợi ích trong thời gian đối tượng còn giá trị. Các bên phải xác định khoảng thời gian mà bên được chuyển quyền được phép sử dụng đối tượng SHCN theo hợp đồng. Thời hạn của hợp đồng phải thuộc thời hạn bảo hộ đối tượng SHCN hoặc nếu là hợp đồng chuyển giao thứ cấp thì thời hạn nằm trong hợp đồng chuyển giao độc quyền trên thứ cấp.

Thứ tư, điều khoản giá chuyển giao. Để chuyển QSD đối tượng SHCN, bên được chuyển quyền phải trả cho bên chuyển quyền một khoản phí. Phí chuyển QSD do các bên thỏa thuận dựa trên cơ sở ước tính hiệu quả kinh tế mà bên được chuyển giao thu được từ hoạt động khai thác đối tượng SHCN. Nếu các bên thỏa thuận chuyển QSD miễn phí thì hợp đồng ghi rõ bên được chuyển giao không trả phí sử dụng. Để xác định mức phí chuyển quyền hợp lý, các bên thường định giá đối tượng SHCN thông qua các phương thức như tiếp cận dựa trên chi phí, tiếp cận dựa trên thị trường, tiếp cận dựa trên thu nhập. Mặc dù đã có các phương thức tiếp cận tuy nhiên pháp luật sở hữu trí tuệ chưa có quy định cụ thể về định giá quyền SHCN.

Thứ năm, điều khoản về phương thức thanh toán. Phương thức thanh toán do các bên thỏa thuận và các bên cũng có thể thỏa thuận về thời hạn, phương tiện, cách thức thanh toán. Bên được chuyển quyền có thể thanh toán một lần hay nhiều lần, tùy thuộc vào hợp đồng.

Thứ sáu, điều khoản về quyền và nghĩa vụ mỗi bên. Các bên có quyền thỏa thuận các quyền và nghĩa vụ mỗi bên đối với nhau nhưng không được trái với quy định pháp luật.

Thứ bảy, điều khoản về hiệu lực của hợp đồng. Hiệu lực của hợp đồng chuyển QSD đối tượng SHCN theo thỏa thuận của các bên tham gia hợp đồng nhưng chỉ có giá trị pháp lý đối với bên thứ ba khi đã được đăng ký tại Cục Sở hữu trí tuệ.

4. Thực tiễn hoạt động chuyển quyền sử dụng quyền sở hữu công nghiệp

Theo số liệu thống kê trong Báo cáo hoạt động sở hữu trí tuệ năm 2017 trong giai đoạn 2007 – 2017, có tổng cộng 1945 hợp đồng chuyển QSD quyền SHCN được đăng kí tại Cục Sở hữu trí tuệ. Trong đó, năm 2016 có số lượng hợp đồng chuyển QSD cao nhất là 234 hợp đồng - cao gấp 1,67 lần so với số hợp đồng chuyển QSD vào năm 2007. Số lượng hợp đồng chuyển QSD quyền SHCN được đăng kí còn khá hạn chế so với số lượng đối tượng SHCN. Trong năm 2017, có gần 40 nghìn đối tượng SHCN được xác lập, tuy nhiên chỉ có 178 hợp đồng chuyển QSD được đăng kí tại Cục Sở hữu trí tuệ, đây là một con số khá khiêm tốn.

Để hiểu rõ hơn thực trạng về chuyển giao quyền SHCN, ta cần xem xét biểu đồ thể hiện mức độ tăng giảm của số lượng hợp đồng chuyển nhượng được đăng kí tại Cục Sở hữu trí tuệ trong giai đoạn 2007 - 2017.

Biểu đồ: Số lượng hợp đồng chuyển quyền sử dụng đối tượng sở hữu

công nghiệp đã được đăng ký tại Cục Sở hữu trí tuệ giai đoạn 2007 – 2017,

phân loại theo chủ thể đăng ký

so_luong_hop_dong_chuyen_quyen_su_dung_doi_tuong_so_huu_cong_nghiep

 (Nguồn: Số liệu thống kê tại Báo cáo thường niên năm 2017 của Cục sở hữu trí tuệ)

Trong đó:

VN - VN: Chuyển giao giữa người Việt Nam - người Việt Nam

VN - NN: Chuyển giao giữa người Việt Nam - người nước ngoài

NN - NN: Chuyển giao giữa người nước ngoài - người nước ngoài

Trong giai đoạn trên thì số lượng hợp đồng chuyển QSD đối tượng SHCN giữa người Việt Nam và người Việt Nam luôn chiếm tỉ trọng cao nhất, cho thấy thị trường chuyển quyền sử dụng đối tượng SHCN trong nước đang rất nhộn nhịp. Số hợp đồng chuyển nhượng quyền SHCN giữa người Việt Nam cho người nước ngoài có số lượng xấp xỉ số lượng hợp đồng giữa người Việt Nam và người Việt Nam. Điều này cho thấy, trong hoạt chuyển QSD các doanh nghiệp, các nhà đầu tư nước ngoài thực sự quan tâm đến các đối tượng SHCN ở Việt Nam, đặc biệt là đối với nhãn hiệu và sáng chế, kiểu dáng công nghiệp của Việt Nam. Đối với hợp đồng chuyển nhượng quyền SHCN giữa người nước ngoài với nhau đang chiếm tỉ lệ thấp trong cơ cấu trên.

5. Một số hạn chế trong hoạt động chuyển quyền sử dụng quyền sở hữu công nghiệp

Thứ nhất, vấn đề xác định giá trị của đối tượng SHCN trong hoạt động chuyển QSD quyền SHCN

Trong hoạt động chuyển QSD quyền SHCN thì việc xác định giá trị của đối tượng SHCN là vô cùng quan trọng, bởi nó liên quan mật thiết đến việc bảo đảm quyền lợi cho cả hai bên. Tuy nhiên, việc xác định giá trị đối tượng SHCN trong thực tế chuyển giao hiện nay gặp rất nhiều khó khăn. Một mặt chưa có văn bản điều chỉnh chính thức về xác định giá trị đối tượng SHCN, mặt khác các văn bản pháp lý điều chỉnh nằm rải rác ở nhiều nơi và đều mang tính chất nguyên tắc về cách thức hạch toán kế toán đối với tài sản vô hình. Pháp luật sở hữu trí tuệ đã để cho các bên tham gia chuyển giao tự do, thỏa thuận ấn định nhưng lại không có bất kì định hướng nào, điều này dẫn đến việc xác định giá trị đối tượng SHCN vẫn là rủi ro trong hoạt động chuyển giao.

Thứ hai, vấn đề khai thác, duy trì và phát triển các đối tượng SHCN sau khi chuyển QSD quyền SHCN

Trên thực tế, có rất nhiều đối tượng SHCN sau khi được chuyển nhượng quyền sở hữu, chuyển QSD thì không được sử dụng đúng cách, không tăng giá trị đối tượng SHCN. Một số trường hợp, đối tượng SHCN sử dụng bừa bãi, không phát triển dẫn đến suy giảm giá trị hoặc thậm chí biến mất trên thị trường. Nguyên nhân thường do doanh nghiệp ít quan tâm đến vấn đề khai thác, sử dụng và phát triển đối tượng SHCN sau khi được chuyển giao và hệ quả là các doanh nghiệp kể trên thường phải trả giá đắt. Điển hình là vụ việc thương hiệu Kem đánh răng Dạ Lan của Công ty Hóa mỹ phẩm Sơn Hải ra đời vào năm 1988, sau một thời gian, thương hiệu Dạ Lan đã nổi tiếng trên thị trường. Bước ngoặt bắt đầu từ năm 1995, khi Tập đoàn Colgate (Mỹ) muốn thâm nhập thị trường hóa mỹ phẩm Việt Nam. Chiến lược Colgate đưa ra để nhanh chóng sở hữu Dạ Lan là đàm phán liên doanh với Công ty Hóa mỹ phẩm Sơn Hải. Colgate đã thành công khi mua lại thương hiệu Dạ Lan với giá 3 triệu USD. Hợp tác với Colgate, ông chủ Dạ Lan hy vọng với công nghệ và chiến lược kinh doanh của tập đoàn hóa mỹ phẩm hàng đầu thế giới sẽ giúp cho sản phẩm và thương hiệu của mình tăng thêm giá trị, nhưng điều đó đã không xảy ra[4]. Kết quả là, thương hiệu Dạ Lan “mất tích” trên thị trường, thay vào đó là nhãn hiệu Colgate của bên đối tác.

Đây là bài học cho các doanh nghiệp, khi kinh doanh cần có những chiến lược duy trì phát triển nhãn hiệu và các đối tượng SHCN nói chung. Bên cạnh đó, pháp luật Việt Nam vẫn chưa có quy định về vấn đề này.

Thứ ba, vấn đề sử dụng đối tượng quyền SHCN sau khi hết hạn hợp đồng chuyển QSD

Theo nguyên tắc, sau khi hết hạn hợp đồng chuyển QSD đối tượng SHCN, bên nhận chuyển quyền sẽ không còn quyền khai thác, sử dụng đối tượng SHCN. Tuy nhiên, nhiều cá nhân, tổ chức sau khi hết hạn hợp đồng lại lợi dụng các sơ hở của bên chuyển giao để tiếp tục sử dụng đối tượng SHCN mà không được sự cho phép. Điển hình là trong vụ việc tranh chấp giữa Công ty Cửa cuốn Úc và Công ty Hưng Phát, trong thời gian đàm phán và gia hạn hợp đồng sau khi hợp đồng hết hạn, vẫn tiếp tục sử dụng kiểu dáng công nghiệp số 8106[5].

Nguyên nhân phát sinh ra tranh chấp trên là vì sau khi hết hạn hợp đồng bên chuyển quyền không quản lý chặt chẽ đối tượng. Vì vậy, bên nhận chuyển quyền vẫn tiếp tục sản xuất sản phẩm, dịch vụ, hàng hóa có mang đối tượng SHCN hoặc quy định không rõ ràng về số lượng sản phẩm sản xuất trong hợp đồng dẫn đến hết hợp đồng vẫn còn nhiều sản phẩm trên thị trường. Bên chuyển quyền cần có các biện pháp quản lý chặt chẽ đối tượng SHCN trước và sau khi chuyển quyền, quy định chi tiết các điều khoản hợp đồng về số lượng sản phẩm, thông báo tiến độ sản xuất, sản phẩm còn lại khi sắp hết hạn hợp đồng.

6. Một số khuyến nghị

Thứ nhất, Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp nhằm khuyến khích chuyển giao QSD công nghiệp từ các chủ sở hữu có nhu cầu thương mại hóa đối tượng SHCN.

Thứ hai, cần nhanh chóng ban hành một văn bản quy phạm pháp luật thống nhất, điều chỉnh vấn đề về phương thức định giá quyền sở hữu trí tuệ nói chung và đối tượng SHCN nói riêng.

Thứ ba, cần có quy định cụ thể về việc bên được chuyển QSD có nghĩa vụ sử dụng theo hướng phát triển các đối tượng SHCN và không có các hành vi làm suy giảm giá trị, uy tín của đối tượng SHCN, trừ trường hợp rơi vào yếu tố khách quan.

Thứ tư, cần có chế tài đối với các hành vi tiếp tục sử dụng QSD quyền SHCN không được sự cho phép của chủ thể chuyển quyền. Cần đặt ra biện pháp yêu cầu chấm dứt hành vi xâm phạm sử dụng quyền SHCN, tịch thu các sản phẩm, bồi thường thiệt hại, đăng thông báo,… Quy định chi tiết chế tài là biện pháp hữu hiệu nhằm răn đe hành vi trên.

7. Kết luận

Chuyển QSD quyền SHCN là một phương thức hữu hiệu trong thương mại hóa quyền sở hữu trí tuệ nói chung, giúp đẩy mạnh hoạt động sáng tạo, nghiên cứu khoa học và góp phần chuyển dịch cơ cấu nền kinh tế. Khai thác các giá trị của đối tượng SHCN từ hình thức chuyển QSD đem lại hiệu quả kinh tế rất lớn. Đẩy mạnh phát triển hình thức chuyển QSD là hoạt động tạo ra giá trị cho cả doanh nghiệp và Nhà nước. Do đó, Nhà nước và các doanh nghiệp cần quan tâm và tập trung nguồn lực để thương mại hoá quyền SHCN, thông qua hình thức chuyển QSD quyền SHCN.

 

TÀI LIỆU TRÍCH DẪN:

[1] Trần Khánh Ly (2015). Chuyển giao quyền sử dụng các đối tượng sở hữu công nghiệp theo quy định pháp luật Việt Nam. Luận văn Thạc sĩ Luật học, Khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội.

[2] Thông tư số 01/2007/TT-BKHCN ngày 14/2/2007 hướng dẫn thi hành Nghị định số 103/2006/NĐ-CP về Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ về sở hữu công nghiệp.

[3] Điều 144 Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005, sửa đổi bổ sung năm 2009.

[4] Trần Thủy (2012). Bán thương hiệu cho nước ngoài: những bài học đắt giá. <https://dantri.com.vn/kinh-doanh/ban-thuong-hieu-cho-nuoc-ngoai-nhung-bai-hoc-dat-gia-1336463822.htm>. Truy cập ngày 29/4/2020.

[5] Lưu Thủy (2010). Tranh chấp giữa Cty Smartdoor và Austdoor: Ai đúng? <http://tamlongvang.laodong.com.vn/kinh-te/tranh-chap-giua-cty-smartdoor-va-austdoor-ai-dung-29905.bld>. Truy cập vào ngày 29/4/2020.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Cục Sở hữu trí tuệ (2017). Báo cáo hoạt động sở hữu trí tuệ.
  2. Đoàn Đức Lương, Đỗ Thị Diện (2017). Thương mại hóa quyền sở hữu công nghiệp đối với sáng chế - Nhìn từ góc độ các trường đại học nói chung và Đại học Huế nói riêng. Tạp chí Pháp luật và thực tiễn, số 02/2017.
  3. Hồ Thúy Ngọc (2015). Đánh giá hoạt động thương mại hóa quyền sở hữu công nghiệp đối với sáng chế ở Việt Nam. Tạp chí Nghiên cứu kinh tế, số 10/2015 trang 28-38.
  4. Hoàng Lan Phương (2017). Khắc phục những bất cập của pháp luật Việt Nam về định giá tài sản trí tuệ. Tạp chí Chính sách và Quản lí Khoa học và Công nghệ, số 2/2012.

 

DISCUSSION ON THE TRANSFER OF THE RIGHT TO

USE OF INDUSTRIAL PROPERTY IN VIETNAM

 Master. DO THI QUYNH TRANG

Master. DUONG THI CAM NHUNG

University of Law, Hue University

ABSTRACT:

The transfer of the right to use of industrial properties is widely used in Vietnam. This method satisfies the needs of owners, businesses and investors for exploiting objects of industrial properties ownership rights. The transfer of the right to use of industrial properties brings economic benefits from industrial property objects, stimulating the science and technology development. Over the past years, the transfer of the right to use of industrial properties has increased. This paper analyzes problems and shortcomings related to the transfer of the right to use of industrial properties in practice such as valuation of industrial properties, exploitation, maintenance and development of industrial properties and using the objects of industrial properties ownership rights after the expiration of the transfer of the right to use contract, thereby proposing solutions to solve these issues.

Keywords: The transfer of the right to use, valuation of industrial property ownership rights, industrial property ownership rights.