Bàn về hợp đồng hợp tác theo quy định của Bộ luật Dân sự năm 2015

TS. BÙI KIM HIẾU (Khoa Luật - Trường Đại học Đà Lạt)

TÓM TẮT:

Thông qua việc phân tích những điểm khác biệt giữa Bộ luật Dân sự (BLDS) năm 2005 và BLDS năm 2015 về hợp đồng hợp tác, chúng ta nhận thấy một số điểm tiến bộ của BLDS năm 2015 về hợp đồng hợp tác. Trong phạm vi bài viết này, tác giả chỉ ra một số điểm hạn chế và hướng hoàn thiện quy định của Bộ luật Dân sự năm 2015 về hợp đồng hợp tác.

Từ khóa: Hợp đồng hợp tác, Bộ luật Dân sự năm 2015.

1. Đặt vấn đề

Hợp đồng hợp tác không phải là quy định lần đầu tiên được đề cập trong BLDS năm 2015 mà trong BLDS năm 2005 đã được quy định tại Điều 111 và Điều 120 liên quan đến việc thành lập, hoạt động cũng như chấm dứt Tổ hợp tác. Về cơ bản, quy định về hợp đồng hợp tác trong BLDS năm 2005 và BLDS năm 2015 cũng có những điểm tương đồng về mục đích của hợp đồng. Tuy nhiên, quy định về hợp đồng hợp tác trong BLDS năm 2005 và BLDS năm 2015 có những điểm khác biệt sau:

Về vị trí của hợp đồng hợp tác: Trong BLDS năm 2005, hợp đồng hợp tác được đề cập đến như một điều kiện bắt buộc hình thành nên Tổ hợp tác - một trong các chủ thể của quan hệ pháp luật dân sự. Đồng thời, theo kết cấu của BLDS năm 2005, hợp đồng hợp tác không phải là một trong những hợp đồng dân sự thông dụng. Tuy nhiên, trong BLDS năm 2015, hợp đồng hợp tác lại có một vị trí quan trọng và thuộc một trong các hợp đồng dân sự thông dụng.

Về chủ thể giao kết và số lượng chủ thể tham gia hợp đồng hợp tác: Trong BLDS năm 2005, hợp đồng hợp tác được giao kết ít nhất từ ba cá nhân trở lên. Tuy nhiên, BLDS năm 2015, chủ thể giao kết hợp đồng hợp tác có thể là cá nhân và pháp nhân và cũng không giới hạn số lượng chủ thể tham gia hợp đồng hợp tác ở mức tối thiểu cũng như mức tối đa. Tức là, số lượng chủ thể tham gia hợp đồng hợp tác có thể từ hai trở lên.

Về hình thức của hợp đồng hợp tác: Trong BLDS năm 2005, hợp đồng hợp tác phải được lập thành văn bản và phải có chứng thực của Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn. Tuy nhiên, trong BLDS năm 2015, hợp đồng hợp tác bắt buộc bằng văn bản, nhưng không bắt buộc phải có chứng thực của Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn.

Thông qua việc phân tích những điểm khác biệt giữa BLDS năm 2005 và BLDS năm 2015 về hợp đồng hợp tác như trên, chúng ta nhận thấy một số điểm tiến bộ của BLDS năm 2015 về hợp đồng hợp tác. Trong phạm vi bài viết này, tác giả chỉ ra một số điểm hạn chế và hướng hoàn thiện quy định của BLDS năm 2015 về Hợp đồng hợp tác.

2. Quy định của pháp luật hiện hành về hợp đồng hợp tác và hướng hoàn thiện

2.1. Về nội dung của hợp đồng hợp tác

Quy định về nội dung của hợp đồng hợp tác tại Điều 505 BLDS năm 2015 được kế thừa gần như toàn bộ quy định tại khoản 2 Điều 111 BLDS năm 2005. Khi nói đến nội dung của hợp đồng là tổng hợp các điều, khoản, mà các bên thỏa thuận nhằm xác định các quyền và nghĩa vụ của mỗi bên. Hợp đồng hợp tác được tham gia bởi nhiều chủ thể có vị trí ngang nhau cùng hợp tác, cùng hưởng lợi và cùng chịu trách nhiệm. Vai trò của hợp đồng này nhằm thúc đẩy hoạt động hợp tác, tận dụng nguồn lực của nhiều chủ thể trong đời sống kinh tế - xã hội nên sự ảnh hưởng của quá trình thực hiện hợp đồng tới sự ổn định của các chủ thể là tương đối lớn. Chính vì vậy, nhà làm luật ghi nhận những nội dung cơ bản của hợp đồng để định hướng cho các chủ thể trong quá trình đàm phán, giao kết hợp đồng. Theo quy định tại Điều 505 BLDS năm 2015 thì: “Hợp đồng hợp tác có nội dung chủ yếu sau đây:

1. Mục đích, thời hạn hợp tác;

2. Họ, tên, nơi cư trú của cá nhân; tên, trụ sở của pháp nhân;

3. Tài sản đóng góp, nếu có;

4. Đóng góp bằng sức lao động, nếu có;

5. Phương thức phân chia hoa lợi, lợi tức;

6. Quyền, nghĩa vụ của thành viên hợp tác;

7. Quyền, nghĩa vụ của người đại diện, nếu có;

8. Điều kiện tham gia và rút khỏi hợp đồng hợp tác của thành viên, nếu có;

9. Điều kiện chấm dứt hợp tác”.

Tuy nhiên, nghiên cứu về quy định này tại Điều 505 BLDS năm 2015, chúng ta có thể nhận thấy một số điểm cần bàn như sau:

Một là, nội dung tại khoản 2 Điều 505 BLDS năm 2015 quy định về “Họ, tên, nơi cư trú của cá nhân; tên, trụ sở của pháp nhân” - bản chất đây là yếu tố nhằm định danh các chủ thể tham gia giao kết hợp đồng chứ không phải là điều khoản do các bên thỏa thuận. Do vậy, nội dung này nên loại bỏ khỏi quy định tại Điều 505 BLDS năm 2015.

Hai là, khoản 3 và khoản 4 Điều 505 BLDS năm 2015 nói về tài sản đóng góp và đóng góp bằng sức lao động. Nếu như các bên có thỏa thuận về việc đóng góp thì việc đóng góp này trở thành nghĩa vụ của các bên. Tuy nhiên, tại khoản 6 Điều 505 BLDS năm 2015 đề cập đến nghĩa vụ của các thành viên hợp tác - đã bao hàm những nội dung của khoản 3 và khoản 4 Điều 505 BLDS năm 2015. Hơn nữa tại khoản 6 Điều 505 BLDS năm 2015 nói về quyền và nghĩa vụ của các thành viên, trong đó bao gồm cả quyền và nghĩa vụ của người đại diện, nên tại khoản 7 Điều 505 BLDS năm 2015 quy định riêng về vấn đề này là điều không cần thiết.

Ba là, khoản 8 Điều 505 BLDS năm 2015 quy định về điều kiện tham gia hợp đồng hợp tác là không hợp lý. Bởi lẽ, điều kiện để một chủ thể tham gia hợp đồng hợp tác là do pháp luật quy định chứ không phải là do các bên thỏa thuận. Do vậy, nội dung của khoản 8 Điều 505 BLDS năm 2015 nên loại bỏ “điều kiện tham gia”, tức là chỉ còn “điều kiện rút khỏi” mà thôi.

2.2. Về tài sản chung của các thành viên hợp tác

Về cơ bản, nguồn hình thành tài sản của các thành viên hợp tác theo quy định trong BLDS năm 2015 không có điểm khác biệt so với quy định trong BLDS năm 2005. Tuy nhiên, so với quy định tại BLDS năm 2005 thì Điều 506 BLDS năm 2015 còn quy định thêm về trách nhiệm của các thành viên hợp tác trong trường hợp chậm đóng góp tiền theo thỏa thuận, theo đó họ phải trả lãi đối với phần tiền chậm trả và phải bồi thường thiệt hại. Quy định này là hoàn toàn hợp lý, tuy nhiên quy định trên có những điểm bất cập cần hoàn thiện, như:

Một là, khoản 1 Điều 506 BLDS năm 2015 chỉ quy định về việc trả lãi và bồi thường thiệt hại đối với thành viên có nghĩa vụ góp tiền là không phù hợp. Bởi sự chậm trễ trong việc đóng góp của bất cứ thành viên nào với bất cứ hình thức đóng góp nào cũng có thể gây ảnh hưởng tới quyền và lợi ích hợp pháp của các thành viên khác. Do đó, nếu quy định chỉ thành viên góp tiền chịu lãi đối với số tiền chậm đóng góp là không phù hợp. Do đó, đoạn 2 khoản 1 Điều 506 BLDS năm 2015 cần phải được sửa đổi theo hướng là bất cứ thành viên nào chậm thực hiện việc đóng góp tài sản cũng phải chịu trách nhiệm trả lãi đối với tài sản chậm đóng góp và phải bồi thường thiệt hại, với những tài sản không phải là tiền thì quy đổi ra tiền để tính lãi.

Hơn nữa, cũng tại khoản 1 Điều 506 còn quy định người chậm đóng góp ngoài việc chịu lãi còn phải bồi thường thiệt hại. Tuy nhiên, chúng tôi cho rằng không phải trường hợp nào cũng xảy ra thiệt hại từ việc chậm đóng góp. Vì mục đích của việc bồi thường thiệt hại là khắc phục hậu quả do mình gây ra. Do đó, để đảm bảo sự hợp lý trong quy định này, cần thêm hai từ “nếu có” vào sau cụm từ “bồi thường thiệt hại”.

Hai là, tại khoản 2 Điều 506 quy định: “… việc định đoạt các tài sản khác không phải tư liệu sản xuất sẽ do đại diện của các thành viên quyết định nếu không có thỏa thuận gì khác”. Chúng ta thấy rằng quy định này dường như không phù hợp. Bởi vì, tư cách của người đại diện trong hợp đồng hợp tác trong BLDS năm 2015 không giống tư cách đại diện của tổ trưởng tổ hợp tác trong BLDS năm 2005. Người đại diện trong hợp đồng hợp tác theo quy định BLDS năm 2015 chỉ có thể là đại diện theo ủy quyền của các thành viên hợp tác khác. Nếu các thành viên không có thỏa thuận thì cũng đồng nghĩa với việc họ không ủy quyền cho người đại diện định đoạt các tài sản không phải là tư liệu sản xuất. Do vậy, việc quy định như trên có thể dẫn đến việc xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của các thành viên hợp tác khác.

Ba là, khoản 3 Điều 506 BLDS năm 2015 quy định: “Không được phân chia tài sản chung trước khi chấm dứt hợp đồng hợp tác, trừ trường hợp tất cả các thành viên hợp tác có thỏa thuận”. Nhưng tại khoản 2 Điều 510 BLDS năm 2015 quy định: “Thành viên rút khỏi hợp đồng hợp tác có quyền yêu cầu nhận lại tài sản đã đóng góp, được phân chia phần tài sản trong khối tài sản chung và phải thanh toán các nghĩa vụ theo thỏa thuận. Trường hợp phải phân chia tài sản bằng hiện vật làm ảnh hưởng đến hoạt động hợp tác thì tài sản được tính giá trị thành tiền để chia”. Như vậy, kể cả không có thỏa thuận thì tài sản chung vẫn được chia trước khi chấm dứt hợp đồng hợp tác. Do đó, để có sự phù hợp với khoản 2 Điều 510 BLDS năm 2015 thì khoản 3 Điều 506 BLDS năm 2015 cần phải bổ sung thêm cụm từ “hoặc luật có quy định khác” vào sau cụm từ “…. các thành viên hợp tác có thỏa thuận”.

2.3. Về quyền, nghĩa vụ của thành viên hợp tác

Về cơ bản, quy định quyền, nghĩa vụ của thành viên hợp tác được quy định tại Điều 507 BLDS năm 2015 được kế thừa quy định tại Điều 115 và Điều 116 BLDS năm 2005.

Khi tham gia vào hợp đồng hợp tác, các thành viên hợp tác có các quyền, nghĩa vụ nhất định. Quyền và nghĩa vụ của các thành viên được xác định trên cơ sở thỏa thuận của các bên. Trong trường hợp các bên không có thỏa thuận thì quyền, nghĩa vụ được xác định tại Điều 507 BLDS năm 2015 với các nội dung cơ bản sau:

“1. Được hưởng hoa lợi, lợi tức thu được từ hoạt động hợp tác.

2. Tham gia quyết định các vấn đề liên quan đến thực hiện hợp đồng hợp tác, giám sát hoạt động hợp tác.

3. Bồi thường thiệt hại cho các thành viên hợp tác khác do lỗi của mình gây ra.

4. Thực hiện quyền, nghĩa vụ khác theo hợp đồng”.

Tuy nhiên, khi nghiên cứu những quy định tại Điều 507 BLDS năm 2015, chúng ta thấy có một số vấn đề cần bàn như sau:

Một là, khoản 1 Điều 507 BLDS năm 2015 quy định: “Được hưởng hoa lợi, lợi tức từ hoạt động hợp tác”. Thông thường hoa lợi, lợi tức chỉ phát sinh tự nhiên hoặc thông qua việc khai thác công dụng của tài sản. Tuy nhiên, trong hợp đồng hợp tác, các bên không chỉ đóng góp tài sản mà có thể đóng góp bằng công sức thì việc hưởng hoa lợi, lợi tức sẽ không đặt ra. Trong trường hợp này họ chỉ có thể phân chia lợi nhuận. Do vậy, khoản 1 Điều 507 BLDS năm 2015 cần bổ sung cụm từ “hoặc lợi nhuận” vào trước hai từ “lợi tức” sẽ phù hợp hơn.

Hai là, khoản 3 Điều 507 BLDS năm 2015 quy định: “Bồi thường thiệt hại cho các thành viên hợp tác khác do lỗi của mình gây ra”. Thông thường, bồi thường thiệt hại chỉ phát sinh khi có sự vi phạm nghĩa vụ xảy ra, nên việc liệt kê trách bồi thường vào trong các nghĩa vụ của thành viên hợp tác là không hợp lý.

2.4. Về chấm dứt hợp đồng hợp tác

Hợp đồng hợp tác là một hợp đồng dân sự, cho nên chấm dứt hợp đồng hợp tác cũng tuân thủ theo quy định chung về chấm dứt hợp đồng. Tuy nhiên, hợp đồng hợp tác có đặc thù riêng liên quan đến mục đích xác lập hợp đồng nên chấm dứt hợp đồng hợp tác có một số căn cứ riêng. Các căn cứ này được quy định tại khoản 1 Điều 512 BLDS năm 2015, cụ thể:

“1. Hợp đồng hợp tác chấm dứt trong trường hợp sau đây:

a) Theo thỏa thuận của các thành viên hợp tác;

b) Hết thời hạn ghi trong hợp đồng hợp tác;

c) Mục đích hợp tác đã đạt được;

d) Theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền;

đ) Trường hợp khác theo quy định của Bộ luật này, luật khác có liên quan”.

Tuy nhiên, nghiên cứu quy định này, có thể thấy cần trao đổi một số nội dung cơ bản sau về chấm dứt hợp đồng hợp tác:

Một là, điểm d khoản 1 Điều 512 BLDS năm 2015 quy định hợp đồng hợp tác chấm dứt “theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền”. Quy định này chúng tôi cho rằng không hợp lý bởi vì về bản chất, bản chất của hợp đồng là sự “thỏa thuận” của các bên chủ thể “về việc xác lập, thay đổi, chấm dứt quyền và nghĩa vụ”. Việc ký kết và thực hiện hợp đồng hợp tác cũng chỉ ảnh hưởng tới quyền và lợi ích của các thành viên hợp tác. Do vậy, việc quy định như trên sẽ không đảm bảo nguyên tắc tự do, thể hiện sự can thiệp sâu của cơ quan nhà nước vào quan hệ giữa các chủ thể.

Hai là, trong trường hợp hợp đồng hợp tác được giao kết bởi hai chủ thể, hoặc từ ba chủ thể trở lên nhưng hầu hết chủ thể đều xin rút khỏi hợp đồng hợp tác theo quy định tại Điều 510 BLDS năm 2015, dẫn đến chỉ còn một chủ thể thì khi đó hợp đồng hợp tác đương nhiên chấm dứt. Do đó, cần bổ sung đây là một trong những căn cứ chấm dứt hợp đồng hợp tác vào khoản 1 Điều 512 BLDS năm 2015.

3. Kết luận

Qua việc phân tích những điểm hạn chế của BLDS năm 2015 về hợp đồng hợp tác, chúng tôi cho rằng việc tiếp tục hoàn thiện những quy định của pháp luật về hợp đồng hợp tác trong thời gian tới là việc làm cần thiết để hợp đồng hợp tác xứng tầm trong mối tương quan với các hợp đồng khác và là một trong những hợp đồng thông dụng trong BLDS năm 2015.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

1. Bộ luật Dân sự năm 2005.

2. Bộ luật Dân sự năm 2015.

THE COOPERATION CONTRACT IN ACCORDANCE WITH THE PROVISIONS OF THE CIVIL CODE 2015

PhD. BUI KIM HIEU

Faculty of Law, Dalat University

ABSTRACT:

By analyzing the differences between the 2005 Civil Code and the Civil Code of 2015 on the above contract, we can see some progress in the 2015 Civil Code on cooperatiom contracts. Within the scope of this article, the author points out some of the milestones and directions for completing the provisions of the 2015 Civil Code on Cooperation Contract.

Keywords: Levi code g2015, cooporation contract.


Xem tất cả ấn phẩm Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ số 07 tháng 06/2017 tại đây