Bánh mì Sài Gòn đi vào văn chương

Năm 2012, chuyên trang du lịch của báo The Guardian (Anh quốc) đã bình chọn bánh mì Sài Gòn thuộc 10 món ăn đường phố ngon và hấp dẫn du khách nhất thế giới.

Nếu phở Hà Nội vào văn chương khá nhiều qua tác phẩm của Nguyễn Tuân, Vũ Bằng hay thơ của Tú Mỡ, thì món ăn phổ biến nhất Sài Gòn là bánh mì có số phận khá… "hẩm hiu" khi ít được giới văn nhân thi sĩ đưa vào tác phẩm. Thế hệ học trò sinh sau năm 1975 hẳn nhiều người thuộc lòng các câu thơ của Phan Thị Vàng Anh trong sách giáo khoa tiểu học: "Hôm nay trời nắng chang chang/Mèo con đi học chẳng mang thứ gì/Chỉ mang một chiếc bút chì/Và mang một mẩu bánh mì con con". Có lẽ, với lứa tuổi học trò, bài Mèo con đi học của Phan Thị Vàng Anh là tác phẩm duy nhất món bánh mì được xuất hiện, dù tuổi đi học nào - nhất là ở Sài Gòn và các đô thị miền Nam - cũng ít nhất một lần gặm bánh mì.


Bánh mì Sài Gòn

Sinh ra và lớn lên ở Sài Gòn, nhà văn Lê Văn Nghĩa mê bánh mì Sài Gòn đến độ ông đưa món ăn này vào khá nhiều cuốn sách của mình: Hạt bụi bên nhau; Chú chiếu bóng, nhà ảo thuật, tay đánh bài, và tụi con nít xóm nhỏ Sài Gòn năm ấy và bánh mì xuất hiện nhiều nhất trong truyện dài Mùa Hè năm Petrus. Bánh mì Sài Gòn trong các tác phẩm của Lê Văn Nghĩa không đơn giản chỉ là món ăn mà còn thể hiện nét văn hóa đặc trưng của người dân đô thị này.

Theo Lê Văn Nghĩa, bánh mì có rất nhiều cách ăn và tên gọi từng loại bánh mì phụ thuộc vào nhân đi kèm. Ví dụ: bánh mì thịt nguội, bánh mì bò kho, bánh mì pate, bánh mì bì, bánh mì xíu mại, bánh mì chả cá, bánh mì phá lấu, bánh mì thịt nướng, bánh mì heo quay…, thậm chí là bánh mì kẹp kem mát lạnh làm nhân bên trong, bánh mì chan nước tương, bánh mì chấm cà phê hoặc sữa… Tùy túi tiền của từng người mà có cách ăn bánh mì khác nhau. Học trò nghèo ở tỉnh nhiều khi chỉ ăn bánh mì với nước tương lót dạ đến trường hoặc hai đứa chia nhau một ổ bánh mua ở lề đường. Con nhà khá giả thì vào tiệm ăn bánh mì bò kho, thịt nguội… bày trên tô, đĩa đàng hoàng.


Tổng thống Mỹ Obama ăn bánh mì Sài Gòn

Nếu so với các nhãn hiệu thức ăn nhanh đang mọc lên như nấm tại Sài Gòn, thì bánh mì kẹp thịt có lẽ là món ăn siêu nhanh. Để dùng thức ăn nhanh của Mỹ, Hàn, người ta phải gửi xe vào tiệm; còn ăn bánh mì kẹp thịt chỉ cần tấp vào lề đường mua một vài ổ bỏ bịch mang đi. Rất dễ nhận ra hình ảnh cha mẹ chở con đi học trên xe máy, cô/cậu nhóc ngồi yên sau gặm bánh mì; hay các công chức buổi sáng cà phê quán cóc với ổ bánh mì. Tính nhanh, gọn, cơ động của bánh mì Sài Gòn khó mà nhãn hiệu thức ăn nhanh nào khác trên thế giới này bì kịp.

Nét riêng của bánh mì Sài Gòn chính là đồ chua kẹp chung với các loại nhân, thường là thịt. Trong Mùa Hè năm Petrus, Lê Văn Nghĩa, tả: "Nó không hiểu bà Tư nói vậy là khen hay chê, tuy nhiên nó cũng chẳng cần vì nó đang cầm khúc bánh mì nóng hôi hổi. Nó cầm ổ bánh mì đưa lên mũi ngửi để tận hưởng mùi thơm đặc trưng của bánh mì. Mùi bánh mì này chỉ có những lò bánh mì than mới có chứ mấy lò bánh mì điện thì làm sao có được. Không chịu nổi cái mùi thơm lựng làm bụng nó réo sôi sùng sục, nước miếng nó bắt đầu ứa ra, nó đưa ổ bánh mì dòn tan lên miệng nhai ngốn ngấu. Đồ chua và vị mặn của tàu vị yểu làm cho vị ngọt của ổ bánh mì thêm đậm đà. Chẳng mấy chốc, nó liếm mép để tìm xem còn vụn bánh mì nào dính trên khóe miệng hay không".


Mùa Hè năm Petrus

Mùa Hè năm Petrus như một hồi ký viết về thời học trò của Lê Văn Nghĩa ở Sài Gòn những năm 1960. Khi đó, Lê Văn Nghĩa học trường mang tên nhà bác học Petrus Trương Vĩnh Ký (nay là Trường chuyên Lê Hồng Phong). Nhà văn nhớ lại: "Tại góc đường Pasteur - Lê Lợi có một quầy bán bánh mì với phá lấu lòng heo. Vừa thoạt nhìn những khoanh ruột non, thố linh khoanh tròn, những miếng gan, bao tử "khìa" nằm trên một cái khay nhôm, được che bằng một tấm ny lông trắng, dầy, thằng Mai đã muốn chảy nước miếng. Thằng Dũng nói với "bà xẩm" bán hàng: "Bà cho hai khúc, mỗi khúc năm đồng. Nhớ cho nhiều đồ chua nhe… Ờ… bà cho thêm tương đen, với tương ớt..". Mỗi thằng cầm một ổ bánh mì nóng, thơm lừng mùi bánh mì mới ra lò, đi lại xe nước mía Viễn Đông gần đó. Thằng Dũng gọi một cách sành sỏi: "Cho hai ly nước mía, bỏ ít đá thôi nha chị". Nó quay sang thằng Mai: "bánh mì phá lấu với nước mía Viễn Đông ngon có tiếng. Hai món này cũng góp phần làm nên danh tiếng của Sài Gòn đó mày". Câu này nó nghe một ông nhà văn, nhà báo nào nói bây giờ nó đem ra hù thằng Mai - (trang 127)".

Bánh mì trong truyện ngắn, truyện dài của Lê Văn Nghĩa không còn là món ăn, mà đã trở thành câu chuyện hay đúng hơn là thành nhân vật. Trong truyện Bánh mì bì (tập truyện Hạt bụi bên nhau), Lê Văn Nghĩa kể về một chàng trai công chức ngày nào cũng mua bánh mì bì để đem cho đồng nghiệp, khiến một cô gái lầm tưởng là anh ta tán mình. Đến một ngày anh ta không cho bánh mì bì nữa khiến cô gái hoảng hốt, nhưng kết thúc bất ngờ là bà cụ chuyên bán bánh mì bì đã qua đời. Hỏi Lê Văn Nghĩa, ông cho biết: "Xe bánh mì bì trong truyện này có mấy chục năm, ở góc đường Điện Biên Phủ - Mai Thị Lựu, bà cụ gắn cả đời mình với xe bánh mì. Bánh mì bì ở đây ngon nhờ chan nước mắm pha với tỏi ớt. Giờ con cháu bà vẫn còn bán ở góc đường này". Thế đấy, đâu chỉ có các món ăn khác như phở, bún bò… là có tính "gia truyền"; bánh mì Sài Gòn cũng gia truyền như nhiều món ăn khác, bởi bánh mì đã trở thành một phần không thể thiếu của người Sài Gòn.

Xin khép lại bài viết này bằng câu chuyện một chàng trai muốn tạo ấn tượng với cô gái bán bánh mì bằng cách ngày nào cũng ghé mua bánh mì thịt trong Mùa Hè năm Petrus. Chàng trai ấy mua bánh mì thịt mỗi ngày, vì theo sự tư vấn của người bạn: "Vậy thì cứ bánh mì thịt mà gặm đi… con. Như vậy con Tịnh lúc đầu không để ý đến mày nhưng khi thấy có một thằng khùng khùng hay sao mà cứ tối ngày ăn bánh mì thịt mà chịu nổi thì thằng ấy là một thằng chung thủy với món ăn, mà chung thủy với món ăn thì cũng có nghĩa là chung thủy với tình yêu".