Báo cáo Thường niên Kinh tế Việt Nam 2016 với chủ đề: “Thiết lập nền tảng mới cho tăng trưởng” được thực hiện trong bối cảnh nền kinh tế đứng trước ngưỡng cửa thực hiện kế hoạch kinh tế-xã hội 5 năm 2016-2020 và đang bước vào một chu kỳ hội nhập quốc tế mới. Tuy nhiên, nhiều dấu hiệu cho thấy nền kinh tế đang suy giảm năng suất liên tục trong 5 năm trước đó. Điều này cho thấy nhu cầu cấp bách phải thiết lập những nền tảng mới, thực sự hữu hiệu, cho tăng trưởng trong trung và dài hạn. Báo cáo Thường niên Kinh tế Việt Nam 2016 tập trung xem xét các vấn đề liên quan đến động lực tăng trưởng trong trung hạn cho nền kinh tế.


TS. Nguyễn Đức Thành - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) trình bày báo cáo

Báo cáo Thường niên Kinh tế Việt Nam, được công bố lần đầu tiên năm 2009, là chuỗi báo cáo được xuất bản hàng năm nhằm tổng kết các vấn đề kinh tế lớn một năm qua, đồng thời thảo luận về viễn cảnh kinh tế năm tới và đề xuất các chính sách liên quan.

PGS.TS. Nguyễn Hồng Sơn – Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế, ĐHQGHN phát biểu khai mạc

Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế, PGS.TS. Nguyễn Hồng Sơn, khi nhận xét về Báo cáo Thường niên Kinh tế Việt Nam 2016 đã khẳng định: “Việc duy trì liên tục sản phẩm nghiên cứu Báo cáo Thường niên Kinh tế Việt Nam, luôn hoàn thành và công bố kịp thời, cố gắng nắm bắt những xu thế lớn của nền kinh tế trong suốt 8 năm qua đã phản ánh nỗ lực khoa học bền bỉ và nghiêm túc của nhóm chuyên gia trong mạng lưới nghiên cứu của Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR), Trường Đại học Kinh tế, ĐHQGHN. Đồng thời, điều này phản ánh sự thành công của hướng nghiên cứu chiến lược về Kinh tế Vĩ mô do Đại học Quốc gia Hà Nội đã lựa chọn và quyết định đầu tư phát triển.”.

Bà Claire Ireland, Tham tán phụ trách Hợp tác Phát triển, Đại sứ quán Australia tại Việt Nam phát biểu

Tại hội thảo, bà Claire Ireland, Tham tán phụ trách Hợp tác Phát triển, Đại sứ quán Australia tại Việt Nam đã cho biết:“Australia rất hân hạnh hỗ trợ việc xuất bản chuỗi Báo cáo Thường niên Kinh tế Việt Nam. Chúng tôi tin tưởng rằng các báo cáo này sẽ đóng góp tích cực cho quá trình hoạch định chính sách và giúp khuyến khích việc tranh luận về các vấn đề phát triển trọng yếu mà nền kinh tế Việt Nam đang phải đối mặt”.

Báo cáo cung cấp một cái nhìn và đánh giá toàn cảnh về kinh tế Việt Nam trong năm 2015. Trong bối cảnh nền kinh tế thế giới có nhiều biến động, các nước đang phát triển và thị trường mới nổi (EMs) trải qua năm thứ năm suy giảm tăng trưởng liên tục trong khi dấu hiệu phục hồi của các nền kinh tế phát triển là khá khiêm tốn. Nền kinh tế Việt Nam đã trải qua một năm 2015 với nhiều thử thách. Tăng trưởng kinh tế trong nước đạt mức cao trong năm 2015 nhờ động lực từ khu vực sản xuất công nghiệp. Mặt bằng giá tiếp tục đà tăng thấp trong những năm gần đây. Tuy nhiên, áp lực lạm phát có thể sẽ lớn hơn trong năm 2016 khi sự hỗ trợ từ các yếu tố ngoại cảnh yếu đi, chính sách tiền tệ nới lỏng nhanh từ năm 2015 cùng với lộ trình điều chỉnh giá các hàng hóa, dịch vụ công.

Tác giả sử dụng phương pháp hạch toán tăng trưởng (Growth Accounting) để dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong giai đoạn 2016 - 2020. Theo đó, kết quả dự báo đưa ra 27 kịch bản đối với tăng trưởng kinh tế trong giai đoạn 2016 - 2020; với các kịch bản có khả năng cao xảy ra, tăng trưởng kinh tế Việt Nam có khuynh hướng hội tụ ở xung quanh mức 6%, thấp hơn nhiều so với kế hoạch 6,5-7%.

Nhận định này cũng nhất quán với dự báo của IMF (2016) cho tăng trưởng kinh tế Việt Nam giai đoạn 2016-2020. Điều này đưa tới một hàm ý rất đáng lưu tâm là Việt Nam không thể dựa trên các điều kiện cũ để tăng trưởng kinh tế, mà cần thiết lập những nền tảng mới cho tăng trưởng.

Nhóm tác giả đề xuất một mô hình xây dựng chính sách kiểu mới, đi liền với cải cách hệ thống hành chính công, tăng kết nối liên bộ, nhằm đáp ứng nhu cầu tăng trưởng mới của Việt Nam, đưa đất nước tránh khỏi bẫy thu nhập trung bình và bẫy hội nhập quốc tế.

Báo cáo cũng nhận được các ý kiến phản biện từ các chuyên gia kinh tế như ông Trương Đình Tuyển - Nguyên Bộ trưởng bộ Thương mại Việt nam (nay là Bộ Công Thương), ông Phùng Xuân Nhạ - Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, TS. Đặng Ngọc Tú - Trưởng ban Nghiên cứu và Điều phối Chính sách Giám sát, Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia, TS. Nguyễn Đình Cung - Viện trưởng Viện nghiên cứu và quản lý kinh tế Trung ương,…

Kết luận Báo cáo thường niên kinh tế Việt Nam 2016 đưa ra những khuyến nghị chính sách cho Chính Phủ Việt Nam trong việc điều hành nên kinh tế đất nước để “Thiết lập nền tảng mới cho tăng trưởng”.

Theo kế hoạch, Báo cáo thường niên kinh tế Việt Nam 2016 sẽ được xuất bản vào tháng 7/2016.