Bảo đảm quyền con người trong thi hành hình phạt tù thông qua hoạt động kiểm sát của Viện Kiểm sát

NCS. NGUYỄN THỊ THANH TRÂM (Khoa Luật, Trường Đại học Vinh)

TÓM TẮT:

Trong bài viết này, tác giả chỉ ra các quy định pháp luật về kiểm sát hoạt động thi hành hình phạt tù của cơ quan Viện Kiểm sát. Phân tích và đưa ra một số đề xuất, kiến nghị để có thể nâng cao hiệu quả trong hoạt động giám sát, xử lý vi phạm về bảo đảm quyền con người trong thi hành hình phạt tù.

Từ khóa: Quyền con người, kiểm sát hoạt động thi hành hình phạt tù, Viện Kiểm sát.

1. Đặt vấn đề

Quyền con người trong thi hành hình phạt tù có được tôn trọng, bảo đảm không chỉ phụ thuộc vào việc ghi nhận trong các quy định pháp lý quốc gia mà còn phụ thuộc rất lớn vào hoạt động thực thi pháp luật của các cơ quan có thẩm quyền giám sát, giáo dục người chấp hành án. Thi hành án phạt tù là một hoạt động mang tính chính trị, nhạy cảm và gần như khép kín trong môi trường của cơ sở giam giữ. Thực tiễn đã chứng minh, các hoạt động thực thi quyền con người luôn có nguy cơ cao bị xâm phạm nếu như cơ chế giám sát, đánh giá không được thiết lập và thực hiện tốt. Bảo đảm quyền giám sát quá trình thực hiện hoạt động này là một đòi hỏi của chế độ dân chủ, là điều kiện tiên quyết để quyền con người được thực hiện đầy đủ, đúng đắn, giúp kịp thời ngăn ngừa và xử lý vi phạm về quyền con người.

Viện Kiểm sát là cơ quan có chức năng thực hành quyền công tố và giám sát hoạt động tư pháp. Trong hoạt động thi hành hình phạt tù, hoạt động kiểm sát nhằm bảo đảm việc thi hành án phạt tù cụ thể: giám sát việc quản lý giáo dục người chấp hành án theo đúng quy định pháp luật; quyền con người và các lợi ích khác của phạm nhân phải được tôn trọng và bảo vệ; mọi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực này phải được phát hiện kịp thời và xử lý nghiêm minh. Chính vì thế, nâng cao hiệu quả giám sát xử lý vi phạm trong việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo đảm quyền con người trong thi hành hình phạt tù là một yêu cầu cấp thiết và quan trọng trong việc bảo đảm quyền.

2. Quy định pháp luật về kiểm sát thi hành án phạt tù

Từ phương diện quốc tế, quyền con người trong thi hành án phạt tù được ghi nhận tại hàng loạt văn kiện pháp lý quan trọng về nhân quyền. Các văn kiện pháp lý quốc tế về quyền con người là tiêu chí, chuẩn mực để các quốc gia thành viên xây dựng hệ thống pháp luật của mình. Hệ thống các chuẩn mực tối thiểu về quyền con người trong thi hành hình phạt tù được quy định trong nhiều văn kiện, như: Tuyên ngôn nhân quyền thế giới 1948; Công ước quốc tế về các quyền dân sự, chính trị (ICCPR) năm 1966; Các quy tắc tiêu chuẩn tối thiểu về đối xử với tù nhân năm 1955; Công ước chống tra tấn và sử dụng các hình thức trừng phạt hay đối xử tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ nhục con người năm 1984; Tập hợp các nguyên tắc về bảo vệ tất cả những người bị giam hay bị cầm tù dưới bất kỳ hình thức nào 1988; Những nguyên tắc cơ bản trong việc đối xử với tù nhân năm 1990; Các quy tắc của Liên hợp quốc về đối xử với phạm nhân nữ và các biện pháp không giam giữ với can phạm nữ năm 2010 (Bộ quy tắc Bangkok)…

Theo các văn kiện trên, các quyền dân sự chính trị của người chấp hành án quy định giống như người bình thường trừ các quyền bị hạn chế theo bản án có hiệu lực pháp luật. Quyền con người liên quan đến lĩnh vực này bao gồm các quyền an toàn thân thể và tôn trọng nhân phẩm, quyền được đáp ứng các nhu cầu tối thiểu của cuộc sống như các nhu cầu về ăn, mặc, ở, sinh hoạt; quyền được khiếu nại và giải quyết khiếu nại, quyền lao động, học tập, giải trí, thể thao, gặp gia đình người thân trong phạm vi và thời lượng nhất định… Mọi sự đối xử trong nhà tù đều phải hướng đến sự hỗ trợ tốt nhất cho phạm nhân để họ có điều kiện giáo dục, cải tạo thành người lương thiện, sớm ra tù sống có ích cho cộng đồng, xã hội.

Để bảo đảm quyền con người trong thi hành hình phạt tù, xây dựng cơ chế kiểm soát hữu hiệu là một yêu cầu bắt buộc. Quy tắc tiêu chuẩn tối thiểu về đối xử với tù nhân, 1955 quy định: “Nhà tù hình sự và các cơ sở giam giữ khác phải được thanh tra thường xuyên bởi những thanh tra viên có trình độ và kinh nghiệm do cơ quan có thẩm quyền chỉ định. Nhiệm vụ của họ phải đặc biệt nhằm đảm bảo rằng những cơ sở đó được quản lý theo các quy định pháp luật hiện hành, nhằm phát huy tác dụng, mục đích của hình phạt và cải tạo”.

Nguyên tắc 29, tập hợp các nguyên tắc về bảo vệ tất cả những người bị giam hay bị cầm tù dưới bất kỳ hình thức nào, 1988 quy định: “Để giám sát các việc thực hiện nghiêm ngặt luật pháp và những quy định có liên quan, nơi giam hoặc nơi cầm tù phải được kiểm tra thường xuyên bởi những người có kinh nghiệm, có trình độ, được bổ nhiệm bởi, và chịu trách nhiệm trước một cơ quan có thẩm quyền khác với cơ quan trực tiếp quản lý nơi giam hoặc cầm tù”.

Phù hợp với các tiêu chí pháp lý quốc tế về quyền con người mà Việt Nam là thành viên, pháp luật Việt Nam cũng có những ghi nhận, là cơ sở để thực hiện các hoạt động kiểm sát, giám sát quá trình thi hành bản án trên thực tế. Một số quy định pháp luật có liên quan trực tiếp về kiểm sát thi hành hình phạt tù như: Bộ luật Tố tụng hình sự 2015, Luật Thi hành án hình sự năm 2019, Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân năm 2014, Quy chế công tác kiểm sát tạm giữ, tạm giam, thi hành án hình sự (ban hành theo Quyết định số 501/QĐ-VKSTC ngày 12 tháng 12 năm 2017 của Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao), Chỉ thị số 01/CT-VKKSTC ngày 28/12/2018 của Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao về công tác của ngành Kiểm sát nhân dân.

Công tác kiểm sát thi hành án hình sự là một trong những chức năng nhiệm vụ kiểm sát hoạt động tư pháp quan trọng của Viện Kiểm sát nhân dân, nội dung này được quy định tại Điều 25, Điều 26 và Điều 28 Luật Tổ chức Viện Kiểm sát nhân dân 2014; Điều 7, Điều 167, Điều 168, Điều 169 Luật Thi hành án hình sự năm 2019, quy chế công tác kiểm sát tạm giữ, tạm giam và thi hành án hình sự... Nhằm đảm bảo trong thi hành án phạt tù, quyền con người, các quyền và lợi ích hợp pháp khác của phạm nhân phải được mọi tổ chức, cá nhân tôn trọng và bảo vệ. Mọi bản án có hiệu lực phải được thực hiện nghiêm chỉnh, mọi vi phạm pháp luật trong thi hành án phạt tù phải được kịp thời phát hiện và xử lý.

Nhiệm vụ chính và quan trọng nhất trong công tác kiểm sát hoạt động thi hành án phạt tù là bảo đảm quyền con người, các quyền và lợi ích của người chấp hành án. Việc ghi nhận mục tiêu hoạt động đó của Viện Kiểm sát thể hiện rõ nét trong các quy định pháp luật, cụ thể hóa quy định Hiến pháp 2013 cũng như sự tương thích với các tiêu chí pháp lý quốc tế về quyền con người. Trong đó phải kể đến văn kiện Các quy tắc tiêu chuẩn tối thiểu về đối xử với tù nhân năm 1955 trong các quy định về các tiêu chuẩn ăn, mặc, ở, sinh hoạt… Trên cơ sở quy định đó, Viện Kiểm sát tiến hành kiểm tra mức độ tôn trọng, thực hiện và bảo vệ quyền của các cá nhân có liên quan trực tiếp. Cụ thể: Kiểm sát việc ra quyết định thi hành, hoãn, tạm đình chỉ chấp hành án; kiểm sát việc thi hành các bản án phạt tù trên thực tế; kiểm sát việc tổ chức giam giữ, kiểm sát việc thực hiện chế độ quản lý, giam giữ phạm nhân; kiểm sát việc đảm bảo chế độ ăn mặc, ở, sinh hoạt, chế độ chăm sóc y tế; kiểm sát việc thực hiện cho phạm nhân gặp gỡ thân nhân… Những quyền này được quy định tại các văn bản, như: Luật Thi hành án hình sự năm 2019; Nghị định số 117/2011/NĐ-CP quy định về tổ chức quản lý phạm nhân và chế độ ăn mặc, ở, sinh hoạt, chăm sóc y tế đối với phạm nhân; Thông tư số 46/2011/TT- BCA ngày 30/6/2011 của Bộ Công an quy định việc phạm nhân gặp thân nhân; nhận, gửi thư; nhận tiền, quà và liên lạc điện thoại với thân nhân; Thông tư liên tịch số 04/2010/TTLT - BTC - BCA - BQP ngày 12/1/2010 của Bộ Tài chính, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng hướng dẫn thực hiện chế độ lao động và sử dụng kết quả lao động, dạy nghề phạm nhân trong các trại giam; Thông tư liên tịch số 04/2010/TTLT-BCA-BYT ngày 9/8/2010 của Bộ Công an, Bộ Y tế hướng dẫn việc khám chữa bệnh cho người bị tạm giữ, tạm giam, phạm nhân, trại viên cơ sở giáo dục, học sinh trường giáo dưỡng…

Theo quy định tại khoản 2, Điều 167 Luật Thi hành án hình sự năm 2019 về nhiệm vụ, quyền hạn của Viện Kiểm sát trong kiểm sát thi hành án hình sự, việc kiểm tra được tiến hành trực tiếp và gián tiếp. Trực tiếp như đi kiểm tra cơ sở vật chất và việc thực hiện chế độ giam giữ tại các trại giam, trại tạm giam, kiểm tra trên hồ sơ giấy tờ như hồ sơ phạm nhân, kế hoạch hoạt động giám sát giáo dục, kế hoạch dạy học, dạy nghề, báo cáo hàng tháng, hàng quý, hàng năm về công tác thi hành án và việc chấp hành, điều hành ở các trại giam… Ngoài ra, Viện Kiểm sát có thể giám sát bằng việc trực tiếp gặp gỡ và trao đổi với các phạm nhân trong các trại giam, trại tạm giam. Việc thu thập thông tin phải qua nhiều nguồn như kết quả theo dõi hoạt động quản lý giáo dục người chấp hành án, các kiến nghị của các cơ quan nhà nước về các vấn đề phát sinh liên quan đến hoạt động thi hành án của trại giam. Có thể thấy, việc quy định về các hoạt động kiểm sát như trên là chặt chẽ và rõ ràng, bám sát với quá trình thực hiện, thực thi bản án có hiệu lực của Tòa án.

Như vậy, Luật Thi hành án quy định Viện Kiểm sát tiến hành kiểm tra, giám sát định kỳ hoặc đột xuất, nhưng thực tế, việc tiếp cận với các cơ sở giam giữ rất khó. Việc thực hiện nhiệm vụ phải được tiến hành thông qua việc lên kế hoạch lịch trình cụ thể để trại giam chuẩn bị trước, việc tiếp xúc trực tiếp với phạm nhân phải được sự cho phép của giám thị trại giam. Tuy nhiên như thế có đảm bảo sự khách quan vô tư khi tiến hành kiểm tra, giám sát hay không? Hay khi vụ việc đã được giải quyết, sắp xếp xong, việc giám sát mới được tiến hành.

Cơ quan Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên chỉ tiến hành giám sát thông qua quy chế phối hợp với Viện Kiểm sát, tham gia cùng các đợt công tác của cơ quan này. Khi phát hiện ra có vi phạm trong công tác giám sát, giáo dục cải tạo, các cơ quan sẽ gửi văn bản đề nghị các cơ sở giam giữ khắc phục vi phạm. Nếu vi phạm đó nghiêm trọng đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự thì có chế tài hình sự xử lý, còn lại các hành vi làm sai quy định khác gây ảnh hưởng đến quyền và lợi ích của phạm nhân thì vẫn chưa có căn cứ pháp lý nào đặt ra để xử lý. Có yêu cầu khắc phục vi phạm của các cơ quan có thẩm quyền kiểm soát nhưng việc thực hiện hay không thực hiện yêu cầu đó cũng chưa có cơ chế ràng buộc.

Mặt khác, Viện Kiểm sát vừa thực hiện kiểm sát việc tuân theo pháp luật theo sự phân công của cơ quan quyền lực cao nhất là Quốc hội, đồng thời là cơ quan tư pháp được giao nhiệm vụ cụ thể trong việc thực hiện các hoạt động thi hành bản án. Thực hiện giám sát trong chính hoạt động của hệ thống các cơ quan tư pháp mà không có sự tách biệt rõ chức năng nhiệm vụ dẫn đến thiếu tính khách quan vô tư trong quá trình thực hiện nhiệm vụ của mình.

3. Thực tiễn công tác giám sát thi hành án phạt tù

Viện Kiểm sát nhân dân tối cao đã ra Chỉ thị số 06/CT-VKSTC ngày 18/06/2019 về đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giám sát việc tạm giữ, tạm giam, thi hành án hình sự. Chỉ thị yêu cầu Viện Kiểm sát nhân dân các cấp cần tăng cường kiểm sát các cơ sở giam giữ, cải tạo, kịp thời xử lý vi phạm bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp cho người chấp hành án. Nhìn chung, Viện Kiểm sát các cấp đã bám sát chương trình, nội dung kế hoạch công tác. Quản lý, theo dõi, nắm chắc tình hình chấp hành pháp luật, thực hiện nghiêm túc quy chế nghiệp vụ, tiến hành kiểm sát tại các cơ sở giam giữ theo chỉ tiêu kế hoạch và có biện pháp tác động kịp thời. Xác định công tác kiểm sát việc tạm giữ, tạm giam là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của công tác kiểm sát, trong chương trình kế hoạch hàng năm, Viện Kiểm sát luôn đề ra các nội dung, biện pháp cụ thể. Tiến hành kiểm sát thường kỳ, hàng quý theo chuyên đề, kiểm sát toàn diện 6 tháng, 1 năm... từng bước nâng cao chất lượng công tác kiểm tra, giám sát.

Viện Kiểm sát tổ chức kiểm sát trực tiếp các trại giam, phân trại quản lý phạm nhân tại trại giam. Thông qua công tác kiểm sát đã phát hiện đồng thời ban hành các kháng nghị, kiến nghị để yêu cầu các cơ quan thi hành án chấm dứt, xử lý các trường hợp sai phạm để bảo đảm tốt nhất quyền lợi cho người chấp hành án. Theo số liệu kiểm sát thi hành án hình sự, 6 tháng đầu năm 2019, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao đã tiến hành kiểm sát trực tiếp 75 lượt ở trại tạm giam, 42 lượt ở Trại giam; Ban hành 84 bản kiến nghị phòng ngừa đối với trại tạm giam (trong đó có 75 kiến nghị được chấp nhận) và 19 bản kiến nghị đối với trại giam (trong đó có 16 bản kiến nghị được chấp nhận). Nội dung các kháng nghị, kiến nghị được tiếp thu, sửa chữa, khắc phục. Đồng thời thực hiện tốt Kế hoạch 83/KH-V4 về việc phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, bảo đảm thực hiện chức năng giám sát của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc đối với hoạt động kiểm sát việc chấp hành pháp luật trong các cơ sở giam giữ, nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác kiểm sát, bảo đảm các quyền lợi, chế độ của người chấp hành án.

Tuy nhiên, qua theo dõi quản lý tình hình chấp hành pháp luật và kết quả công tác kiểm sát công tác quản lý giam giữ, thực tế vẫn còn tồn tại một số hạn chế. Việc theo dõi, quản lý tình hình chấp hành pháp luật chưa kịp thời, đầy đủ; chưa kịp thời phát hiện các vi phạm. Một số đơn vị chưa thực hiện đủ chỉ tiêu kiểm sát, chỉ tiêu thông báo rút kinh nghiệm về nghiệp vụ theo kế hoạch đặt ra nên công tác kiểm sát kết quả chưa cao, do vậy việc đánh giá tổng hợp kết quả khâu công tác nghiệp vụ chưa đầy đủ, hiệu quả khâu này còn hạn chế.

4. Một số đề xuất, kiến nghị cho công tác kiểm sát thi hành hình phạt tù

- Cần tăng cường kiểm sát nhằm bảo đảm các quyền của người chấp hành án, đặc biệt tăng cường kiểm soát đột xuất khi phát hiện có dấu hiệu nghiêm trọng trong công tác và thực hiện đối với phạm nhân. Mở rộng phạm vi tiếp cận của các cơ quan giám sát đối với trại giam và người chấp hành án. Có thể đột xuất gặp trực tiếp và không giới hạn, không bị ràng buộc và có sự đồng ý của các cơ quan thi hành án ngay cả khi chưa có vi phạm xảy ra.

- Chú trọng kiểm sát đối với các trường hợp bị kết án nhưng chưa thi hành, trốn thi hành án, tạm đình chỉ, hoãn chấp hành án phạt tù. Hoạt động kiểm sát của Viện Kiểm sát nhân dân tại các cơ sở giam giữ nếu như được tiến hành thường xuyên sẽ góp phần phát hiện kịp thời các vi phạm trong thi hành hình phạt tù.

- Tăng cường kỹ năng kiểm sát nhằm phát hiện kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật trong công tác quản lý, giáo dục, cải tạo phạm nhân.

- Tăng cường áp dụng cách biện pháp kháng nghị, kiến nghị, nhằm phát hiện loại trừ các vi phạm trong quá trình kiểm tra việc thực hiện giám sát giáo dục tại các cơ sở giam giữ, bảo đảm quyền và lợi ích cho phạm nhân theo quy định pháp luật.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Nguyễn Ngọc Chí (chủ biên), 2015, Quyền con người trong lĩnh vực tư pháp hình sự, Nxb Hồng Đức.
  2. Khoa Luật - ĐH Quốc gia Hà Nội, 2011, Giới thiệu các văn kiện quốc tế về quyền con người, Nxb Lao động - Xã hội.
  3. Khoa Luật - ĐH Quốc gia Hà Nội, 2011, Bảo vệ các nhóm dễ bị tổn thương trong tố tụng hình sự, Nxb Đại học quốc gia.
  4. Khoa Luật - ĐH Quốc gia Hà Nội, 2010, Luật Quốc tế về quyền của các nhóm người dễ bị tổn thương, Nxb Lao động - Xã hội.
  5. Khoa Luật - ĐH Quốc gia Hà Nội, 2011, Hỏi đáp về quyền con người, Nxb Hồng Đức.

ENSURING HUMAN RIGHTS IN THE ENFORCEMENT OF IMPRISONMENT SENTENCES THROUGH PROCURACIES' ACTIVITIES

Ph.D’s Student NGUYEN THI THANH TRAM

Department of Law, Vinh University

ABSTRACT:

In this article, the author analyzes the legal provisions on the control of activities of executing imprisonment by the Procuracy. It also makes some recommendations to improve the effectiveness of the supervision and handling of violations of human rights assurance in prison sentence execution.

Keywords: Human rights, imprisonment execution enforcement, Procuracy.