Những năm gần đây, chúng ta chứng kiến ngày càng nhiều sự thành công của những dự án hợp tác giữa các doanh nghiệp cơ khí nước nhà. Điển hình là dự án Thủy điện Sơn La, nơi hội tụ hàng chục bản hợp đồng liên danh, liên kết của các đơn vị trong nước cung cấp trên 40.000 tấn thiết bị thủy công.

Có thể kể: thiết bị cửa nhận nước do Liên danh Tổng công ty Máy và Thiết bị công nghiệp, Tổng công ty Cơ điện xây dựng nông nghiệp & thủy lợi và Viện Nghiên cứu Cơ khí thực hiện; đường ống áp lực do Liên danh Công ty Cổ phần Cơ điện miền Trung và Công ty Cổ phần Cơ khí Điện lực chế tạo; cầu trục các loại do Xí nghiệp Cơ khí Quang Trung và Cơ khí Hồng Nam chế tạo...

Trong sự hợp tác này, nổi danh nhất là bộ ba Tổng công ty Máy và thiết bị công nghiệp - Viện Nghiên cứu Cơ khí - Tổng công ty Xây dựng công nghiệp Việt Nam (MIE, NARIME, VINAINCON), đã từng "dắt tay nhau" trong suốt quãng đường dài mang tên Thủy điện Pleikrông, Thủy điện A Vương, Thủy điện Buôn Kuốp, Thủy điện Hương Điền, Thủy điện Sơn La, Thủy điện Lai Châu, với sự chuyên biệt hóa: NARIME thiết kế, MIE chế tạo và VINAINCON xây lắp.

Danh sách các dự án hợp tác thành công còn nối dài, trong công nghiệp ô tô có Trường Hải, Samco làm đầu mối liên kết; trong sản xuất dây chuyền thiết bị cho các nhà máy xi măng có Lilama, Cty CP Tư vấn Xây dựng công trình Vật liệu xây dựng làm đầu mối liên kết; trong máy động lực và máy nông nghiệp có SVEAM làm đầu mối liên kết...

Tuy nhiên, nhìn nhận một cách thẳng thắn, chúng ta thường thành công trên “điểm” chứ chưa nâng tầm lên được mức độ “diện”. Nghĩa là sự hợp tác và liên kết rất thành công ở những công trình cơ khí trọng điểm, nhưng xét trên cái nền, cái toàn cảnh thì hợp tác chưa phải là xu hướng chủ đạo của các doanh nghiệp cơ khí.

Trong Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 18/6/2014 về đẩy mạnh thực hiện Chiến lược phát triển ngành cơ khí Việt Nam, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng nêu hạn chế hàng đầu của ngành cơ khí là “Việc đầu tư trong ngành cơ khí còn ít và mang tính chất phân tán, khép kín trong từng doanh nghiệp; thiếu sự phối hợp, phân công lao động giữa các doanh nghiệp trong ngành, chưa chủ động tham gia hợp tác, hội nhập quốc tế; tính chuyên môn hóa trong sản xuất thấp”.

Nhiều người cho rằng, việc đầu tư “mang tính chất phân tán, khép kín trong từng doanh nghiệp; thiếu sự phối hợp, phân công lao động giữa các doanh nghiệp” là một phần bản tính người Việt. Nhiều người khác không cho đây là “bản tính” nhưng dễ dàng công nhận rằng, sự phân công, hợp tác là khâu yếu nhất của doanh nghiệp Việt.

Có thật tính liên kết của người Việt lỏng lẻo? Nhìn trên lịch sử thì hoàn toàn ngược lại. Một Thái hậu Dương Vân Nga của nhà Đinh sẵn sàng chuyển giao quyền lực từ nhà Đinh sang nhà Tiền Lê; một Trần Hưng Đạo gạt bỏ hiềm riêng để bảo vệ sức mạnh đoàn kết của xã tắc; một Trần Thái Tông điều quân và thuyền chiến sang giúp Chiêm chống quân Nguyên; một Tô Hiến Thành tiến cử Trần Trung Tá... cho thấy, theo một cách có hệ thống, người Việt sẵn sàng bước qua những điều cấm kỵ, thậm chí cả lời nguyền để liên kết với nhau vì việc lớn.

Cũng có người bảo, lực liên kết đó là do khát vọng độc lập của người Việt quá mãnh liệt. Còn trong kinh tế, người Việt chỉ vừa đủ khá giả là đã mai một khát vọng rời non lấp bể rồi, nên nhu cầu liên kết lợi mình ích người không phải là cấp thiết lắm.

Song thực tế cứ có những dẫn chứng trái ngược. Vào khoảng năm 2003, tại một hội nghị, ông Trương Đình Tuyển - Bộ trưởng Bộ Thương mại lúc đó công bố sẽ thưởng quota cho những doanh nghiệp liên kết với nhau làm hàng xuất khẩu. Điều kỳ lạ là từ lúc tuyên bố miệng cho tới lúc đang trong quá trình soạn thảo thành văn bản thì đã có nhiều nhóm doanh nghiệp đăng ký liên kết với nhau.

Như vậy, cơ chế, chính sách có tác động đến tính liên kết của doanh nghiệp. Về sau này, một số dự án hợp tác có hiệu quả của doanh nghiệp cơ khí cũng là nằm trong Chương trình nội địa hoá nhà máy xi măng, Chương trình nội địa hóa thiết bị cơ khí thủy công, chương trình chế tạo giàn khoan dầu khí và gần đây là Chương trình nâng dần tỷ lệ nội địa hoá trong các công trình nhiệt điện đốt than.

Từ khi Đổi mới đến nay, chúng ta có khá nhiều cơ chế chính sách (có thời hạn) tạo lập môi trường và thị trường thuận lợi cho việc liên kết của các doanh nghiệp. Sau khi cơ chế hết hiệu lực, phần lớn các doanh nghiệp tiếp tục hợp tác với nhau do đã ngấm “văn hóa hợp tác”.

Lại có trường hợp, không có cơ chế nhưng doanh nghiệp tự mình thúc đẩy sự liên kết. Ông Phan Tử Giang - Tổng giám đốc Công ty cổ phần Chế tạo giàn khoan dầu khí phàn nàn rằng, khó khăn lớn nhất trong việc tăng tỷ lệ nội địa hoá sản phẩm cơ khí là do liên kết giữa các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ còn rất lỏng lẻo.

Nói thì nói vậy nhưng ông kiên trì yêu cầu các đơn vị nước ngoài tách nhỏ thiết bị để có thể đưa các linh kiện cơ khí của nhiều doanh nghiệp trong nước lắp đặt. Điều này khiến đơn vị mất rất nhiều thời gian do tự mình phải đặt ra yêu cầu, giám sát và OTK nhiều chi tiết của nhiều doanh nghiệp khác nhau theo quy chuẩn, tiêu chuẩn quốc tế. Đây cũng là một thứ văn hóa hợp tác, được phát triển bởi triết lý “còn có thể tốt hơn”, tức bất luận việc gì đã làm tốt đến đâu, cũng có thể làm tốt hơn nữa nếu phân công theo hướng chuyên môn hóa.

Trong hai loại văn hóa hợp tác, một thứ đến từ sự kích thích của cơ chế, một thứ đến từ triết lý con đường phát triển của doanh nghiệp đều hữu dụng, nhưng trong nền kinh tế đang phát triển như nước ta hiện nay, việc có những cơ chế làm chất xúc tác có vai trò đặc biệt quan trọng.

Trong các ngành, cơ khí là nơi dễ thấm văn hóa hợp tác hơn cả. Bởi thứ nhất, sản phẩm cơ khí là những thiết bị, máy móc có độ chính xác cao và bền vững nên yêu cầu tập trung quản lý cao độ vào từng công đoạn sẽ có lợi hơn. Thứ hai, cơ khí là ngành công nghiệp mang tính phổ thông, không mang dấu ấn của bí quyết công nghệ, nên dễ chia sẻ giữa các đối tác. Cuối cùng, khác với sản phẩm điện tử mang tính modul hóa (thật khó “chẻ” nhỏ một bảng mạch điện tử để chuyên môn hóa), sản phẩm cơ khí gồm hàng loạt các chi tiết “rời”, dễ phân công hợp tác.

Vì những lý do trên, để phát triển văn hóa hợp tác giữa các doanh nghiệp, cần lắm những cơ chế chính sách làm bệ đỡ. Và nếu lấy điểm đột phá, không gì hơn là nhằm vào các doanh nghiệp cơ khí.