Năm 1957, nhà máy bia Hommel được Chính phủ tiếp quản và đổi tên thành Nhà máy bia Hà Nội. Chỉ hơn một năm sau, ngày 15/8/1958  “đứa con đầu lòng” mang tên Bia Trúc Bạch ra đời và ngày này được xem là ngày truyền thống của Bia Hà Nội. Bia Trúc Bạch được ông Võ Tiến Kỷ và ông Lê Văn Ba, những giám đốc thời kỳ đầu của Bia Hà Nội quyết định lấy tên với ý nghĩa chỉ địa danh hồ Trúc Bạch trên mảnh đất ngàn năm văn hiến, gần trụ sở Nhà máy Bia Hà Nội.

tem bia Trúc bav
Hình ảnh tem bia Trúc Bạch ngày xưa

 

Dù giá không rẻ nhưng do có hương vị độc đáo, quyến rũ, cộng với việc được hệ thống thương mại Xã hội Chủ nghĩa ưu ái, bia Trúc Bạch nhanh chóng chiếm được cảm tình của người tiêu dùng và lên "như diều gặp gió". Bia Trúc Bạch được định vị là sản phẩm sang trọng nhưng được tiêu thụ rộng rãi và trở thành một phần “hồn” không thể thiếu của người Hà Nội.

Tuy nhiên, trong những năm 1990, bia Trúc Bạch đã phải rời khỏi thị trường do Bia Hà Nội gặp khá nhiều khó khăn khi chuyển đổi mô hình sang công ty tự hoạch toán kinh doanh; việc nhập khẩu các nguyên liệu gặp khó khăn; và tại thời điểm đó, bia Vạn Lực giá rẻ của Trung Quốc theo chân các tiểu thương "tràn" sang nước ta. Đây là nguyên nhân khiến bia Trúc Bạch kém tính cạnh tranh hơn khi giá cao, vượt quá khả năng chi tiêu của người dân nên lúc đó đã phải ngừng sản xuất.

Đến năm 2008, nhân dịp kỷ niệm 50 năm ngày truyền thống - ngày chai Bia Trúc Bạch đầu tiên ra đời, Ban lãnh đạo Habeco quyết định phục hồi sản phẩm vang danh một thời: “Bia Trúc Bạch”. Và bia Trúc Bạch quay lại thị trường đúng vào thời điểm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, cùng slogan "Trúc Bạch – Kiệt tác bia".

b
Nhãn Bia Trúc Bạch 2010

 

Sở dĩ, Bia Trúc Bạch được ví như một kiệt tác bia, bởi hoa bia Saaz sử dụng để nấu bia Trúc Bạch là một trong bốn loại hoa bia quý tộc của thế giới, được trồng duy nhất tại thung lũng Zatec, cộng hòa Czech. Đặc biệt hơn cả là bia Trúc Bạch chỉ sử dụng men bia TBY. Đây là loại men được nghiên cứu và nuôi cấy bởi các kỹ sư công nghệ Habeco và Tiệp Khắc. Men bia TBY được sử dụng trong bia Trúc Bạch được lên men tự nhiên dài ngày gấp hai, ba lần so với thời gian lên men các loại bia thông thường. Vì vậy, bia Trúc Bạch rất êm dịu và đậm đà càng uống càng “vào”, mang đến cho người yêu bia một hương vị độc đáo không thể quên. Theo Habeco, bia Trúc Bạch có thể thỏa mãn được cả bốn giác quan của người thưởng thức – thị giác, khứu giác, thính giác và vị giác.

Năm 2014 Bia Hà Nội tiếp tục thay áo cho dòng sản phẩm cao cấp này. So với nhãn hiệu bằng giấy cũ, nhãn mới của bia chai Trúc Bạch có màu ánh bạc nổi bật và logo quen thuộc của thương hiệu. Với thông điệp "Kiệt tác mới từ nhãn bạc ánh kim", sản phẩm không chỉ dành cho người sành bia mà còn hướng đến những ai muốn tìm một thức uống gắn liền với lịch sử và văn hóa của Thủ đô Hà Nội.

v
Nhãn Bia Trúc Bạch 2014

 

Sự thay đổi bao bì sản phẩm nằm trong chiến lược phát triển lâu dài của nhãn hàng. Trước khi thay đổi bao bì, Bia Hà Nội đã nghiên cứu kỹ thị trường, khảo sát thị hiếu của khách hàng cũng như xu thế phát triển của các thương hiệu.

Mới đây nhất, ngày 9/8/2018, Bia Hà Nội một lần nữa thay áo cho  thương hiệu bia Trúc Bạch. Sản phẩm được thiết kế dọc theo chiều cao khiến cho Trúc Bạch gần như khác biệt, nổi trội khi đứng cạnh các thương hiệu khác.

n
Nhãn Bia Trúc Bạch 2018

 

Đặc biệt, chất lượng của sản phẩm Bia Trúc Bạch sẽ được “nâng hạng” với hương vị thơm đằm được bổ sung thêm vào trong bí quyết nấu bia duy nhất, mang đến một trải nghiệm vị giác sảng khoái, dâng trào đam mê cho giới sành bia thích tìm kiếm sự hoàn mỹ và khám phá những trải nghiệm mới lạ.

Những lần thay áo đã tạo một điểm nhấn giúp Bia Trúc Bạch tạo nên sự khác biệt cho thương hiệu bia đã có lịch sử hơn 100 năm này. Cùng với sự thay đổi diện mạo mới, Trúc Bạch sẽ mang đến những trải nghiệm tinh túy nhất cho người thưởng thức bia.