Bộ Công Thương đã ban hành Thông tư số 17/2020/TT-BCT ngày 17/7/2020 quy định việc tiến hành các hoạt động bảo quản và hủy bỏ giếng khoan dầu khí với mục đích bảo vệ tài nguyên, môi trường và cấu trúc tự nhiên của lòng đất, ngăn ngừa các hành vi dẫn đến việc tạo thành những vật cản hay những xáo trộn về trạng thái của môi trường biển cũng như trên đất liền.

Theo đó, quá trình cắt và thu hồi đầu giếng được quy định như sau:

- Người điều hành phải áp dụng phương pháp cơ học hoặc thủy lực để cắt và thu hồi đầu giếng.

(Hiện hành quy định trong trường hợp đặc biệt, ngoài phương pháp cơ học, Người điều hành có thể trình phương án áp dụng cắt đầu giếng bằng chất nổ lên Tổng Công ty Dầu khí Việt Nam xem xét trình Bộ Công nghiệp phê duyệt).

- Hệ thống đầu giếng phải được thu hồi và đảm bảo không còn phần nào nhô lên bề mặt đáy biển, không gây cản trở các hoạt động hàng hải, khai thác biển khác.

- Đối với các giếng trên đất liền, chiều sâu cắt đầu giếng tối thiểu là 3 m bên dưới mặt đất.

Lưu ý: Trường hợp công tác hủy bỏ giếng đã được phê duyệt và triển khai thực hiện trước ngày 10/9/2020 thì tiếp tục thực hiện việc hủy bỏ theo quy định tại Quyết định 37/2005/QĐ-BCN ngày 25/11/2005.

Thông tư 17/2020/TT-BCT có hiệu lực thi hành từ ngày 10/9/2020.

Thông tư này quy định việc tiến hành các hoạt động bảo quản và hủy bỏ giếng khoan dầu khí với mục đích bảo vệ tài nguyên, môi trường và cấu trúc tự nhiên của lòng đất, ngăn ngừa các hành vi dẫn đến việc tạo thành những vật cản hay những xáo trộn về trạng thái của môi trường biển cũng như trên đất liền.

Thông tư này được áp dụng đối với:

1. Người điều hành, Liên doanh dầu khí và tổ chức, cá nhân (sau đây gọi chung là Người điều hành) thực hiện các hoạt động bảo quản và hủy bỏ giếng khoan trong quá trình tiến hành các hoạt động tìm kiếm thăm dò, phát triển mỏ và khai thác dầu khí trong phạm vi lãnh thổ đất liền, đảo và quần đảo, nội thủy, lãnh hải, vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán quốc gia Việt Nam, được xác định theo pháp luật Việt Nam và điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

2. Các tổ chức, cá nhân có liên quan đến các hoạt động bảo quản và hủy bỏ các giếng khoan dầu khí.