Bộ Công Thương cùng Lạng Sơn tìm cách tháo gỡ ùn tắc hàng hóa tại các cửa khẩu

Tiếp theo chương trình công tác nắm bắt tình hình và bàn các giải pháp tháo gỡ khó khăn, ùn tắc hàng hóa tại các cửa khẩu trong bối cảnh dịch Covid-19, hôm nay, 29/12/2021, đoàn công tác của Bộ Công Thương do Thứ trưởng Trần Quốc Khánh làm Trưởng đoàn đã làm việc với UBND tỉnh Lạng Sơn.

Tại Lạng Sơn, đoàn công tác của Bộ Công Thương đã có buổi làm việc với lãnh đạo UBND tỉnh để nắm bắt tình hình xuất, nhập khẩu (XNK) hàng hóa qua các cửa khẩu trên địa bàn tỉnh. Đồng chí Hồ Tiến Thiệu, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì buổi làm việc với đoàn công tác.

Tại buổi làm việc với Đoàn công tác Bộ Công Thương, ông Hồ Tiến Thiệu, Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn cho biết: tính đến ngày 29/12/2021, tổng số xe tồn tại 3 khu vực cửa khẩu của tỉnh Lạng Sơn gồm: Cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị, cửa khẩu Tân Thanh và cửa khẩu Chi Ma là 3.530 xe hàng, trong đó xe chở hoa quả là 2.365 xe, với 307 xe chở hàng nóng và 2.058 xe chở hàng bảo quản trong container lạnh.

Ông Hồ Tiến Thiệu, Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn

Về tình hình thông quan với hàng xuất, ông Hồ Tiến Thiệu cho hay, tính trong 1 tuần trở lại đây, xuất khẩu của tỉnh rất “nhỏ giọt”. Cụ thể, ở cửa khẩu Hữu Nghị bình quân trong 1 tuần vừa qua, xuất được 69 xe/ngày, ở cửa khẩu Chi Ma xuất được 16 xe/ngày. Như vậy nếu so với số hàng tồn thì với tốc độ này phải trên 1 tháng chúng ta mới giải quyết được hết hàng hoá ùn ứ nhưng với điều kiện phía bạn không tiếp tục siết chặt các biện pháp hạn chế tốc độ thông quan của chúng ta.

Bên cạnh đó, tình trạng ùn ứ phương tiện chở hàng hóa xuất khẩu còn do hạ tầng cửa khẩu Lạng Sơn đã và đang được tập trung đầu tư, hiện nay năng lực bến bãi trong các cửa khẩu còn hạn chế: Bến bãi tại cửa khẩu Hữu Nghị có sức chứa khoảng 500-700 xe; bến bãi tại cửa khẩu Tân Thanh có sức chứa khoảng 800-1.000 xe, các bến bãi tại cửa khẩu Chi Ma chỉ đảm bảo dừng đỗ khoảng 700 xe... Trong bối cảnh số lượng xe tăng hơn hai lần so với mức cao điểm các năm trước, toàn bộ bến bãi (kể cả các bãi được trưng dụng tạm thời) đều đã quá tải.

Thực tế, xuất khẩu hàng hóa nông sản, hoa quả hiện nay chủ yếu được thực hiện qua cửa khẩu Tân Thanh, Cốc Nam, một phần nhỏ qua cửa khẩu Hữu Nghị, Chi Ma, trong đó tập trung nhiều nhất là ở cửa khẩu Tân Thanh.

Tại cặp cửa khẩu phụ Tân Thanh - Pò Chài (phía Trung Quốc gọi là cặp chợ biên giới), tuy hoạt động xuất khẩu hoa quả những năm gần đây đã có nhiều thay đổi theo chiều hướng tích cực, áp dụng công nghệ trong trao đổi thông tin, giao dịch,... nhưng vẫn chưa thực sự bài bản.

Hơn nữa, Trung Quốc liên tục tăng cường áp dụng các tiêu chuẩn về kiểm dịch nguồn gốc, xuất xứ, nhãn mác, đồng thời kiểm soát chặt về tiêu chuẩn chất lượng hàng hóa, vệ sinh an toàn thực phẩm, kiểm hóa 100% đối với mặt hàng nông sản nhập khẩu từ Việt Nam. Trong khi đó, chất lượng nông sản xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc chưa thực sự ổn định, ảnh hưởng tới uy tín khi giao dịch với các đối tác. Vì thế khi xuất khẩu sang Trung Quốc thường phải phân loại lại, có trường hợp do chất lượng không đảm bảo nên bị ép giá, thậm chí không thể xuất khẩu.

Ngoài ra, phía Trung Quốc tạm dừng nhập khẩu một số mặt hàng nông sản qua các cửa khẩu của các tỉnh biên giới khác khiến cho hàng nông sản xuất khẩu dồn về các cửa khẩu Lạng Sơn, trong khi đó số lượng cửa khẩu đang hoạt động rất hạn chế; một số loại nông sản của các tỉnh phía Nam đang vào vụ thu hoạch như: mít, xoài, dưa hấu..., các thương nhân từ các tỉnh có hàng nông sản mặc dù biết rủi ro và tình trạng ùn ứ tại các cửa khẩu vẫn đưa hàng lên các khu vực cửa khẩu, càng tạo thêm áp lực cho công tác bố trí, sắp xếp bến bãi.

Theo ông Hồ Tiến Thiệu, trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, khó lường, UBND tỉnh Lạng Sơn đã khẩn trương chỉ đạo, kích hoạt các biện pháp phòng, chống dịch ở mức cao nhất, chủ động điều chỉnh các biện pháp phù hợp với diễn biến và mức độ của dịch bệnh, tập trung xây dựng khu vực cửa khẩu “an toàn với Covid-19”.

Lãnh đạo UBND tỉnh Lạng Sơn đã có sự chỉ đạo quyết liệt để chia sẻ, giảm bớt khó khăn, đồng hành cùng các doanh nghiệp xuất khẩu hàng hoá; theo đó, tỉnh Lạng Sơn đã điều trị miễn phí cho lái xe đường dài bị nhiễm Covid-19 và tiếp tục điều chỉnh giảm phí sử dụng hạ tầng các cửa khẩu, giảm giá dịch vụ tại cửa khẩu.

Cụ thể, từ ngày 01/11/2021 đến hết ngày 31/01/2022 thực hiện giảm phí sử dụng công trình kết cấu hạ tầng, công trình dịch vụ, tiện ích công cộng trong khu vực cửa khẩu trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn với mức giảm 10% đối với phương tiện vận tải chở hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu.

Đồng thời, giảm 5% đối với phương tiện vận tải chở hàng hóa kinh doanh theo loại hình tạm nhập tái xuất, hàng hóa tạm xuất tái nhập, hàng hóa chuyển khẩu, hàng hóa của nước ngoài gửi kho ngoại quan xuất khẩu, hàng hóa quá cảnh, hàng hóa chuyển cảng, hàng hóa có nguồn gốc nước thứ ba; đối với phương tiện vận tải chở hàng hóa sang tải tại bến bãi không đi vào nội địa và các phương tiện khác giảm tương ứng theo loại hình hàng hóa xuất, nhập khẩu nêu trên.

 

Để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đảm bảo phục vụ hiệu quả hoạt động xuất khẩu hàng hoá nói chung và xuất khẩu nông sản trong thời gian tới, UBND tỉnh Lạng Sơn kiến nghị Bộ Công Thương phối hợp với Bộ Ngoại giao, Bộ Tài chính (Tổng cục Hải quan) tiếp tục khẩn trương trao đổi, hội đàm với cơ quan chức năng phía Trung Quốc để khôi phục một số cửa khẩu có hoạt động xuất khẩu nông sản, thuỷ hải sản trọng điểm trên tuyến biên giới phía Bắc theo phương thức giao nhận xe trên đường biên giới hoặc sử dụng đầu kéo theo mô hình khép kín; đề nghị các cơ quan chức năng phía Trung Quốc nâng cao năng lực thông quan trong ngày từ nay đến Tết Nguyên đán và tổ chức hoạt động thông quan trở lại sớm tại các cửa khẩu trên cơ sở đảm bảo công tác phòng, chống dịch…

Phát biểu tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh cho biết, trong những ngày của tháng 12/2021 do các biện pháp phòng dịch của phía Trung Quốc trở nên căng thẳng hơn trước đây nên một số lượng lớn phương tiện vận chuyển cũng như hàng hóa xuất khẩu của chúng ta đã ùn tắc tại cửa khẩu.

Thứ trưởng Bộ Công Thương - Trần Quốc Khánh

Ngay chiều chủ nhật vừa qua, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành cũng tổ chức một hội nghị trực tuyến cùng với các bộ, ngành, các tỉnh biên giới và các tỉnh có sản lượng nông sản xuất khẩu lớn để bàn biện pháp xử lý và sau hội nghị đó, Phó Thủ tướng đã có chỉ thị cụ thể cho các đơn vị vào cuộc để làm sao tìm cách tháo gỡ ách tắc và giải phóng các container hàng hóa xuất khẩu trong thời gian càng sớm càng tốt.

Nhiệm vụ của Đoàn công tác của Bộ Công Thương đến với tỉnh Lạng Sơn là cùng với tỉnh rà soát lại tình hình. “Phó Thủ tướng đã đưa ra những chủ trương lớn, định hướng lớn, chúng ta sẽ cùng suy nghĩ để thể hiện nó thành các giải pháp cụ thể trong lúc này làm sao cố gắng để giải tỏa được ách tắc hàng hóa tại khu vực các cửa khẩu tại địa bàn tỉnh Lạng Sơn, cố gắng trong thời gian sớm nhất có thể được” - Thứ trưởng Trần Quốc Khánh nhấn mạnh.

Theo Thứ trưởng Trần Quốc Khánh, tình hình ùn tắc xảy ra từ tháng 12 tới nay và trong hai năm vừa qua chúng ta đã nhiều lần phải đối diện với cái tình hình này. Tuy nhiên, thống kê do Tổng cục Hải quan cung cấp, nông sản xuất khẩu qua địa bàn tỉnh Lạng Sơn qua các cửa khẩu trên địa bàn tỉnh trong 11 tháng của năm 2021 tăng gần 33%.

“Điều đó thể hiện nỗ lực rất lớn của UBND tỉnh, các sở, ban, ngành, các lực lượng trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn trong những giờ phút hết sức khó khăn, phức tạp do dịch bệnh, vẫn cố gắng giữ được lưu thông hàng hóa thông suốt, không những thế còn đẩy kim ngạch xuất khẩu nông sản qua địa bàn tăng” - Thứ trưởng Trần Quốc Khánh nói.

Đoàn xe chờ làm thủ tục ra vào bãi tập kết hàng hóa tại khu vực cửa khẩu Tân Thanh

Tuy nhiên, bước vào tháng 12 với tình hình dịch bệnh diễn biến càng ngày càng phức tạp. Trung Quốc cũng phát hiện ra chủng mới Omicron và kiên trì chính sách Zero Covid, các biện pháp phòng, chống dịch bệnh trở nên căng thẳng hơn trước đây, có biểu hiện siết chặt hơn và bắt đầu có những cửa khẩu đóng hoàn toàn. Do đó, đã xảy ra tình trạng ùn tắc. Vì vậy, việc cần thiết hiện nay là cùng nhau nhìn lại hiện trạng, dự báo tình hình và quan trọng nhất là bàn giải pháp để xử lý làm sao cho thiệt hại có thể giảm đến mức tối đa.

Thông tin từ Tổng Cục Hải quan, lượng hàng hóa thông quan qua cửa khẩu thời gian gần đây trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn giảm, chỉ khoảng 300-400 xe/ ngày trong khi lượng hàng hoá từ nội địa lên các cửa khẩu thuộc địa bàn tỉnh Lạng Sơn  rất lớn cộng với năng lực bến bãi có hạn dẫn đến tình trạng ùn tắc tại các cửa khẩu trên địa bàn tỉnh.

Hàng hóa chủ yếu là mặt hàng Mít, Xoài, Chuối xanh, Thanh Long, ván bóc, linh kiện điện tử... Các khu vực bến bãi tại các cửa khẩu đã quá tải, khó bố trí, sắp xếp được thêm (gồm cả các khu vực tạm sử dụng), ảnh hưởng đến hoạt động xuất khẩu, chất lượng hàng hóa, tăng thời gian xuất khẩu cũng như tăng chi phí, khó khăn cho công tác kiểm soát phòng, chống dịch và bố trí, sắp xếp các phương tiện vận chuyển.

Về kim ngạch chung xuất nhập khẩu qua địa bàn tỉnh Lạng Sơn từ 01/12/2021 đến hết ngày 15/12/2021 chỉ đạt 121, 65 triệu USD giảm 40,5% so với cùng kỳ tháng 11/2021 và giảm 32,7% so với cùng kỳ năm 2020.

Đông Sơn