Bộ Công Thương đề xuất 4 nhóm nhiệm vụ phát triển kinh tế năm 2021

Tiếp tục chương trình Hội nghị trực tuyến Chính phủ với các địa phương, hôm nay (29/12), Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh đã chia sẻ về những giải pháp được thực hiện nhằm vượt qua những khó khăn thách thức lớn trong năm 2020. Đồng thời nhấn mạnh về những định hướng phát triển ngành trong năm 2021; trong đó, Bộ trưởng đặc biệt nhấn mạnh tới việc phát huy nội lực, ứng dụng công nghệ vào sản xuất, kinh doanh thương mại.

Vượt qua 3 thách thức rất lớn

Nhìn lại các thách thức trong tăng trưởng kinh tế năm 2020, tại Hội nghị trực tuyến Chính phủ với các địa phương, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh khẳng định, năm 2020 là năm thành công nhất của chúng ta trong 5 năm (2015-2020). Trong năm nay có 3 thách thức rất lớn, chúng ta đã đối mặt và vượt qua thành công.

Một là, dịch bệnh Covid-19 diễn biến hết sức phức tạp ngay từ những ngày đầu năm đã tác động rất sâu sắc tới nền kinh tế Việt Nam - là nền kinh tế có độ mở cao, hội nhập sâu rộng cùng nền kinh tế thế giới.

Hai là, năm 2020 ghi nhận nhiều diễn biến thiên tai rất bất thường, cực đoan, xảy ra trên nhiều vùng miền của cả nước. Nắng nóng gay gắt kỷ lục; lũ quét, sạt lở đất; hạn hán, xâm nhập mặn nghiêm trọng…

Ba là, những cạnh tranh về chính trị và những bảo hộ mậu dịch ở  các khu vực trên thế giới ảnh hưởng rất mạnh đến dòng chảy thương mại và kinh tế quốc tế.

bộ trưởng trần tuấn anh
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh phát biểu tại Hội nghị trực tuyến Chính phủ với các địa phương, hôm nay (29/12)

Tuy nhiên, người đứng đầu ngành Công Thương cũng cho rằng, với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, chúng ta đã thực hiện nhất quán được các giải pháp linh hoạt để vừa tập trung  kiểm soát tốt dịch bệnh nhưng đồng thời tháo gỡ khó khăn để thúc đẩy sản xuất kinh doanh. Việt Nam có lẽ là một trong những quốc gia rất hiếm trên thế giới mà chúng ta đã khôi phục tình trạng bình thường mới để phát triển kinh tế.

Chính vì vậy, các chỉ số phát triển kinh tế, trong đó bao gồm công nghiệp, thương mại nội địa và thương mại quốc tế đều đạt con số khả quan.

Điển hình là giữa lúc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung tiếp tục leo thang, nhiều chuỗi cung ứng bị đứt gãy, thị trường xuất nhập khẩu hàng hóa gặp khó khăn, song Việt Nam đã khéo léo và kịp thời thực hiện các biện pháp nhằm khai thác tốt cả 2 thị trường này. Qua đó, xuất khẩu của Việt Nam sang cả 2 thị trường này đều ghi nhận tốc độ tăng trưởng rất cao.

Xuất khẩu sang Mỹ đạt gần 76,5 tỷ USD, tăng 24,7%; xuất khẩu sang Trung Quốc đạt gần 48,8 tỷ USD, tăng 17,7%.

Cùng với việc khai thác rất có hiệu quả thị trường EU ngay sau khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực thực thi từ ngày 1/8, đã đưa tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam cả năm 2020 đạt mức 281,47 tỷ USD, tăng 6,5%.

Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, dù đạt được một số kết quả tích cực nhưng chúng ta vẫn phải xác định, các áp lực và thách thức sẽ tiếp tục trong những năm tiếp theo, đặc biệt là dịch bệnh Covid-19 vẫn luôn thường trực.

“Bài học và nhiệm vụ cao nhất của chúng ta trong thời gian tới là cần phòng chống dịch bệnh. Vì chỉ cần lơ là lập tức sẽ gây hậu quả rất lớn cho kinh tế và xã hội, kéo lùi lại sự phát triển của xã hội. Chúng ta không được chủ quan, phải luôn luôn bám sát thực tiễn để ứng phó kịp thời”, Bộ trưởng nhấn mạnh.

Đề xuất 4 nhóm nhiệm vụ trọng tâm

Tại Hội nghị, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cũng đề xuất 4 nhóm nhiệm vụ cần tập trung trong phát triển kinh tế xã hội năm 2021:

Thứ nhất, tuyệt đối không được chủ quan, mất cảnh giác, phải bảo đảm thực hiện tốt công tác kiểm soát dịch bệnh ở trong nước. Coi đây là yếu tố quyết định để bảo đảm thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của năm 2021.

Thứ hai, tiếp tục hoàn thiện cơ chế chính sách và khung khổ pháp luật để thúc đẩy phát triển trong lĩnh vực năng lượng và công nghiệp.

Trước hết là tập trung xây dựng để sớm trình Chính phủ ban hành Tổng sơ đồ điện VIII, kèm theo đó là các cơ chế chính sách cụ thể để khơi thông và huy động nguồn lực.

Đối với lĩnh vực công nghiệp, Bộ Công Thương sẽ tập trung đẩy nhanh quá trình cơ cấu lại các ngành công nghiệp gắn với thực hiện chuyển đổi số, đặc biệt trong các ngành công nghiệp chế biến chế tạo nhằm tạo bứt phá và động lực mới cho tăng trưởng ở giai đoạn tiếp theo.

bộ công thương
Bộ Công Thương xác định năm 2021 sẽ là năm nhấn mạnh vai trò của thị trường trong nước

Đối với thương mại nội địa, Bộ Công Thương xác định năm 2021 sẽ là năm nhấn mạnh vai trò của thị trường trong nước. Tập trung xây dựng và hình thành các trung tâm logistics lớn trong cả nước, đặc biệt là các mô hình trung tâm phân phối lớn nhằm tăng cường công tác quản lý chuỗi cung ứng sản xuất với qui mô lớn và lưu thông, phân phối hàng hóa.

Cùng với đó, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin trong hoạt động thương mại, phát triển mạnh thương mại điện tử và sự gắn kết giữa thương mại điện tử với các loại hình hoạt động thương mại truyền thống.

Thứ ba, tổ chức thực thi pháp luật, hoàn thiện cơ sở pháp lý và các quy định về pháp luật. Nếu tổ chức tốt việc thực thi pháp luật thì sẽ khai thác rất hiệu quả các hiệp định thương mại tự do.

Ví dụ, Bộ NN&PTNT cùng Bộ Công Thương đã chủ động trong việc thực hiện EVFTA. Hàng loạt vấn đề liên quan đến tổ chức thực thi, khai thác thị trường châu Âu đã được hướng dẫn nhanh nhạy, nhờ đó, thương mại với EU đạt tốc độ tăng trưởng trong 3 tháng cuối năm cao nhất từ trước đến nay.

Dự kiến năm nay, Việt Nam xuất khẩu 281 tỷ USD,  so với con số dự kiến 300 tỷ USD trong tình huống không có dịch bệnh. Nếu không xảy ra dịch bệnh, chúng ta có những điều kiện cơ sở rất thuận lợi để đạt được yêu cầu, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết.

Thứ tư, Chính phủ và doanh nghiệp cần đồng hành với nhau để thực hiện phát triển thương mại điện tử và chuyển đổi số.

Trong bối cảnh năm 2020, nếu không linh hoạt khai thác tốt nền tảng số thì khó có thể đạt được các chỉ số như vừa qua. Việt Nam là nước được coi là chuyển nhanh sang xúc tiến thương mại trên nền tảng số, đã có 500 Hội nghị giao thương và xúc tiến thương mại trên nền tảng số và giúp cho doanh nghiệp và các địa phương có điều kiện khai thác thị trường nhất là các thị trường ở xa, mới nổi.

Bên cạnh đó, Bộ trưởng Trấn Tuấn Anh cũng cho rằng, năm 2021 là năm đầu tiên thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII và Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm, Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm tiếp theo.

Để tiếp tục góp phần tích cực vào sự phát triển chung của cả nước, trước hết là thực hiện thành công Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021, Bộ Công Thương đã tiến hành xây dựng Kế hoạch hành động triển khai thực hiện Nghị quyết số 01 năm 2021 của Chính phủ để có thể chính thức ban hành ngay sau khi Chính phủ ban hành Nghị quyết số 01 và tập trung chỉ đạo thực hiện cụ thể ngay từ những ngày đầu của năm 2021.

An Hạ