Xe chở nông sản dồn ứ xếp dài hàng cây số

Trong những ngày gần đây, tại khu vực cửa khẩu Tân Thanh (tỉnh Lạng Sơn) và cửa khẩu Kim Thành (tỉnh Lào Cai) đã xuất hiện tình trạng ùn ứ nông sản các loại xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, trong đó có thanh long.

Chung sức cùng địa phương, đoàn Công tác của Bộ Công Thương do ông Trần Thanh Hải - Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu chủ trì, phối hợp các Vụ: Thị trường châu Á, châu Phi; Thị trường trong nước... đã có buổi làm việc với tỉnh Lạng Sơn để nắm tình hình, đồng thời đưa ra những giải pháp, góp phần giải quyết tình trạng dồn ứ nông sản.

Thông tin về tình hình xuất nhập khẩu trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn thời gian qua, ông Hoàng Khánh Duy - Trưởng Phòng Quản lý xuất nhập cảnh, Sở Công Thương tỉnh cho biết, năm 2019, phía Trung Quốc chỉ cho phép nhập khẩu các mặt hàng nông sản, hoa quả các cửa khẩu: Hữu Nghị, Cốc Nam, Tân Thanh với 9 loại quả nhập khẩu vào Trung Quốc gồm: vải, nhãn, thanh long, chôm chôm, mít, xoài, chuối quả tươi và gần đây là măng cụt.

9 tháng năm 2019, thông qua các cửa khẩu trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn, Việt Nam xuất khẩu gần 2 triệu tấn nông sản sang thị trường Trung Quốc, chủ yếu là các loại trái cây: thanh long, dưa hấu, xoài, mít, nhãn, chuối quả tươi...

Riêng tại cửa khẩu phụ Tân Thanh (cửa khẩu chủ yếu xuất khẩu nông sản, đặc biệt là hoa quả Việt Nam sang thị trường Trung Quốc), theo thông lệ, vào cuối năm hàng hoá xuất khẩu tăng đột biến tại cửa khẩu này.

Trong Quý III/2019, lượng hàng hoá nông sản, trái cây xuất khẩu giảm nhiều so với cùng kỳ, số lượng phương tiện chở hàng xuất nhập khẩu thông quan trung bình khoảng 80-150 xe/ngày.

dồn ứ nông sản cửa khẩu tân thanh

dồn ứ nông sản
Hàng trăm xe container xếp hàng dài chờ thông quan. Tính đến 19h30 ngày 21/10/2019, lượng xe chở hàng nông sản dồn ứ tại cửa khẩu Tân Thanh còn khoảng 470 xe. Và đến sáng nay, 22/10, lượng xe ùn ứ giảm xuống còn gần 400 xe

Tuy nhiên, từ 15/10/2019 đến nay, lượng hàng hoá dồn về cửa khẩu Tân Thanh tăng đột biến, khoảng 250 xe/ngày, chủ yếu là thanh long và một số hàng nông sản khác từ các tỉnh: Bình Thuận, Gia Lai,, Tiền Giang... đang vào vụ thu hoạch chính nên nhu cầu xuất khẩu mặt hàng này và nhiều loại nông sản khác tăng cao.

Do đó, tại khu vực cửa khẩu Tân Thanh (tỉnh Lạng Sơn) đã xuất hiện tình trạng ùn ứ nông sản các loại xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, ông Hoàng Khánh Duy nói.

Nói rõ hơn về tình trạng này, ông Duy thông tin, hiện tượng các xe hàng nông sản ùn ứ khi làm thủ tục thông quan bắt đầu từ ngày 12/10 khi lực lượng Hải quan Trung Quốc đưa vào áp dụng hệ thống kiểm tra, giám sát toàn bộ quy trình hàng hóa nhập khẩu.

Theo đó, lực lượng chức năng phía Trung Quốc tăng cường kiểm tra, giám sát tại cổng kiểm soát số 1 đối với phương tiện ô tô, kể cả xe không hàng và có hàng của Việt Nam qua cửa khẩu Tân Thanh vào Trung Quốc, như việc gắn camera, máy soi... để kiểm tra xe hàng và cả lực lượng thực thi quản lí, kiểm soát của Trung Quốc tại cổng xe nhập cảnh.

Điều này, khiến thời gian làm thủ tục thông quan tăng đáng kể dẫn đến không đáp ứng được lưu lượng hàng về cửa khẩu, gây nên ùn ứ cục bộ. Trước đây việc thông quan không quá 2 phút/xe thì nay mất khoảng 6 - 7 phút/xe và trung bình một ngày tối đa chỉ thông quan được 120 - 150 xe, so với lúc cao điểm trước đây là 300 xe/ngày, ông Hoàng Khánh Duy nhấn mạnh.

Trước đây việc thông quan không quá 2 phút/xe thì nay mất khoảng 6 - 7 phút/xe và trung bình một ngày tối đa chỉ thông quan được 120 - 150 xe, so với lúc cao điểm trước đây là 300 xe/ngày

Theo đó, trong ngày 17/10, cửa khẩu Tân Thanh thông quan được 189 xe chở hoa quả, trong đó có 166 xe là thanh long. Ngày 18/10 đã xuất khẩu được 162 xe, trong đó có 142 xe là thanh long. Đến ngày 20/10 xuất khẩu được 159 xe, trong đó có 128 xe thanh long. Ngày 21/10, xuất khẩu được 148 xe, trong đó có 124 xe thanh long.

Đến 19h30 ngày 21/10/2019, lượng xe chở hàng nông sản dồn ứ tại cửa khẩu Tân Thanh còn khoảng 470 xe. Và đến sáng nay, 22/10, lượng xe ùn ứ giảm xuống còn gần 400 xe.

Cấp thức ăn, nước uống cho các lái xe, chủ hàng

Ngay sau khi xảy ra tình trạng ùn ứ hàng nông sản, ngày 16 và 17/10, UBND tỉnh Lạng Sơn đã chỉ đạo thành lập đoàn công tác tiến hành trao đổi, làm việc với lực lượng chức năng phía Trung Quốc, đề nghị phía bạn đẩy nhanh tiến độ kiểm tra, giám sát hàng hóa.

Cụ thể, ông Nông Hải Thăng - Phó Giám đốc Trung tâm Quản lý cửa khẩu Tân Thanh - Cốc Nam cho biết, khi xảy ra tình trạng dồn ứ nông sản, UBND tỉnh cũng đã có đề nghị, yêu cầu , phía Trung Quốc không thực hiện kiểm tra, giám sát tại cổng cửa khẩu mà chỉ thực hiện khi xe hàng đã vào bãi tập kết. Đồng thời, yêu cầu kéo dài thời gian làm thủ tục thông quan hàng hóa đến 21h hàng ngày, tạo thuận lợi cho hàng hóa xuất nhập khẩu hai bên, tránh gây thiệt hại cho người dân, doanh nghiệp.

dồn ứ nông sản

dồn ứ nông sản
Đoàn công tác của Bộ Công Thương do ông Trần Thanh Hải đã có buổi làm việc với tỉnh Lạng Sơn để nắm tình hình, đồng thời đưa ra những giải pháp, góp phần giải quyết tình trạng dồn ứ nông sản

Song song với đó, UBND tỉnh Lạng Sơn cũng đã trực tiếp kiểm tra tình hình thực tế, chỉ đạo các sở, ngành, lực lượng chức năng tại cửa khẩu; phân luồng, đảm bảo trật tự an toàn giao thông trên các tuyến đường ra cửa khẩu.

Cùng với đó, UBND tỉnh cũng đã bố trí lực lượng giải quyết ưu tiên thông quan xe chở hàng nông sản, kiểm tra công tác vệ sinh an toàn thực phẩm đối với các dịch vụ cung cấp thức ăn, nước uống cho các lái xe, chủ hàng, thậm chí, trực tiếp cung cấp đồ ăn, nước uống cho các lái xe.

Ngoài ra, UBND tỉnh cũng giao các cơ quan chức năng tiếp tục gặp gỡ, trao đổi với phía nước bạn để tháo gỡ vướng mắc, đề nghị phía Quảng Tây, Trung Quốc phải có lộ trình và có thông báo trước khi áp dụng các phần mềm mới trong quản lý xuất nhập cảnh; thông tin khuyến cáo đến các tỉnh có nông sản xuất khẩu qua cửa khẩu Tân Thanh để phối hợp điều tiết hợp lý lượng hàng hóa lên cửa khẩu này.

dồn ứ nông sản
Bộ Công Thương sẽ đồng hành cùng tỉnh Lạng Sơn gỡ tình trạng ùn ứ nông sản tại cửa khẩu Tân Thanh, nhất là đối với mặt hàng thanh long

Sau một thời gian ngắn đàm phán, trao đổi hai bên đã thống nhất: lực lượng Hải quan Trung Quốc có biện pháp đẩy nhanh tiến độ làm các thủ tục và xem xét cho phép phương tiện nhập cảnh vào các bến bãi, cho thực hiện, kiểm tra, kiểm soát tránh ách tắc tại khu vực cổng cửa khẩu. Hai bên cũng thống nhất thực hiện thời gian làm việc trong ngày từ 6h30 đến 19h30 (giờ Hà Nội).

Đồng thời, đề nghị phía Trung Quốc tiếp tục báo cáo, xin ý kiến lãnh đạo cấp trên để sớm thực hiện kéo dài thời gian làm việc đến 21h (giờ Hà Nội) và duy trì thực hiện mỗi khi lượng hàng xuất nhập khẩu tăng lên.

Đồng hành cùng Lạng Sơn gỡ tình trạng ùn ứ nông sản

Dự báo thời gian tới, tình hình xuất khẩu nông sản, trái cây của Việt Nam sang Trung Quốc qua cửa khẩu Tân Thanh sẽ tiếp tục gia tăng, hiện tượng ùn ứ hàng hóa khu vực cửa khẩu khả năng vẫn tiếp tục xảy ra, nhất là đối với mặt hàng thanh long và sắp tới là dưa hấu.

Để đảm bảo hoạt động xuất khẩu hàng nông sản, trái cây của Việt Nam được thuận lợi, tránh thiệt hại cho thương nhân và người dân, ông Nguyễn Quốc Hải - Phó Giám đốc Sở Công Thương Lạng Sơn kiến nghị với Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn thông báo, khuyến cáo tới các doanh nghiệp, thương nhân chủ động trong việc nghiên cứu, tìm hiểu, cập nhật tình hình những yêu cầu của thị trường xuất khẩu như: Tem nhãn, truy xuất nguồn gốc, chỉ dẫn vùng trồng, kiểm nghiệm, kiểm dịch, quy cách đóng gói, chất lượng, chủng loại...

Lắng nghe tình hình hoạt động, thông quan hàng hóa tại cửa khẩu Tân Thanh, ông Trần Thanh Hải đánh giá cao những giải pháp tức thời mà UBND tỉnh cũng như các sở, ngành trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn đã thực hiện để giải tỏa tình trạng dồn ứ nông sản cục bộ.

Ông Trần Thanh Hải cho biết, công tác điều tiết, điều hành của tỉnh đã tiến bộ hơn rất nhiều, có riêng một khu bãi, tạo điều kiện cho các xe tập kết, tránh tình trạng xe đỗ bừa bãi tại đường vào cửa khẩu, vừa đảm bảo an ninh trật tự, vừa đảm bảo việc thông quan diễn ra thuận lợi.

Sau chuyến đi này, đoàn công tác của Bộ Công Thương sẽ báo cáo lên Bộ trưởng Trần Tuấn Anh để sớm có những hành động, giải pháp kịp thời, chấm dứt tình trạng dồn ứ nông sản tại cửa khẩu Tân Thanh, ông Trần Thanh Hải nói.

Cùng với đó, ông Hải cũng cho rằng, bên cạnh giải pháp phối hợp giữa Bộ Công Thương và Bộ Nông nghiệp về công tác đàm phán, mở rộng diện mặt hàng xuất khẩu thì cần triển khai đàm phán diện mặt hàng được chấp nhận thông quan tại nhiều cửa khẩu. Ví dụ, có thể đàm phán để quả thanh long được xuất khẩu tại nhiều cửa khẩu khác chứ không chỉ ở Tân Thanh, vì hiện nay, cửa khẩu Cốc Nam hay Hữu Nghị đang rất thông thoáng...

Sau chuyến làm việc hôm nay, Bộ Công Thương sẽ tăng cường làm việc với các tỉnh thành để quán triệt, tác động các tỉnh, địa phương vào cuộc, chủ động kết nối tiêu thụ hàng hóa sản phẩm. Đồng thời, Bộ cũng đã có công văn khuyến cáo các địa phương, vùng trồng, các hiệp hội, doanh nghiệp điều tiết phù hợp lượng hàng hóa đưa ra cửa khẩu, tránh hiện tượng ùn ứ trong thời gian tới.

“Về mặt chính sách, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục trao đổi với phía Trung Quốc, nhất là hải quan Trung Quốc, để đưa ra một quy trình làm sao thống nhất trên cơ sở tạo thuận lợi cho doanh nghiệp hai nước trong hoạt động xuất nhập khẩu. Phối hợp với nước bạn để điều chỉnh thời gian làm việc, kéo dài thêm thời gian thông quan” - ông Trần Thanh Hải nói.