Bộ Công Thương họp khẩn tìm giải pháp ứng phó với dịch Corona

Ngay sau cuộc họp với Chính phủ ngày 30/01/2020, hôm nay Bộ trưởng Trần Tuấn Anh đã chủ trì cuộc họp khẩn với các đơn vị thuộc Bộ Công Thương có liên quan để sớm đánh giá, xây dựng kế hoạch toàn diện ứng phó với tác động của dịch cúm do virus Corona đang gây ra.

Trao đổi tại cuộc họp, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết tình hình dịch bệnh Corona đang ngày càng lây lan, gây ảnh hưởng lớn đến sức khỏe con người và thiệt hại về vật chất. Đặc biệt, Việt Nam là nước cận kề Trung Quốc với nhiều hoạt động giao thương đa dạng, có độ mở kinh tế lớn và độ trễ nhất định trong nhận thức xã hội nên càng chịu tác động lớn từ dịch bệnh này.

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh
Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh yêu cầu các đơn vị đánh giá toàn diện tác động trực tiếp và gián tiếp của dịch Corona lên các ngành kinh tế trong nước

Bộ trưởng cho rằng, cần đánh giá một cách toàn diện và có dự báo trước tác động của dịch bệnh này theo từng cấp độ tới các ngành kinh tế của Việt Nam nói chung và các lĩnh vực trong ngành Công Thương nói riêng, để từ đó xác định những giải pháp cấp bách và dài hạn.

Dịch Corona bắt đầu tác động tiêu cực tới thương mại trong và ngoài nước

Theo bà Lê Hoàng Oanh - Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Á - châu Phi, diễn biến phức tạp và khó lường của dịch Corona đang dẫn đến loạt hệ lụy đối với thương mại và xuất nhập khẩu của Việt Nam.

Trong đó, việc Trung Quốc thực hiện một loạt biện pháp đối phó dịch đang có ảnh hưởng tiêu cực đến thương mại nhiều nước, trong đó có Việt Nam.

Xuất khẩu một số mặt hàng như trái cây, cà phê, thủy sản có nguy cơ bị ngưng trệ do nhu cầu tiêu thụ tại thị trường nội địa Trung Quốc giảm và chính sách hạn chế giao thương mà Chính phủ Trung Quốc đang từng bước thực hiện.

Nhiều đoàn khảo sát mở cửa thị trường dự kiến được tổ chức trong quý I/2020 đối với một số mặt hàng của Việt Nam như tổ yến, thủy sản,… cũng đã bị tạm thời dừng lịch.

Bà Lê Hoàng Oanh - Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Á - châu Phi
Bà Lê Hoàng Oanh - Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Á - châu Phi

Số liệu của Cục Xuất nhập khẩu cho thấy, năm 2019, tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc đạt 41,4 tỷ USD, trong đó nông sản chiếm 7 tỷ USD, với 3,3 tỷ USD nông sản là xuất khẩu qua đường bộ như cửa khẩu chính, cửa khẩu phụ, lối mở,…

“Ảnh hưởng đầu tiên là đến mặt hàng thanh long, sau khi Trung Quốc dừng thông quan qua các chợ biên giới tại Hà Khẩu và Tân Thanh, hiện ta còn khoảng 35.000-40.000 tấn thanh long chưa xuất khẩu được. Giá thanh long trong nước cũng giảm từ 40.000-50.000/kg còn 20.000-30.000 đồng/kg”, ông Phan Văn Chinh - Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu cho biết, khẳng định nếu dịch bệnh tiếp tục diễn biến lớn hơn xuất khẩu của Việt Nam có thể chịu ảnh hưởng lên đến vài chục triệu USD.

Ông Phan Văn Chinh - Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (bên trái)
Ông Phan Văn Chinh - Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (bên trái)

Theo ông Trần Duy Đông - Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước cho rằng tổng mức bán lẻ dự báo sẽ chịu tác động đầu tiên từ dịch Corona, do tâm lý e ngại của người tiêu dùng dẫn đến tổng cầu trong nước giảm, đặc biệt khi hai yếu tố cấu thành nhiều đến bán lẻ là lĩnh vực kinh doanh ăn uống và các dịch vụ vui chơi giải trí, trung tâm giải trí lớn, đông người sẽ giảm.

Người tiêu dùng cũng có sự dịch chuyển nhu cầu mua sắm từ chợ truyền thống sang trung tâm thương mại, siêu thị, hệ thống mua sắm hiện đại hơn để tránh lây lan bệnh dịch, tìm nguồn hàng an toàn.

Cùng với đó, giá dầu thô từ khi dịch bệnh bùng phát cũng đã có 7/8 phiên giảm, dự báo còn tiếp tục giảm.

Ông Trần Duy Đông - Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước
Ông Trần Duy Đông - Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước

Quan trọng nhất, Vụ Thị trường trong nước cho biết đang theo dõi sát sao khi nhận thấy có khả năng mất cân đối cung cầu, tăng giá ở một số mặt hàng có nhu cầu tăng đột biến trong thời điểm dịch Corona diễn ra như khẩu trang, thuốc cúm, thuốc sát trùng,… Đây là vấn đề quan trọng ảnh hưởng đến yếu tố CPI trong nước thời gian này.

“Khi mà nhu cầu trong nước lớn sẽ xuất hiện tình trạng cũng bắt đầu nhen nhóm là một số nơi sản xuất kinh doanh mặt hàng giả, mặt hàng không đáp ứng được tiêu chuẩn chất lượng, không rõ xuất xứ nguồn gốc”, ông Trần Duy Đông đặt vấn đề, đồng thời cho rằng, một số nhà khoa học cũng khoanh vùng nguy cơ lây lan bệnh dịch là từ những động vật hoang dã, do đó cần có chỉ thị, kế hoạch tăng cường kiểm tra việc kinh doanh thực phẩm tươi sống, đặc biệt là tập trung vào động vật hoang dã.

Các ngành sản xuất công nghiệp trong nước, trong đó có ngành chế biến thực phẩm và sản xuất vật tư y tế, cũng đang đứng trước áp lực về chất lượng và sản lượng từ tác động của bệnh dịch.

Đánh giá cụ thể tình hình để có những kịch bản ứng phó tốt nhất cho sản xuất, kinh doanh

Đại diện các Cục, Vụ thuộc Bộ Công Thương cho rằng, trước mắt cần theo dõi sát diễn biến bệnh dịch để có những đánh giá, dự báo cụ thể mức độ tác động mà nó gây ra đến xuất khẩu và thương mại nội địa.

Tăng cường kết nối cung cầu, xúc tiến thị trường trong nước kết hợp với chính sách quản lý nhập khẩu hợp lý để tập trung đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm hàng hóa Việt Nam tại sân nhà.

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường Chu Thị Thu Hương cho biết đã có văn bản chỉ đạo lực lượng quản lý thị trường cả nước phối hợp với các lực lượng chức năng tại từng địa phương như y tế, công an, hải quan, biên phòng,… tăng cường kiểm tra, kiểm soát các mặt hàng trang thiết bị, tân dược, vật tư y tế như thuốc, khẩu trang, dung dịch rửa tay,… ngăn chặn tình trạng tăng giá quá mức, lợi dụng dịch bệnh bùng phát để bán hàng giả, hàng kém chất lượng.

Bà Chu Thị Thu Hương - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường
Bà Chu Thị Thu Hương - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường

Tuy nhiên, về lâu dài, các đơn vị thuộc Bộ Công Thương cho rằng cần có sự phối hợp giữa các Bộ ngành để giải quyết bài toán về sản xuất theo tín hiệu thị trường, khuyến nghị ngành nông nghiệp tái cơ cấu sản xuất theo hướng giảm số lượng và tăng chất lượng, về lâu dài sẽ giúp giảm áp lực, giải tỏa số lượng nông sản quá lớn vào một thị trường, tạo ra năng lực cạnh tranh tại nhiều thị trường khác, kể cả các thị trường có tiêu chuẩn cao. 

Đồng thời, Bộ cũng sẽ tiếp tục xúc tiến mở cửa thị trường tiềm năng khác với các mặt hàng nông sản đang gặp khó khi xuất khẩu sang Trung Quốc, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu của Việt Nam.

Ông Dương Duy Hưng - Vụ trưởng Vụ Kế hoạch cho biết, các Vụ, Cục cần làm rõ những đánh giá tác động dựa trên cơ sở, con số thực tế cũng như kiến nghị cụ thể giải pháp không chỉ Bộ Công Thương, mà các Bộ ngành có thể tham gia phối hợp để ứng phó dịch Corona toàn diện và hiệu quả. Các ý kiến này sẽ được đưa vào báo cáo của Bộ Công Thương trình Chính phủ về kịch bản ứng phó với dịch Corona cho hoạt động giao thương sắp tới.

Ông Dương Duy Hưng - Vụ trưởng Vụ Kế hoạch (bên phải)
Ông Dương Duy Hưng - Vụ trưởng Vụ Kế hoạch (bên phải)

Ghi nhận ý kiến của các đơn vị, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết sẽ cần có những nghiên cứu cụ thể hơn nữa để đánh giá chính xác và toàn diện về tác động mà dịch Corona có thể gây ra đối với kinh tế Việt Nam nói chung và hoạt động xuất khẩu, sản xuất - thương mại nội địa nói riêng vào thời điểm này. Trong đó, cần tính đến cả những kịch bản xấu nhất khi bệnh dịch bùng phát lớn hơn và kéo dài.

Theo Bộ trưởng, điều cần thiết nhất hiện nay là theo dõi sát sao và cập nhật thông tin thường xuyên liên quan đến dịch bệnh, từ đó thực hiện đánh giá, dự báo trước mức độ lây nhiễm và phát triển của dịch bệnh, kéo theo tác động đến hoạt động xuất nhập khẩu, thương mại nội địa. Đặc biệt cần theo dõi sự biến động trong chính sách của các quốc gia, tổ chức bên ngoài không chỉ ở Trung Quốc mà còn trên toàn cầu để dự báo được ảnh hưởng trực tiếp và gián tiếp đến Việt Nam.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh

Bộ Công Thương cũng như Chính phủ đều có quan điểm rất rõ ràng và quyết liệt là đặt sức khỏe người dân lên hàng đầu, kể cả chấp nhận thiệt hại về kinh tế”, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nhấn mạnh, do đó cần tìm ra những giải pháp để bảo vệ cả người dân và tránh được tối đa tổn thương đến các ngành kinh tế trong nước.

Bộ trưởng cũng đồng tình với ý kiến của các đơn vị về việc mở rộng xúc tiến tại các thị trường xuất khẩu khác, trước mắt tập trung vào các thị trường còn nhiều tiềm năng và dư địa để đạt được hiệu quả sớm nhất.

Bộ công thương
Đặc biệt Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho rằng cần giải quyết bài toán nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm và doanh nghiệp theo hướng bền vững

Trong đó, những thị trường mà Việt Nam đã tham gia ký kết, thực thi FTA như CPTPP, EVFTA sẽ cần được chú trọng xây dựng kế hoạch thâm nhập ngay từ bây giờ.

Tuy nhiên, người đứng đầu Bộ Công Thương cũng cho rằng, bên cạnh những giải pháp trước mắt như kiểm soát cung cầu, giá cả và tình trạng hàng giả, hàng nhái trên thị trường, hơn bao giờ hết Việt Nam cần giải quyết bài toán nâng cao chất lượng, đảm bảo đáp ứng tiêu chuẩn về kỹ thuật, nguồn gốc xuất xứ. Năng lực cạnh tranh của sản phẩm và doanh nghiệp sẽ là chìa khóa để tái cơ cấu bền vững, hiệu quả các ngành kinh tế cũng như các thị trường xuất khẩu, theo Bộ trưởng.

Bộ trưởng lưu ý, trong quá trình nghiên cứu đánh giá và đề xuất kiến nghị, các Vụ, Cục cần làm rõ vai trò của mỗi Bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp dựa trên tiềm lực kinh tế và chức năng đúng.

Bộ Công Thương sẽ sớm thành lập nhóm công tác với sự tham gia của lãnh đạo Bộ và các đơn vị trực thuộc nhằm ứng phó với tác động của dịch bệnh Corona đến các lĩnh vực trong chức năng quản lý ngành Công Thương.

Thy Thảo