Bộ Công Thương khuyến cáo doanh nghiệp dịch vụ nghỉ dưỡng về đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng

Thời gian vừa qua, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng, Bộ Công Thương cho biết đã nhận được nhiều đơn thư khiếu nại, tố cáo của người tiêu dùng liên quan tới hợp đồng sở hữu kỳ nghỉ.

Trong các hợp đồng này, đối tượng mua bán là sở hữu kỳ nghỉ và người tiêu dùng được sử dụng kỳ nghỉ dưỡng do doanh nghiệp cung cấp trên cơ sở lặp lại định kỳ trong một thời hạn nhất định.

Cụ thể, người tiêu dùng đã phản ánh một số vấn đề liên quan tới các hợp đồng này:

  • Hợp đồng ký kết với người tiêu dùng có nhiều nội dung không rõ ràng, gây bất lợi cho người tiêu dùng; miễn trách nhiệm cho doanh nghiệp; loại bỏ quyền khiếu nại của người tiêu dùng;
  • Trong quá trình tư vấn giới thiệu sản phẩm, nhân viên của doanh nghiệp đã tư vấn, giới thiệu sản phẩm sai mục đích, cung cấp thông tin sai sự thật, gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng;
  • Trong quá trình thực hiện hợp đồng, doanh nghiệp không trả lời hoặc giải quyết các khiếu nại, thắc mắc của người tiêu dùng và có hành vi liên tục gửi email và gọi điện thoại cho người tiêu dùng yêu cầu nộp tiền, đe dọa chấm dứt hợp đồng và không trả lại tiền người tiêu dùng đã nộp gây ảnh hưởng tới sức khỏe, tâm lý của người tiêu dùng.

Để đảm bảo việc chấp hành quy định pháp luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng khuyến cáo các doanh nghiệp có trách nhiệm cung cấp đầy đủ, chính xác thông tin về hàng hóa, dịch vụ mà doanh nghiệp cung cấp cho người tiêu dùng cũng như nội dung, đặc điểm của giao dịch giữa người tiêu dùng và doanh nghiệp trước khi ký kết hợp đồng.

Trường hợp có áp dụng hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung, doanh nghiệp có trách nhiệm thông báo chính xác, đầy đủ cho người tiêu dùng về hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung trước khi giao dịch.

Doanh nghiệp không được quyền áp đặt, ép buộc người tiêu dùng ký kết hợp đồng khi chưa đạt được thỏa thuận, thống nhất với khách hàng. Việc ký kết hợp đồng phải thực hiện trên cơ sở thương lượng, thiện chí của hai bên.

Đồng thời, doanh nghiệp có trách nhiệm tiếp nhận, tiến hành thương lượng với người tiêu dùng trong thời hạn không quá 7 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được yêu cầu của người tiêu dùng để giải quyết các tranh chấp giữa hai bên. Trường hợp hai bên không thương lượng được, các bên có quyền sử dụng các biện pháp giải quyết tranh chấp khác theo quy định pháp luật như hòa giải, trọng tài hoặc tòa án.   

Đối với người tiêu dùng, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng khuyến cáo cần tìm hiểu, xác minh rõ các thông tin về hàng hóa, dịch vụ do doanh nghiệp cung cấp, đọc và nghiên cứu kỹ toàn bộ nội dung của hợp đồng và các phụ lục kèm theo trước khi ký kết. Trong trường hợp có quy định, điều khoản chưa rõ ràng, người tiêu dùng cần đề nghị doanh nghiệp sửa đổi, bổ sung hoặc làm rõ.

Thy Thảo