Bộ Công Thương quyết liệt triển khai Chính phủ điện tử

Bộ Công Thương quyết tâm trở thành một trong những Bộ đầu tiên theo CPĐT, trở thành Bộ Công Thương điện tử trong thời gian tới.

Tại cuộc họp diễn ra chiều ngày 19/7, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh đã chỉ đạo các đơn vị thuộc Bộ sâu sát, chủ động triển khai các nhiệm vụ, quyết tâm trở thành Bộ Công Thương điện tử trong thời gian tới.


Bộ trưởng Trần Tuấn Anh đánh giá, trên thực tế, thời gian vừa qua, Bộ đã có những bước phát triển, đạt kết quả nhất định trong việc ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT). Tuy nhiên, Bộ trưởng thẳng thắn nhận xét những hạn chế còn tồn tại. Đặc biệt, sau một thời gian triển khai đãcó dấu hiệu thiếu sự quan tâm trong việc đôn đốcthực hiện của một số đơn vị.

Xác định đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng, Bộ trưởng đã yêu cầu đại diện Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số và Lãnh đạo các đơn vị liên quan báo cáo một cách trực diện, thực chất các công việc triển khai từ đầu nhiệm kỳ, những kết quả, tồn tại, hạn chế, nguyên nhân chủ quan, với tinh thần cầu thị, rút kinh nghiệm trong quá trình tổ chức thực hiện, định hướng khắc phục thời gian tới. Trong đó, Bộ trưởng đặc biệt yêu cầu nghiêm túc đánh giá trách nhiệm, vai trò của người đứng đầu và đơn vị phụ trách trong triển khai nhiệm vụ liên quan đến ứng dụng CNTT và CPĐT tại Bộ.

Kết luận buổi làm việc, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh đánh giá, Lãnh đạo Bộ và Lãnh đạo các đơn vị đã thảo luận kỹ và sâu các nội dung, kết quả triển khai về ứng dụng CNTT và xây dựng CPĐT tại Bộ thời gian qua.

Theo đó, Bộ Công Thương đã triển khai nhiệm vụ này từ nhiệm kỳ trước, tiếp tục đẩy mạnh trong giai đoạn 2016 – 2020. Bộ đã giao nhiệm vụ cho các đơn vị xây dựng kế hoạch tổng thể về ứng dụng CNTT trong các hoạt động quản lý nhà nước của Bộ, xây dựng hệ thống DVC trực tuyến, CPĐT, ban hành các hướng dẫn cụ thể về việc triển khai thực hiện. Tuy nhiên, thời gian vừa qua, mặc dù nội dung xây dựng rất đồng bộ, đảm bảo cấu trúc của CPĐT trên nền tảng ứng dụng CNTT, đảm bảo yêu cầu của môi trường kiến tạo, cải cách, hướng tới hỗ trợ hiệu quả cho người dân và doanh nghiệp…lại chưa thực hiện một cách đồng bộ, thiếu trách nhiệm đôn đốc của người đứng đầu nên hiệu quả chưa cao.

Qua rà soát, đánh giá, Bộ trưởng đã thẳng thắn, quyết liệt chỉ ra 9 vấn đề còn tồn tại, hạn chế trong việc ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng Chính phủ điện tử của Bộ Công Thương thời gian qua:

1. Có cả thể chế, bộ máy để chỉ đạo, điều hành xây dựng CPĐT và có Ban chỉ đạo của Bộ nhưng suốt 2 năm qua không có cuộc họp nào…

2. Trong các kế hoạch ban hành, tỷ lệ và khối lượng thực hiện được rất thấp, trừ Cổng DVC trực tuyến và các thủ tục hành chính công trực tuyến đã hoàn thành ở cấp độ 3 và 4, một số ở cấp độ 2, còn lại chưa làm hoặc làm nhưng tính ứng dụng và hiệu quả chưa cao.

3. DVC trực tuyến Bộ triển khai ở cấp độ 3 và 4, một số ở cấp độ 2 nhưng hiệu quả thực tế chưa cao.

4. Các phần mềm quản lý chuyên ngành chưa tốt, chưa xây dựng và khai thác cơ sở dữ liệu chuyên ngành.

5. Các hoạt động ứng dụng CNTT như thư điện tử, quản lý văn bản đã xây dựng, có cả quy chế thực hiện nhưng do thiếu đôn đốc, kiểm tra thực hiện, đến nay, sau một thời gian lại trở về tình trạng vừaxử lý bằng văn bản giấy vừa xử lý văn bản điện tử.

6. Hạ tầng CNTT phục vụ ứng dụng CNTT và xây dựng CPĐT chưa đảm bảo.

7. Chưa ban hành đầy đủ quy trình, quy chuẩn, quy chế liên quan đến quản lý, xử lý văn bản; hướng dẫn các DVC chưa ban hành… do đó không đồng bộ hóa với việc xây dựng CPĐT.

8. Nguồn nhân lực còn hạn chế, đào tạo cán bộ chuyên trách chưa đảm bảo…

9. Hệ thống cơ sở dữ liệu còn hạn chế ảnh hưởng nhiều đến chính sách cũng như việc khai thác hiệu quả phục vụ yêu cầu phát triển, nhất là môi trường kiến tạo.

Bộ trưởng khẳng định quyết tâm: Bộ Công Thương phải trở thành một trong những Bộ đầu tiên theo CPĐT, trở thành Bộ Công Thương điện tử trong thời gian tới.

Bộ trưởng yêu cầu Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số rà soát lại toàn bộ các văn bản Bộ ban hành, căn cứ ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủtrong xây dựng CPĐT, rà soát với các yêu cầu của Chính phủ trong việc xây dựng CPĐT, gắn kết trong tổng thể chung về Chính phủ kiến tạo trên nền tảng cải cách hành chính, cải cách thể chế, tinh giản bộ máy… về xây dựng CPĐT và CNTT. Phải kiến trúc được mô hình của CPĐT trong giai đoạn tới đây với những mục tiêu, yêu cầu, nhiệm vụ cụ thể trong năm 2018 – 2020 và kế hoạch của từng năm trong giai đoạn này.

Bộ trưởng chỉ đạoCục Thương mại điện tử và Kinh tế sốlàm việc với Văn phòng Bộ củng cố và hoàn thiện Cổng thông tin điện tử của Bộ, tích hợp tất cả thông tin trong tất cả lĩnh vực, trên cơ sở phối hợp chặt chẽ với các đơn vị trong Bộ, thông qua ứng dụng CNTT, phải đảm bảo hoạt động của Cổng hiệu quả, trở thành kênh truyền thông phục vụ tốt cho nhu cầu người dân và doanh nghiệp.

Một số những nhiệm vụ cụ thể liên quan đến CPĐT về chữ ký số, giao dịch điện tử…, Bộ trưởng yêu cầu Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số phối hợp với Văn phòng Bộ và các đơn vị khẩn trương rà soát và đưa vào Chương trình công tác của Bộ giai đoạn tới, đảm bảo các hoạt động của Bộ sắp tới từng bước điện tử hóa, số hóa, đảm bảo hiệu quả quản lý nhà nước.

Bộ trưởng chỉ đạo Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số soạn thảo văn bản quyết định thành lập Ban chỉ đạo của Bộ về xây dựng CPĐT và ứng dụng CNTT do Bộ trưởng là Trưởng Ban, 02 Thứ trưởng là Phó Ban, Thủ trưởng các đơn vị là thành viên, trong đó Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số là thường trực của Ban chỉ đạo.

PV