Bộ Công Thương: Theo dõi sát diễn biến giá thịt heo phục vụ Tết

Theo Bộ Công Thương sự chuẩn bị về nguồn hàng sớm và chủ động của các doanh nghiệp, hộ kinh doanh nên cung cầu, giá cả hàng hóa sẽ không có biến động bất thường, thị trường tương đối bình ổn giai đoạn cuối năm, Tết Dương lịch.
bình ổn thị trường
Bộ Công Thương yêu cầu các đơn vị theo dõi sát diễn biến cung cầu, giá cả các mặt hàng thiết yếu, nhất là các mặt hàng thực phẩm và thịt heo để phục vụ Tết

Báo cáo về hoạt động thương mại tháng 11 và 11 tháng năm 2020 của Bộ Công Thương dự báo, giai đoạn cuối năm, Tết Dương lịch, thị trường hàng hóa sẽ sôi động hơn, nhu cầu hàng hóa chuẩn bị Tết, nhu cầu dịch vụ ăn uống phục vụ liên hoan, cưới hỏi tăng; các yếu tố tác động về giá cả từ thị trường hàng hóa thế giới đang trong xu thế phục hồi.

"Sự chuẩn bị về nguồn hàng sớm và chủ động của các doanh nghiệp, hộ kinh doanh nên cung cầu, giá cả hàng hóa sẽ không có biến động bất thường, thị trường tương đối bình ổn", Bộ Công Thương dự báo.

Theo đó, Bộ yêu cầu bảo đảm cân đối cung cầu, góp phần bình ổn thị trường, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội.

Trong đó, tiếp tục triển khai các hoạt động kết nối cung cầu, xúc tiến thương mại; phối hợp với các địa phương triển khai các chương trình kích cầu nội địa nhằm kích thích tiêu dùng và hỗ trợ các doanh nghiệp tiêu thụ hàng hóa sản xuất trong nước.

Đặc biệt theo dõi sát diễn biến cung cầu, giá cả các mặt hàng thiết yếu, nhất là các mặt hàng thực phẩm và thịt heo để phục vụ Tết, triển khai hiệu quả Chương trình Bình ổn thị trường, đôn đốc các doanh nghiệp tiếp tục chủ động nguồn hàng, đẩy mạnh cung ứng hàng hóa bảo đảm về số lượng, chất lượng cho thị trường với mức giá ổn định.

Bên cạnh đó, lực lượng Quản lí thị trường tiếp tục đẩy mạnh công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường trong nước trong dịp cuối năm 2020 và dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021 nhằm ngăn chặn hiệu quả tình trạng hàng lậu, hàng không đạt tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm, hàng giả, hàng gian lận thương mại, kém chất lượng. Đồng thời xử lí nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động thương mại tại các địa phương.

Thông tin về việc cung ứng hàng hóa cho thời điểm cuối năm và dịp tết, đại diện Công ty Cổ phần Thương mại Dịch vụ Tổng hợp VinCommerce cho biết, kế hoạch chuẩn bị hàng Tết đã được thực hiện ngay từ tháng 10. Năm nay, do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, vì vậy, doanh nghiệp này sẽ chuẩn bị nguồn cung tập trung vào các nhu yếu phẩm thiết thực cho các bữa cơm gia đình.

Đối với nhóm hàng thực phẩm tươi sống, đại diện VinCommerce cho hay, trong năm nay gặp nhiều khó khăn về nguồn cung do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 nên hàng hoá vận chuyển từ nước ngoài về không thuận lợi. Bên cạnh đó, nguồn cung trong nước cũng thiếu hụt do ảnh hưởng bởi các đợt mưa, bão tại các vùng nguyên liệu.

bình ổn thị trường dịp tết
Để kích cầu người mua trong những thời điểm cuối năm, đại diện Saigon Co.op sẽ áp dụng khuyến mãi rầm rộ, liên tục và hoàn toàn ưu tiên cho hàng Việt

Để kích cầu người mua trong những thời điểm cuối năm, đại diện Saigon Co.op sẽ áp dụng khuyến mãi rầm rộ, liên tục và hoàn toàn ưu tiên cho hàng Việt; tăng diện tích quầy kệ cho hàng Việt tại toàn bộ hệ thống siêu thị, cửa hàng, trung tâm thương mại của Saigon Co.op.

Cùng với đó là tăng số lượng mặt hàng hơn 50% hàng Việt trên một số kênh mua sắm và ứng dụng Saigon Co.op; giảm giá thuê tối đa cho các gian hàng kinh doanh hàng Việt trong khu tự doanh tại hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại trên cả nước.

Bà Trần Thị Phương Lan - Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho biết, để bảo đảm cân đối cung - cầu hàng hóa, bình ổn thị trường dịp cuối năm 2020 và Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021, các đơn vị sản xuất, kinh doanh trên địa bàn xây dựng kế hoạch chuẩn bị hàng hóa, tổ chức các điểm bán, các chương trình bán hàng phục vụ đầy đủ nhu cầu tiêu dùng của người dân.

Riêng tại thành phố Hà Nội, ước tính tổng giá trị hàng hóa phục vụ Tết trên địa bàn thành phố Hà Nội đạt khoảng 39.400 tỷ đồng (tăng khoảng 5% so với kế hoạch Tết năm 2020).

Đối với các mặt hàng thiết yếu như gạo, thực phẩm tươi sống, trứng gia cầm, thủy hải sản… đến hết tháng 11.2020, đã có 25 đơn vị sản xuất, kinh doanh của thành phố Hà Nội và các tỉnh, hai tổ chức tín dụng đăng ký tham gia kế hoạch bảo đảm hàng hóa phục vụ nhân dân Thủ đô dịp cuối năm 2020 và Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021.

Các doanh nghiệp đã xây dựng kế hoạch khai thác lượng hàng hóa thiết yếu phục vụ Tết tăng từ 7 đến 22% so với kế hoạch Tết năm 2020.

Ngoài ra, Sở Công Thương Hà Nội cũng phối hợp với Sở Công Thương các tỉnh, thành phố lân cận tổ chức, tham gia các hoạt động kết nối cung - cầu để tạo điều kiện cho doanh nghiệp tìm kiếm, khai thác nguồn hàng phục vụ Tết cho nhân dân Thủ đô.

Nhìn chung, nguồn cung các mặt hàng dồi dào, cơ bản đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của nhân dân dịp Tết, Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan nhận định.

[Quảng cáo]

Hạ An