Bộ Công Thương thông báo rà soát chống bán phá giá với thép mạ Trung Quốc, Hàn Quốc

Sau 01 năm áp dụng biện pháp chống bán phá giá, Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương) thông báo về việc tiếp nhận hồ sơ yêu cầu rà soát lần thứ nhất biện pháp chống bán phá giá đối với một số mặt hàng thép mạ có xuất xứ Trung Quốc và Hàn Quốc nhập khẩu vào Việt Nam.

Theo đó, tới  ngày 12 tháng 11 tới đây là được một năm áp dụng biện pháp chống bán phá giá đối với một số mặt hàng thép mạ có xuất xứ từ nước Trung Quốc và Hàn Quốc.

Các bên liên quan theo quy định tại Điều 74 Luật Quản lý ngoại thương số 05/2017/QH14 có quyền nộp hồ sơ yêu cầu rà soát theo hướng dẫn lập hồ sơ kèm đính kèm thông báo này.

 Phạm vi đề nghị rà soát bao gồm nhưng không giới hạn bởi các nội dung sau:  Phạm vi hàng hóa thuộc đối tượng áp dụng biện pháp chống bán phá giá;  Biên độ bán phá giá đang áp dụng đối với một hoặc một số doanh nghiệp nước ngoài cụ thể; Thiệt hại của ngành sản xuất trong nước.

thép mạ Trung Quốc
Thép mạ Trung Quốc (Ảnh minh họa)

 

Sau khi kết thúc thời hạn rà soát, căn cứ vào kết luận điều tra, Cục Phòng vệ thương mại sẽ kiến nghị Bộ trưởng Bộ Công Thương một trong các phương án như sau:  Tiếp tục áp dụng biện pháp chống bán phá giá theo quy định hiện hành; và/hoặc điều chỉnh biện pháp chống bán phá giá tương ứng với kết quả rà soát; hoặc chấm dứt việc áp dụng biện pháp chống bán phá giá.

Việc tiến hành các thủ tục liên quan đến quá trình rà soát sẽ không gây cản trở tới việc áp dụng biện pháp chống bán phá giá đang có hiệu lực.

Hồ sơ theo hướng dẫn phải được điền đầy đủ và nộp trực tiếp tới Cơ quan điều tra, trước 17h00 ngày 11 tháng 11 năm 2019 (theo giờ Hà Nội) về Cục Phòng vệ thương mại – Bộ Công Thương; Địa chỉ: 25 Ngô Quyền, Hoàn Kiếm, Hà Nội, Việt Nam.

Trước đó, ngày 12 tháng 11 năm 2018, sau một năm áp dụng biện pháp chống bán phá giá đối với một số mặt hàng thép hình chữ H có xuất xứ từ Trung Quốc và thuế chống bán phá giá đối với một số mặt hàng thép hình mạ có xuất xứ từ Hàn Quốc, Trung Quốc, bộ Công thương Tiếp tục duy trì mức thuế này và cho phép các bên liên quan có 60 ngày để rà soát lại quyết định này.

Theo đó, bốn công ty sản xuất thép chữ H của Trung Quốc chịu mức thuế từ 20,48-22,09%, trong khi các công ty sản xuất, xuất khẩu khác không  hợp tác chịu thuế ở mức 29,17%.

Với sản phẩm thép mạ, các doanh nghiệp xuất khẩu thép mạ của Trung Quốc lần lượt bị áp thuế ở mức 3,17-38,34%, trong khi các doanh nghiệp Hàn Quốc có mức thuế thấp hơn, từ 7,02-19%.

Trước đó, vụ kiện được khởi xướng vào tháng 12-2015 từ  bốn nhà sản xuất thép mạ trong nước,  gồm:  Công ty cổ phần China Steel Sumikin Việt Nam (CSVC), Công ty TNHH Tôn Phương Nam, Công ty cổ phần Thép Nam Kim và Công ty cổ phần Tôn Đông Á.

 

Điều 82 (1) (a) Luật Quản lý ngoại thương số 05/2017/QH14 quy đinh: “sau 01 năm kể từ ngày có quyết định áp dụng biện pháp chống bán phá giá, Bộ trưởng Bộ Công Thương có quyền quyết định rà soát vụ việc áp dụng biện pháp chống bán phá giá theo đề nghị của một hoặc nhiều bên liên quan trong vụ việc điều tra và trên cơ sở xem xét các bằng chứng do bên đề nghị cung cấp”.

Điều 58 (1) Nghị định 10/2018/NĐ-CP quy định: “trong thời hạn 60 ngày trước khi kết thúc 01 năm kể từ ngày có quyết định áp dụng biện pháp chống bán phá giá, chống trợ cấp chính thức hoặc quyết định mới nhất về kết quả rà soát biện pháp chống bán phá giá, chống trợ cấp, các bên liên quan theo quy định tại Điều 59 của Nghị định này có thể nộp Hồ sơ yêu cầu rà soát, trừ trường hợp thời hạn nộp hồ sơ ít hơn 09 tháng tính đến thời hạn Bộ trưởng Bộ Công Thương phải quyết định có tiến hành rà soát cuối kỳ biện pháp chống bán phá giá, chống trợ cấp hay không”.

Tuấn Hưng