Chiều 3/8/2020, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Người phát ngôn Chính phủ Mai Tiến Dũng chủ trì buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 7/2020.

Buổi họp báo diễn ra ngay sau phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 7/2020 dưới sự chủ trì của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và trong bối cảnh dịch Covid-19 đã bùng phát trở lại tại Việt Nam và có thêm nhiều ca bệnh được phát hiện tại một số địa phương, trong đó có Đà Nẵng, Hà Nội và TP. HCM.

Xuất siêu, thu hút FDI là điểm sáng

Chủ trì buổi họp báo, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết, sau 99 ngày không có ca nhiễm trong cộng đồng, những ngày qua, chúng ta liên tiếp phát hiện những ca nhiễm Covid-19 mới, địa bàn tập trung tại Đà Nẵng, Quảng Nam...

Dưới sự chủ trì của Thủ tướng Chính phủ đã có 3 phiên họp thường trực Chính phủ, Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống Covid-19, đặc biệt Bộ Y tế đã có những chỉ đạo quyết liệt. Thông qua những phiên họp, Thủ tướng đã đưa ra những giải pháp đồng bộ căn cơ, mục tiêu “khoanh nhanh, dập nhanh ổ dịch”, phong tỏa bệnh viện, khu dân cư, những địa điểm có người nhiễm Covid-19...

Thủ tướng đã đưa ra giải pháp rất mạnh, chỉ đạo Bộ Y tế tăng cường đội ngũ y bác sỹ; tăng cường khả năng xét nghiệm; chỉ đạo các địa phương rà soát người dân đi về từ vùng dịch Đà Nẵng.

“Quan điểm của Chính phủ là chỉ tập trung phong tỏa nơi trung tâm ổ dịch và giãn cách xã hội ở nơi có dịch, còn lại sẽ khoanh vùng trong bán kính vừa đủ để quản lý, phân loại, kiểm soát phòng, chống dịch”, người phát ngôn Chính phủ nhấn mạnh.

Với tinh thần “thần tốc, kiên quyết, dồn mọi nguồn lực để dập các ổ dịch”, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết quan điểm tiếp tục được quán triệt là “chống dịch như chống giặc”. Trong bối cảnh dịch Covid-19 bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ lưu ý vừa chống dịch, vừa phải thực hiện mục tiêu kép.

họp báo chính phủ thường kỳ
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng phát biểu tại họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 7/2020

Thông tin về tình hình kinh tế xã hội, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết, trong tháng 7, kinh tế vĩ mô tiếp tục được giữ ổn định. Chính sách tiền tệ được thực hiện linh hoạt, chủ động. Chỉ số CPI tháng 7/2020 chỉ tăng 0,4% và giảm 0,19% so với tháng 12 năm trước - mức thấp nhất trong giai đoạn 2016-2020. Tuy nhiên, bình quân 7 tháng năm 2020, chỉ số CPI vẫn tăng 4,07% so với cùng kỳ.

Nông nghiệp phát triển ổn định nhưng do nắng nóng kéo dài, sản xuất nông nghiệp và đời sống nhân dân ở một số địa phương cũng bị ảnh hưởng (khoảng 30 nghìn ha lúa và rau màu bị khô hạn). Chăn nuôi gia cầm tiếp tục phát triển khá với tổng đàn gia cầm tăng 5,5%.

Sản xuất công nghiệp tiếp tục phục hồi trong 3 tháng liên tiếp nhưng vẫn gặp khó khăn. Chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 7 chỉ tăng 3,6% so với tháng trước và tăng 1,1% so với cùng kỳ.

Tính chung 7 tháng, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 2,6%, mức tăng thấp nhất trong nhiều năm qua. Dù vậy, vẫn có một số sản phẩm công nghiệp tiếp tục tăng khá so với cùng kỳ năm trước (xăng dầu tăng 18,6%; thép thanh, thép góc tăng 13,8%; tivi tăng 12,5%; linh kiện điện thoại tăng 11,4%; bột ngọt tăng 10,5%, phân urê tăng 9%).

Hoạt động thương mại và dịch vụ tháng 7 tiếp tục xu hướng tăng trở lại nhờ các chính sách kích cầu tiêu dùng và du lịch nội địa. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 7 tăng 3,3% so với tháng trước và tăng 4,3% so với cùng kỳ.

Tuy nhiên, tính chung 7 tháng năm 2020, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng vẫn giảm 0,4%, nếu loại trừ yếu tố giá giảm 4,8% (cùng kỳ năm 2019 tăng 9%).

Hoạt động xuất nhập khẩu tiếp tục chịu ảnh hưởng do dịch Covid-19. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa 7 tháng năm 2020 đạt 285,12 tỷ USD, giảm 1,3% so với cùng kỳ, trong đó xuất khẩu đạt 145,79 tỷ USD, tăng nhẹ 0,2%; nhập khẩu đạt 139,33 tỷ USD, giảm 2,9%.

Cán cân thương mại hàng hóa 7 tháng xuất siêu 6,5 tỷ USD, cao nhất trong 4 năm qua với điểm sáng là khu vực kinh tế trong nước. Chúng ta cũng đã tìm một số thị trường mới, tăng lên về khối lượng. Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam trong 7 tháng với kim ngạch đạt 37,9 tỷ USD, tăng 15% so với cùng kỳ năm trước, tiếp đến là Trung Quốc đạt 23,5 tỷ USD, tăng 18,4%.

Điểm sáng khác là thu hút FDI được cải thiện, 7 tháng đầu năm đạt 18,8 tỷ USD, giảm hơn so với cùng kỳ nhưng tháng 7 đạt 10,1 tỷ USD, cho thấy xu hướng phục hồi và Việt Nam đang tận dụng cơ hội dịch chuyển vốn đầu tư. Giải ngân vốn đầu tư công tháng 7 tăng tích cực nhất, gần 52% so với cùng kỳ năm trước với quyết tâm giải ngân 100% vốn đầu tư công trong năm nay.

Hoạt động đầu tư xây dựng cơ bản trên cả nước cơ bản được triển khai tích cực; nhiều dự án, công trình đang được tập trung đẩy nhanh tiến độ thực hiện. Tốc độ tăng vốn đầu tư thực hiện từ ngân sách nhà nước tháng 7 (tăng 51,8%) và 7 tháng năm 2020 (tăng 27,2%), mức cao nhất trong giai đoạn 2016-2020.

Hoạt động vận tải trong nước sôi động trở lại với mức tăng 7,8% lượng hành khách vận chuyển và tăng 4% lượng hàng hóa vận chuyển so với tháng trước. Tuy nhiên, vận tải ngoài nước của các hãng hàng không tiếp tục gặp nhiều khó khăn do diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 ở các quốc gia trong khu vực và trên thế giới.

“Chúng ta đã đạt nhiều kết quả quan trọng. Trong bối cảnh dịch bệnh nhưng tình hình kinh tế - xã hội 7 tháng đầu năm tiếp tục tháng sau khá hơn tháng trước. Trong khi các nước tăng trưởng âm, Việt Nam dù khó khăn vẫn đạt những chỉ tiêu quan trọng, đó là sự cố gắng của cả hệ thống chính trị”, người phát ngôn Chính phủ nhấn mạnh.

Không lùi bước trước khó khăn

Dù đạt nhiều kết quả, kinh tế vĩ mô ổn định, nhưng người phát ngôn Chính phủ lưu ý thời gian tới vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro, giá thịt lợn vẫn cao, giải ngân vốn ODA còn chậm, các ngành vận tải, hàng không, dịch vụ, du lịch… còn nhiều khó khăn. Số doanh nghiệp giải thể và số lao động mất việc làm dự kiến sẽ cao hơn.

“Trên thế giới, dịch diễn biến khó lường, tiếp tục lây lan với tốc độ cao, kinh tế toàn cầu không mấy khả quan, thậm chí nếu không tốt có thể suy thoái”, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng lưu ý.

Mặc dù vậy, các tổ chức quốc tế vẫn lạc quan về tốc độ tăng trưởng của Việt Nam. Trong đó, Ngân hàng Thế giới cho rằng, kinh tế Việt Nam dù ảnh hưởng nghiêm trọng bởi đại dịch nhưng vẫn là nền kinh tế có sức chịu đựng tốt, sẽ là quốc gia có mức tăng trưởng đứng thứ 5 trên thế giới trong 2020. Năm 2020, Ngân hàng Thế giới dự báo, tăng trưởng của Việt Nam đạt 2,8% và tăng trở lại 6,8% vào 2021.

Tạp chí The Economic cũng nhận định “Việt Nam là nơi trú ẩn ưa thích của nhiều nhà đầu tư trên thế giới, đang trở thành mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng công nghệ cao của toàn cầu”.

“Tình hình trên đòi hỏi chúng ta hết sức tỉnh táo. Thủ tướng yêu cầu phân tích tình hình, có đối sách kịp thời, hiệu quả để không bị động. Quan điểm chỉ đạo của Thủ tướng, Chính phủ là không được lùi bước trước khó khăn, thách thức, phải biến thách thức thành cơ hội, kiên định các giải pháp đề ra”, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nhấn mạnh.