Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng được “thăng chức” thành Phó Chủ tịch UBQG về Chính phủ Điện tử

Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Quyết định 1201 sửa đổi, bổ sung một số điều tại Quyết định số 1072 của Thủ tướng Chính phủ thành lập Ủy ban Quốc gia về Chính phủ điện tử.

Ngày 28/8, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1072 thành lập Ủy ban Quốc gia về Chính phủ điện tử. Theo đó, Thủ tướng Chính phủ làm Chủ tịch Ủy ban; Phó Chủ tịch Ủy ban là Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, trực tiếp chỉ đạo các công việc thường xuyên của Ủy ban. Các ủy viên gồm nhiều bộ trưởng và Chủ tịch một số tập đoàn và công ty trong ngành viễn thông.

Nhưng hơn nửa tháng sau, ngày 16/9, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 1201 sửa đổi, bổ sung một số điều tại Quyết định số 1072. Theo đó, sẽ có 2 Phó Chủ tịch Ủy ban, gồm Phó Chủ tịch thường trực là Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam; và một Phó Chủ tịch nữa là Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng (trong Quyết định 1072 là ủy viên) chịu trách nhiệm trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về xây dựng Chính phủ điện tử.

Bên cạnh đó, Quyết định 1201 cũng sửa đổi, bổ xung một số điều của Quyết định 1072. Cụ thể, Tổ công tác giúp việc Ủy ban trước đây được đặt ở Văn phòng Chính phủ do Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ làm tổ trưởng, nay đặt tại Bộ Thông tin và Truyền thông, do một thứ trưởng của Bộ này làm tổ trưởng.

Việc trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt danh sách thành viên Ủy ban, lãnh đạo tổ công tác; phê duyệt danh sách thành viên tổ công tác cũng được chuyển từ Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ sang Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông. Cơ quan đầu mối giúp Ủy ban điều phối công tác xây dựng, phát triển Chính phủ điện tử cũng chuyển từ Văn phòng Chính phủ sang Bộ Thông tin và Truyền thông.

Ủy ban Quốc gia về Chính phủ điện tử bao gồm:

  1. Chủ tịch Ủy ban: Thủ tướng Chính phủ
  2. Phó Chủ tịch thường trực Ủy ban: Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam
  3. Phó Chủ tịch Ủy ban: Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông

Các Ủy viên gồm: Bộ trưởng Bộ Công an; Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ; Bộ trưởng Bộ Tài chính; Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư; Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo; Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ; Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường; Thứ trưởng Bộ Nội vụ; Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông; Trưởng ban Ban Cơ yếu Chính phủ; Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội; Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam; Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng công ty Bưu điện Việt Nam; Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần FPT.

Chính phủ điện tử
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhiều lần chỉ đạo các bộ ngành, địa phương khẩn trương xây dựng Chính phủ điện tử

 

Tổ công tác giúp việc Ủy ban gồm: Đại diện lãnh đạo cấp Vụ của các Bộ, cơ quan: Công an, Giáo dục và Đào tạo, Kế hoạch và Đầu tư, Khoa học và Công nghệ, Nội vụ, Tài chính, Tài nguyên và Môi trường, Thông tin và Truyền thông, Tư pháp, Ban Cơ yếu Chính phủ, lãnh đạo và chuyên gia Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông quân đội, Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam, Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam, Công ty cổ phần FPT và một số chuyên gia về Chính phủ điện tử, Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số trong nước và quốc tế.

Trong trường hợp cần thiết, Tổ công tác được huy động các chuyên gia tư vấn trong và ngoài nước để thực hiện nhiệm vụ được giao. Bộ Thông tin và Truyền thông làm nhiệm vụ thường trực của Tổ công tác.

Cam Lâm