Bộ trưởng Trần Tuấn Anh trả lời phỏng vấn báo giới chiều tối ngày 12/2
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh trả lời phỏng vấn báo giới chiều tối ngày 12/2

Việt Nam - bài toán thử cho một mô hình mới

Việc phê chuẩn 2 Hiệp định Thương mại tự do và Bảo hộ đầu tư là một kết quả tốt đẹp và có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với Việt Nam và Liên minh châu Âu (EU).

Đối với EU, đây gần như là bước đi cuối cùng cho việc hoàn thành quy trình thủ tục pháp lý, không chỉ cho việc phê chuẩn hiệp định thương mại quan trọng mà EU đã ký với một nước đang phát triển và là số hiếm hoi các nước có hiệp định thương mại tự do thế hệ mới với tiêu chuẩn cao, và cũng là bước đi cuối cùng để kết thúc quá trình đàm phán kéo dài giữa Việt Nam - EU.

Như chúng ta đã biết, tiến trình đi đến ký kết Hiệp định được khởi sự từ năm 2010 và chính thức bắt đầu đàm phán từ năm 2012. Trong thời gian kéo dài gần 8 năm đó, khối lượng công việc, nội dung được đề cập cũng như những vấn đề hai bên và các nhà đàm phán phải xử lý là khổng lồ.

Hiệp định EVFTA gồm những nội dung có yêu cầu cao, khác biệt so với các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới khác như CPTTP nên nó không đơn thuần đòi hỏi sự cắt giảm hàng rào thuế quan, hay tạo thuận lợi cho thương mại tự do, mà những nội dung của Hiệp định còn hàm chứa rất nhiều những hoạt động cải cách của hai bên để tạo môi trường thuận lợi minh bạch, công khai cho sự phát triển thuận lợi của cả nền kinh tế, xã hội chứ không chỉ cho riêng hoạt động kinh tế, thương mại.

Và rõ ràng, đối với các nước trong EU, Việt Nam chính là bài toán thử cho một mô hình mới về Hiệp định thương mại tự do giữa EU - gồm 28 quốc gia ở trình độ phát triển cao hơn nhiều so với một nước đang phát triển, nhưng đang rất nhất quán trong mở cửa, cải cách của mình.

Qua quá trình đàm phán thực hiện các quy trình pháp lý để có kết quả bỏ phiếu thông qua của Nghị viện châu Âu ngày hôm nay, chúng ta có thể thấy rằng, các Chính phủ, các Nghị sỹ đại diện cho tiếng nói nhân dân EU đều rất quan tâm đến không chỉ những lợi ích trong hợp tác với Việt Nam về mặt kinh tế, thương mại mà còn có cả yếu tố quan trọng khác như: môi trường, lao động, cải cách, phát triển bền vững hay năng lực thực thi của Việt Nam trong hàng loạt cam kết rất sâu, rộng, trong đó có những cam kết về cải cách.

Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn gặp Chủ tịch Nghị viện châu Âu David Sassoli
Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn gặp Chủ tịch Nghị viện châu Âu David Sassoli

Chính vì vậy, chúng ta có quyền tự hào trước kết quả của tích cực khi việc Nghị sỹ châu Âu bỏ phiếu, khẳng định Việt Nam thực sự là đối tác đáng tin cậy, có uy tín của một thực thể quan trọng như EU cả bên lập pháp, hành pháp trong mối quan hệ đối tác chiến lược giữa Việt Nam-EU.

Không để ai bị bỏ lại phía sau

Hiện EU đã làm xong những phần việc của mình, riêng Việt Nam còn nhiều việc phải gấp rút thực hiện, triển khai. Trong đó phải chờ thảo luận, phê chuẩn của Quốc hội hội Việt Nam. Hiện hồ sơ của Hiệp định EVFTA đã được chuẩn bị để được trình Quốc hội xem xét, thông qua. Và như vậy, hai bên sẽ có điều kiện thực hiện các phần việc cuối cùng để Hiệp định được thực thi, có hiệu lực dự kiến vào tháng 7 tháng 8/2020.

Có thể nói, chỉ trong thời gian ngắn, cộng đồng doanh nghiệp, người dân, tổ chức của hai bên sẽ được hưởng lợi kịp thời từ hai Hiệp định EVFTA và IPA. Nhưng để làm được những điều đó, sau khi Hiệp định thông qua, chúng ta phải triển khai hàng loạt các vấn đề.

Trước hết phải có chương trình hành động của Chính phủ, thể hiện sự thống nhất triển khai trong toàn hệ thống chính trị, từ các bộ, ngành, địa phương; triển khai nhiệm vụ trước mắt và trong dài hạn.

Đặc biệt, trong điều hành phát triển kinh tế, xã hội, chúng ta không chỉ tập trung tái cơ cấu kinh tế để tiếp tục có năng lực cạnh tranh, giúp doanh nghiệp tham gia thị trường EU mà cần phải xây dựng phát triển thị trường trong nước, đảm bảo, bảo vệ hiệu quả, lợi ích của nền kinh tế, cũng như doanh nghiệp, người dân trong quá trình thực thi cam kết hội nhập. Chương trình hành động của chúng ta cũng sẽ là cơ sở để EU phối hợp, tổ chức, giám sát việc thực thi Hiệp định.

Bài học hội nhập từ nhiều quốc gia cho thấy, nếu không có chính sách, khai thác tối đa nội lực cho doanh nghiệp phát triển thì sẽ thành nạn nhân của mở cửa, trở thành thị trường tiêu thụ hàng hóa nước ngoài. Vì vậy, những cải cách của Chính phủ hướng tới môi trường liêm chính, công khai minh bạch, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp sẽ phải tiếp tục đẩy nhanh, mạnh hơn ở mức độ mới; các chính sách phải đảm bảo sự kịp thời, hiệu quả, phù hợp mục tiêu phát triển và cam kết hội nhập.

Tham gia các FTA đi đôi với đẩy mạnh  phát triển thị trường trong nước
Tham gia các FTA đi đôi với đẩy mạnh phát triển thị trường trong nước

Ngoài ra, việc tham gia các Hiệp định thương mại tự do đã chứng minh hiệu quả khi tạo được năng lực phát triển của nền kinh tế, sự phát triển của đất nước, cải thiện điều kiện sống của người dân. Nhưng cũng cho thấy nếu không có chính sách, những quan điểm toàn diện thì hội nhập sẽ tạo ra hố phát triển không bền vững giữa các khu vực địa lý, kinh tế. Do đó, cần phải bám sát chủ trương của Đảng là không để ai bị bỏ lại phía sau đối với các đối tượng dễ bị tác động, tổn thương trong quá trình hội nhập.

Phổ biến Hiệp định đến doanh nghiệp, người dân

Nhiệm vụ ưu tiên cao nhất thời gian tới là phải phổ biến kiến thức pháp luật, cung cấp thông tin về Hiệp định, về chương trình hành động, về các nội dung cam kết cụ thể liên quan tới từng ngành, hiệp hội ngành hàng, từng hệ thống tổ chức, tới không chỉ các Bộ, ngành, đặc biệt là doanh nghiệp, người dân.

Vì vậy, khối công việc mà Chính phủ, Bộ Công Thương phải thực hiện là rất nặng nề, cần quyết liệt triển khai ngay. Như đã nói ở trên, khi Hiệp định có hiệu lực vào tháng 7 đã có hiệu lực thì có nghĩa là cả rà soát pháp luật, điều chỉnh khung khổ luật pháp cũng như việc tổ chức thực hiện công tác khai phá phát triển thị trường trên cơ sở khai thác những điều kiện thuận lợi của Hiệp định các hiệp định này là cần triển khai ngay.

Năm 2020 Việt Nam đặt mục tiêu xuất khẩu đạt 300 tỷ USD nhưng ngay từ đầu năm chúng ta đã phải đối mặt thử thách lớn từ dịch bệnh Covid-19 hiện giao thương với đối tác lớn là Trung Quốc đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng, nếu kéo dài sẽ ảnh hưởng đến mục tiêu tăng trưởng.

Do đó, sự kiện này chứng minh tính đúng đắn của chủ trương đa phương hóa, đa dạng hóa về quan hệ chính trị cũng như kinh tế, thương mại; đồng thời đây là biện pháp giúp chúng ta vượt qua khó khăn hiện nay về thị trường tiêu thụ hàng hóa, nhất là nông sản, thủy sản vốn phụ thuộc các thị trường trong khu vực.

Hình thành chuỗi cung ứng mới

Năm 2020 đang có những diễn biến khó dự đoán của môi trường toàn cầu trong cả kinh tế, thương mại, hay xu thế chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch, của phân lập, đơn phương đang gây khó khăn, cản trở toàn cầu hóa cũng như hội nhập của các quốc gia, nhất là các nước đang phát triể.

Trước bối cảnh này, Nghị viện châu Âu đã phê chuẩn và sắp tới Quốc hội Việt Nam phê chuẩn EVFTA - nghĩa là chúng ta đã có công cụ, cơ sở quan trọng để thâm nhập vào thị trường 18 nghìn tỷ USD. Đồng thời, chúng ta cũng có công cụ hình thành, xây dựng chuỗi giá trị mới với sự tham gia của các doanh nghiệp, tổ chức thương mại, đối tác hai bên trên cơ sở kết hợp của thị trường thương mại, thị trường vốn, công nghệ với năng lực lao động và nguồn lực nội tại của Việt Nam.

Như tính toán của các nhà nghiên cứu, EVFTA ngay lập tức sẽ mang lại lợi ích rất lớn cho kinh tế Việt Nam, cho năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, cho doanh nghiệp, sản phẩm của Việt Nam. Dự tính, mức đóng góp vào tăng trưởng GDP là hơn 2,2% vào những năm đầu tiên, nhưng có thể tăng lên rất cao vào năm 2030, 2035 khoảng 4-5%...

Hiện EU là thị trường lớn, nhưng thị phần của Việt Nam tại EU chưa đang kể, trong khi các ngành hàng của Việt Nam như: Dệt may, da giày, nông sản, thủy sản, đồ gỗ… đều có cơ hội phát triển, chiếm lĩnh thị trường tại EU.

Và chắc chắn, việc Hiệp định EVFTA được phê chuẩn chúng ta sẽ có đối tác toàn diện, trong đó với công nghệ, vốn đầu tư của EU sẽ giúp ích cho Việt Nam hình thành chuỗi cung ứng mới tại EU và toàn cầu, thông qua đó năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, khu vực kinh tế tư nhân, các ngành công nghiệp sẽ có điều kiện cải thiện rất mạnh mẽ.

Xuất khẩu cá tra sang EU
Xuất khẩu cá tra sang EU

Quy mô xuất khẩu Việt Nam sang EU rất nhanh với 41,5 tỷ USD năm 2019, nhập khẩu 14,91 tỷ USD nhưng quy mô, dư địa phía trước vẫn rất lớn, với ưu đãi thuế quan 0% cho gần 100% hàng hóa, hàng rào kỹ thuật thông thoáng… sẽ đảm bảo cho các ngành hàng tiếp cận toàn diện thị trường EU.

Hiện chúng ta đang đứng trước áp lực lớn là trong bối cảnh thế giới toàn cầu hóa, chủ nghĩa bảo hộ đang phát triển, các nhân tố bất ổn của kinh tế thế giới bắt buộc chúng ta phải khai thác hiệu quả bằng biện pháp, hành động kịp thời để đảm bảo lợi ích quốc gia. Do đó, các bộ ngành phải phát huy trách nhiệm, tiếp tục tái cơ cấu, tổ chức lại bộ máy, hệ thống để đảm bảo lợi ích của các đối tác chịu ảnh hưởng của hội nhập.